Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

ANH KHẨN VỚ VẨN LÀM CHI...


Đi ngang qua nhà chị Mến ra thăm ruộng năm phần trăm, anh Khẩn khẽ liếc qua hàng rào thấp xây bằng gạch, nhìn vườn Hồng lá mơn mởn xanh, hoa rực rỡ đỏ. Một ngày mấy bận đi về anh đều ngang qua ngôi nhà ấy. Có khi thẫn thờ, anh chậm bước, hồn như thả theo làn gió dạt vào vườn hoa nhà chị. Kia kìa. Chị Mến đang lúi cúi nhặt cỏ, bắt sâu bên luống Hồng, khuôn mặt che dưới chiếc nón, áo phin trắng nõn bó sát nổi những nét mềm mại của thiếu nữ tuổi hai mươi làm anh mê mẩn. Nương theo làn nắng sớm, đôi bướm vàng bay lên bay xuống quấn quýt tự tình làm anh hồi hộp. Có những lúc không tự chủ được, anh khẽ đặt tay lên ngực để trấn an dòng tình cảm đang cuồn cuộn trong lòng.

Hôm nào cũng vậy, trước khi ra Trạm xá xã, chị Mến đều dành thời gian chăm sóc luống Hồng. Mà cũng tầm ấy, anh Khẩn thường "vô tình" ngang qua nhà chị. 

Chẳng biết, họ có ý tứ với nhau bao giờ, và tình cảm của họ sâu nặng thế nào, chỉ biết, thời gian gần đây, mỗi khi thấy anh, bọn trẻ trong xóm túa ra, rồi thập thò sau các bụi tre, cây ruối, đồng thanh hát trêu: 

Anh Khẩn vớ vẩn làm chi,
Để chị Mến không dám đi khỏi nhà.

Rồi như sợ bị đuổi bắt, chúng tản nhanh về các lối đi tắt trong xóm để lại những tiếng khúc khích kéo dài...

Cái bọn trẻ con đến là tinh, cái gì chúng cũng biết. Là cùng làng, nhưng người đầu Đông, kẻ đầu Tây, anh chị biết nhau từ bé. Cái cô Mến là con một của ông Sang đi bộ đội mới phục viên, đẹp người, đẹp nết. Học xong cấp hai, chị Mến đi sơ cấp trên tỉnh, về làm y tá. Không phải chân lấm tay bùn, nên da dẻ trắng trẻo, mịn màng, mắt huyền bồ câu, cặp lông mày cong vút. Theo mốt chúng bạn, chị thường mặc cặp xu-chiêng nhọn, nổi rõ sau nền phin trắng nõn của chiếc áo, như cố nhô cao khiêu khích ánh nhìn đàn ông theo mỗi bước đi. 

Rồi chuyện cũng đến tai ông bà Tài. Có lần, bà Tài gọi con trai đến dò hỏi : 

- Mẹ nghe người ta đồn mày có cảm tình với …cái Mến? Phải mạnh dạn lắm bà mới nói hết câu. Bà sợ con tự ái mà quạu lên. Tính nó hiền, nhưng dễ nổi nóng. 

Mặt Khẩn bừng đỏ, anh yếu ớt chống chế:

- Mẹ tin người ta đồn hay sao? 

Rồi Khẩn chạy vào bếp vác cái cuốc, ra đồng...

Cũng một hôm như vậy, khi Khẩn ngang qua nhà chị Mến thăm lúa. Tim Khẩn đập rộn ràng trong lồng ngực. Ánh mắt Khẩn dõi qua bức tường gạch thấp về phía vườn hoa, hy vọng thấy chị đang nhổ cỏ, bắt sâu, chăm Hồng. Khi người ta phải lòng nhau, thường hay kiếm cớ để gần. Đột nhiên anh khựng lại: Vẫn Mến đang bên luống Hồng, nhưng đứng cạnh là một thanh niên khác trắng trẻo, quần âu, áo xơ - vin đang cười nói với Mến, vẻ thân mật lắm. Máu trong người Khẩn như cuộn lên từng đợt theo nhịp con tim đập nghẹn trong lồng ngực. Bần thần một lúc, rồi dừng lại, anh quay ngoắt về nhà.

Kể từ hôm ấy, vẫn ra đồng thăm lúa, nhưng anh đi vòng lối khác, không qua nhà Mến nữa, sợ gặp lại cảnh kia, không chịu đựng nổi. Đã một lần bị đâm, thì làm chi thêm nhát nữa chồng lên cho nát trái tim này ! 

Thế rồi, ba tháng sau, Khẩn đi công nhân cơ khí Bắc Thái. Anh làm cho Nhà máy gang thép Thái Nguyên. 

Từ ngày thoát ly, anh không còn nghe tiếng bọn trẻ con nấp sau bụi tre, bụi ruối hát trêu nữa. Anh quên dần những bước chân ngập ngừng khi qua ngõ nhà Mến. Anh cố quên đi, cố quên đi, quên đi... Thói đời, càng cố quên, thì những hình ảnh xưa, hình ảnh của người lúi cúi bên luống hoa Hồng, lá mơn mởn xanh, hoa rực rỡ đỏ, và đôi bướm vàng bay lên bay xuống trong ánh nắng vàng lại càng lởn vởn trong đầu anh. Anh trách tình người sao bạc bẽo, đổi thay. Anh buồn duyên mình sao hẩm hui, cô quạnh. 

Một bữa, anh nhận điện thư của ông Tài báo về gấp có chuyện. Thời gian gần đây, mẹ anh thường đau yếu, cái bệnh khớp hành hạ bà. Khẩn thoáng nghĩ, chắc chuyện này liên quan đến mẹ anh đây. Tự nhiên, anh thấy nghẹn trong lòng, rồi tự trách sao mình bất hiếu vậy. Anh vội vàng bắt xe về quê. Nghĩ phải tội, nếu mẹ anh có mệnh hệ gì thì thật là ân hận. 

Trên đường đi, Khẩn chỉ nghĩ về mẹ. Anh quên hẳn, và không mảy may một tý gì về luống hoa hồng kia, về đôi bướm, làn gió, ánh mặt trời buổi sớm trong khuôn viên nọ. 

Về đến nhà, mở cánh cổng, anh khẽ gọi “Bố mẹ ơi, con đã về đây rồi”, định bụng sẽ chạy thẳng vào buồng nơi mẹ anh thường nằm. Người ra đón, không phải ông Tài mà là mẹ anh. Vẫn dáng thận trọng, nhưng bước chân chừng nhanh nhẹn hơn, mẹ anh mừng rơn “Con đã về đây !”, rồi kéo anh vào nhà. 

- May quá, con về kịp ! 

Chẳng hiểu giáp ất gì, anh trợn tròn mắt như dò hỏi. Mẹ khẽ khàng cầm tay anh, sụt sùi: 

- Con Mến nó bị bệnh nặng. Con có biết nó chờ con không. Cái anh cán bộ công tác trên huyện hỏi, nhưng nó không đồng ý, nói rằng đã có nơi chốn. Đợt rồi mẹ ốm, ngày nào cái Mến cũng sang tiêm thuốc cho mẹ, nếu không có nó, chắc chẳng còn có ngày gặp con. 

Giọng nghẹn lại, bà khẽ nâng vạt áo lau dòng nước mắt đang thánh thót lăn trên gò má nhăn nheo. 

- Người ta cố ép gả, nhưng nó không chịu, thế là đổ bệnh tháng nay. Khổ cái con hiền lành, ngoan ngoãn ! 

Quăng cái túi dết lên phản, chạy nhanh ra đầu làng, Khẩn nhảy qua bức tường gạch thấp vào vườn hoa nhà Mến. Trước mặt anh, hình như luống hoa Hồng lá không còn mơn mởn xanh, hoa không còn rực rỡ đỏ, và gió như ngừng thổi, đôi bướm vàng bay đâu xa lắm... 

Trong nhà đông người. Mến xanh xao nằm bẹp trên giường, mắt hé nhìn ứa lệ. Khẩn khẽ nắm tay Mến áp vào má. Chẳng biết hơi nóng từ người anh truyền sang, hay là tình yêu nồng nàn sưởi ấm, bỗng chốc da Mến ửng hồng. Trên khóe miệng bắt đầu hiện lên nụ cười hạnh phúc... 

Thế rồi, cuối năm ấy, vào một ngày mưa Xuân phơi phới bay gieo những giọt long lanh ánh nắng trên lá, trên hoa trong vườn Hồng nhà chị Mến, nhà trai sang rước dâu về. 

Sau ngày ấy, người ta không còn nghe tiếng trẻ hát trêu: 

Anh Khẩn vớ vẩn làm chi, 
Để chị Mến không dám đi khỏi nhà…

Nguyễn Ngọc HUân
5/2016

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)