Từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 8 năm 2017, Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Mông Cổ về Hợp tác Thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật (UBLCP) đã được tổ chức tại U-lan-ba-to, Mông Cổ.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong UBLCP Việt Nam –Mông Cổ làm trưởng đoàn. Phía Việt Nam có đại diện đến từ Văn phòng Chính phủ; Các Bộ: Ngoại giao; Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giao thông vận tải; Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Công ty Cổ phẩn thuốc Thú y Đức Hạnh.
Đoàn đại biểu Mông Cổ do Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Sergelen Purev, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong UBLCP làm Trưởng đoàn. Tham dự Kỳ họp có đại diện các Bộ/ngành: Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ, Ngoại giao, Giáo dục, Khai khoáng và Công nghiệp nặng và một số cơ quan liên quan.
Kỳ họp 16 đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị và cởi mở. Hai bên tập trung thảo luận các vấn đề lớn về hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ, bao gồm: Quan hệ chính trị, ngoại giao, quốc phòng và an ninh; kinh tế, thương mại và đầu tư; nông nghiệp, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu; khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; giao thông vận tải; giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch; lao động và y tế.
Sau khi rà soát những hoạt động hợp tác trong thời gian qua (giữa hai Kỳ họp), hai bên đã thống nhất định hướng hợp tác và thảo luận các biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, đưa các hợp tác đi vào thực chất, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ 2 nước.
Trong thời gian tới, hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ, đưa ra những biện pháp cụ thể, có tính khả thi để thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, đồng thời khuyến khích sự hợp tác phát triển của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, tăng cường xuất khẩu sang thị trường của nhau những mặt hàng có thế mạnh và bổ trợ cho nhau.
Mông Cổ mong muốn xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm thịt chế biến, đông lạnh (thịt dê, cừu, ngựa), nguyên phụ liệu dệt may (da, lông, len), sản phẩm da, khoáng sản, bột thịt xương, quả đông lạnh (hắc mai biển, việt quất).
Việt Nam tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu sang Mông Cổ các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm chế biến như: gạo, chè, cà phê, bánh kẹo, quả tươi (thanh long, nhãn, sầu riêng, măng cụt, vải, xoài, chanh leo, dừa, chuối…), quả chế biến, nước trái cây đóng hộp, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thuốc thú y, vắc-xin, mật ong, thủy sản, các loại đồ uống, hàng tiêu dùng, hàng dệt may, máy móc, thiết bị dân dụng.
Hai bên nhất trí xây dựng cơ chế đối thoại chính sách, trao đổi thông tin và duy trì các hoạt động giao thương kết nối doanh nghiệp hai nước. Phía Mông Cổ sẽ thông tin cho Việt Nam về những cơ hội, quy định, thủ tục và ưu đãi khi đầu tư vào Mông Cổ; Phía Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, bài học trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp. Hai bên nhất trí khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành, chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và chia sẻ kiến thức, kỹ năng hoạt động doanh nghiệp.
Hai bên cũng thống nhất các nội dung: tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện tốt kết quả Cuộc họp lần thứ 3 Tiểu ban Hợp tác Khoa học và công nghệ Việt Nam – Mông Cổ được tổ chức tại Hà Nội năm 2016; nghiên cứu thúc đẩy việc mở đường hàng không trực tiếp cả hai chiều giữa Hà Nội và U-lan-ba-to thông qua các chuyến bay thuê chuyến; thảo luận về triển khai mở rộng logistics đối với vận tải hàng hóa; thúc đẩy triển khai Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Bảo trợ xã hội Mông Cổ đã ký năm 2017; nghiên cứu, xem xét thảo luận để tăng mức sinh hoạt phí cho lưu học sinh đang học tập tại mỗi nước; tăng cường hợp tác giao lưu nhân dân, tuyên truyền, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, thể thao; thúc đẩy giao lưu giữa các đội tuyển thể thao, đặc biệt là các môn thể thao có thế mạnh của Mông Cổ như vật, bắn cung, judo; tăng cường hợp tác trong ngành y tế, sản xuất thuốc y tế, duy trì trao đổi đoàn y bác sỹ và kết nối liên lạc; tăng cường hợp tác về lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Mông Cổ về Hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật được thành lập từ ngày 03/12/1979 nhằm thúc đẩy sự hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật và các lĩnh vực khác có lợi ích chung giữa hai nước. UBLCP này có nhiệm vụ theo dõi, rà soát, đánh giá và đề xuất các hình thức hợp tác; đồng thời và điều phối hoạt động hợp tác. Theo thông lệ, UBLCP họp hai (02) năm một lần, luân phiên tại Mông Cổ và Việt Nam.
Nhân dịp này, Trưởng đoàn Việt Nam đã đến chào xã giao Thủ tướng Mông Cổ Ngài Jargaltulgyn Erdenebat. Thủ tướng Mông Cổ đánh giá cao tầm quan trọng của Kỳ họp UBLCP 16, trong bối cảnh Việt Nam và Mông Cổ đang nỗ lực củng cố, thúc đẩy, phát triển mối quan hệ truyền thống hữu nghị gắn bó đã được thiết lập chính thức từ năm 1954. Đến nay, hai nước đã 3 lần ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác (1961, 1979, 2000) và khoảng 20 Hiệp định mới về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và các lĩnh vực khác. Hai nước đã công nhận nhau là kinh tế thị trường đầy đủ từ năm 2013. Đặc biệt, các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai Bên trong những năm gần đây đã góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét