LỄ VU LAN BÁO HIẾU NĂM NAY
Nguyễn Ngọc Huân
Rằm tháng Bẩy trời vẫn nóng. Năm nay, chúng tôi được mời dự Lễ Vu lan Báo hiếu ở chùa Pháp Hoa. Cũng trùng ngày Lễ là ngày sinh nhật của Hòa thượng Trụ trì chùa.
9:00 chúng tôi xuất phát. Năm nao cũng vậy, vào dịp này Tăng ny Phật tử từ khắp nơi nườm nượp kéo về kẹt kín con đường hẻm vào Chùa. Rất nhiều xe đến trước đậu thành hàng dài. Toàn các xe sang trọng Lexus 570, Landcruiser V8 2016, Mercedes CLS 400 tỏ cho biết các Phật tử nhiều người giàu có. Ở dãy gửi xe máy thì đa dạng hơn.
Phía trong Nhà Thờ Tổ trên lầu Một đã đông kín. Phần lớn đều trong bộ áo Tràng dài màu lam. Giữa linh thiêng cửa Phật, sự giản dị bộ đồ nhà Phật tạo nên sự tôn nghiêm, kính cẩn. Ẩn sau chúng, là rất nhiều số phận, rất nhiều cuộc đời từ bình dân, quần chúng, cho đến các bậc doanh nhân giàu có. Sang hèn nơi đây không còn khoảng cách, khác biệt. Vậy nên lòng người ta đều cảm thấy thanh thản, an ủi như nhau.
Nhìn những bông hồng cài ngực áo, người ta dễ dàng nhận ra những hoàn cảnh khác nhau: Bông hồng màu đỏ chứng tỏ song thân còn sống, bông hồng màu hồng cho biết một người đã mất, bông hồng màu trắng có nghĩa là cả cha và mẹ đã không còn.
Bất chợt bài hát "Bông hồng cài áo" của Phan Thế Mỹ và Thích Nhất Hạnh bỗng rung lên những lời da diết trong lòng tôi:
"Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn..."
Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn..."
Lời ca nhắc nhở những người con nhớ về công ơn cha mẹ trong dịp lễ Vu Lan.
Ngậm ngùi, tôi nhớ đến cha mẹ hai bên đã không còn, thấy lòng se lại, đắng chát. Các hình ảnh buổi lễ chợt nhòe đi, cổ tôi bỗng mặn vị muối...
Trong ánh đèn điện nhấp nháy, giữa khói hương trầm mờ mịt, tiếng chuông điểm nhịp, tiếng trống khoan nhặt, tiếng Hòa thượng trầm ấm. Từng câu từng lời Phật dạy đưa người ta về nơi đạo hiếu. Các Phật tử trang nghiêm xếp bằng ngay ngắn, chắp tay cầu khấn theo nhịp trống chuông.
"Này các Tỳ kheo, có hai hạng người, ta nói là không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Đó là Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, một bên vai cõng Cha, làm như vậy suốt một trăm năm, cho đến khi Cha Mẹ trăm tuổi. Như vậy, này các Tỳkheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn cho Mẹ và Cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, gội chải và dù tại đấy, Mẹ Cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn Mẹ và Cha...”
Rồi nhớ lại bài dạy đạo đức từ người xưa để lại chắc ai cũng thuộc:
Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Như nhắc nhở những ai còn cha, còn mẹ hãy biết trân quý, đó là tài sản lớn nhất của đời ta.
Chợt nhớ câu Phật dạy trong Kinh Nhẫn Nhục: “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu, cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu”.
Ngoài kia giữa trưa nắng nóng, nhưng lòng tôi thanh thản, nhẹ nhàng, được an ủi. Trên đường về, ngồi trong xe, lời bài ca của nhà sư Thích Nhất Hạnh cứ da diết mãi trong lòng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét