Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

Người hàng xóm thứ ba

.

Motthoimongolia: Hồng Nga, phóng viên của BBCNews có bài về Mông Cổ. Xin giới thiệu cùng các bạn

Người Việt Nam có câu: "Bán anh em xa mua láng giềng gần", chứng tỏ sự đề cao quan hệ hàng xóm láng giềng gần cận.


Thế nhưng, tôi đã chứng kiến trong chuyến đi công tác tại Mông Cổ vừa rồi, là nhiều khi người ta lại hướng tới kiếm tìm một hàng xóm xa tít tắp.


Mông Cổ chỉ có hai nước láng giềng là Nga và Trung Quốc.

Và cho tới tận bây giờ là tháng 9/2010, sự hiện diện của hai "ông anh lớn", nhất là của Nga, ở đây vẫn còn rất rõ, cho dù tên nước Mông Cổ từ nhiều năm nay đã không còn cụm từ 'Cộng hòa Nhân dân' phía trước.

Đường phố thủ đô Ulaan Baatar vẫn hai bên là nhà cửa kiểu Liên Xô cũ. Các cửa hàng bán đồ Nga từ bơ, đường, kẹo, sữa... trở đi.

Nội địa sản xuất chỉ thấy có mấy thứ đồ dệt len và... hộp nhựa sử dụng một lần để đựng thức ăn  với dòng chữ to tổ chảng chễm chệ chính giữa 'Made in Mongolia'.

Đó là những biểu hiện bên ngoài dễ nhìn thấy, chứ còn nói đến nội trạng của nền kinh tế, thì ảnh hưởng của Trung Quốc thực sự là to lớn.

Trung Quốc, mà nói đúng hơn là nhu cầu năng lượng và nguyên liệu của quốc gia khổng lồ này, là một trong những động lực gây thay đổi mạnh mẽ trong nền kinh tế Mông Cổ.

Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất của Mông Cổ suốt từ năm 1999 tới nay, và đầu tư từ Trung Quốc chiếm tới một nửa lượng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Mông Cổ.


Tuy nhiên ảnh hưởng lớn không có nghĩa là lòng tin cũng sẽ tăng.

Không tin tưởng

Một cuộc khảo sát do Trường đại học Quốc gia Mông Cổ thực hiện vài năm trước cho thấy cả Nga và Trung Quốc đều không đứng thứ hạng cao trong bảng thăm dò lòng tin của người dân Mông Cổ đối với các nước ngoài.


Nga đứng thứ tư, còn Trung Quốc đứng thứ sáu.

Quý vị hãy thử đoán xem, đầu bảng là nước nào?

Hoa Kỳ - một quốc gia xa tít tắp, mà tới cách đây 20 năm không có mối dây quan hệ nào với Mông Cổ, hóa ra lại là nước được người dân Mông Cổ cho là đáng tin cậy nhất.

Sau Hoa Kỳ là Nhật Bản, một quốc gia cũng cách núi cách sông.

Giáo sư Munkhbat, một trong những người đồng chủ trì cuộc khảo sát nói: "Quan hệ giữa Mông Cổ với Nga và nhất là với Trung Quốc về mặt lịch sử vô cùng phức tạp".

"Các thời kỳ Mông Cổ mất độc lập là đều liên quan tới hai nước lớn láng giềng này cả."

Các triều đại Trung Hoa nhiều lần đánh chiếm đất Mông Cổ đã đành, nước này còn từng nằm dưới ách đô hộ của triều Mãn Thanh hai trăm năm và mãi tới tận năm 1921 mới thực sự được độc lập khỏi Trung Quốc.  

Hiện tượng bài Hoa ở Mông Cổ hiện nay là thực tế mà nhà cầm quyền không thể làm ngơ.

Với nước Nga, từ năm 1924 cho tới khi trở thành quốc gia dân chủ, Mông Cổ là nước chư hầu, với toàn bộ nền kinh tế và hệ thống xã hội phụ thuộc vào Moscow.

Mãi tận năm 1945 Mông Cổ mới chính thức được quốc tế công nhận là quốc gia độc lập có chủ quyền.

Ông Mukhbat giải thích: "Vì Mông Cổ chỉ có hai người hàng xóm, nên dân chúng tôi lúc nào cũng mong mỏi có một người hàng xóm thứ ba."

"Đối với chúng tôi, người hàng xóm này quan trọng cho sự độc lập của đất nước."

Nga và Trung Quốc lúc này đều đang nỗ lực tăng ảnh hưởng vào Mông Cổ, và không chỉ về kinh tế.




Tâm lý dựa dẫm, dù là vào quốc gia nào đi chăng nữa, cũng chỉ là tàn dư của đầu óc nô lệ. Dựa vào Nga, rồi dựa vào Trung Quốc, nay lại mong dựa vào Mỹ, rốt cuộc thì sẽ bị thôn tính mà thôi.
Than ôi, thời hoàng kim đế chế Mông Cổ còn đâu?





Các khoản viện trợ quân sự từ Moscow và Bắc Kinh đang rót ngày càng nhiều vào núi đồi thảo nguyên của xứ sở quê hương Thành Cát Tư Hãn, mỗi năm nhiều triệu đôla.

Thế nhưng, dường như người dân Mông Cổ cho rằng, để bảo đảm độc lập tự chủ của nước họ, một người hàng xóm nữa, dù xa xôi đến mấy, cũng vẫn là cần thiết.





Hồng Nga

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)