BBT: Từ ngày 5/8/2007 các nhà văn Thuý Toàn, Tô Đức Chiêu, Nguyễn Khắc Phục, Hoàng Minh Tường và Trần Nhương có một chuyến thăm dài ngày tại Mông Cổ. Qua bài viết dưới đây của Trần Nhương, độc giả biết thêm về dất nước Thảo nguyên mênh mông dưới cái nhìn của các nhà văn Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.
Kỳ 4- Thảo nguyên thế nên lòng người cũng thế
Như trời này ấm áp với ngàn mây
Đến Mongolia mà không đi thảo nguyên, không về đồng cỏ thì mới biết một nửa Mongo. Phố thị thì nơi đâu chẳng na ná như nhau, cũng phố, cũng xe, cũng đăng xinh, nhậu nhẹt.
Tiến sỹ Dat thông báo cho chúng tôi kế hoạch đi xuống đồng cỏ từ hôm trước. Bí thư thứ nhất Đại sứ quán ta Phan Ngọc Khuê cho biết đường đi hơi vất vả đấy, ăn uống khác ta nên các bác chuẩn bị thêm đò ăn và có thuốc chông sôi bụng vì uống sữa ngựa..
9 giờ ngày 7-8-2007, xe bắt đầu rời Ulanbato. Bây giờ trên xe của chúng tôi thêm hai cô gái. Một cô tên Hoa (gọi theo tên Việt Nam, là nhân viên tài chính), một cô tên Hà, cô là cựu sinh viên trường Đại học Xã hội nhân văn Hà Nội. Cô còn trẻ và nói tiếng Việt khá tốt. Có thêm hai cô gái nên xe đi có vẻ mát mẻ hơn, chàng lái xe tỏ ra gượng nhẹ hơn nhiều.
Xe hướng về Tây-Bắc, như vậy là hướng đi của chúng tôi tới gần biên giới nước Nga. Mênh mang đồng cỏ, lúp xúp đồi núi nhưng cũng toàn cỏ mịn như nhung. Núi ở đây thoai thoải và triền núi nhẵn nhụi nên có cảm giác phẳng phiu là chính.
Xe chạy bon bon băng qua thảo nguyên. Đường chân trời tít mù khơi như có cảm giác không còn giới hạn. Con đường nhựa do phản chiếu ánh mặt trời nên sáng lóa như lưỡi kiếm khỏng lồ trước kính xe. Hai bên đường thỉnh thoảng gặp một mái nhà lều trắng sáng. Trông hình dáng nhà lều giống như một cót thóc quây có ngọn, xung quanh cũng có mấy vòng đai. Thi thoảng bên nhà lều một cây cột trên đó gắn chong chóng đang quay tít. Tôi nghĩ đó là quạt phát điện chạy sức gió.
Đi khoảng 180 km thì chúng tôi đến một huyện lỵ. Xe ngoặt vào trụ sở huyện. Dat nói đây là huyện Bangon thuộc tỉnh Selinge. Chủ tịch huỵện Dabaxy, người to lớn, da ngăm đen. Ông bắt tay chúng tôi rất chặt và nói ngay tôi đã đến tỉnh Hà Tây để xem mô hình chăn nuôi theo kiểu vườn ao chuồng. Chúng tôi ồ lên vì ngạc nhiên. Trên bàn làm việc của ông một con laptop đang mở. Góc tường là Quốc kỳ Mongolia. Cách bài trí các cơ quan công quyền đều thống nhất có cờ, có ảnh Thành Cát Tư Hãn.
Chúng tôi nghe ông chủ tịch giới thiệu về huyện của ông: huyện Bagon có số dân 5200 người, bình quân một người khoảng 40 hécta đất, có 80.000 đại gia súc, 17.000 hécta trồng trọt. Huyện có mỏ vàng hàng năm khai thác khoảng 7 tấn. Số dân chăn nuôi được dùng điện chiếm 83%. Thu nhập bình quân mõi gia đình độ 4000ÚSD/năm.
Giao tiếp với chủ tịch huyện một lúc thì ông dẫn chúng tôi xuống thăm một gia đình chăn nuôi, cách huyện lỵ chừng mươi cây số. Đường trên đồng cỏ không có gì che khuất, xe theo lối mòn mà đi và có lấn sang bãi cỏ cũng không sao, nhưng hình như không mấy xe chạy vào vạt cỏ, có lẽ cỏ giống như một thứ nguyên liệu của dây chuyền chăn nuôi. Ấy là tôi nghĩ thế. Ông chủ nhà đen, to, thấp, mắt như một vệt kẻ. Trông ông nỏi trội gương mặt Mongo. Không biết tiếng nên chúng tôi cứ nói theo lời Dat dạy “ sam ba sam” nghĩa là xin chào. Vào ngôi nhà lều của ông tôi ngỡ ngàng vì trang trí rất đẹp. Hai cây cột chống giữa nhà, các thanh gỗ gác mái đều vẽ hoa văn dân tộc. Trong nhà có một chỗ kê như kiểu bàn thờ bên ta. Mấy chiếc giường kể sát theo vòng cung vách nhà. Ở giữa nóc nhà là một ô cửa sổ như hình quả cam bổ đôi, ánh nắng lọt vào như mấy ngọn đèn chiếu. Hỏi thăm một đôi câu đã thấy một mâm thịt cừu bưng ra, một khay là nguyên cả buồng gan và quả tim cừu. Dăm con dao, ai thích ăn gì cứ việc sẻo. Bên bàn tiếp đó là bao nhiêu loại sữa, pho mát, sữa chua. Cô nhân viên của huyện đi theo múc cho tôi một bát sữa ngựa từ trong một cái thông sứ kiểu như cái chậu hoa của ta. Tôi đón bát sữa ngựa . Thú thật là khong dám uống nhiều, tôi nhấp một ngụm thấy hoi và hơi chua. Bát múc sữa là bát bằng bạc, chạm trổ rất đẹp, chỉ khi nào có khách quý mới mang ra. Tôi hỏi Dat bát này có đắt không ? Dat nói đọ 300USD một cái. Riêng khoản thịt cừu thì không chê vào đâu được. Cứ để cả tảng như thế cắt ra cho vào miệng đã thấy cái ngọt đậm đà của thịt thảo nguyên. Thịt không dai ăn như thịt hươu mà hồi ở Trường Sơn tôi đã được nếm thử.
Nhoáng đã không tháy Tô Đức Chiêu đâu. Tôi hỏi Hoàng Minh Tường thì biết ngài đang ra chỗ đàn gia súc. Gã sợ mùi thịt cừu nên chạy biến. Nguyễn Khắc Phục ra theo Tô Đức Chiêu, hai người chụp ảnh cho nhau. Tô Đức Chiêu to lớn nói với chú bé chăn ngựa cho ông cưỡi một cái. Chú bé giữ ngựa cho ông lên. Chụp được cái ảnh cho oai phong rồi Tô tiên sinh tìm cách tụt xuống. Cái thân hình kềnh càng cuả gã vướng vào dây bàn đạp nên ngã ụch xuống cỏ. Thằng bé cười ngất. Phục cũng cười ngất. Con ngựa hồng to lớn ngoảnh lại nhìn một cái, hình như nó cũng mỉm cười…
Chúng tôi vừa ăn vừa chạy ra với ngựa. Ngay sau phía nhà lều một dòng suối trong xanh. Một bày ngựa với nhiều màu sắc đậm nhạt con hồng, con bạch, con đen đứng thành bày dưới suối. Chúng đứng như có ai ra lệnh. Suối cũng lặng phắc. Tôi ngợp trong bức tranh hoành tráng mà chỉ ở Mongo mới có. Nền trời xanh biếc, gợn đôi ba vòm mây trắng in xuống mặt nước và bóng bày ngựa cũng in xuống làm nên một khuôn hình đẹp đến kỳ lạ. Tôi và Phục đầu bạc thi nhau bấm máy để ghi lại hình ảnh có một không hai này. Tôi không hiểu vì sao giữa trưa lũ ngựa lại xuống suối đứng bên nhau lặng phắc như thế. Có lẽ đó là cách chúng chống nóng chăng. Hình như ngựa không biết đằm như trâu nên các chú đứng ngâm nước thế thôi.
Ông chủ nhà thấy chúng tôi ra ngoài lại gọi vào ăn các món chủ nhà đãi khách. Rồi chúng tôi chụp ảnh. Tôi chụp ảnh với ông chủ nhà, ôm hôn cái thân hình đẫm mồ hôi suốt ngày với cừu với ngựa của ông. Tôi chụp ảnh với cô gái con ông chủ, hai bàn tay chúng tôi nắm chặt như bạn quen biết lâu ngày. Cô con gái út chỉ độ 16 gì đó, mặt tròn, mặc áo đỏ trông khá xinh, cô biết một ít tiếng Anh. Tôi hỏi cô bé mới biết đang học trung học. Cuộc vui gặp gỡ chưa muốn dừng lại nhưng đường đi còn xa. Tối nay theo chương trình chúng tôi đến ngủ tại khu nhà lều huyện khác.
Ông chủ nhà vào trong nhà mặc lễ phục Mongo. Đội mũ có mấy cái tai nhọn lên như các Khan. Trên dải mũ buông xuống có 3 cái huân chương. Ông trịnh trọng như vậy để tiễn khách, để chụp ảnh. Dat giải thích ông chủ nhà được thưởng huân chương vì có thành tích nuôi được con ngựa đua chiếm giải nhất. Chia tay với ông chủ nhà, tôi không kịp ghi lại địa chỉ để có thể gửi ảnh cho gia đình ông. Từ Việt Nam xa lắc ù đến với nhà lêu, ăn uống chào hỏi một vài giờ rồi lại biến ào thảo nguyên tít tắp. Tự dưng tôi nghĩ như mình có lỗi, như một kẻ qua đường đến đó rồi mất hut vào đường chân trời…
Đi chừng 100km thì bỗng xe dừng lại. Một người tóc húi cua, áo ca rô, quần bò đứng bên chiếc xe Uóat. Dat bảo chúng tôi: Ông chủ tịch huỵên này ra tận đây đón các anh đó. Bắt tay và chụp anh ngay bên chiếc xe Nga. Thì ra ông chủ tịch huyện này cũng đã sang thăm Việt nam. Đi một thôi đường nữa thì chúng tôi bỏ con đườg quốc lộ, rẽ vào đường đất thảo nguyên. Đường sóc nhiều ổ ngựa, ổ dê chứ không phải ổ gà. Con đường xuyên thảo nguyên, qua đôi ba cánh rừng nhiều cây bách và bạch dương trông rất điển hình rừng Taiga. Dừng lại nghỉ vì đường xa lại sóc. Cảnh đẹp quá thi nhau chụp ảnh. Tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một loài hoa dại. Hình dáng trông như hoa hồng tú cầu nhung nhỏ hơn, mỗi ngọn cây chỉ có một hoa. Chao ôi, một màu tím đẹp đến se sắt cả lòng . Cái màu tím có lẽ chỉ có nắng gió thảo nguyên mới làm ra được. Tôi hay vẽ nên nhìn thấy cái màu tím kỳ ảo mà không ai có thể pha màu cho ra đúng nó.
Gần 5 giờ chiều thì chúng tôi đến một khu nhà lều. Có lẽ phải tới hơn 20 mươi cái lều nằm trong một khu có rào ngăn. Tôi đoán là một khu du lịch. Nhà lều trắng toát từ vách đến mái, có một cửa ra vào màu cam. Những người ở đấy ùa ra đó chúng tôi. Bà chủ tịch huyện sở tại Parum Parưng xinh đẹp và nhỏ nhắn như người Việt. Bà có đôi mắt đen láy, ánh lên vẻ thông minh và trí thức. Chúng tôi được Dat giới thiệu ba ông chủ tịch của các huyện lân cận, thấy đoàn Việt Nam đến bèn kéo nhau sang. Đoàn chúng tôi được phân về hai nhà lêu, tôi và Phục bạch đầu ở nhà 15, còn ba vị kia ở nhà 16.
Trời còn sáng nên chủ nhà mời chúng tôi đi thăm chùa Getgui Ovot. Xin kể đôi chút về ngôi chùa này. Chùa có 300 năm tuổi. Vào những năm 30-40 của thế kỷ trước người ta đả phá các tôn giáo nên bắt các tăng ni đi chăn cừu, đi trồng trọt hết, vào hợp tác xã. Một quần thể có tới hàng chục ngôi chùa nắng mưa và không người chăn sóc đã đổ nát. Chỉ còn lại ngôi chùa bây giờ . Mãi sau này người ta mới khôi phục lại đạo Phật và nhà chùa lại có tăng ni, sư sãi chăm nom. Để trùng tu lại chùa, vào những năm 70 của thế kỷ trước, các bạn Mongo mời chuyên gia Việt Nam sang giúp đỡ. Một đoàn chuyên gia Việt Nam đã giúp chủ yếu là phần mộc. Bây giờ nhân dân ở đây không quên những người thợ Việt Nam đã đến vùng thảo nguyên hẻo lánh này giúp họ. Chùa có 2 tầng, kiến trúc rất lạ và đẹp. Chùa cao chứ không thấp như chùa của ta. Trong sử lý kiến trúc có một biện pháp mà tôi thấy thông minh nhất, ấy là đường thoát nước chính là dãy cột rất to. Nước từ tầng 2 của chùa chảy qua lòng cột để thoát ngầm ra ngoài. Như vậy người ta phải xử lý cột rỗng, phải chọn một thứ gỗ nào chịu được nước, quả là một bài toán kiến trúc đặc biệt. Cổng vào cũng có Hộ pháp nhưng ở đây có tới 4 vị, vị nào cũng đắp to cao hiếm thấy, một chân giẫm lên lưng một con quỷ hoặc một con vật hay phá hoại. Tôi tuổi con rắn nên nhìn ông Hộ pháp khoác con rắn trên mình, khoái quá chỉ tay ra vẻ khoe với Phục bạch đầu . Phục bảo: Ghê rồi rắn là con vật thông minh mà cũng đại biểu cho sức mạnh. Các vì kèo, quá giang, đòn tay đều vẽ rất đẹp, hầu hết dùng màu lạnh, xanh dương, xanh lá cây, xám nhưng xử lý sắc độ tài tình. Tôi cảm thấy hơi giống trang trí Di Hòa Viên của Trung Quốc. Quả là như thế. Ông phụ trách di tích giới thiệu cho chúng tôi biết ngôi chùa này do một ông vua Trung Quốc sang học Phật giáo ở đây. Ông trả ơn bằng cách xây ngôi chùa này thật to. Ông chưa thực hiện được thì qua đời. Con trai nhà vua đó thực hiện ý nguyện của cha và đã xây nên ngôi chùa này cách đây 300 năm.
Trời về chiều, gió thổi như ngựa lồng. Rét kinh khủng, lúc đến đây trời nắng nên chúng tôi ai nấy đều mặc sơmi. Tô Đức Chiêu không thấy vào chùa, chắc anh chàng mệt ra ngoài xe trước. Người quản lý di tích thấy đoàn Việt Nam đến càng ham giới thiệu. Cuối cùng chỉ còn tôi, anh Thúy Toàn với tiến sỹ Dat theo ông nghe hết. Đói mệt và rét nhưng không nhẽ các bạn Việt Nam té cả.
Tôi nhìn đồng hồ đã gần 8 giờ tối. Trời ơi, mặt trời vừa khuất dãy núi phía tây, ánh nắng của nó vẫn rực lên những vạt cỏ phía xa. Ở xứ này thật lạ, bạn ra ngoài nắng thì rất nóng nhưng bạn vào bóng cây thì nhiệt độ thấp hơn đến năm bảy độ. Do vậy mà ở nhà lêu rất mát. Khi tắt nắng là nhiệt độ xuống chỉ khoảng 20 độ, đấy là đang hè, còn mùa đông thì Mongo là nước lạnh nhất châu Á, nghe nói âm đến 20 độ.
Chúng tôi trở về khu nhà lều. Tô tiên sinh chạy như bay . Tôi về nhà lều của mình thì thấy Chiêu Kỳ Hiệp đang rên hừ hừ. Tưởng tôi là Tường Tiểu Tử, Chiêu quát : Mở cửa nhanh lên không tao chết bây giờ. Tường Tỉểu Tử vừa đến sợ quá: Bác Toàn cầm chìa khóa. Tường chạy đi tìm anh Thúy Toàn rồi mở cửa cho Chiêu về nằm. Tô tiên sinh đặt phịch xuống giừơng đắp chăn, rên ư ử. Tường Tiểu Tử lấy dầu xoa ào thái dương cho Chiêu Kỳ Hiệp. Tôi sợ Chiêu bị trúng gió nên chạy sang mang theo dầu và mấy viên trợ tim. Tôi xoa dầu và cho Chiêu uống thuốc. Chiêu thều thào bảo tôi: Tôi chết ở đây cũng được nhưng chỉ sợ phiền các ông. Tôi lạnh toát người khi Chiêu nói thế, vì lúc này ngài không đùa. Tôi nói cứng: Chết thế chó nào được, còn nhiều các en mpng anh về lắm. Tôi hơi bị hoảng vì Chiêu vừa dẫn vợ đi Cămpuchia về lại tức tốc sang đây. Mà nói thật cái mặt ngài hai má rám đen trông hơi hãi. Anh Thúy Toàn tìm Dat bảo dẫn Chiêu xuống nhà ăn làm bát cơm, bát mỳ gì nong nóng cho đỡ rét. Thế rồi Dat tháp tùng Chiêu đi vào nhà ăn. Cái thân hình lêu đêu của ngài bây giờ so so lại trông như thằng gù nhà thờ Đức Bà. Một lúc chủ nhà mời chúng tôi xuống ăn tối. Bây giờ là 9 giờ. Một dãy bàn ăn khá đông, tôi nhìn thấy các vị chủ tịch huyện và lái xe đủ cả. Bà chủ tịch huyện có lời. Bà nói hôm nay tiếp các bạn Việt Nam có 4 chủ tịch huyện quanh vùng nay. Chúng tôi đều đến Việt nam cả rồi. Anh Thúy Toàn đáp lễ và giới thiệu đoàn. Lúc này ngồi đầu bàn là Tô tiên sinh. Tôi thấy ông ăn ngon lành, khổ vì nhiều thịt cừu, chỉ có một ít thịt bò nên Chiêu cứ chén cơm không. Dân Mongolia không ăn thịt gà, thịt lợn thế mới khổ cho ngài Chiêu. Ở nhà mỗi lần đi đâu với Chiêu là phải lựa chỗ nào có gà, có lợn mới vào. Ngài lý luận rất hay: Các cụ nói đầu gà, má lợn chứ ai nói đầu dê má cừu. Tôi hay đùa Chiêu với bạn bè là ông Chiêu chỉ thích Tam đùi là đùi gà, đùi lợn và đùi…Uống một ly chè liptong nóng pha đường lúc đêm se lạnh này quá hợp lý. Chiêu Kỳ Hiệp bây giờ tươi tỉnh hơn. Thoát rồi không chết ở thảo nguyên được. Hóa ra gã đói và rét. Từ xưa đến nay đói rét mà đi kèm nhau là rất nguy. Ban trưa ở nhà lều ngài không ăn được thịt cừu nên đói, đi đường xa lại bị lạnh nên quật ngài đổ kềnh. Khi được bát cơm nóng vào là như cây cỏ có tý urê, trông phởn ngay.
Bữa cơm rất ngon và vui. Các bạn hát rồi kể chuyện đến Việt Nam. Có một ông đã đến Thái Nguyên ở với dân tộc Tày, ông kể rượu ngon và gái Việt nam đẹp lắm. Bà chủ tịch kể chuyện: Hồi chuyên gia đến trùng tu chùa thì tôi còn bé. Quanh khu vực chùa rất nhiều rắn. Thế mà vài ba tháng sau tôi chẳng thấy một con nào. Có hôm vào chỗ chuyên gia chơi tôi thấy con rắn chui vào cái lọ năm còng queo trong đó. ỐI giời ơi, thì đúng là bản sắc dân ta rồi, các chuyên gia cứ bắt ngâm rượu và làm chả thì làm gì họ nhà rắn chả tuyệt chủng. Rồi bà chủ tịch lại hát. Bà hát rất hay, chúng tôi vỗ tay hưởng ứng. Dat giới thiệu một người đàn ông to lớn, đó là phu quân chủ tịch huyện. Ông hiện là bí thư đảng bộ đảng Nhân dân cầm quyền huyện này. Tôi hỏi:
- Đảng viên có đông không?
- Có 150 đảng viên - ông bí thư trả lời .
Thú thật là chúng tôi suýt bật cười nhưng nghĩ lại thì có 2000 dân mà có 150 đảng viên đảng cầm quyền là phải rồi.
Các vị chủ tịch mấy huyện lân cận đều phát biểu và hát tặng đoàn. Tôi không biết hát nên tôi đứng dậy phát biểu:
- Thưa các bạn, hôm nay chúng tôi đến đây nhưng Mongolia đã đén với chúng tôi từ những năm chống Mỹ, nào cừu, nào ngựa , lều bạt, mỡ, phomát và nhiêu thứ giúp chúng tôi đánh giặc. Nếu tính bình quân đầu người thì Mongo giúp chúng tôi nhất thế giới.
Các bạn Mongoloa vỗ tay tán thưởng. Ông chủ tịch huyện đi đón chúng tôi dọc đường nói:
- Người Mongolia cũng giống như người Việt Nam là không bao giờ quên ơn. Chúng tôi đã đến Việt Nam và được bà con hết lòng giúp đỡ.
Hoàng Tiểu Tử hát tặng các bạn một bài quan họ. Đêm vui mãi tới khuya. Lúc này tôi mới biết tất cả các vị chủ tịch đều ở lại nhà lều với đoàn nhà văn Việt Nam.
Tôi không sao ngủ được, bèn mở laptop ghi chép mấy câu. Một cô gái trẻ, mặc áo đỏ bước vào. Cô ra hiệu đốt lò sưởi. Tôi quan sát thấy cô xếp những thanh gỗ như gỗ thông rồi lấy một sợi vỏ cây làm đóm nhóm lò. Tôi cầm sợi vỏ cây thấy mùi thơm sực. Họ lắp một ống khói qua lỗ cửa trên nóc nhà lều. Một lúc sau gian nhà ấm rực, đang mặc áo rét tôi vội phải cởi ra. Mùi gỗ cháy thơm nức càng làm cho tôi xốn xang.
Gã Phục Bạch Đầu không dự hết cuộc vui vừa rồi. Tôi về đến lều thì gã đã ngủ. Tiếng ngáy của gã như một đoản khúc xen-lô được tấu lên trong vắng lặng mênh mông. Ngoài kia thảo nguyên sáng như có trăng. Đêm đồng cỏ là một đêm xanh…xanh đến nao lòng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét