Quan hệ hữu nghị truyền thống không ngừng phát triển
(bài viết của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung)
Nhân kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mông Cổ (17/11/1954-17/11/2019), trân trọng giới thiệu bài viết của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung.
Ngày 17/11/1954, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Mông Cổ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Trên tinh thần coi trọng quan hệ với Mông Cổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm Trung Quốc và Mông Cổ vào tháng 5/1955, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Người sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam. Mông Cổ là một trong những nước bạn bè trên thế giới sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ tích cực đối với nước Việt Nam vừa trải qua kháng chiến gian khổ.
Hai bên đã duy trì tốt các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, qua đó góp phần hết sức quan trọng vào việc củng cố và tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Kể từ năm 1990 đến nay, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã tiến hành 9 chuyến thăm tới Mông Cổ. Lãnh đạo cấp cao Mông Cổ cũng đã 7 lần sang thăm Việt Nam. Gần đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Mông Cổ năm 2016 nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM tại Mông Cổ; Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ M.Enkhbold thăm chính thức Việt Nam vào tháng 1/2018.
Hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương hai nước cũng được quan tâm thúc đẩy. Hai bên đã thiết lập và duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ đồng chủ trì, cơ chế Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhất là lĩnh vực phòng chống tội phạm tiếp tục được tăng cường. Tháng 7/2019, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thăm Mông Cổ và ký Hiệp định dẫn độ tội phạm giữa hai nước. Các địa phương của hai nước trong đó có Thủ đô Hà Nội và thành phố Ulan Bator, Thủ đô của Mông Cổ đã thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác và triển khai các hoạt động giao lưu, hợp tác.
Tuy còn khiêm tốn nhưng quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mông Cổ trong những năm gần đây có những bước phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt khoảng 60 triệu USD, tăng gấp đôi so với 5 năm trước. 7 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 40 triệu USD, Việt Nam xuất khẩu sang Mông Cổ các mặt hàng như điện thoại, thiết bị gia dụng, bánh kẹo, ngũ cốc và nhập khẩu đồng, nguyên phụ liệu dệt may và da giày từ Mông Cổ.
Các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân thời gian qua đã góp phần tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Một trong những biểu tượng sinh động về tình hữu nghị giữa hai nước là Trường thực nghiệm số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ. Đây là một trong những ngôi trường đầu tiên của thành phố Ulan Bator và nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14/5/1980, trường đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ đã ra quyết định được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh như ngày nay.
Từ đó đến nay, trường đã trở thành một trong những nhịp cầu hữu nghị của hai nước, là nơi được dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2009) và sau đó có Phòng Truyền thống Hồ Chí Minh. Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân các ngày lễ lớn của Việt Nam như Quốc khánh, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh..., các cuộc thi viết, vẽ, tìm hiểu về lãnh tụ Hồ Chí Minh, đất nước và con người Việt Nam.
Với nguyện vọng chung về hòa bình, hợp tác và phát triển, trong những năm qua, Việt Nam và Mông Cổ duy trì tốt quan hệ phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, khu vực mà hai nước cùng là thành viên như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Á – ÂU (ASEM)...
Nhìn lại lịch sử quan hệ truyền thống tốt đẹp trong 65 năm qua, với nhiều tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực, trên cơ sở chia sẻ nguyện vọng chung về hòa bình và mục tiêu chung về phát triển và phồn vinh, hai nước cần phối hợp thúc đẩy hợp tác song phương theo một số phương hướng lớn sau:
Một là, tiếp tục củng cố, tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau thông qua việc duy trì tốt các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp, các ngành, các địa phương hai nước với các hình thức linh hoạt, đa dạng. Trong đó, cần tiếp tục duy trì hiệu quả cơ chế hợp tác hiện có.
Hai là, thúc đẩy hợp tác kinh tế trên những lĩnh vực phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của hai bên. Mông Cổ là đất nước rộng lớn với hơn 1,5 triệu km², có tiềm năng lớn về khoáng sản như than đá, dầu khí, vàng, bạc, đồng cũng như có hơn 60 triệu con gia súc (cừu, bò, ngựa...) đáp ứng tốt cho ngành thực phẩm và da giày. Việt Nam đang phát triển nhanh, ổn định, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới, có nhiều thế mạnh về sản xuất hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm.
Ba là, tiếp tục mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác giữa nhân dân hai nước trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch. Các cơ quan liên quan của hai bên cần tiếp tục phối hợp xem xét, có biện pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn về giao thông, đi lại giữa hai nước.
Bốn là, tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực, trước mắt là trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Lịch sử quan hệ 65 năm qua đã chứng minh cho mối quan hệ bạn bè hữu nghị, tin cậy và chia ngọt, sẻ bùi giữa Việt Nam và Mông Cổ. Trên cơ sở đó, hai nước chắn chắn sẽ tiếp tục cùng nhau bước tiếp trên con đường hướng tới tương lai vì độc lập dân tộc, hòa bình, phồn vinh và phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét