Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

Cầu cho Liêm luôn được che chở bằng tình yêu thương bao la của Trời Phật

 Một thời gian dài tìm Liêm mà vô vọng. Đấy là khoảng những ngày từ 2015 đến 2019, khi chúng tôi công tác tại KCN Phố Nối A, Hưng Yên. Nhân những chuyến đi thăm, chăm sóc khách hàng, chúng tôi đều hỏi thăm tin tức các chiến hữu rải rác hai miền Nam Bắc. Nhiều cuộc hội ngộ, những phút hàn huyên. Tân hôn bất như cửu biệt. Ở đâu cũng tay bắt, mặt mừng. Vui vì các anh, chị, em đều bình an, hạnh phúc, cuộc sống sung túc.


Thế nhưng vẫn có những cảm xúc lắng đọng. Nhiều chiến hữu đã ra đi mãi mãi. Chu Phương Điệp, Hoàng Thế Luyện, Đào Văn Khanh, Nguyễn Văn Ấn, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Diệp Hồng Hạnh, Hà Đức Tính, Lê Long Biên, Trần Đình Dương, Hoàng Minh Hùng, Trần Huy Thái, Nguyễn Văn Hiển, Trịnh Xuân Lành...
Nhưng Phạm Xuân Liêm là một trường hợp đặc biệt.
Liêm sinh năm 1956, tuổi Thân, sớm mồ côi cha (lúc 2 tuổi). Liêm lên bốn, thì mẹ đi bước nữa, để con ở với bà nội. Cuộc sống rất khó khăn. Nghe kể lại, ngày cuối tuần, bà nội dùng rổ xúc ốc bám chân bèo, luộc làm thức ăn cho cháu. Bà chỉ húp nước, còn ruột ốc dành cho cháu ăn có sức học tập. Bà bán mía, giữ lại hom làm giống. Trước khi trồng, bà cắt một đoạn phía gốc của hom phần cháu.
Ơn trời, dù hoàn cảnh, nhưng Liêm học giỏi, nhất là môn toán. Năm 1975 thi vào Đại học Y, Liêm đỗ thủ khoa tỉnh Nam Hà (cũ) với 29 điểm, được nhà nước cử đi học 1 năm tiếng Nga ở Khoa Lưu học sinh, Đại học Ngoại ngữ, Thanh Xuân, Hà Nội. Cùng năm ấy, bà nội ốm nặng rồi mất, tạo thêm cú shock. Năm 1976, Liêm sang Mông Cổ học ngành chăn nuôi.
Sóng gió cuộc đời liên tiếp giáng vào tuổi thơ hết đợt này đến đợt khác khiến Liêm thành người trầm tĩnh, ít giao tiếp. Ngoài học, anh chỉ dành thời gian cho cờ tướng, cờ vua là môn trí óc. Môn thể thao thể chất duy nhất của Liêm là bóng bàn. Anh ít tham gia các hoạt động khác, như dạ hội, hát hò, xem phim rạp, bắt cá sông, săn chim thú, các môn vận động khác.
Rồi áp lực học. Năm thứ nhất ở Đại học Nông nghiệp là vật vã. Ngoại ngữ. Các môn xã hội. Điều kiện ký túc xá khó khăn, thiếu thốn. Kỷ luật sinh viên do Sứ quán quy định, giám sát rất nghiêm. Có lẽ vậy, Liêm dễ trở bệnh nặng. Những ngày trước khi quay về Việt Nam (1979), Liêm nói nhiều, lý sự nhiều. Mọi người thương nhưng không sao giúp được.
Trở về quê sống với bệnh tật, nhưng Liêm luôn được làng quê, chòm xóm yêu thương, giúp đỡ. Người ta nhớ một học sinh giỏi quê nhà. Người ta tiếc cho một tài năng sớm lụi tắt.
Anh Phạm Quốc Hưng, là em họ anh Liêm cho biết, những năm 1982-1986 tuy bệnh tật, trí nhớ Liêm vẫn tốt. Các cháu trong làng bí toán đều đến nhờ Liêm giảng giải. Kiến thức vẫn nguyên. Liêm đã là thần tượng về vượt khó, học giỏi của làng Nhì Giáp từ bao giờ rồi. Và ngay cả bây giờ, khi thần tượng ấy đã bạc mệnh, mỏng số, thì người làng vẫn luôn thương quý, không quay lưng, sẵn sằng chìa bàn tay thân hữu.
Tôi vào FB làng Nhì Giáp. Toàn những tấm lòng nhân ái đối với Liêm. "Ngày nào chú cũng sang nhà ông nội tôi hút thuốc, uống trà, rồi về". "Hồi nhỏ rất ngưỡng mộ anh Liêm học giỏi ! Giờ càng thương anh ! Làng mình ai cũng thương quý anh Liêm". Cũng nhiều ái ngại: "Thật thương cho số phận anh Liêm người có tài năng, mang bao hoài bão, ước mơ, nhưng số phận lại không mỉm cười với anh".
Vâng, thương cho số kiếp con người, trời sao nỡ bắt phận đời trái ngang.
Cuộc đời con người là phù du, sống chết vô thường, chỉ có tình yêu thương, tình người là còn mãi với thời gian.
TS Nguyễn Quế Côi nói ý rằng, chỉ có đánh thức con người quên lãng bằng cách khơi dậy liên tục và thường xuyên trong họ những tình thương và kỷ niệm xưa cũ mới có thể đưa họ về với thực tại bình thường. Nhưng ai người đánh thức, ai người khơi dậy?
Cầu cho Liêm luôn được che chở bằng tình yêu thương bao la của Trời Phật.
P/S: 1) trong ảnh, Phạm Xuân Liêm đứng thứ 3 từ trái qua. Ảnh chụp mùa Đông năm 1977.
2) Hội viên muốn thăm bạn cũ, đến cổng Khu công nghiệp Bảo Minh ở Vụ Bản, Nam Định, qua đường tàu hỏa hỏi nhà anh Phạm Quốc Hưng có chú Liêm bị tâm thần là ai cũng biết.

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)