Motthoimongolia: Bài viết dưới đây là của Hồng Nga, phóng viên BBC. Xin giới thiệu để các bạn tham khảo
Giống như Việt Nam, Mông Cổ hiện đang đứng trước bài toán phát triển kinh tế sau một thời gian chuyển sang kinh tế thị trường.
Tại Diễn đàn Đầu tư vào ngành khai thác khoáng sản Mông Cổ 2010 tổ chức tuần vừa rồi ở thủ đô Ulaan Baatar, không khí như sôi lên với sự phấn khích của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các công ty thăm dò, khai thác, cung cấp thiết bị và tư vấn quốc tế đang đua nhau chen chân vào thị trường được cho là hấp dẫn bậc nhất thế giới này.
Câu chuyện khai thác mỏ trong công chúng Mông Cổ cũng sôi nổi không kém. Đi đâu cũng nghe người dân nói về sự giàu có đang nằm dưới lòng đất, chỉ chờ được đào lên, về triển vọng khởi sắc của nền kinh tế, rằng Mông Cổ sẽ trở nên quốc gia “thuộc loại giàu nhất Á châu”.
Sau bao nhiêu năm kiệt quệ dưới chế độ kinh tế tập trung kiểu Xô viết, với phần đông dân cư sống dưới ngưỡng nghèo khổ, những năm gần đây, người Mông Cổ bắt đầu cho mình được quyền hy vọng vào một tương lai khá giả.
Ông Dashdorj Zorigt, Bộ trưởng Bộ Khoáng sản và Năng lượng của Mông Cổ nói chính phủ nước này vừa thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có mục tiêu nâng bình quân thu nhập tính theo đầu người lên 15.000 đôla Mỹ/năm trước năm 2015.
"Tất nhiên, đó là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng theo tôi, không phải là không đạt được. Mới 10 năm trước thôi, thu nhập bình quân ở Mông Cổ là chưa đầy 300 đôla/năm. Hiện nay đã là gần 3.000."
Năm 2008, GDP của toàn nước Mông Cổ là 5,3 tỷ đôla. Chính phủ nước này hy vọng trong 10 năm tới , con số này sẽ tăng gấp ba lần.
Tất cả là nhờ khai thác tài nguyên khoáng sản.
Trữ lượng dồi dào
Từ khi tập đoàn Ivanhoe Mines của Canada tìm thấy mỏ đồng và vàng ở miền nam sa mạc Gobi năm 2001 tới nay, người ta đã ước tính rằng trữ lượng đồng đỏ ở đây lớn nhất thế giới, trị giá tới hơn 5 tỷ đôla.
Ivanhoe Mines cùng công ty Rio Tinto của Anh-Úc và Chính phủ Mông Cổ cuối năm ngoái đã ký hợp đồng liên doanh khai thác khoáng sản hiệu lực 30 năm. 30 năm sau đó, Mông Cổ có thể tự mình khai thác khu mỏ Oyu Tolgoi này.
Ngoài đồng đỏ, Mông Cổ còn có nhiều vàng, sắt, đá quý và than đá.
Ngành khai thác mỏ nay mang lại trên 22% thu nhập quốc gia và chiếm tới 85% tổng xuất khẩu của Mông Cổ. Tỷ lệ này được trông đợi sẽ còn tăng nhanh.
Hiện diện của sự giàu có mới mà tài nguyên khoáng sản mang lại càng ngày càng nhãn tiền nhất là ở thủ đô.
Các tòa nhà cao tầng mọc lên với tốc độ chóng mặt, cửa hàng bán đồ nhập khẩu đắt tiền, xe hơi sang trọng, thanh niên ăn mặc hợp thời trang chẳng kém ở Seoul hay Tokyo.
Thế nhưng đa số dân Mông Cổ vẫn còn sống trong tình trạng bần hàn, và các nhà xã hội học cảnh báo nếu như chính phủ không sáng suốt trong quản lý tài nguyên khoáng sản, thì người dân vẫn không được hưởng lợi từ sự giàu có của đất nước mình.
Giáo sư Orolmaa Munkhbat, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội, Đại học Quốc gia Mông Cổ, nói: "Nếu không cẩn thận và quyết định sao cho đúng đắn, thì Mông Cổ vẫn là nước nghèo trên thế giới".
"Hãy nhìn sang châu Phi, nhiều quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản như vậy, mà họ vẫn là nước nghèo."
Quyền của người bản địa
Bộ trưởng Zorigt khẳng định chính phủ Mông Cổ sẽ tập trung thu nhập từ khai thác khoáng sản vào các lĩnh vực ưu tiên như giáo dục, y tế và nhà ở cho người dân.
"Chúng tôi rất muốn phát triển lực lượng lao động có tay nghề, và hy vọng trong những năm sắp tới, với sự phát triển của ngành khai thác mỏ, công nhân Mông Cổ sẽ có tay nghề cao hơn, có thể tự mình làm được các công việc mà nay phải đi thuê người nước ngoài."
Hiện con số người lao động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại Mông Cổ là khoảng 70.000 người, và cũng giống Việt Nam, Mông Cổ đang đối diện nguy cơ công nhân nước ngoài đổ vào trong nước nếu không có kiểm soát chặt chẽ.
Một số công ty nước ngoài cũng khai thác khoáng sản một cách mà các nhà hoạt động môi trường gọi là “thiếu trách nhiệm với môi trường”.
Nhà hoạt động xã hội Undram Chimed nói nhà chức trách cần siết chặt kiểm soát và giáo dục về tư duy khai thác khoáng sản một cách có trách nhiệm.
Theo bà, nhiều công ty như của Trung Quốc, không chú ý tới việc bảo vệ môi trường và sử dụng nhiều hóa chất bị cấm. Kiểm soát quá lỏng lẻo dẫn tới sự bất bình của người dân địa phương và trên thực tế, công nhân Trung Quốc đã nhiều lần đụng độ với người bản địa.
Các chuyên gia nói khía cạnh dân tộc chủ nghĩa cũng phải được tính tới trong quá trình hoạch định chính sách.
Càng ý thức được về nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước mình, người dân càng đòi hỏi sự quản lý hiệu quả từ phía chính phủ, như ý kiến của người thanh niên này:
"Tôi không thích việc người nước ngoài đổ xô vào khai thác tài nguyên khoáng sản ở đất nước chúng tôi mà không có sự quản lý chặt chẽ. Hy vọng giới trẻ chúng tôi sau này sẽ có vị trí và tiếng nói để thay đổi những chính sách không có lợi cho người dân”
Hồng Nga viết từ Ulan Bator
"Chúng tôi rất muốn phát triển lực lượng lao động có tay nghề, và hy vọng trong những năm sắp tới, với sự phát triển của ngành khai thác mỏ, công nhân Mông Cổ sẽ có tay nghề cao hơn, có thể tự mình làm được các công việc mà nay phải đi thuê người nước ngoài."
Hiện con số người lao động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại Mông Cổ là khoảng 70.000 người, và cũng giống Việt Nam, Mông Cổ đang đối diện nguy cơ công nhân nước ngoài đổ vào trong nước nếu không có kiểm soát chặt chẽ.
Một số công ty nước ngoài cũng khai thác khoáng sản một cách mà các nhà hoạt động môi trường gọi là “thiếu trách nhiệm với môi trường”.
Nhà hoạt động xã hội Undram Chimed nói nhà chức trách cần siết chặt kiểm soát và giáo dục về tư duy khai thác khoáng sản một cách có trách nhiệm.
Theo bà, nhiều công ty như của Trung Quốc, không chú ý tới việc bảo vệ môi trường và sử dụng nhiều hóa chất bị cấm. Kiểm soát quá lỏng lẻo dẫn tới sự bất bình của người dân địa phương và trên thực tế, công nhân Trung Quốc đã nhiều lần đụng độ với người bản địa.
Các chuyên gia nói khía cạnh dân tộc chủ nghĩa cũng phải được tính tới trong quá trình hoạch định chính sách.
Càng ý thức được về nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước mình, người dân càng đòi hỏi sự quản lý hiệu quả từ phía chính phủ, như ý kiến của người thanh niên này:
"Tôi không thích việc người nước ngoài đổ xô vào khai thác tài nguyên khoáng sản ở đất nước chúng tôi mà không có sự quản lý chặt chẽ. Hy vọng giới trẻ chúng tôi sau này sẽ có vị trí và tiếng nói để thay đổi những chính sách không có lợi cho người dân”
Hồng Nga viết từ Ulan Bator
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét