MẤY KỶ NIỆM VỀ ANH TÔ(1)
Tôi gặp và quen anh Tô vào tháng 8 năm 74 của thế kỷ trước. Lúc đó chúng tôi vừa học xong một năm dự bị tại Khoa Lưu học sinh (Sau này đổi thành Khoa Quản lý học sinh ngoài nước) của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Chúng tôi được cử sang học tại Nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Đoàn có 6 người: anh Tô Như Tuấn và anh Phạm Phú Hòa, thuộc diện con em cán bộ Miền Nam, học Vật lý ở Trường Đại học Tổng hợp, tôi và các anh Trần Văn Tường, Nguyễn Văn Trường, Phan Đình Thắm học ngành Nông nghiệp. Ở Khoa Lưu học sinh, anh Tô và anh Hòa học khác khối nên khi được phân công đi học ở Mông Cổ chúng tôi mới biết nhau.
Ấn tượng ban đầu của
tôi về anh Tô là một con người thư sinh, lịch thiệp, đậm chất Tràng An. Lúc đó
cũng chưa biết anh sinh ra trong một gia đình trí thức cao.
Chúng tôi sinh ra và
lớn lên ở làng quê, ra Hà Nội thấy gì cũng bỡ ngỡ và đặc biệt rất tôn trọng
những anh chị em ở đất kinh kỳ.
Thời gian chúng tôi ở
ký túc xá sinh viên chờ ngày lên đường, anh Tô thi thoảng đến chơi với
chúng tôi một lát rồi về. Quen nhau được mấy bữa thì một hôm Cụ thân sinh anh
đến gặp chúng tôi. Cụ lúc đó là Trung tá, Phó giáo sư, Tiến sỹ, giảng dạy ở Học
viện Quân y (Sau này Cụ là Đại tá - Giáo sư). Cụ đến động viên, hỏi thăm và ân
cần dặn dò chúng tôi đoàn kết khi đi học xa quê hương. Sau đó Cụ còn đến nhiều
lần, lần nào cũng có ý nhờ chúng tôi động viên anh Tô. Có lẽ Cụ sợ rằng anh
Tô từ bé vốn được chăm sóc, chiều chuộng nhiều nay phải xa nhà sẽ buồn và gặp
nhiều bỡ ngỡ.
Có một điều rất lạ là
Cụ cứ gọi chúng tôi là các chú. Lúc đó có anh Phan Đình Thắm lúc nào cũng mặc
bộ quần áo ga - ba - đin bộ đội trông rất chững chạc như một sỹ quan trở về học
sau những năm dài trận mạc ở chiến trường. Do phong độ ấy nên ngay ngày đầu
nhập học, anh Thắm đã được đặc cách bầu làm lớp trưởng lớp chúng tôi. Thời đó, nhiều
anh đã qua 5 - 10 năm chiến đấu ở chiến trường về học.
Có lẽ, thấy các anh ấy đĩnh đạc quá, nên Cụ gọi chúng tôi là chú.
Và anh Tường nữa. Anh
Tường học xong phổ thông lăn lộn thương trường 3 năm mới trở về thi đại học.
Anh kể rằng, thời kỳ tả xung hữu đột trên thương trường, mọi người đều gọi anh
là bác, chứ không gọi là anh. Anh có dáng dấp của một thương gia từng trải và
rất điềm tĩnh.
Vào một ngày đầu tháng 9 năm 1974, chúng tôi bước chân lên tàu liên vận quốc tế bắt đầu quá trình du học. Tới ga Bằng Tường, Trung Quốc, tàu dừng bánh. Chúng tôi xuống sân ga, vào một cửa hàng. Nơi đây, hàng hóa la liệt và rất đẹp mắt. Ngắm nhìn các đồ vật, tự nhiên trong tôi nổi lên một cảm giác lạ không bao giờ quên được. Mảnh đất chỉ cách Tổ quốc hơn chục cây số mà thanh bình quá. Bên kia biên giới đang khói lửa chiến tranh. Nơi đó, cha mẹ, người thân và đồng bào tôi đang gian khổ, hy sinh(2). Một sự xúc động mãnh liệt trào dâng. Sau này đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới và trải qua biết bao sự kiện của cuộc đời, không bao giờ tôi có cảm giác xúc động như thế nữa.
Chuyến tàu đưa chúng
tôi xuyên đất nước Trung Quốc bao la, vượt sa mạc Gô - bi tiến vào U - lan - ba
- to, thủ đô nước CHND Mông Cổ. Bắt đầu một hành trình mới.
Chúng tôi ai cũng say
sưa học tập, tích lũy kiến thức để sau này phục vụ đất nước. Xa quê hương nên
mọi người thân thiết, coi nhau như anh em.
Với Tô, tôi có nhiều
kỷ niệm.
Tôi tôn trọng chất
Tràng An trong con người anh và muốn gần gũi để học hỏi nhiều điều. Còn nhớ, khi đến nước bạn
một thời gian, anh rủ tôi đi ăn ở khách sạn U - lan -ba - to, khách sạn sang
nhất của Mông Cổ lúc đó. Anh bảo, để biết cách sinh hoạt và phong độ ăn chơi
của giới thượng lưu và khách nước ngoài. Lần đầu vào ăn uống ở một khách sạn
sang như thế quả là điều thú vị.
Sau này chúng tôi thường
đến đây và nhiều nơi sang trọng nữa. Mỗi nơi đến đều bồi đắp thêm cho chúng tôi
những kiến thức xã hội, phong tục tập quán của từng vùng miền, quốc gia khác nhau.
Thời kỳ học bên đó
chúng tôi chịu sự quản lý của Đại sứ quán và tổ chức sinh viên. Khi đó, kỷ luật
rất nghiêm. Anh em chúng tôi vốn hiền lành, chất phác nên việc thực hiện nội
quy nghiêm minh không có gì là gò bó cả. Tuy nhiên, thời ấy, lối sống, cách
sinh hoạt và ăn mặc ở nước bạn có nhiều điểm khác ta. Dạ hội, khiêu vũ thì
không sao, thậm chí còn là nét văn hóa đẹp cần học hỏi. Nhưng quần loe, tóc dài
thì là cả một vấn đề.
Lúc đó nội quy sinh
viên là không được mặc quần ống loe và để tóc dài. Khốn nỗi, đó là mốt đang rất
thịnh hành ở nước bạn. Ai cũng đều như thế cả. Chúng tôi học tập dài hạn ở đây,
hàng ngày sống cùng bạn bè mà không theo thì chẳng lập dị quá hay sao. Anh Tô
với chất hào hoa, bay bổng của trai đất kinh kỳ thì cảm thấy gò bó và khó chịu.
Rồi dần dần, từng bước, chúng tôi phá lệ. Cách thức bài bản, từ thấp đến cao,
tùy theo nhắc nhở của Trưởng sinh viên. Vốn nhút nhát, tôi cứ theo anh Tô. Anh quần
loe, tóc dài 10, thì tôi 7 - 8. Có gì thì anh ấy chịu trận trước. Thế mà hiệu
quả.
Từ đó, cách ăn mặc của
anh em sinh viên mình cũng dần thay đổi. Chúng tôi vẫn giữ được bản sắc và kỷ
luật đơn vị mà vẫn hòa hợp được với bạn bè. Sau này, ăn mặc, tóc tai không còn là
vấn đề nữa. Thực sự, anh Tô đã tiên phong thổi một luồng gió mới để anh em được
thoải mái hơn.
Thấm thoắt 7 năm miệt
mài học tập đã trôi qua. Năm 1981, chúng tôi chia tay thầy cô và bạn bè Mông Cổ
về nước.
Sau chiến tranh biên
giới năm 1979, tàu liên vận Trung Quốc bị cắt, chúng tôi phải qua Liên -
Xô. Từ Mông Cổ chúng tôi đi tàu xuyên Si - bê - ri tới Mátx - cơ – va, sau đó
đi máy bay về Việt Nam.
Về nước, chúng tôi hăm
hở nhận công tác với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ. Anh Tuấn ở Hà Nội, tôi về
nông thôn theo đúng ngành học.
Lúc đó đất nước còn
nghèo lắm. Tôi nhớ, khi làm thủ tục ở Bộ Đại học để nhận công tác, một bác nói,
kinh tế nước mình đang đi xuống theo đường parabon lõm, nhưng chưa biết
bao giờ tới đáy, khi nào đi lên. Quả thực, nước ta phải mất 10 năm rơi tới
đáy rồi sau đó mới dần đi lên được.
Nghề nghiệp cho phép
tôi chu du khắp các nẻo đường đất nước từ những làng bản xa xôi nơi biên giới
cực bắc của Tổ quốc tới những lần ngang dọc vượt đỉnh Trường Sơn "mây
trắng quyện dưới chân bước bồi hồi"(3). Rồi miền đất đỏ Tây
Nguyên. Rồi sông nước Nam Bộ. Và tận nơi đảo xa Phú Quốc...
Cũng lạ. Vất vả, khó
khăn như thế mà vẫn lạc quan phơi phới, lúc nào tâm trạng cũng hừng hực như lời
thơ Tố Hữu: "Lạ lùng chưa/ Ta sống thật đây gian khổ đêm ngày/ Mà cứ tưởng
bay trong mơ ước./ Bữa cơm khoai, ít cá nhiều rau/ Mà ngăn sông làm điện, khoan
biển làm dầu./ Chân dép lốp/ Mà lên tàu vũ trụ"...
Bẵng đi gần 20 năm,
công việc cứ cuốn trôi, chúng tôi không gặp lại nhau. Đôi lúc nhớ các anh ở Hà
Nội, nghĩ, chắc các anh thành đạt lắm, và mong ngày gặp mặt.
Và rồi dịp may cũng
đến. Tháng bảy năm 1999, Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức kỷ niệm Quốc
khánh nước CHND Mông Cổ có mời các cựu lưu học sinh tại Mông Cổ tham dự. Khỏi
phải nói chúng tôi vui biết chừng nào. Anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng. Nhìn
các anh rất phong độ, bệ vệ mà thấy vui lây.
Anh Tô thì vẫn bình dị
và thân mật như xưa. Tôi vô tư cười đùa trò chuyện với anh như thời sinh viên
đi dạ hội. Nói chuyện với anh Tô được một lúc thấy anh Mai Văn Bân, quê Thanh
Hóa, nháy tôi ra ngoài rồi ghé tai tôi khẽ nói: “Tuấn lon đại đấy, nhưng bí
mật!”. Tôi giật mình nghĩ, Tô đã quan to cơ à? Chắc anh
hoạt động trong ngành đặc biệt. Có thể lắm. Có lẽ ngành ấy cần chuyên môn
vật lý của anh. Anh ứng xử giỏi quá. Thế là từ lúc đó, tuyệt
nhiên tôi không dám bông đùa nữa, chỉ nhìn anh từ xa với một sự kính nể.
Mà cũng không riêng
tôi. Các anh em ở các tỉnh xa về dự nhìn các anh ở Hà Nội có cái gì đấy cũng
khác lạ lắm.
Tôi nhớ anh Lê Duy
Quyến, lúc đó là Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quảng Xương, thay mặt cho anh
em ở Thanh Hóa phát biểu. Anh Quyến nói khá dài, và dành nhiều ngưỡng mộ các
anh ở Hà Nội. Không ngờ các anh ấy thành đạt như vậy. Chúng tôi cảm thấy tự hào
là bạn của các anh!
Do cơ duyên, sau cuộc gặp gỡ đó, tôi và Tô thường xuyên gặp nhau. "Khi gió gác, khi trăng sân/ Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ" như Đại thi hào Nguyễn Du nói. Thế nhưng, mỗi lần gặp nhau vui vẻ quá, tôi cũng quên không hỏi về công việc của anh. Sau này nghĩ lại mới thấy không hỏi là đúng vì nhỡ anh làm công việc chuyên biệt, không dám nói.
Rồi do bận việc, thời gian dài chúng tôi lại xa nhau, không thường xuyên đàm đạo với nhau nữa. Lúc này mới có Internet, tôi bắt đầu học lướt mạng, thấy cái gì cũng hay. Đôi khi là những thông tin của người thân, bạn bè. Rồi những tin tức xã hội cập nhật hàng ngày. Cũng có khi là các bài viết khá đắt của những học giả tầm cỡ mà trước đây khó tiếp cận.
Một hôm, đang lang
thang online, thấy anh Tô đột ngột xuất hiện giữa làng Phây như một niềm kinh
dị(4). Anh Tô trình làng một giọng văn trào phúng, châm biếm đặc
sắc. Thông qua dí dỏm mà hài hước, anh chuyển tải các nội dung khác nhau, nhiều
khi rất đời thường mà sâu sắc. Thành thói quen, mỗi lần mở Phây thấy bài của
anh tôi lại ngấu nghiến đọc. Nhớ anh đã đành nhưng cũng muốn biết qua những bài
viết tưởng như bông đùa của anh có gửi gắm vấn đề gì bí mật hoặc một dự báo qua nhãn quan của một người thạo tin. Được
một thời gian khá lâu, bỗng nhiên anh đột ngột rời Phây để lại bao luyến tiếc,
nhớ nhung trong lòng độc giả. Hay là anh đã định cư dài hạn cùng con trai ở xứ
sở Kanguroo xa xôi thơ mộng hoặc giả chuyển sang lĩnh vực làm ăn mới, bỏ lại sự
nghiệp văn chương ?
Không. Anh đã trở lại.
Lần này, rất đột ngột và vẫn phong thái ngày xưa.
Chúc anh sức khỏe và
tiếp tục đem lại nhiều niềm vui cho độc giả.
Lạng Sơn, ngày 02
tháng 7 năm 2021.
LÃ VĂN LÝ.
(1) Tên thân mật của anh Tô Như Tuấn
(2) Lúc đó tôi chưa biết rằng anh trai tôi đã
vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường Đông Nam Bộ từ hơn 5 năm trước
(3) Lời trong bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn”
của Trần Chung.
(4) Đấy là học cách nói của Cụ Hoài Thanh,
tác giả của "Thi nhân Việt Nam"
2 nhận xét:
Rất cảm ơn Huân đã có những lời tốt đẹp về bạn! Nhiều niềm vui và may mắn nhé!
Mình sẽ cố gắng tập hợp, viết, biên tập vác bài về anh em một thời gian khó, nhưng ấm tình người. Cám ơn nhiều.
Đăng nhận xét