Motthoimongolia: Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Phan Đăng Đương trả
lời phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Toàn văn như sau.
PV: Thưa Đại sứ, năm nay là năm kỷ niệm 60 năm thiết lập quan
ngoại giao giữa Việt Nam-Mông Cổ. Xin ông cho biết đã có những bước phát triển
mới nào trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Mông Cổ hiện nay?
Đại sứ Phan Đăng Đương: Việt Nam và Mông Cổ chính thức thiết lập quan
hệ ngoại giao vào ngày 17/11/1954. Có thể nói rằng, trong 60 năm qua, mối quan
hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã có bước phát triển rất tốt đẹp.
Giai đoạn từ 1954-1990 là giai đoạn quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo. Hai bên đã duy trì đều đặn các chuyến thăm cấp cao và các cấp, trong đó nổi bật nhất là các chuyến thăm hữu nghị chính thức Mông Cổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (9/1955), Thủ tướng Phạm Văn Đồng (6/1961), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trường Chinh (7/1984) và các chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Bí thư thứ nhất Đảng NDCM Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cedenbal (9/1959), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng J.Batmonkho (12/1979).
Trong
giai đoạn này, hai bên đã 2 lần ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (1961, 1979);
Chính phủ và nhân dân Mông Cổ đã dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ giúp đỡ
chí tình cả về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do
của nhân dân Việt Nam.
Trong
giai đoạn từ 1990-1994, tình hình khu vực và thế giới thay đối đã ảnh hưởng đến
quan hệ hai nước. Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn dẫn đến quan hệ hai
nước bị gián đoạn.
Từ
năm 1994 đến nay, sau giai đoạn khủng hoảng chính trị chung trong khu vực
(1990-1994), quan hệ hai nước Việt Nam-Mông Cổ bắt đầu được phục hồi từ năm
1994. Tổng thống Mông Cổ P. Ochirbat đã thăm chính thức Việt Nam tháng 3/1994,
hai bên ký Tuyên bố chung, nêu những nguyên tắc cơ bản cho quan hệ hai nước phù
hợp với tình hình mới. Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Mông Cổ tháng
4/2000 của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương, hai bên đã ký Hiệp ước Hữu
nghị và hợp tác lần thứ 3, đưa quan hệ hai nước lên một tầng nấc mới.
Gần
đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2013 của Tổng thống Mông Cổ Ts.
Elbegdorj, lãnh đạo hai nước đã khẳng định coi trọng và mong muốn tiếp tục tăng
cường và củng cố quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích của
nhân dân mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu
vực và trên thế giới.
PV: Thưa Đại sứ, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam-Mông Cổ theo như
đánh giá thì phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Vậy, những vướng
mắc nào cần được tháo gỡ?
Đại sứ Phan Đăng Đương: Trong thời gian qua, mặc dù có nhiều cố gắng,
nhưng quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam-Mông Cổ vẫn ở mức rất
khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai
nước. Kim ngạch thương mại giữa hai nước hiện chỉ đạt khoảng 16-18 triệu
USD/năm.
Tuy
nhiên, Mông Cổ là thị trường nhỏ (3 triệu dân), giao thông vận tải khó khăn,
chi phí vận tải lớn, doanh nghiệp hai nước còn thiếu thông tin về nhau, chưa có
Hiệp định kiểm dịch động thực vật giữa hai nước ... là những nguyên nhân chính
cản trở quan hệ kinh tế-thương mại Việt Nam-Mông Cổ.
Để
khắc phục và tháo gỡ những khó khăn trên, mở đường cho quan hệ kinh tế-thương
mại phát triển, theo tôi, cần tập trung vào thúc đẩy một số lĩnh vực.
Trước
hết, hai bên cần kêu gọi các doanh nghiệp hai nước tích cực tìm hiểu thị trường
của nhau thông qua việc trao đổi đoàn doanh nghiệp, tổ chức hội thảo, triển lãm
thương mại, đầu tư... Hai bên cần đẩy nhanh việc ký Hiệp định kiểm dịch động
thực vật, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho việc trao đổi hàng nông sản, thực
phẩm giữa hai nước
Tiếp
đó, để tháo gỡ khó khăn về giao thông-vận tải, bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy
ký các thỏa thuận hợp tác đường sắt 3 bên Việt Nam-Trung Quốc-Mông Cổ, ta cần
tính đến việc xem xét khả năng mở đường bay thẳng Ulaanbaatar-Hà Nội hoặc
Ulaanbaatar-TP. Hồ Chí Minh. Nếu điều này được thực hiện, hợp tác kinh tế,
thương mại, du lịch chắc chắn sẽ có bước đột phá mới trong quan hệ hai nước.
Cuối
cùng, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và công dân hai nước đi lại
thăm viếng lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hợp kinh tế, thương mại, tác du lịch phát
triển, ta nên tính đến việc ký Hiệp định miễn thị thực cho công dân hai
nước.
PV: Việt Nam và Mông Cổ cần đẩy mạnh hợp tác ở những lĩnh vực cụ
thể nào, theo quan điểm của ông?
Đại sứ Phan Đăng Đương: Tiềm năng hợp tác giữa hai nước rất lớn. Việt
Nam có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản (gạo, cà phê, các loại hoa quả
tươi), thủy sản và hàng may mặc... Với dân số 90 triệu dân và nhu cầu khám phá
vẻ đẹp tự nhiên của thảo nguyên Mông Cổ, Việt Nam là thị trường du lịch tiềm
năng của Mông Cổ. Ngược lại, do mùa đông lạnh lẽo và không có biển, người Mông
Cổ cũng rất muốn sang du lịch Việt Nam để hưởng khí hậu ấp áp của biển. Mông Cổ
có nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng như thịt đông lạnh, sản phẩm lông da, than
cốc...
Trên
cơ sở của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa hai nước đã
được thử thách trong 60 năm qua và tiềm năng hợp tác phong phú giữa hai nước,
ta nên thúc đẩy hợp tác với Mông Cổ trên các lĩnh vực sau.
Thứ
nhất, về chính trị, hai bên cần tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các
cấp để tăng cường sự tin cậy chính trị, chia sẻ kinh nghiệm; phối hợp chặt chẽ
và tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, vì lợi ích
của nhân dân hai nước.
Thứ
hai, về kinh tế-thương mại, cần thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, cụ
thể là lĩnh vực hợp tác sản xuất thuốc thú y. Hiện nay, Mông Cổ có đàn gia súc
60 triệu con, nhu cầu về thuốc thú y, vaccine là rất lớn, do vậy ta nên đầu tư
khai thác thị trường 60 triệu gia súc này (được biết người Mông Cổ có tâm lý
tin tưởng và ưu thích sử dụng thuốc của ta hơn của nước khác).
Bên
cạnh đó, chúng ta cũng có thể thúc đẩy các thỏa thuận đã ký trước đây về hợp
tác trong lĩnh vực tiêu thụ hàng nông sản, thực phẩm của nhau. Ngoài việc trao
đổi các mặt hàng truyền thống hiện nay, ta cần tính tới việc thúc đẩy hợp tác
với Mông Cổ trên lĩnh vực khai khoáng (một lĩnh vực đang phát triển mạnh nhất
hiện nay tại Mông Cổ, chiếm tới 90% nguồn thu từ xuất khẩu).
Thứ
ba, ta có thể thúc đẩy hợp tác với Mông Cổ trong các lĩnh vực du lịch, lao
động, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật để khai thác lợi thế và tiềm năng
giữa hai nước.
Cụ
thể, trong việc hợp tác về lao động, với đặc điểm đất rộng người thưa, Mông Cổ
hiện rất thiếu nguồn nhân lực như lao động lành nghề, kỹ thuật và cả lao động
phổ thông để làm việc trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, chế biến thực phẩm
và đặc biệt là trong lĩnh vực khai mỏ.
Hiện
ta có khoảng 700 lao động đang sinh sống làm việc tại Mông Cổ, nhưng hầu như
làm trong các xưởng sửa chữa ô tô. Do vậy việc Bộ Lao động hai nước xem xét khả
năng ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực lao động sẽ mở ra một cơ hội mới để
đưa lao động của ta vào thị trường tiềm năng này.
Tiếp
theo, trong việc hợp tác về văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, trước năm
1990, quan hệ hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực này đã phát triển mạnh mẽ,
góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau giữa
nhân dân hai nước. Ngày nay, trên cơ sở quan hệ truyền thống tốt đẹp đó, hai
bên cần tiếp tục duy trì và củng cố quan hệ thông qua các hoạt động cụ thể như:
trao đổi các đoàn văn hóa, nghệ thuật; trao đổi sinh viên, cán bộ nghiên cứu
của Viện Hàn lâm khoa học-xã hội, các trường đại học hai nước…
Ngoài
ra, hai bên cũng cần thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan truyền thông hai nước
(Đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, báo chí), coi đây là một kênh quan trọng
để giới thiệu, tuyên truyền về đất nước, con người… qua đó tăng cường sự hiểu
biết, tin cậy giữa nhân dân hai nước.
PV: Để sự hợp tác đó có hiệu quả thiết thực thì giải pháp nào mà
Đại sứ cho là quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay?
Đại sứ Phan Đăng Dương: Để việc hợp tác nêu trên có hiệu quả thiết
thực, theo tôi, ta nên tiến hành đồng bộ các giải pháp, tuy nhiên cần tập trung
vào các giải pháp chủ đạo sau.
Trước
hết, hai nước cần duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao giữa các lãnh
đạo để củng cố và tăng cường sự tin cậy chính trị. Khi đã có sự tin cậy lẫn
nhau, làm việc gì cũng dễ.
Bên
cạnh đó, chúng ta cần thúc đẩy việc xem xét mở đường bay trực tiếp Hà
Nội-Ulaanbaatar hoặc TP. Hồ Chí Minh-Ulaanbaatar. Trong thời gian nghiên cứu
tính khả thi của kế hoạch này, có thể mở các chuyến bay Chater.
Mặt
khác, chũng ta cũng cần tạo điều kiện cho các bộ ngành hai bên triển khai việc
ký kết các Hiệp định, Thỏa thuận tạo cơ sở pháp lý, khai thông cho hợp tác kinh
tế, thương mại phát triển (như Hiệp định kiểm dịch động thực vật, Hiệp định hợp
tác trong lĩnh vực ngân hàng, lao động…).
Cuối
cùng, hai nước cần phải duy trì đều đặn các kỳ họp của Ủy ban Liên Chính phủ về
hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật để xem xét, rà soát tất cả các
lĩnh vực hợp tác đang triển khai, lĩnh vực nào không khả thì thì dừng lại, lĩnh
vực nào có triển vọng thì cần thúc đẩy./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét