Ngày 31/3, tại Thủ đô Ulan Bator, Đại sứ Đoàn Thị Hương đã tiếp và làm việc với Quốc Vụ khanh Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ T.Jambaltseren để bàn bạc, tháo gỡ khó khăn trong việc xuất, nhập khẩu nông sản giữa hai nước.
Tại buổi làm việc, ông T.Jambaltseren đánh giá cao những giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả để kiềm chế sự lây lan đại dịch Covid-19 của Việt Nam. Ông T.Jambaltseren tin rằng, với sự lãnh đạo năng động, sáng tạo của Đảng, nhà nước, nhân dân Việt Nam sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định kinh tế và tiếp tục phát triển.
Ông T.Jambaltseren bày tỏ sự phấn khởi về thành công của Phiên họp Ủy ban Liên chính phủ lần thứ 17 diễn ra tại Hà Nội tháng 12/2019 và cho rằng, thành công tốt đẹp của kỳ họp đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho cả hai nước nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Về việc nhập khẩu gạo, hàng năm Mông Cổ nhập khẩu khoảng 40 nghìn tấn gạo trong đó 50% nguồn gạo nhập từ Việt Nam. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Mông Cổ đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp Việt Nam (số lượng khoảng 10.000 tấn), nhưng hiện nay việc triển khai các hợp đồng đang gặp khó khăn. Để đảm bảo nguồn lương thực cho người dân Mông Cổ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ông T.Jambaltseren đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ hỗ trợ, trao đổi với các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam để các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Mông Cổ được triển khai thực hiện theo kế hoạch đã được ký kết.
Về việc triển khai xuất, nhập khẩu nông sản giữa hai nước, ông T.Jambaltseren đề nghị, trên cơ sở các nội dung đã thống nhất tại Kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ lần thứ 17, Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ mong muốn Chính phủ hai nước thúc đẩy để các doanh nghiệp tăng cường hợp tác xuất nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của nhau. Đặc biệt là xuất khẩu nguyên liệu da và nhập khẩu các mặt hàng hoa quả, bánh kẹo, thủy hải sản... của Việt Nam sang Mông Cổ.
Quang cảnh buổi làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ |
Về phần mình, Đại sứ Đoàn Thị Hương cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ Việt Nam ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực cho người dân lên hàng đầu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân, do đó Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo đến cuối tháng 5/2020. Đối với các hợp đồng gạo đã được ký kết sẽ vẫn được triển khai. Đại sứ quán luôn sẵn sàng hỗ trợ để các doanh nghiệp Mông Cổ tiếp tục hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam.
Về vấn đề xuất khẩu nguồn nguyên liệu da từ Mông Cổ sang Việt Nam, Đại sứ cho rằng, việc xuất nhập khẩu nguyên liệu da giữa Mông Cổ - Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Nhất là ngày 30/3, Hội đồng châu Âu đã thông qua quyết định phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA). Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ tạo ra những cơ hội giao thương mới. Đây cũng là cơ hội để các sản phẩm da của Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu đồng thời cũng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Mông Cổ xuất khẩu nguồn nguyên liệu da vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện này là vấn đề đường vận chuyển. Trong thời gian qua, hai nước đã và đang tìm các giải pháp tháo gỡ như nghiên cứu thiết lập đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mông Cổ hoặc thúc đẩy để kết nối tuyến đường sắt của Việt Nam với tuyến đường sắt Trung Quốc - Mông Cổ - Nga. Đại sứ Đoàn Thị Hương hy vọng, với sự nỗ lực của cả hai bên, khó khăn này sẽ sớm được tháo gỡ, có như thế hàng hóa trao đổi giữa hai nước mới được thuận lợi.
"Về việc Việt Nam nhập khẩu thịt gia súc đông lạnh của Mông Cổ, ngay sau Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ lần thứ 16 tại Mông Cổ, các cơ quan liên quan của Việt Nam đã tích cực triển khai các thủ tục cần thiết. Vì vậy, đề nghị Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thành các hồ sơ đánh giá rủi ro để hai nước hoàn thiện các thủ tục pháp lý sớm đưa thịt đông lạnh của Mông Cổ xuất khẩu sang thị trường Việt Nam", Đại sứ Đoàn Thị Hương nhấn mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét