Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010
Trường Xuân ký
.
Nguyễn Ngọc Huân
(tiếp theo và hết)
Thấm thoát đã kết thúc khóa học. Đã đến lúc phải tạm biệt Trường Xuân rồi. Cảnh vật đổi thay như nhịp sống nơi đây. Có cái không thay đổi: Tấm lòng người Trường Xuân.
Rất đều đặn, sáng 7 giờ 30 có mặt ở Nhà hàng, 8 giờ 30 rời June Hotel đến lớp ở Đại học Nông nghiệp Cát Lâm, hoặc đi thăm quan đâu đó - thầy giáo Cui Chun có nickname là Daniel phụ trách lớp và các bạn Chang, Natasha, Jin là những người có mặt sớm nhất quán xuyến mọi chuyện để lớp học thành công tốt đẹp. Hằng ngày, Thầy và các cộng sự hỏi thăm cặn kẽ từng học viên, lo từng buổi học, từng bữa ăn thật chu đáo. Học viên cần simcard điện thoại, ư? cần nộp tiền cho liên lạc quốc tế ư? mọi chuyện đều OK.
Ở Trung Quốc, việc nạp thêm tiền cho thẻ điện thoại di động quả là rắc rối. Bữa chúng tôi mua một simcard từ Quảng Châu, nghĩ hết tiền sẽ nạp thêm, ai dè can not, thế là phải mua cái khác của Cát Lâm. Mấy bữa đi Expo Shanghai 2010 cũng đành chịu. Mua 100 Tệ simcard quốc tế thì chỉ có 5o Tệ tài khoản, một nửa cho sim. Thế mới biết ở Việt Nam sướng thật: trả trước, trả sau tùy thích khách hàng, hết tiền chạy xẹt qua cửa hàng bán điện thoại di động nhan nhản chỗ nào cũng có, một phút là OK. Sợ là không đủ Đô.
Nói vậy là để thấy nhiệt tình của người Cát Lâm cảm động nhường nào, chứ không có ý bình luận những vấn đề to tát, nhất là về đất nước Trung Hoa vĩ đại.
Một lần có học viên không theo quy định lớp, Thầy buồn cả ngày, tâm sự nhỏ nhẹ mà thấu đáo. “Nếu có chuyện gì xẩy ra với anh, thì trách nhiệm trước hết là tôi, anh có hiểu không?”.
Các thầy, cô Đại học Nông nghiệp Trường Xuân cũng vậy. Các giáo sư tên tuổi không chỉ của trường, mà của cả Trung Quốc và quốc tế, nhưng hết sức chân thành, kiên trì truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm. Nhiều khi thầy, trò gặp những vấn đề phức tạp, do rào cản ngôn ngữ, vẫn kiên trì hướng dẫn, nhất là kinh nghiệm tốt ở Trung Quốc với hy vọng các thành viên về nước có thể áp dụng ngay.
Những nghiên cứu sinh của trường trong vai trò là tình nguyện viên giúp đoàn đi tham quan, mua sắm cũng là những người tuyệt vời. Nhiệt tình như sức trẻ của họ.
Cả những người dân bình thường mà chúng tôi gặp trong khách sạn hoặc ở ngoài đường đều tốt bụng. Họ nhường trong thang máy, trong siêu thị, ở trường học. Nhiều người chắc lần đầu tiên gặp đoàn khách quốc tế phần lớn từ châu Phi tới đã xin chụp ảnh chung làm lưu niệm. Những tiếng “Hello”, “Good morning”, cái chỉ dấu bằng ngón tay cái hàm ý tốt,… gặp nhiều nơi.
Giá mà một vài nơi cộng cộng người ta có thể giao dịch bằng tiếng Anh thì thuận tiện cho khách quốc tế biết mấy. Cũng là điều khác ở Việt Nam.
Một lớp người Trường Xuân đặc biệt có tấm lòng tốt không thay đổi mà chúng tôi muốn nói ở đây là các lưu học sinh Việt Nam. Đã từng ở vị trí ấy nên chúng tôi dễ dàng hiểu. Thời đó, phương tiện thông tin liên lạc, di chuyển khó khăn hơn bây giờ, làm gì có chú dế con đáng yêu để mà Alo, làm gì có mạng để mà online, thế mới có chuyện đọc báo mới mà viết về chuyện của tháng trước, mấy tháng trước: thì báo chuyển sang tới nơi phải mất thời gian ấy. Nhận thư viết về thu hoạch mùa màng thì chắc lúc ấy ở nhà lúa cấy đã xanh non !
Trước khi đến Cát Lâm, chúng tôi tìm hiểu về nơi đây và bắt gặp cái địa chỉ changchuncity.ning.com trên mạng. Quá tuyệt vời. Ít nhất là cho những người công tác xa như chúng tôi. Từ bữa quen trên mạng, gặp nhau, rồi gặp nhau… gieo và lòng người xa quê cái cảm giác thân quen, gần gũi như ở nhà vậy. Các bạn đều rất trẻ. Nào Mai Xuân Thành - Hội Trưởng Hội sinh viên Việt Nam tại Cát Lâm - một người có khiếu tổ chức, rất chu đáo, rất nhiệt tình từ ngày đầu cho đến ngày cuối chuyến công tác của chúng tôi. Nào Nguyễn Thanh Dương, phó Hội trưởng, đảm nhận nhiều công việc, sẽ là chuyên gia công nghệ thông tin có tài trong tương lai. Nào Nguyễn Tiến Long, nghiên cứu sinh vốn là dân Bách khoa, phụ trách về học tập và nghiên cứu. Nào Lý Văn Hà, giáo viên của Đại học An Giang đang làm Cao học tiếng Trung. Rồi Trần Linh Hương Giang, thư ký Hội, nào Nguyễn Thị Thoa, Nguyễn Thị Luyện, rồi Hương và các bạn lưu học sinh khác mà chúng tôi không thể nói hết ở đây. Kể cả những người chưa biết mặt, nhưng vẫn thấy thân quen và gần gũi.
Sẽ là khách khí nếu chúng tôi nói nhiều từ “cảm ơn” ở đây. Nhưng giả sử không có các bạn giúp thì sẽ khó khăn chừng nào đối với chúng tôi. Giả sử không có cái tình ấy thì buổi đầu sang đây gặp trời chuyển mùa, sẽ giá lạnh thêm biết chừng nào! Tôi tự hỏi, phải chăng cái bản chất tốt của người Việt gặp nơi đất tốt và trời trong Trường Xuân mà tạo nên lớp người như họ?
Tạm biệt Trường Xuân, tạm biệt những những tấm lòng quý mến.
Trường Xuân, tháng 6/2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét