Thứ Năm, 13 tháng 11, 2008
Hải quân Mông Cổ
Mấy ai ngờ Mông Cổ, một đất nước không có biển, lại có truyền thống hàng hải từ lâu đời. Nước này từng nắm trong tay hơn 4.000 con tàu, làm chủ vùng biển từ Nhật ở miền bắc cho tới Java (Indonesia) ở miền nam.
Giờ đây, những con người giàu lòng tự hào dân tộc vẫn tìm cách duy trì truyền thống ấy, dù họ chỉ có 4 con tàu tạm ra khơi được và tổng cộng 7 thủy thủ.
Ca lên một bài hát tự biên về tài nghệ lái tàu của mình, các thủy thủ cưỡi con tàu “Sukhbaatar hùng mạnh” băng qua sóng biếc. Xin giới thiệu, đây là Hải quân Mông Cổ. 4 trong số 7 thành viên của họ đang hình dung về những thời kỳ tươi đẹp trong lời ca tiếng nhạc. Vấn đề là ở chỗ: Đây là nền hải quân của đất nước không có biển lớn nhất thế giới.
Toàn bộ lực lượng tàu bè chỉ gồm tàu đô đốc Sukhbaatar và 3 cái xà lan ọp ẹp. Trong số 7 thủy thủ, duy nhất một người, anh Batbayan, là biết bơi. “Tôi có thể tưởng tượng ra rằng không khí ở biển rất dịu mát và hiền hòa. Tôi muốn một ngày kia được nhìn thấy đại dương. Chứ ở hồ Huvsgul này, nước lạnh và sóng dữ lắm". Chả là tất cả các thủy thủ chưa ai nhìn thấy biển thật cả. Thế giới của họ là hồ Huvsgul, nằm trên biên giới giữa Mông Cổ với Nga.
Sukhbaatar từng đóng một vai trò quan trọng khi Liên Xô còn tồn tại. Nó chuyên trách việc nhập khẩu dầu từ Liên Xô mỗi năm, trong 6 tháng nước hồ không bị đóng băng. Nhưng khi Liên bang Xô Viết tan rã, ngành kinh doanh này cũng chấm dứt, và số phận không còn mỉm cười với những thủy thủ Mông Cổ. Purevdoji, kỹ sư của tàu, phát biểu: “Chúng tôi đã không vận chuyển khối hàng nào kể từ năm 1990. Cuộc sống giờ rất khó khăn. Mới đây chúng tôi đã bắt đầu chở khách du lịch đi chơi trên hồ, nhưng cũng chẳng đủ ăn”.
Kinh doanh du lịch cũng đẻ ra lắm chuyện buồn cười. Như hôm nay chẳng hạn, con tàu được một nhóm giảng viên đại học Hàn Quốc thuê. Họ cứ nài dạy các hành khách Mông Cổ và thủy thủ đoàn một bài dân ca Triều Tiên cho bằng được. Không thấy ai để ý là Sukhbaatar không đủ tiêu chuẩn để làm tàu chở hàng, chứ đừng nói là chở khách. Hơn 10 năm nay, nó chưa qua kiểm tra, và chỉ mang theo duy nhất 1 con xuồng cứu hộ cùng 7 cái áo phao.
“Tai nạn chết đuối là thường, vì tôi đâu thể ở đây suốt ngày. Nhưng có lần tôi đã cứu sống một đứa trẻ”, Batbayan (như chúng ta đã biết là anh thủy thủ duy nhất biết bơi) tâm sự. “Có lần tôi còn cứu mạng cả ông sếp của tôi. Ông ấy say rượu và ngã xuống cái khe nằm giữa con tàu và một cái xà lan”.
Giáo sư Dalai, chuyên gia về lịch sử Mông Cổ kể lại: “Hiện giờ Mông Cổ không có biển, nhưng mọi chuyện hoàn toàn khác khi Mông Cổ còn là một đế chế hùng mạnh. Trong đợt tấn công lần thứ 2 năm 1281, Mông Cổ có 4.400 con tàu và 50.000 quân. Đó là một lực lượng cự phách vào thời bấy giờ. Hốt Tất Liệt quả là người khát khao chiến thắng. Hai đợt xâm lược Nhật Bản thất bại, vì chúng tôi không có kinh nghiệm hải quân, phải dựa vào thủy thủ Trung Quốc và tàu Triều Tiên. Tôi không dám nói là người Trung Quốc đã phản bội chúng tôi. Nhưng rõ ràng là họ không làm hết sức mình để phục vụ các tướng lĩnh Nguyên Mông, những người đã chiếm đất nước của họ”.
Hơn 700 năm rồi, hải quân Mông Cổ tiếp tục tụt dốc và không hề có dấu hiệu vực dậy. Nhưng những thủy thủ vẫn hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Như Bargy chẳng hạn: Là thủy thủ phục vụ trong ngành hải quân lâu năm nhất, ông thuộc nằm lòng tên tuổi của tất cả các vị đô đốc Mông Cổ trong cả thế kỷ qua.
Với một số người, đó có thể là một niềm tin mù quáng, nhưng nó không phải không có cơ sở. Ở thủ đô Ulan Bator, chính phủ đang có kế hoạch huấn luyện thủy thủ ngoài biển khơi, và bán cờ phương tiện cho các tàu nước ngoài. Một dân tộc từng tung vó ngựa từ Á sang Âu sẽ không chịu ngã lòng chỉ vì thiếu vắng một đường bờ biển.
Nếu vậy thì tâm nguyện của Tudev, một nhà thơ Mông Cổ yêu biển, sẽ được thực hiện. Ông vốn cho rằng tất cả những điều bất hạnh của đất nước đều xuất phát từ cách nhìn nhận bó hẹp trong lục địa mà ra: “Chúng ta sống giữa hai nước lớn. Cần phải phá vỡ thế cô lập này. Tiếp cận được với biển, ta sẽ có cơ hội liên hệ với thế giới bên ngoài. Người Mông Cổ đến nay chưa hiểu được điều đó”.
Những ý tưởng có phần xa vời đối với thủy thủ đoàn Sukhbaatar. Nỗi lo trước mắt của họ là sẽ sống bằng gì, sau khi đã đổ hết số tiền thu được từ các giảng viên Hàn Quốc vào rượu và những bữa tiệc ngoài trời. Rồi đoàn du khách tiếp theo sẽ đến từ phương trời nào và bao giờ họ mới tới?
Nguồn: Asia Focus
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét