Đây được coi là một nghề truyền thống của các bộ lạc miền Tây Mông Cổ: nghề săn đại bàng. Tuy nhiên cho đến ngày nay, do chịu tác động lớn của quá trình toàn cầu hóa, nghề truyền thống này đã dần mai một, song săn đại bàng vẫn được coi là nghề dành cho những người dũng cảm trong bộ tộc Kazakh và được gìn giữ theo kiểu cha truyền con nối.
Để phục vụ cho công việc săn kiếm thức ăn của mình, người Kazakh bắt và huấn luyện đại bàng, loại chim mạnh mẽ xuất hiện nhiều ở Trung Á. Đại bàng lớn nặng tới 6,5kg, sải cánh rộng hơn 2 mét. Các móng vuốt trên chân của đại bàng cong và sắc nhọn. Bộ móng vuốt sắc bén này chính là vũ khí lợi hại của chúng trong việc tấn công và bắt giữ con mồi. Chính đặc điểm này khiến đại bàng được gọi bằng một cái tên mà ý nghĩa của nó xuất phát từ một từ Latinh đó là “rapere”, có nghĩa là kẹp chặt hay túm lấy.
Đại bàng là “loài chim săn mồi”. Không giống như các loài chim khác thường ăn hạt, côn trùng, các loại quả… và bay được khoảng cách ngắn, đại bàng săn mồi có thể bay rất xa để tìm con mồi. Chúng có thể dễ dàng vượt gió với tốc độ 20 dặm/giờ mà không tốn nhiều sức lực.
Tầm nhìn của đại bàng cũng là một điểm đặc biệt đáng chú ý, tầm nhìn của nó gấp 8 lần tầm nhìn của con người. Chúng có thể phát hiện ra con mồi như cáo hoặc thỏ khi ở cách xa hàng dặm. Thông thường, người Kazakh thường nuôi đại bàng mái, vì con mái nặng hơn con trống và săn dẻo dai, khéo léo hơn. Một con đại bàng có thể sống tới 50 tuổi, nhưng hầu hết chúng thường được giữ săn bắn trong 10 năm, sau đó chúng được thả về với tự nhiên hoang dã.
Người Kazakh rất coi trọng việc đối xử với đại bàng, họ đối xử với chúng rất nhẹ nhàng, cẩn thận, bởi ở nơi này, chúng là “chiến binh” quan trọng giúp họ có thức ăn và áo ấm làm từ lông thú để mặc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét