XOAN
Nguyễn Trúc Hà (*)
Chúng tôi, 5 chiến sỹ tiểu đội thông tin, bước vào sân. Căn nhà tranh vách đất cũng giống như bao nhà dân khác ở vùng quê nghèo Bắc Bộ.
Đây là Trạm giao liên thuộc xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Gọi là Trạm, thực chất đó là làng. Nhà dân sẽ là nơi cho bộ đội vào chiến trường, các thương binh từ trong Nam ra, ở qua đêm, hoặc vài ngày.
Trước nhà là bụi tre già che mát đến nửa sân. Kế đó là một cây xoan. Bên cạnh là bể chứa nước loang rêu xanh. Cô gái, chắc là con chủ nhà, mặc chiếc áo nâu bạc màu chiết eo ôm lấy thân hình căng tròn, bắp chân trắng nổi bật với quần vải đen xắn móng trên đầu gối, đang sắp quang gánh với hai thùng tôn xanh mạ. Vuốt lọn tóc xòa trên má bầu ửng hồng vì nắng chiều, em đứng dậy, quay qua chúng tôi, cười bẽn lẽn, giọng lanh lảnh "Em chào các anh bộ đội". Khỏi nói, cả 5 đứa chúng tôi tròn mắt đứng nhìn. Hành quân suốt chặng đường từ ga Thường Tín đến Ninh Bình bằng tàu hỏa, tiếp bằng ô tô đến Vinh, Nghệ An, rồi hơn một tuần đi bộ, chúng tôi chưa gặp cô gái nào vào ban ngày. Còn đây, cô gái tươi trẻ, hiện hữu trước mắt, làm chúng tôi thẫn thờ.
Trong khi Tiểu đội trưởng trao đổi với chủ nhà, một lão nông khỏe mạnh quắc thước, tôi quẳng ba lô và khẩu AK vào góc nhà, vắt khăn mặt lên vai, chạy ra sân. "Tôi đi theo cô đến giếng làng nhé. Để tôi gánh nước cho". Vừa nói, tôi vừa đỡ đòn gánh. "Anh bộ đội có biết gánh không đấy?", cô cười trao gánh. Chúng tôi bước song song trên con đường làng rợp bóng tre, nói chuyện như đã quen nhau từ bao giờ. Ánh nắng chiều xiên không còn gay gắt, và những cơn gió Lào vẫn thổi tung những lá tre vàng úa. Tôi không còn màng tới cái khô nóng của gió Lào nữa. "Anh quê mô?". "Anh ở Hà Nội". "Nghe nói con trai Hà Nội khéo miệng lắm. Đúng thế thật !", cô cười giòn. "À, em tên gì nhỉ?". "Dạ, tên em xấu lắm". Chưa kịp hỏi tiếp, chúng tôi đã đến cuối làng. Tiếng con gái í ới trêu đùa. Tôi sững lại: trước mắt tôi là cái giếng làng với khoảng chục cô gái đang cười đùa, tung té nước vào nhau. "A, anh bộ đội chúng mày ơi. Xoan ơi, người yêu mày đấy à. Đẹp trai nhỉ !". "Anh bộ đội ơi, nó có chồng rồi, em chưa có nè. Gánh nước dùm, em trả công cho..." Tiếng cười khúc khích chọc giỡn làm tôi lúng túng. "Ôi, anh bộ đội đỏ mặt rồi chúng mày ơi, hi, hi, hi...". Xoan đổ đầy nước hai thùng. Tôi đứng dậy, gồng mình quẩy gánh băng băng như chạy, để lại tiếng trêu chọc buông sau lưng. Vậy là tôi biết tên em.
Đơn vị ở lại hai ngày. Đêm đó, sau khi giúp Xoan mấy việc lặt vặt, tôi ngồi nói chuyện với em bên ấm nước, nồi cám lợn. Kê cằm lên đầu gối, ánh mắt lung linh giữa ánh lửa bếp, em nhỏ nhẹ:"Mạ (mẹ) đặt tên cho em khi cây xoan trước nhà vào mùa hoa nở. Mạ rất thích hoa xoan, em cũng vậy. Những chùm nhỏ trắng giữa cánh hoa màu tim tím thật xinh. Mạ mất cách đây 5 năm trong một đợt bom Mỹ thả xuống cánh đồng làng. Khi đó em mới 13 tuổi. Nhà chỉ còn 2 cha con. Từ khi mạ mất, cha suốt ngày ngoài đồng, tối về thắp hương cho mạ trên bàn thờ rồi đi ngủ, chẳng bao giờ nói chuyện với em". Nỗi cảm thương trào dâng, tôi nắm tay Xoan, ánh lửa nhảy múa trên cánh tay hai chúng tôi. Nóng bừng. Im lặng...
Chiều hôm đó đơn vị thông báo sẽ hành quân đêm mai. Xoan cũng biết. Tối ấy, chúng tôi lại ngồi bên bếp lửa, không nói câu nào. Thời gian chậm trôi về khuya. Tôi đứng dậy nắm tay Xoan bước ra đầu bếp. Bóng đêm mờ, chỉ có ánh trăng khuyết trùm lên chúng tôi. Tôi quàng tay qua hông Xoan. Mùi bồ kết thoáng qua hơi thở dồn dập. Một cái ôm xiết, một nụ hôn nhẹ nhàng, say đắm. Thời gian và không gian ngưng đọng. Bóng đêm không che được khuôn mặt của tôi và Xoan đang nóng bừng. Em nép vào vai tôi "Anh phải sống để về với em nha, anh hứa đi !", Xoan thì thầm. "Ừ, anh hứa". Thực sự khi đó, tôi chỉ hứa đại, không dám nghĩ mình có thể sống để trở về. Chiến trường nơi chúng tôi sắp đến là Quảng Trị mà.
Từ đây, chúng tiến vào đường mòn 559 bây giờ gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Hơn một tháng hành quân trong rừng, vượt từ Đông sang Tây Trường Sơn, những cơn mưa rừng Tây Trường Sơn không dứt suốt ngày, và đêm đến thấm ướt cả người và ba lô nặng trĩu. Tôi mang theo hình bóng Xoan, và nụ hôn vụng trọm ngọt ngào thoảng mùi bồ kết. Suốt chặng hành quân tự nhủ, không có hình bóng em, chắc gì tôi có thể vượt qua những ngọn núi cao, những khe suối sâu, và cả những cơn sốt rét rừng quái ác...
5 tháng sau, tôi được chuyển về hậu phương sau khi thoát chết trong một trận đánh tái chiếm đồi đài quan sát ở phía Tây Hải Lăng, Quảng Trị.
Thật may mắn tôi lại được nghỉ tại làng trạm giao liên trước khi chuyển về Hà Nội. Tôi chống nạng hăm hở đi về căn nhà lá của Xoan. Chắc Xoan không thể ngờ có cuộc gặp mặt này. Tôi sẽ ôm em thật chặt, sẽ hôn em thật say đắm. Tôi đã giữ lời hứa là sẽ sống để về gặp em. Lòng tôi tràn đầy hồi hộp...
Bước vào sân, hoa xoan trắng tím nhỏ xinh vương khắp sân vườn. Đôi thùng gánh nước vẫn chỗ cũ. Mùi bồ kết như thoang thoảng đâu đây. Nhưng khung cảnh vắng lặng. Chắc cha đi làm đồng rồi, và hẳn Xoan trong nhà cũng đang dõi chờ tôi...
Nhẹ nhàng chống nạng bước vào trong, tôi khẽ cất tiếng gọi "Xoan...". Tôi đứng giữa nhà ngó quanh. Rồi hướng về phía bàn thờ: Đập vào mắt tôi là hình ảnh mẹ Xoan, bên cạnh là hình của em nhòa trong khói của 3 nén nhang đang cháy dở. Tôi đứng chết lặng, nước ắt trào ra. Buông 2 cây nạng, tôi ngồi xuống ghế, mắt không rời tấm di ảnh của Xoan.
Cha Xoan từ trong buồng bước ra. "Mới tối hôm kia, nó cùng mấy thanh niên trong làng đi đón thương binh thì bị bom. Tối nào nó cũng đi đón thương binh từ trong ra. Tôi chắc nó có ý tìm chú". Tôi không kìm được, nấc lên, đau đớn. Rã rời tiến đến bàn thờ, tôi thắp nén hương cho người đã khuất. Xoan ơi, em đã yên nghỉ ngàn thu, mang theo hình bóng của anh, mang theo tình yêu tinh khiết của chúng mình.
Chiến tranh đã cướp đi của tôi máu thịt. Nó cũng cướp đi người bạn, người đồng đội thân thiết nhất của tôi. Giờ đây, nó cướp đi tình yêu ngắn ngủi của tôi, tình yêu của anh lính Hà Nội và cô thôn nữ miền nắng gió. Trĩu niềm đau xót, tôi nặng nhọc chống nạng bước đi. Chợt nhận ra mùi hoa xoan vương quyện với hương khói quẩn quanh như níu kéo...
Vĩnh biệt em, Xoan !
------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Nguyên là chuyên viên chính Cục Thú y, Học sinh miền Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét