Ngày 15/11, Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ đã tổ chức buổi gặp gỡ hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tại Thành phố Hồ Chí Minh, mở đầu chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tham dự buổi gặp mặt có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ; ông Jigjee Sereejav, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mông Cổ tại Việt Nam; ông Đỗ Việt Hà, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh cùng các cựu lưu học sinh Việt Nam tại Mông Cổ và đông đảo người yêu mến đất nước Mông Cổ.
Chặng đường hữu nghị bảy thập kỷ
Tại buổi lễ, ông Trần Thanh Nam điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Mông Cổ. Ngày 17/11/1054, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu Mông Cổ là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ với Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á. Tháng 7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Mông Cổ, đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hữu nghị song phương.
Trong suốt 70 năm, quan hệ Việt Nam - Mông Cổ không ngừng phát triển, với những hợp tác thiết thực và bền vững trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Từ năm 1979, Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Mông Cổ được thành lập, đã tổ chức thành công 18 kỳ họp. Kỳ họp thứ 19 dự kiến diễn ra vào tháng 11/2024 tại Hà Nội hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho cả hai nước.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tới Việt Nam tháng 11/2023 và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mông Cổ tháng 9/2024 đã nâng tầm và làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác song phương. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện và tiếp tục mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực: chính trị, quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật, kinh tế - thương mại và đầu tư; thúc đẩy hợp tác thực chất về nông nghiệp, khoa học, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, lao động, môi trường và bảo trợ xã hội... Việc nâng cấp này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước mà còn đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tình bạn vượt không gian và thời gian
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, quan hệ giao lưu nhân dân Việt Nam - Mông Cổ đã phát triển mạnh mẽ qua nhiều thập kỷ, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước. Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ đã có nhiều đóng góp tích cực, xây dựng và phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hội cũng đã xây dựng được nhiều cơ sở phân chi hội hữu nghị ở các tỉnh và thành phố, nhà máy, hợp tác xã, trường học…
Trong những năm tháng qua, Mông Cổ đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam, những người nay đã trưởng thành và đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong xã hội.
"Tuy cách trở về mặt địa lý, nhưng trái tim của các cựu lưu học sinh Việt Nam tại Mông Cổ luôn hướng về nơi đã gắn bó quãng đời thanh xuân của mình với tấm lòng yêu thương, trìu mến", ông Nam nói.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mông Cổ tại Việt Nam Jigjee Sereejav phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mông Cổ tại Việt Nam Jigjee Sereejav cho hay: quan hệ Việt Nam - Mông Cổ trải qua ba giai đoạn, từ quan hệ anh em (1954-1990), quan hệ bạn bè (1991-2022) đến quan hệ đối tác toàn diện (từ năm 2023 đến nay).
Ông nhắc lại lời của Thượng tướng Jambyn Jamyan trong hội nghị khoa học nhân kỷ niệm 60 năm quan hệ hai nước: "Dù xa, Việt Nam vẫn sống trong trái tim tôi, trong nhịp đập của trái tim tôi". Ông cũng nhấn mạnh tình cảm đặc biệt của người Mông Cổ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - một vị lãnh đạo vĩ đại, người đã "đi qua những khó khăn và hạnh phúc với sự giản dị và vĩ đại".
Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam Jigjee Sereejav tặng Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ Trần Thanh Nam cuốn sách “Bí sử Mông Cổ” (Tiểu sử Chingis Khaan) bản tiếng Việt. |
Trong những thời điểm khó khăn của chiến tranh Việt Nam, nhân dân Mông Cổ đã không tiếc công sức, vật chất hỗ trợ nhân dân Việt Nam, minh chứng cho tình bạn chân thành và sự đoàn kết giữa hai dân tộc. Giai đoạn hiện tại là "đỉnh cao của hợp tác và tiến bộ đặc biệt" giữa hai quốc gia, Mông Cổ coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực ASEAN và là “láng giềng thứ ba”.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã nghe ca khúc "Mời bạn tới thăm chốn này - Việt Nam luôn đón chào" của nhạc sĩ Mông Cổ Ariunbold Dashhorj, do em Lê Bùi Thanh Hằng, sinh viên Học viện Ngoại giao, phổ lời Việt. Giai điệu và lời ca đầy cảm xúc đã tạo nên không khí ấm áp, thể hiện tình yêu hòa bình, gắn kết tình hữu nghị giữa người dân hai nước.
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ, từ ngày 20-22/11 tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ sẽ tổ chức các sự kiện: Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Mông Cổ, Lễ giới thiệu tiểu thuyết "Sông Thami trong xanh" của nhà văn Mông Cổ Ch. Lodoidamba và Lễ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét