CHUYỆN QUÁN CHÁO LÒNG PHÚ AN
Tùng Lâm
Sau này tôi mới biết nguồn gốc tên quán. Hóa ra đấy là tên ghép của vợ tên Phú và chồng tên An. Cái tên ghép hàm chứa những điều mong ước của hầu hết người buôn bán. Từ điển phổ thông ghi "Phú là Giàu có, dồi dào". Đương nhiên, chữ Phú ở trường hợp này không phải là "thơ phú"
Từ điển Thiều Chửu ghi "Phàm những gì thừa thãi đều gọi là Phú"
Chữ An (安) tức là an lành, bình yên, do cách viết Hán Việt được ghép bởi bộ Miên (宀) (mái nhà) và bộ Nữ (女) (con gái), hình ảnh cổ nhân coi là đẹp và bình lặng giống như người phụ nữ dưới mái nhà vậy.
Như vậy, lấy tên quán là Phú An, chủ của nó mong mỏi sự giàu có trong bình an.
Dạo tôi còn làm việc, sáng chủ nhật, anh em hội tennis sau cuộc chơi thường thưởng thức món cháo lòng tại quán Phú An. Ban mai trời trong, mây trắng, gió nhẹ, nắng vàng. Không khí buổi sáng rất sạch sẽ nên ai cũng thấy sảng khoái. Còn gì bằng sau những set bóng tóa mồ hôi, các cơ căng vận động, người ta lựa một góc khuất, ngồi quanh một bàn thấp ngang tầm bắp chân, rung đùi nhâm nhi chén cay, khà một tiếng rõ dài, rồi nhắm mắt lại chầm chậm thưởng thức miếng dồi lợn ngầy ngậy mỡ chài, giòn giòn mảnh lạc chấm với nước mắm nguyên pha mươi lát ớt gió, và chút hồ tiêu bắc quấy đều với tý chanh tươi. Tia nắng đầu ngày rọi lên đĩa lòng vẫn bốc khói nghi ngút; ngọn gió ban mai lướt qua đĩa húng còn tươi màu roi rói. Những cảnh vật ban mai tươi tắn, và mát mẻ ấy như đưa thực khách vào một cõi riêng tư an bình, dư thừa thời gian. Trong klhung cảnh như vậy, mới thấy hết cái ngon riêng của Phú An.
Thảo nào, từ sớm đến đêm, Phú An chẳng lúc nào vắng khách.
Chủ nữ là người có duyên. Khóe miệng lúc nào cũng tươi khiến thực khách như cảm nhận sự mời chào đon đả. Cả ngày chị đứng hàng, bước chân thoăn thoắt, nhịp tay uyển chuyển, rất là thành thục. Tầm chín giờ sáng người chồng mới ngủ dậy, ra ngồi ở góc khuất quan sát. Là anh ấy phải thức khuya từ 12 giờ đêm lọc lóc, nhồi đun để sáng ra vợ có đồ phục vụ khách.
Một bữa, tôi ngồi đợi người bạn để ăn sáng. Thấy có một mình, An bảo tôi:"Bác ngồi đợi ai ? Mời bác qua làm ly nước" Rồi kéo một cái ghế mời khách, An hỏi :"Thấy bác nhiều lần ở đây, chắc nhà cũng gần ?" Rồi giới thiệu :"Trà Thái Nguyên chính hiệu đấy. Mời bác"
Hóa ra, hai vợ chồng người Hà Đông vào đây lập nghiệp từ những năm chín mấy. Hai con trai, đứa lớn học dở đại học nay về phụ quán cùng bố mẹ, thằng nhỏ lớp 11. Cái khó ló cái khôn, qua mấy năm buôn đầu đường, bán cuối chợ, lời lãi chả được bao nhiêu, nhờ người cùng quê giúp, vợ chồng mướn cái chái nhà bán cháo lòng rồi mở mang, đông đúc như ngày nay. Quận ngoại thành, dân lao động nhiều, cái món ăn sáng này nghe ra hợp với túi tiền và khẩu vị người ta. Chỉ ba năm, vợ chồng thuê nơi bán mới. Rồi lại đổi chỗ. Cứ mỗi lần đổi quán, cơ sở to hơn, đàng hoàng hơn, khách ăn đông hơn, nhộn nhịp hơn. Quả là trời phù hộ những người chân chất, chịu khó, chịu khổ, chăm chỉ, cần cù.
