Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

THĂM CÔ PHÚ Ở NGỌC HÀ, BA ĐÌNH, HÀ NỘI

Chiều 22/8/2019 tôi tìm nhà thăm cô Phú. Cô Phú là nhân viên Bộ Ngoại giao về hưu, hồi 1980 công tác tại Nhà khách Đại sứ quán nước ta tại Moskva. Tháng 6 năm ấy, chúng tôi gồm Hùng Đen, Hồ Thành Công và tôi về phép ở nhờ Sứ quán ta gần 1 tháng đã gặp cô.

Sau khi gọi điện cho anh Trần Văn Bình (Bình Đen) không được, tôi alo cho anh Nguyễn Việt Hưng (Hưng Sử công tác tại Bộ Ngoại giao, đã nghỉ hưu) để chắc chắn các thông tin về cô, về nhà cô đang ở.


Do bận công việc cơ quan và Công ty, dù nhiều lần ra Hà Nội, tôi vẫn chưa có dịp ghé thăm ngôi nhà trong làng Ngọc Hà được. Nếu đi ô tô thì xe đều phải đậu ở Hoàng Hoa Thám (con dốc vào Hồ B52), hoặc phía Đội Cấn từ ngõ chùa Bát Tháp, rồi đi bộ một quãng nữa.

Lần này, tôi qua ngả chùa Bát Tháp. Vẫn những ngõ ngách nhỏ hẹp, nhà nhà sát ra mặt ngõ. Mưa lâm thâm như mùa Nồm, tưởng nhỏ, nhưng một chốc thì ướt áo. Qua ngã Ba đầu tiên quẹo phải, tôi bắt đầu hỏi thăm bà Phú Bán Lá. Cái nghề tay trái này của cô thì tôi biết cách nay ba mươi mấy năm: Cô bán các lá cây thuốc xông, đắp, uống vốn gia truyền từ mẹ.

Bây giờ nhà san sát, không như xưa còn các hồ nhỏ, các bức tường dài, những giậu phên bằng B40. Phần lớn dân thuê phòng, nên họ chẳng biết Bà Phú Bán Lá là ai. Tầm này, chủ nhà thực sự thì ở tút trên gác, hoặc sâu phòng phía sau, hoặc giả cho thuê đứt, ở nơi khác.

Một số là chủ nhà, nhưng dân ngụ cư nên cũng không có thông tin mình cần.

Thủ đô, sau bao nhiêu năm mỗi cái là đông đúc hơn, còn lộn xộn nơi làng xưa thì vẫn như cũ.

Theo mách chỉ, tôi tìm đến nhà bác làm công việc dân phố. Bác cũng đi vắng.

May thay, đang loay hoay tìm người hỏi thăm, thì gặp chú Xe Ôm, tôi hỏi cầu may. Hóa ra một ngày tốt lành. "Bà Phú Bán Lá ấy à? Em vẫn chở bà ấy hằng ngày mà" Chú nhã ý đưa tôi đến tận nhà.

"Bà Phú ơi ! Có khách", chú gọi to. Sau một hồi không tiếng chủ nhà, tôi cảm ơn chú, rồi kiên nhẫn vừa bấm chuông, vừa gọi cửa.

Cô Phú đây rồi, người thấp đi nhiều. Vẫn các nét thân quen hồi tôi đến chơi với Phúc. Phúc là lái xe cho Đại sứ Nguyễn Xuân Hòe. Những lần chở bác Hòe dự tiệc, căn giờ tiếp khách, Phúc thường đánh xe vào phòng chúng tôi ở Zai San, chuyện trò hoặc ăn uống chút lót dạ chờ đi đón Đại sứ. Hội chúng tôi ngày ấy có Phạm Phú Hòa, Nguyễn Xuân Hùng, Phúc và tôi.

"Ai đấy ?" Tôi nói "Cô ơi cháu đây. Cô cứ mở cửa ra xem có nhận ra ai không ?". Ngập ngừng giây lát, hình như thần giao cách cảm mách bảo, cô mở cửa, sững sờ nhìn tôi.

"Cô có nhớ cháu không ?" rồi không để cô hao tổn thêm trí nhớ đã não hóa, tôi ôm lấy cô "Cháu Huân đây".

Tôi thấy trên khóe mắt chợt đỏ hoe hai giọt nước mắt chảy xuống gò má nhăn nheo của người phụ nữ 82 tuổi.

Tôi xin phép thắp nén hương cho Chú, và Phúc. Cô mở ngăn kéo bàn đưa tôi 2 cây nến và 3 nén nhang. Đứng trước nến sáng và hương khói, tôi cầu cho hương hồn chú Hồng và Phúc bình an nơi cõi Phật, khẽ nhẩm "Phúc ơi, tao về thắp cho mày nén hương đây !"

Những kỷ niệm ngày xưa được nhắc lại. Cái nhà cũ cô bán một phần lấy tiền cho con trai thứ 3 xây nhà, cho con thứ 2 trả nợ, còn dồn lại xây cái căn nhỏ 2 tầng như bây giờ. Do hoàn cảnh, con trai ở Sài Gòn quay ra Hà Nội ở cùng mẹ thêm người đỡ cô quạnh. Vợ Phúc ở vậy nuôi con trai, lấy vợ cho nó đã có cháu trai.

Nghẹn ngào kể về con dâu phải góa bụa sớm, vài lần cô khuyên đi bước nữa. Được cái là người chung thủy và lo lắng cho con, nên vợ Phúc vẫn ở vậy. Thi thoảng, mẹ con cháu về thăm bà Nội, ấm áp máu mủ, ruột già.

Tôi băn khoăn sao ở tuổi này vẫn phải bươn chải ngoài chợ ? mới hay mỗi người mỗi cảnh, thấy thương người mẹ bạn đã coi chúng tôi như con cái.

Ghi cho cô số điện thoại, tôi xin phép ra về. Bồi hồi ngoái lại nhìn lần nữa cánh cổng 28 ngách 173/134 đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội vẫn không khép, giọt nước mắt chảy dài trên đôi má đã nhăn nheo, đứng nhìn theo sau cánh cổng sắt bạc màu sơn.

Ngoài trời vẫn mưa bụi giăng giăng. Áo ướt mà lòng không lạnh.

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)