Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

ĐÁ BÓNG TRÊN BĂNG

ĐÁ BÓNG TRÊN BĂNG

(Viết về kỷ niệm những ngày sinh viên trên Thảo nguyên giá lạnh, nhưng ấm tình người)

Mùa đông thảo nguyên, trời đất nhuộm một màu trắng. Cứ qua một ngày, tuyết dầy thêm một chút. Tuyết trải tấm thảm khổng lồ trắng muốt từ ký túc xá qua sân vận động, vượt sông Thol rồi trùm hết cả thành phố Ulan Batar nằm bên kia sông. Nhìn về bên tay phải, màu trắng kéo dài lên dãy núi Zai-san phía sau cụm tượng đài Hồng quân Xô viết. Bây giờ chẳng còn nhận ra những lối mòn cánh sinh viên thường đi dọc bờ sông hái Mã đề dịp hè. Các hàng cây, những cột điện cũng như được nhuộm màu trắng muốt. Tầm gần trưa, trời hửng. Các tia sáng yếu ớt rắc lên tấm thảm tuyết khổng lổ những sắc lung linh như kim tuyến.
Vào các ngày này, những chàng trai xa nhà chẳng biết làm chi. Thi thoảng, mượn được phòng Thể thao của Trường, chúng tôi rủ nhau chơi bóng chuyền, bóng rổ. Không đam mê các môn này, một số anh chơi bóng bàn tại sảnh ký túc xá tầng 3.
Nhưng mà sao vẫn thấy thèm, thấy nhớ món bóng đá. Cảm giác thèm nhớ dù nhẹ nhàng nhưng tích tụ nhiều ngày làm con người ta cồn cào.
Một buổi giải lao giữa hai sec bóng chuyền, tay Dư đề xuất, “Đi đá bóng đi các ông !”
- Có mà điên mới đá bóng lúc này ! Mọi người nhao nhao phản đối.
Chắc luôn phải đứng lót ở vị trí số 5 trong đội hình, chẳng mấy khi có bóng, nên hắn chán, không mặn mà với bóng chuyền đây. Tôi chợt nghĩ.
Thế nhưng vài giọng hùa theo hắn:
- Ừ nhỉ, sao không đá trên băng nhỉ?
Thế là cả bọn về ký túc xá, mặc thêm áo ấm, khăn quàng, mũ da, giầy đinh cùng xuống sân.
Ngày thường, được ngăn bởi vạch kẻ ngang dọc với đường chạy xung quanh, nên sân trông không quá rộng. Bây giờ tuyết phủ kín lớp trên, phía dưới là băng cứng. Một màu trắng đầy tuyết nối liền lên tận khán đài.
Mới dạo đầu vài đường bóng trước trận đấu, mấy anh ngã chỏng gọng vó lên trời. Dù đã đi giầy đinh, nhưng chạy tranh bóng trên mặt sân băng, muốn dừng chẳng thể nào theo ý được. Cả người theo quán tính trượt dài một quãng. Tay Bình Bạc ngày thường có thói quen vào bóng bằng cả 2 chân thẳng vào đối phương, khi đá trên băng vẫn bổn xưa soạn lại, văng một phát “lăng cu lơ” cả chục mét. Có lúc dính chùm cùng đối phương không có cách chi dừng lại được.
Có hôm bão tuyết. Cả bầu trời rợp bông trắng. Tuyết rắc đầy màu tinh khiết lên mũ, lên áo, lên giầy, nhìn từ xa chỉ thấy những hình hài mờ nhạt qua màn tuyết bay trắng xóa quay cuồng trên sân. Càng bão gió, càng kích thích máu mê trong họ.
“Chuyền cho Thành đi, chuyền đi !”, “Trông chừng cánh trái đấy !”. Những tiếng la hét ồn ào trong tiếng gió phần phật của ngày đông, xen lẫn tiếng xẹt xẹt tuyết rơi trên áo tạo nên một khung cảnh sống động.
- Vàoooo rồiiiiii !
Đội Chăn nuôi reo mừng khi tay Bền ôm chặt trái bóng nằm sau khung thành dính chùm cùng lão Dư vừa trượt dài thẳng vào người thủ môn.
- Chưa vào nha. Tại ông Dư lao thẳng vào người Bền đấy. Người ta đã bắt được bóng rồi mà còn cứ lao vào. Phạt…Đội thú y phản công lại.
Hóa ra, khi Bền đã ôm được bóng, thì Dư theo đà chạy đâm thẳng vào thủ môn khiến cả hai cùng trượt ra sau cầu môn. May mắn thay, tiếng còi cất lên, trọng tài không công nhận bàn thắng…
Đá bóng trên băng khổ nhất là buốt hai bàn chân. Khi chạy một lúc, mồ hôi chân ra, gặp phải không khí lạnh ngoài giầy, nó đóng băng lại, bóp cứng hai bàn chân. Các cầu thủ chạy tranh cướp bóng còn đỡ, chứ thủ môn ít vận động hơn, chỉ một lát là chân không chịu nổi. Tay Khôi, mệnh danh là “Edison Phẩy” nghĩ ra trò khắc phục tình trạng băng bóp bàn chân. Hắn đi 2 đôi tất lồng nhau, rồi lấy một túi ny lon bọc trùm bên ngoài, đâu đấy mới đi giày đinh. Sáng kiến tuyệt vời ! Nhờ túi ny lon, nhiệt bàn chân tỏa ra được giữ trong, cách nhiệt với bên ngoài, không cho mồ hôi chân đóng băng. Thế là từ đó, cánh sinh viên tha hồ quần thảo.
Riết thành quen, ngày nào cũng vậy, chúng tôi đều xuống sân đá bóng. Buốt lạnh cũng kệ. Gió bão cũng chẳng hề. Cuộc sống những chàng trai xa nhà có thêm những hoạt động phong phú làm vui cuộc sống đầy kỷ luật khắc khổ đời sinh viên nơi xứ xa.
Có hôm trời tạnh mưa tuyết, mấy bạn nữ cũng xuống ngồi trên khán đài xem cánh con trai đá bóng. Có người yêu động viên, tay Dư và tay Cộng càng đá càng hăng. Mấy tay này chạy ngang dọc sân không biết mệt, chẳng ngại va chạm với đối phương. Tôi để ý, lúc Dư ngã văng trên sân băng, Tuyết Ngân dụi đầu vào lưng bạn gái bên cạnh. Nếu nhìn Tuyết Ngân lúc ấy, có thể thấy nét tái trên khuôn mặt em vì lo lắng cho người yêu.
Hết 90 phút tan trận, cả bọn trở về ký túc xá. Mấy người bản xứ nhìn chúng tôi vẻ kinh ngạc “Hình như bọn điên !” Lẫn vào gió, tiếng một người trong bọn họ vẳng từ sau lưng chúng tôi.
Làm sao các bạn ấy hiểu được cái “điên” trong chúng tôi – những chàng sinh viên trẻ măng sống xa nhà tại xứ mênh mông tuyết phủ những ngày đông. Họ cũng chẳng thể nào hiểu được cái máu túc cầu không bao giờ ngưng trệ trong những con người có thể quên ăn, quên ngủ, thậm chí, quên cả người yêu, vì nó…
Thế nên, hôm rồi, ai đó bảo tổ chức chuyến sang thăm lại trường xưa, chốn cũ, chúng tôi đồng thanh nhất trí sẽ đi vào mùa đông.
Chỉ để nhớ lại cái cảm giác được đá bóng trên sân băng giữa bầu trời đầy bông trắng, nghe tiếng tuyết rơi xẹt xẹt trên áo, trên người, nghe tiếng gió thổi phần phật trong không khí, và nhất là được cảm nhận cái cảm giác mồ hôi đóng băng bóp nghẹt đôi bàn chân…
Với anh Dư, anh Cộng, có lẽ sự mong muốn còn gấp đôi chúng tôi, ấy chứ.
Nguyễn Ngọc Huân

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)