An bảo, vợ chồng bây giờ chưa gọi là giàu nhưng cũng tậu được 2 cái nhà, một cái ở Dĩ An, Bình Dương, một ở Gò Vấp. Năm rồi còn xây được cho ông bà già ở quê cái nhà mới. Con cái thì cũng xong phổ thông. Học hành nhiều chữ mà không kiếm được tiền cũng kể vứt.
Chúng tôi thầm khen vợ chồng tốt số, ăn ở hòa thuận, buôn bán gặp thời. Cứ thế này, cần gì phải bám vào nhà nước, bon chen, kèn cựa, làm giả, ăn thật, hỏng cả con người. Anh bạn ngồi cạnh tôi bảo, cần gì phải quan quan, sỹ sỹ như chúng ta. Phi thương bất phú, các cụ nói chả sai...
Bẵng đi thời gian, hôm rồi tôi ghé quán. Vẫn cảnh xưa, chốn cũ. Vẫn gió nhẹ, và nắng xiên buổi sớm. Nhưng chủ quán hình như là người khác. Chị này lạ hoắc, không phải là Phú trước đây. Dáng đậm, người đầm, mắt đơ, mày rậm. Về hình dáng, người này sao so với Phú được. Tôi nhác quanh. Kia này An đang ngồi uống rượu một mình. Đĩa lòng nhỏ như bàn tay chỏng trơ trên bàn. Chai CO2 đựng rượu vơi quá nửa. Mặt An mảng đỏ, mảng tái. Bước tới kéo ghế ngồi đối diện An, tôi ngờ ngợ một cảm nhận. Rồi hỏi An,"Bà xã bữa nay đâu không bán hàng?". An cộc lốc:"Đi rồi !"
Rót thêm ly mời khách, nét buồn từ khi nào vẫn hằn trên khóe mắt, An lặp lại :"Đi rồi, bác ạ"
Hít một hơi trấn tĩnh, rồi lựa lời, tôi hỏi nguồn cơn, "đi rồi nghĩa là làm sao ?", thì mới biết người vợ đã phải lòng trai lạ, bị chồng đuổi đi cách nay 7 tháng. Tuổi Canh Thân đâu thuộc loại lẳng lơ mà ra cơ sự. Rồi tôi đưa mắt về phía quầy hỏi "Ai đấy?", An bảo, "Cô ấy thấy vất vả thì đến giúp". Tôi hỏi:"Vợ à?", bảo "Cũng gần như thế". Rồi ngơ ngác nhìn vào không trung, người như thất thần.
Có phải Tân Hợi với Canh Thân là tuổi khắc, như Tử vi nói:"Thân-Hợi xuyên nhau thật đắng cay" hay là cuộc đời này quá sóng gió đến nỗi sợi dây neo con thuyền hạnh phúc phải đứt giữa chừng.
Phú, An là những cái tên đẹp. Nhưng ghép với nhau, Phú An chưa hẳn đã là giàu có trong bình an.
An vẫn ngồi đó như tượng gỗ. Chị chủ mới tất bật phục vụ khách. Thằng cu lớn đang phụ bán hàng. Dù đã vận dụng hết khả năng tưởng tượng, tôi vẫn không thể nào hình dung nổi cuộc sống của Phú và con trai nhỏ bây giờ ra sao.
Ngoài kia, nắng đã chói chang, ngày đã đi gần nửa. Khách thưa dần...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét