Theo Statista.com, năm ngoái Trung Quốc đã sản xuất 210.000 tấn đất hiếm và vẫn dẫn đầu về xuất khẩu tài nguyên. Riêng với loại khoáng sản đặc biệt này, nền kinh tế số hai thế giới có trữ lượng lên đến 44 triệu tấn.
Tận dụng ưu thế về đất hiếm so với Mỹ - đối thủ cạnh tranh lớn nhất, Trung Quốc lên kế hoạch kiềm chế nền kinh tế số một thế giới tiếp cận với nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghệ cao.
Thay vì “ngồi yên chịu trận”, Tổng thống Biden đã tìm đến vựa đất hiếm dồi dào bên cạnh Trung Quốc là Mông Cổ và mở ra thỏa thuận hàng không dân dụng “Bầu trời mở” giữa Washington và Ulan Bato.
Thỏa thuận được ký ngày 4/8 giữa Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg và Bộ trưởng Bộ Đường bộ và Phát triển Giao thông Mông Cổ Byambatsogt Sandag, giúp khách du lịch và chủ hàng hai nước có thêm nhiều lựa chọn đồng thời tăng cường giao lưu nhân dân.
Nhưng quan trọng hơn cả là thỏa thuận này giúp Washington tiếp cận với nguồn dự trữ đất hiếm lên đến 31 triệu tấn của Mông Cổ, tạo tiền đề cho siêu cường số một thế giới quay lại đường đua công nghệ với Trung Quốc.
Sau khi thỏa thuận Mỹ-Mông Cổ được ký kết, giới chuyên gia Trung Quốc không khỏi lo ngại vì nó sẽ cản trở chính sách kiểm soát đất hiếm mà Bắc Kinh tận dụng nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt công nghệ của Washington.
Cuộc chiến đất hiếm
Lâu nay đất hiếm là quân bài Trung Quốc sử dụng trong các đối sách kinh tế với siêu cường số một - Mỹ.
Tháng trước, Tạ Phong, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, cho biết nước ông sẽ trả đũa nếu Washington áp thêm lệnh trừng phạt. Vì thế, một số nhà bình luận dự đoán kiểm soát xuất khẩu đất hiếm sẽ là át chủ bài của Bắc Kinh.
Chuyên gia quân sự Jiang Fuwei hiến kế: “Mỹ cần khẩn trương tìm các nhà cung cấp đất hiếm mới và Mông Cổ là lựa chọn tuyệt vời nhất khi vừa có nguồn đất hiếm dồi dào, vừa tiếp giáp phía nam Trung Quốc và phía bắc Nga”.
Do đó, ông cũng khuyến nghị rằng Trung Quốc và Nga phải đảm bảo Mông Cổ sẽ không nghiêng về Mỹ, cho dù là thông qua quan hệ kinh tế hay về tầm ảnh hưởng.
Mông Cổ trong căng thẳng Mỹ-Trung
Sau khi chính quyền nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, Mông Cổ chính thức tuyên bố độc lập. Trong giai đoạn từ năm 1947-1991, quốc gia này chịu ảnh hưởng chính trị sâu sắc của Liên Xô. Nước này đã đi theo con đường dân chủ từ những năm 1990 nhưng lại đối mặt tham nhũng nghiêm trọng.
Những năm gần đây, quốc gia này quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
Vào ngày 2/8,Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai đã gặp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Nhà Trắng. Ông cho biết Mông Cổ sẽ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, đồng thời sẵn sàng chia sẻ nguồn đất hiếm dồi dào cho các ngành công nghệ cao của Mỹ.
Vị thủ tướng này cũng không khỏi lo ngại về việc Mông Cổ sẽ chịu thiệt hại lớn nếu xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc phát triển thành “Chiến tranh Lạnh mới”.
Người đứng đầu quốc gia này chia sẻ: “Chiến tranh Lạnh mới chắc hẳn sẽ phức tạp hơn nhiều so với trước kia và khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các cường quốc cần phải hành động có trách nhiệm hơn để tránh những tác động tiêu cực với các nước khác”.
Ông mong muốn nước mình sẽ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và Mỹ.
Đáp lại những mong muốn của Mông Cổ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết hai bên sẽ cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm khủng hoảng khí hậu, duy trì dân chủ và nhân quyền, đồng thời sẽ giải quyết các mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét