Đây là chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam đầu tiên của một tổng thống Mông Cổ sau 10 năm, diễn ra ngay trước thềm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Theo thông cáo ngày 27-10 của Bộ Ngoại giao, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước Việt Nam từ ngày 1 đến 5-11.
Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân, ngay trước dịp hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1954 - 2024).
Ông Ukhnaagiin Khurelsukh từng thăm Việt Nam trên cương vị Tổng thư ký Đảng Nhân dân Mông Cổ vào tháng 1-2010.
Vào tháng 5-2023, nhân dịp cùng đến Anh dự lễ đăng quang Vua Charles III, Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh đã gặp gỡ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh là người có tình cảm với Việt Nam. Ông đã tích cực thúc đẩy thiết lập khuôn khổ quan hệ mới với Việt Nam khi trên cương vị phó thủ tướng và thủ tướng Mông Cổ.
Lần gần đây nhất một tổng thống Mông Cổ thăm cấp nhà nước Việt Nam là vào tháng 11-2013.
Việt Nam và Mông Cổ có quan hệ hữu nghị truyền thống, thường xuyên giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.
Mông Cổ luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là về địa lý và vận tải, hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam và Mông Cổ duy trì ở mức khiêm tốn.
Tính đến tháng 11-2019, Mông Cổ có ba dự án đầu tư tại Việt Nam, đứng thứ 96/126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng giá trị đạt 1,1 triệu USD.
Hai bên đang nỗ lực mở rộng các mặt hàng hai nước có thế mạnh như các mặt hàng nông, thủy sản, tiêu dùng của Việt Nam và các sản phẩm thịt gia súc, da giày của Mông Cổ.
Chuyến thăm của Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh lần này được kỳ vọng sẽ củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, đề ra những định hướng quan trọng cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ vào năm 2024.
Mông Cổ - 1 trong 10 nước giàu khoáng sản nhất thế giới
Đất nước Mông Cổ thuộc khu vực Trung Á, có diện tích hơn 1,56 triệu km2 nhưng dân số chỉ hơn 3,4 triệu người. Kinh tế Mông Cổ chủ yếu dựa vào ngành khai khoáng và chăn nuôi đồng cỏ tự nhiên.
Đây là 1 trong 10 quốc gia có nguồn khoáng sản giàu nhất thế giới, với các khoáng sản chính là đồng, than đá, vàng, nhôm, uranium… Hiện ngành khai thác khoáng sản chiếm trên 50% GDP của Mông Cổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét