Bộ trưởng Byambasuren Enkh-Amgalan phấn khởi cho rằng, trong những năm qua, hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực ngày càng được củng cố và tăng cường, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Về hợp tác hàng không, Chính phủ Mông Cổ và Chính phủ Việt Nam đã ký Thỏa thuận về quan hệ hàng không dân sự ngày 28/6/2000, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa hai nước và việc đi lại của người dân. Hai bên đang tiếp tục trao đổi để sớm mở tuyến đường bay thẳng giữa Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Ulan Bator nhằm thúc đẩy du lịch và tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước. Bộ trưởng đề nghị Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cấp thị thực cho người dân Mông Cổ đến Việt Nam nếu đường bay thẳng giữa hai Thủ đô được thiết lập.
Về hợp tác đường bộ, hai bên đã tham gia Hiệp định liên chính phủ về mạng lưới đường bộ châu Á. Đây là Hiệp định mở tạo thuận lợi để Việt Nam và Mông Cổ có thể sử dụng mạng lưới đường bộ để giao thương qua lãnh thổ Trung Quốc hoặc Liên bang Nga.
Về hợp tác hàng hải, tháng 8/2018, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Hàng hải Mông Cổ đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong đó tập trung vào các lĩnh vực huấn luyện, đào tạo thuyền viên.
Trên cơ sở nền tảng hợp tác giữa hai nước, Bộ trưởng đề nghị Bà Đại sứ quan tâm thúc đẩy các nội dung hợp tác với các đơn vị liên quan của Việt Nam để các nội dung ký kết được triển khai sâu rộng và hiệu quả.
Đại sứ Đoàn Thị Hương cho biết trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa hai nước ngày càng tăng. Nhu cầu đi lại của người dân hai nước không ngừng tăng lên. Các chuyến bay theo hình thức charter flight hàng năm giữa Ulan Bator và một trong các thành phố du lịch của Việt Nam luôn kín khách du lịch. Đại sứ hy vọng rằng sau khi sân bay quốc tế mới tại Thủ đô Ulan Bator đi vào hoạt động, chuyến bay thương mại giữa Thủ đô Ulan Bator và Thủ đô Hà Nội sẽ được triển khai, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận tải hàng hóa của người dân hai nước.
Liên quan đến hợp tác hàng hải giữa hai nước, Đại sứ cho biết thêm, bên cạnh việc hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, trước đó Cục hàng hải Mông Cổ còn quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ môi trường biển; đăng ký tàu biển và chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Bộ luật Hàng hải. Đại sứ đề nghị Bộ trưởng Byambasuren Enkh-Amgalan sớm thông tin về kế hoạch trao đổi cán bộ học tập chia sẻ kinh nghiệm và đạo tạo thuyền viên với Việt Nam cũng như những đề xuất đối với Việt Nam trong việc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Bộ luật Hàng hải.
Việt Nam là quốc gia có trên 2.600 km đường sắt chính và 1 tuyến đường sắt liên vận từ Hà Nội đến Nam Ninh, Trung Quốc. Giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mông Cổ đã ký kết thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực đường sắt ngày 25/5/2004. Việc vận tải hàng hóa bằng đường sắt là một trong những ưu thế giúp tiết kiệm thời gian và giá thành, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc mà hai bên cần tiếp tục thúc đẩy và tháo gỡ, nhất là liên quan đến nước thứ ba. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Mông Cổ mong muốn sử dụng tuyến đường sắt liên vận để trao đổi hàng hóa.
Đại sứ bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy để tuyến đường sắt vận tải giữa Việt Nam và Mông Cổ qua lãnh thổ nước thứ ba được thuận lợi, tạo điều kiện cho hàng hóa được giao thương thúc đẩy kim ngạch thương mại hai nước. Bên cạnh đó, Đại sứ cho biết đang thúc đẩy để kết nối giao lưu giữa Đoàn thanh niên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Thanh niên trẻ Đường sắt Mông Cổ và hợp tác giữa Đại học Đường sắt Mông Cổ và Đại học Giao thông vận tải của Việt Nam.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên bày tỏ sự vui mừng trước những triển vọng hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giữa hai nước đồng thời mong muốn phối hợp giữa Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ và Bộ Đường bộ và Phát triển giao thông Mông Cổ ngày càng chặt chẽ để thúc đẩy các mục tiêu hợp tác đã đề ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét