Trung Quốc và Mông Cổ hôm 27/7 tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao tại thành phố Thiên Tân, theo lời mời của Bắc Kinh. Cuộc gặp diễn ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, sau chuyến thăm Mông Cổ của bà.
Sau cuộc hội đàm, Bộ Ngoại giao Mông Cổ cho biết Trung Quốc cam kết đầu tư vào các dự án lớn thuộc lĩnh vực khai khoáng, năng lượng, nông nghiệp, hạ tầng và bảo vệ môi trường, với mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD. Hai nước cũng sẽ hợp tác trong kiểm soát đại dịch Covid-19 và an ninh khu vực.
"Mông Cổ hoàn toàn hiểu rõ các mối quan ngại lớn của Trung Quốc trong những vấn đề nhạy cảm. Mông Cổ sẽ tiếp tục chính sách thân thiện với Trung Quốc và không tham gia vào bất cứ cơ chế nào nhắm vào một nước cụ thể", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Phía Trung Quốc khẳng định Mông Cổ không ủng hộ chính trị hóa tiến trình điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, không để các vấn đề liên quan đến Tây Tạng làm ảnh hưởng quan hệ song phương và ủng hộ Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022.
Một ngày trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman tới Ulanbator, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh. Ông Tập cho biết hai nước chia sẻ ngày càng nhiều lợi ích chung và kêu gọi tăng cường quan hệ Trung Quốc - Mông Cổ trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ lẫn nhau, đồng thời cam kết Trung Quốc sẽ mua nhiều hàng hóa Mông Cổ hơn.
Sau chuyến thăm của bà Sherman, Mông Cổ gọi Mỹ là "láng giềng thứ ba" và "đối tác chiến lược", cam kết tăng cường "mối quan hệ hữu nghị".
Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tới Ulanbator gặp người đồng cấp Mông Cổ Gursediin Saikhanbayar và cam kết hợp tác về an ninh khu vực.
Một tài liệu của cựu cố vấn an ninh Mỹ Robert O’Brien, được công bố năm nay, nhận định Mông Cổ có ý nghĩa chiến lược với Mỹ trong phát triển khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ muốn Mông Cổ thể hiện "thành công của mình và lợi ích có được nhờ duy trì các giá trị dân chủ", tài liệu này cho biết.
Tuy nhiên, Qi Huaigao, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phục Đán, nhận định khi Mông Cổ tích cực xây dựng mối quan hệ với "láng giềng thứ ba", nước này rất thận trọng và "không chọn phe nào giữa Trung Quốc, Mỹ hay Nga".
"Ngoài việc xây dựng quan hệ với hai nước láng giềng gần gũi là Trung Quốc và Nga, Mông Cổ đang thúc đẩy chính sách láng giềng thứ ba nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) nhằm mở rộng không gian quốc tế của mình", Qi nói. "Mông Cổ có thể là một nước nhỏ, song có tham vọng ngoại giao lớn".