Mông Cổ: Đến với trời xanh và thảo nguyên trong lành
Nguyễn Văn Quỳnh, NCS tại Mông Cổ
Từ khi học trung học, tôi đã được biết về Mông Cổ qua sách giáo khoa. Biết Ulanbator, biết thảo nguyên, biết Thành Cát Tư Hãn, biết Khốt Tất Liệt (mặc dù chỉ biết mơ hồ qua những dòng lịch sử khô cứng), nhưng không bao giờ nghĩ tôi sẽ có lúc đến tận xứ này, càng không nghĩ hơn nữa mình đã gắn bó ở xứ này hơn bảy năm cuộc đời.
Là một đất nước với nền kinh tế nhỏ bé (nhưng thu nhập bình quân đầu người cũng gấp 3 Việt Nam mình đấy nhé), cuộc sống nơi này lúc nào cũng cảm giác thật yên bình. Nhịp độ cuộc sống ở đây thật thong thả chậm rãi. Tôi có cảm tưởng như, kim dồng hồ ở đây hình như cũng chậm hơn 1 nhịp so với kim đồng hồ của thế giới. Mà về nghĩa đen, điều đó là đúng thật. Vào mùa hè, ánh sáng ban ngày ở nơi này kéo dài từ 4h sáng đến tận 10h tối. Có vẻ như trời cũng thương người dân ở đây nên kéo dài thời gian ban ngày để họ có thể hoàn thành hết công việc của mình.
Nếp sống đó có lẽ bắt nguồn từ nguồn gốc du mục của người Mông Cổ, nơi những người chăn
nuôi gia súc lang thang một mình một ngựa trên thảo nguyên xanh mướt, bao la, vô tư lự. Cuộc sống đối với họ cũng chỉ là cuộc lãng du. Tối ngày say sưa ca hát, khát thì uống rượu sữa ngựa, đói thì ăn thịt cừu. Xem ra, đó cũng là cái thú thi vị lắm thay. Nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta tất bật sống, tất bật làm việc, tất bật kiếm tiền, cũng chỉ để cuối đời có một cuộc sống dư dả hơn, để nhàn nhã thưởng trà, uống rượu, được say sưa ca hát, được say sưa vui chơi. Người Mông Cổ không cần tất bật như thế, chẳng phải họ cũng đã có cuộc sống mà chúng ta mơ ước rồi đó sao?
Nhưng thời gian thay đổi, mặc dù vẫn giữa được cái gốc ấy, nhưng hiện nay đa phần người Mông Cổ đã từ bỏ cuộc sống du mục để định cư tại thành phố. Thủ đô Ulanbator với 1 triệu rưỡi dân đã chiếm tới ½ số dân của Mông Cổ. Đối với nhiều nơi trên thế giới, đó chỉ là một thành phố nhỏ bé. Nhưng đối với người Mông Cổ, đó là thành phố duy nhất, lớn nhất, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, … của cả nước. Họ thân thương gọi Ulanbator là Thành phố. Hai người gặp nhau, một người bảo “Tôi vừa đi Thành phố về” là người kia tự hiểu người đó vừa đi Ulanbator về. Cũng như người Việt Nam nói đến Bác là đa số tự hiểu đó là Bác Hồ vậy.
Thành phố này, mấy năm nay đã có những bước phát triển vượt bậc, thay đổi diễn ra từng ngày. Nhiều nhà cao được xây dựng hơn, nhiều con được mới được làm hơn, trên đường, xe ô tô đẹp, thậm chí cực đẹp, đi lại ngày càng nhiều hơn. Tôi viết bài này trong lúc Mông Cổ đang chuẩn bị cho lễ hội Naadam, lễ hội lớn nhất trong năm, cũng như đang chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Á Âu (ASEM 11) sắp được tổ chức tại đây. Đây là hội nghị quốc tế lớn nhất trong vòng 800 năm qua được tổ chức tại nước này, quy tụ nguyên thủ và đoàn đại biểu cấp cao của hơn 50 nước Á Âu tham dự. Do đó, người Mông Cổ thong dong thường ngày dạo gần đây trở nên tất bật hẳn lên. Mọi người ai cũng hối hả, bận rộn hơn. Đường phố đang được dọn dẹp, trang hoàng sạch sẽ, thay một lớp quần áo mới tinh tươm. Đó là cái mến khách vốn có của người dân du mục. Ai cũng đã chuẩn bị kỹ càng, nhưng cũng không quên nở một nụ cười thân thiện để chuẩn bị đón tiếp những vị khách quý từ khắp năm châu sắp đến nhà mình.
Naadam là lễ hội truyền thống của người Mông Cổ. Ở đó, người ta thi đấu những trò chơi đã ngấm vào dòng máu du mục của họ: đua ngựa, bắn cung, đấu vật. Trong đó, để xem đua ngựa, tôi khuyên các bạn nên đem ống nhòm đi nhé, nếu không các bạn chỉ xem được các chú ngựa lúc … xuất phát thôi. Chặng đường đua sẽ trải dài vài chục cây số, các chú ngựa lớn bé sẽ tranh tài với nhau cả ngày trời. Đi đường dài mới biết ngựa tốt mà, phải không các bạn? Còn các trò khác như đấu vật, bắn cung, phải xem mới thấy được sức mạnh của người Mông Cổ, mới hiểu được tại sao với số dân ít như thế mà trước kia Trung Quốc phải e sợ họ, phải xây cả một bức Vạn Lý Trường Thành dài hàng vạn dặm chỉ để ngăn chặn họ, mới hiểu tại sao người Mông Cổ xây dựng được cả một đế chế trải dài từ Á sang Âu, lớn nhất trong lịch sử nhân loại…
Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi, sức mạnh cơ bắp dần dần bị thay thế bởi sức mạnh của khoa học kỹ thuật và súng ống. Người Mông Cổ đã mất đi lịch sử huy hoàng thời xưa, nhưng cái khí chất, cái bản sắc của họ thì luôn còn mãi. Với cái khí chất đó, nên dù qua chế độ, hoàn cảnh lịch sử nào: khi còn là Đế quốc Mông Cổ đi xâm chiếm các nước khác, hoặc sau đó lụi tàn bị Mãn Thanh (Trung Quốc) xâm chiếm gần 300 năm, hoặc trải qua chế độ Xã hội chủ nghĩa cùng khối với Liên Xô, và sau khi khối đó sụp đổ, họ vẫn giữ được bản sắc của mình và dần dần tiến đến một xã hội thị dân văn minh cùng nhân loại. Năm nay là một năm đặc biệt ở đây, cùng với
ASEM và Naadam sắp diễn ra thì Mông Cổ cũng vừa tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội rất dân chủ, rất văn minh, rất công bằng. Đảng Dân chủ, là đảng cầm quyền trước đây, bị chỉ trích điều hành kinh tế yếu kém và tham nhũng, nên đã không được người dân chọn lựa. Thay vào đó, người ta chọn Đảng Nhân dân lên nắm quyền. Ngay trước khi ASEM diễn ra, một Quốc hội mới được bầu cử, lập nên một Chính phủ mới với Thủ tướng, và các Bộ trưởng hoàn toàn mới ra điều hành Chính phủ. Sự chuyển giao quyền lực rất êm thấm, không còn bóng dáng bạo lực như những kỳ bầu cử đầu tiên. Các đảng phải chính trị cũng như các cá nhân đều đã ngấm tinh thần chơi đẹp, không cay cú, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự lựa chọn của người dân, như tinh thần của các kỵ sỹ oai hùng, từng bá chủ thảo nguyên của thủa xưa…
Ngẫm lại bảy năm của mình đã trôi đi trong thoáng chốc. Thảo nguyên bạt ngàn với không khí mát lành đã nuôi dưỡng một phần tâm hồn tôi, cho tôi sự trưởng thành và một góc nhìn khác về thế giới: thế giới không nên chỉ là sự bon chen, hối hả, thế giới còn là sự yên tĩnh trong tâm hồn, là đôi phút ngừng lại để sống một cách trọn vẹn nhất, để hít sâu vào lồng ngực những gì tinh túy nhất của đất trời.
Bất giác, tôi chợt ngỡ ngàng, hình như mình đã trót yêu nơi này rồi nhỉ?...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét