CHUYỆN QUÁN CHÁO LÒNG PHÚ AN (3)
Tùng Lâm
- A, mời hai bác vào ngồi trong này. Các
bác vẫn dùng món thường ngày à ?
An đon đả mời khách. Những tia nắng ban
sớm lọt qua các lỗ thủng tấm bạt rơi xuống mặt bàn, theo làn gió đung đưa như
nhảy múa. Gió từ phía khu đất trống phía đằng xa đưa mùi cây cỏ hăng hăng tới nhuộm
đầy không khí. Thoảng trong không khí, mùi cháo thơm, mùi hành cay, mùi nước mắm
mặn hòa quyện khu ngoại ô buổi sáng kích thích tâm hồn ăn uống trong con người
ta.
Thực khách đã đông. Ồn ào. Hả hê.
Vẫn cặm cụi thái, múc, người chủ nữ thỉnh
thoảng liếc về phía thực khách. Thằng lớn phụ bán chạy đi chạy lại tất bật.
Trong tủ kính treo lủng lẳng các khoanh dồi, những lá gan còn nóng hổi, khói
nghi ngút nghiêng làn nắng sớm. An vẫn ngồi nơi cũ. Trên bàn, bình trà Thái
loang màu chè qua tia nắng rọi vào phản ngược lên không trung lấp lánh dễ đưa
người ta về trạng thái mờ ảo. Bên dưới bàn, chiếc điếu cày vương vãi tàn thuốc,
và nước cáu ghét.
Lướt qua một lượt. Đây
là cặp vợ chồng rèn luyện sức khỏe bằng cách đi bộ hằng sáng. Họ thường chọn bàn
góc xa, dưới gốc cây me xanh tốt. Mấy ông về hưu khoái ngồi bàn thấp kê dưới
mái hiên di động, thực đơn bữa nào cũng bát tiết canh, đĩa lòng, kết thúc là tô
cháo rắc răm và chút hạt tiêu Bắc. Một gia đình chắc lần đầu đến quán đang loay
hoay tìm chỗ ngồi ưng ý. Chỉ nhác nhìn cũng có thể nhận ra từng loại người đến
quán. Khách lục tục kéo đến mỗi lúc càng đông. Cảnh
vật xung quanh thật thái bình.
Nhưng lòng An không yên. Anh ngồi lim
dim nhìn thực khách đang ngồi kín các bàn, mà lòng như lửa đốt. Chả là, tối thứ
Bẩy trước, hai thằng bặm trợn, xăm trổ đầy người đến kêu đồ rồi gọi An ra nhậu
chung và đòi đóng tiền bảo kê hằng tháng. Thời buổi buôn bán khó khăn, quán xá
mọc như nấm, tranh mua, tranh bán. Vả lại, tiền thuê, tiền thuế, hụi sống, hụi
chết, phí nọ, phí kia chất chồng lên, lời lãi cũng chẳng còn bao nhiêu. Ở cái
vùng ngoại ô này toàn dân lao động, tháng vừa rồi, tô cháo nâng lên 15 ngàn là
người ăn đã có phản ứng, doanh số chẳng tăng, mà còn giảm. Lại còn phí "đảm
bảo an ninh" này nữa, thì sao mà chịu nổi.
Gãi đầu, gãi tai, than vãn, An bảo, quán
xá dạo này ế ẩm lắm, xin các chú thông cảm… An chưa dứt lời, cái thằng có vẻ đại
ca, cởi phăng cái áo thun ra để lộ hình xăm con hổ nhe nanh, ghé sát bộ ria vào
mặt An mà rằng, "Mày muốn yên ổn hay là bọn tao phải cho đàn em đến quậy
!" Gặp phải thứ dữ rồi đây. Không đùa với ma cô được. Gãi đầu gãi tai cố
dìm cái bực tức trong bụng, An đưa trước cho hai thằng một triệu, hẹn ít ngày
đưa tiếp số còn lại, cũng là cái mẹo nghi binh, coi như để chúng cho qua. Nhưng
trước khi bỏ đi, tay đại ca còn quay lại trợn trạo, "Đừng để bọn tao phải...",
câu bỏ lửng nhưng làm nản lòng những người yếu bóng vía.
Hôm qua
là ngày cuối cùng chúng hẹn. An vẫn chưa nộp. Kệ, có khi chúng chỉ dọa vậy
thôi. Dòng suy nghĩ cứ váng vất trong đầu
khiến An mệt nhoài, chả còn tâm trí đâu nữa.
- Choang ! Tiếng thủy tinh vỡ tan đưa
đám đông đang ồn ào về im lặng. Rồi tiếng la hét, tiếng thất thanh. Người ta xô
bàn, đẩy ghế tìm cách tránh xa nơi đổ vỡ, cảnh tượng huyên náo chẳng khác bầy
ong vỡ tổ.
Phía bàn dưới mái hiên di động, bốn thằng
đằng đằng sát khí, cầm vỏ chai bia đập vỡ đuổi nhau.
- Mày, tao đập tan hoang cho mày xem. Dứ
dứ cái chai bia vỡ ra tứ phía, một thằng gào lên, giọng khàn khàn.
Rồi chúng đập tan những thứ xung quanh,
đá tung các bàn kê ngoài hiên. Tủ kính thức ăn vỡ tan. Những chiếc bàn chổng vó
phản chiếu ánh sáng lấp lóe. Các món ăn tung tóe trên nền nhà.
Thực khách được phen kinh hoàng, chạy dạt
ra tứ phía.
Đương khi chẳng hiểu chuyện gì xẩy ra,
thì bốn thằng lên xe rồ ga, biến mất. Phơ phất khói xăng trong không khí. Mùi
cháo, mùi hành, mùi nước mắn, mùi thức ăn, mùi xăng tạo ra cảm giác hỗn loạn.
- Báo công an phưòng xuống đi.
- Sao để bọn chúng lộng hành thế nhỉ.
- Ông chủ quán đâu rồi ?
...
Ở góc khuất, ngồi gục đầu, hai tay ôm
gáy, An đã hiểu việc gì vừa xẩy ra. Chẳng biết nữ chủ quán đâu cả. Có người bảo
thấy chị vét tiền trong hộc bàn bỏ vào túi xách biến mất lúc lộn xộn rồi. Thằng
con lớn nãy giờ núp đâu ra, chạy đến bên bố hốt hoảng, giọng vẫn còn run,
"Vậy là sao hả bố?". An không trả lời con.
Bỗng điện thoại "Reng, Reng,
Reng,..." Không biết đầu dây kia ai, nói gì, chỉ thấy tiếng An chùng xuống,
"Xin các anh thông cảm cho... Tôi sẽ đến ngay...Dạ, dạ...". Tắt máy,
An khẽ rít lên giữa 2 hàm răng, "Mẹ bố chúng nó. Quân ăn cướp !"
Tất tả vào nhà mặc cái quần dài, An
phóng xe về phía đầu đường NTG...
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét