MÔNG CỔ"Nhìn kìa, có thấy anh chàng đấy không? Đẹp trai quá đi mất", Timur nhìn về phía Jenisbek Tserik, chàng thợ săn đại bàng nổi tiếng trên thảo nguyên.
Tserik ngồi trên con ngựa đua, phi nước đại về phía Timur, hướng dẫn viên người Mông Cổ cho Mark Daffey, phóng viên CNN. Đầu đội mũ lông cáo, thân trên mặc áo khoác da, dưới mặc quần dài thêu, bên tay phải là một con chim ưng lớn thuộc giống đại bàng lông vàng châu Á, Tserik nom thật bắt mắt.
"Nhìn lông mày với gò má của anh ấy kìa", Timur nói. "Anh ấy thật cao lớn và mạnh mẽ. Các cô gái nhìn thấy anh ấy là chết mê chết mệt".
"Đúng thế đấy", Bata, vợ của Timur, nói, hơi đỏ mặt. "Nếu so sánh cậu ấy với Timur về ngoại hình, chắc chắn là tôi sẽ chọn Tserik".
Tserik ngồi trên lưng ngựa, bên cạnh là 4 thợ săn khác. Anh cao hơn họ gần một cái đầu, vai rộng, vuông vắn, cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. Tserik tên đầy đủ là Jenisbek Tserik, nghĩa là "chiến binh thép", cái tên thể hiện đầy đủ tài năng của anh.
Tserik là bậc thầy cưỡi ngựa, luôn chiến thắng trong các cuộc thi đấu vật. Anh từng được mời đến Dubai tham gia triển lãm. Với một người dân tộc Kazakhstan bán du mục sống ở tỉnh Bayan-Ölgii xa xôi trên thảo nguyên Mông Cổ, bất kỳ chuyến đi nước ngoài nào cũng giống như tới thăm một hành tinh khác, còn Dubai hào nhoáng giống như một vũ trụ khác.
26 tuổi, chưa lấy vợ, Tserik nói có 5 cô bạn gái, bao gồm một người ở Dubai, một người ở Kazakhstan. Không rõ anh nói đùa hay thật nhưng Timur và Bata cho rằng khả năng ấy rất lớn.
Cũng như đấu vật, Tserik là một cung thủ vô địch, giành được vô số giải thưởng về đi săn cùng chim ưng ở Bayan-Ölgii, nơi thú vui này đã tồn tại hàng thế kỷ và phổ biến hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh.
Tục đi săn cùng chim ưng bắt nguồn từ một vương quốc xưa ở Trung Á, nơi hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn định cư bên biển hồ Aral tới khi Đế quốc Nga đem quân xâm lược buộc họ phải chạy trốn tới vùng núi Altai ở Mông Cổ.
Sau đó, khi Liên Xô và Trung Quốc phân chia biên giới khu vực này vào đầu thế kỷ 20, người Kazakhstan bị chia cắt và không thể quay lại. Họ tiếp tục sống cuộc đời bán du mục ở Tây Mông Cổ, nơi thú vui truyền thống như săn bắt cùng đại bàng vẫn tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
"Người Mông Cổ luôn tự hào về tài huấn luyện chiến mã. Còn người Kazakhstan luôn tự hào về tài huấn luyện chim ưng săn mồi", Bata giải thích.
Điều này thể hiện rõ qua cách họ bước đi và cư xử. 5 thợ săn biết mình đang được quan sát, họ ưỡn ngực và thẳng lưng mỗi khi ống kính máy ảnh hướng về. Lông mày nhíu lại và mím môi như thể đã quen với việc làm người mẫu.
Lễ hội Đại bàng đầu tiên được tổ chức ở thủ phủ Ölgii năm 1999. Nhưng đến tận bây giờ, vẫn ít người nước ngoài tìm đến đây. Khi Daffey hỏi Timur về số lượng người tới dự mùa lễ hội năm nay, anh trả lời "rất nhiều".
"Nhiều là bao nhiêu?" Daffey hỏi.
"Khoảng 800", Timur trả lời.
Lễ hội bắt đầu vào đầu tháng 10. Một lễ hội khác nhỏ hơn được tổ chức ở Sagsai hai tuần trước. Trong mỗi sự kiện, có tới 100 thợ săn thi thố tài năng của mình, nơi những con chim ưng được coi là thần điêu của thảo nguyên sẽ biểu diễn kỹ năng săn cáo hay nhặt đồng xu trên lưng ngựa.
Ngoài ra, còn một cuộc thi xem thợ săn nào được nhiều cô gái truy đuổi nhất. Tserik chắc chắn là người được theo đuổi nhiều nhất trong vài năm qua, Daffey nghĩ.
Tuy nhiên, mùa săn chỉ bắt đầu khi đã hết khách du lịch. Từ tháng 10 đến tháng 2, các thợ săn sẽ đi theo cặp vào núi, một người truy lùng con mồi, một người thả chim ưng theo dõi con mồi từ trên cao dọc sườn núi. Giải thưởng bao gồm cáo và thỏ rừng, những con thú cho bộ lông sang trọng để làm ra những chiếc mũ ấm áp nhất, giống như vương miện mà Tserik và bạn anh đội trên đầu.
Cuộc săn có thể kéo dài vài ngày, đòi hỏi sự nhẫn nại của cả thợ săn và đại bàng. Daffey hỏi Timur liệu các cặp vợ chồng có bỏ nhau vì người chồng dành nhiều thời gian cho chim hơn cho vợ không?
"Khi mọi phụ nữ chưa lấy chồng trong thung lũng đang xếp hàng chờ cậu, giống như chờ Jenisbek, ai còn cần lấy vợ chứ?", anh nhún vai nói.
Hồng Hạnh (Theo CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét