Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Ngày Tết chơi nhà bạn Mông Cổ, ăn thịt cừu bánh buuz

Nguyễn Văn Quỳnh

Tết Tsagaan Sar của người Mông Cổ cũng tương tự Tết Nguyên Đán tại Việt Nam. Dù từng bị cấm đoán, những phong tục truyền thống vẫn vẹn nguyên trong tâm thức người dân du mục.
Xe chúng tôi qua trung tâm thành phố, đến khu vực nhà lều san sát. Mỗi ngôi nhà là một ống khói trắng tỏa ra nghi ngút, ẩn vào màu trắng xóa của triền núi phủ đầy tuyết.

Người ta bảo rằng ngày xưa nhà lều của người Mông Cổ thường có màu trắng để lẫn vào màu của tuyết, tránh sự chú ý của thú dữ đi kiếm ăn. Đến thời hiện đại, người ta đã không còn sợ thú dữ, nhưng nhà lều vẫn có màu trắng ấy, như những cây nấm trên triền đồi hoang vu.

Gặp nhau trao chiếc khăn xanh

Nhà bạn Mông Cổ của chúng tôi là một trong những cây nấm ấy. Bước vào nhà, mùi thịt ngây ngấy quấn lấy chân người. Chủ nhà cùng họ hàng, con cái đang quây quần bên chiếc bàn gỗ phủ đầy bánh kẹo và một con cừu đã luộc béo ngậy rộn ràng đón khách.
Ai cũng vui mừng hớn hở. Người Mông Cổ mà - bản chất hiếu khách đã ngấm vào máu họ từ bao đời nay, khi những người du mục một mình một ngựa rong ruổi qua bao vùng đất hoang vu, gặp được người khác là một cái gì quý lắm, hiếm lắm, vui lắm. Vì vậy, người ta sẵn sàng mang hết những gì quý giá nhất để dành cho khách, trong đó có cả tấm lòng của họ.

Sau khi chào hỏi, ôm hôn thắm thiết từng người trong gia đình, kính chủ nhà một chiếc khăn xanh* và mừng thọ người lớn tuổi nhất một chút tiền để lấy lộc, chúng tôi ngồi vào bàn nhấm nháp trà sữa, vui vẻ chuyện trò.
Trà sữa của người Mông Cổ gồm trà và ... sữa (các bạn đừng tưởng tượng đến trà sữa trân châu Đài Loan bán ở Việt Nam). Quy trình nấu trà sữa thật đơn giản, người ta đun sôi nước, bỏ trà vào một lúc cho có màu, sau đó đổ sữa vào, cuối cùng là cho muối và mỡ cừu hoặc bơ.
Thứ đồ uống này nghe có vẻ đơn giản và... kỳ dị nhưng không thể thiếu để giúp người Mông Cổ giữ ấm cho cơ thể. Ở lâu rồi bạn sẽ biết, vừa ra ngoài lạnh âm mấy chục độ về mà có cốc trà sữa thì ấm bụng vô cùng. Nghĩ đến mà tôi lại thấy thèm.

Chủ nhà là người đàn ông to béo, trung tuổi, mặt nghiêm nghị nhưng vẫn toát ra thần thái khiến người khác cảm thấy dễ gần. Ông khéo léo cắt cho chúng tôi mỗi người một miếng thịt cừu ở trên bàn.
Các bạn tôi người ăn quen người không. Chủ nhà biết thế nên không cố ép. Nếu là người Mông Cổ, được mời là phải ăn, mà phải ăn nhiều chủ nhà mới vui lòng, nhất là vào dịp năm mới âm lịch, được gọi là Tsagaan Sar, tiếng Mông Cổ có nghĩa là "(mặt) Trăng trắng".

Bánh buuz huyền thoại

Tsagaan Sar nhìn chung giống Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Họ cũng đón Tết trong ba ngày, cũng đi thăm họ hàng, bè bạn, cũng làm các món ăn truyền thống để thết khách đến chơi nhà, trong đó có món buuz “huyền thoại” mà ai đã từng đến Mông Cổ chắc chắn đều biết.
Tôi nhớ khi còn đi học, cứ gần đến Tsagaan Sar, bạn bè tôi lại hỏi nhau "nhà làm được bao nhiêu bánh buuz rồi". Người bảo 3.000 cái, người bảo 5.000 cái, người bảo phải làm được chục nghìn cái rồi. Tôi nghe mà toát mồ hôi hột. Họ làm gì mà làm nhiều bánh thế?
Tính ra, mỗi tốp khách, thường là một gia đình sang thăm gia đình khác, khoảng 5 đến 7 người sẽ “tiêu thụ” hàng trăm cái buuz. Đấy là chưa kể khi về chủ nhà còn gói bánh buuz chưa hấp làm quà cho khách mang về nữa.
Bánh buuz là loại bánh như bánh bao, to khoảng ba ngón tay, có vỏ bằng bột mì nhưng nhân toàn là thịt cừu. Mỗi người khách đến chơi nhà dịp Tsagaan Sar đều được chủ nhà mời “tráng miệng” bằng một đĩa hàng chục cái buuz, hết lại lấy thêm.
Do đó, việc làm hàng nghìn cái buuz để chuẩn bị cho Tsagaan Sar hóa ra lại là điều dễ hiểu. Chỉ tội lũ bạn tôi, 3 ngày Tsagaan Sar ăn nhiều buuz quá nên sau đó nhìn thấy buuz là lại sợ như chúng tôi sợ bánh chưng sau dịp Tết vậy.
Nói thêm về chuyện cái buuz mà tôi nói là giống cái banh bao. Nó thực chất đúng là bánh bao, bởi từ buuz (đọc là bô-zừ, âm hơi gió) xuất phát từ từ "baozi" trong tiếng Trung nghĩa là "bánh bao". Buuz, baozi, bánh bao cùng có một nguồn gốc nên tên gọi cũng hao hao giống nhau.
Mông Cổ cũng như Việt Nam, từng chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc, cả về phong tục, văn hóa và ngôn ngữ. Nếu đi sâu tìm hiểu Mông Cổ, bạn sẽ thấy mặc dù một nước là du mục, một nước là nông nghiệp lúa nước, chúng ta có nhiều cái giống nhau lắm. Ngay như Mông Cổ đón Tết giống Việt Nam cũng là vì lý do đó.
Ngoài bánh bao, mâm cỗ ngày Tết Tsagaan Sar nhà nào cũng có thịt cừu luộc cả con. Khách đến chơi nhà họ sẽ xẻo cho khách từng miếng thịt từ con cừu luộc ấy, cộng thêm chục cái buuz, xung quanh có thêm salad bánh mỳ, và một loại bánh nữa cũng làm từ bột mì, hình tròn, rất to, xếp thành từng tầng từng lớp một. Nhà nào mà cái bánh ấy càng nhiều tầng thì chứng tỏ nhà ấy càng thịnh vượng.
Đàn ông sẽ uống với nhau mấy ly vodka, đàn bà và trẻ em uống trà sữa hoặc nước ngọt. Thực ra, ở đây, đàn bà cũng uống rượu và hút thuốc chẳng khác gì đàn ông đâu, nhưng có lẽ họ chỉ uống với nhau, còn về nhà họ cũng ít uống, chắc vì xấu hổ với chồng con chăng?

Giữ hồn dân tộc

Ngày xưa, chính phủ Mông Cổ cố gắng ngăn cấm và thay thế Tsagaan Sar bằng một ngày lễ khác gọi là “ngày tập thể người dân du mục” (Collective Herder’s Day). Chính sách đấy, cũng giống các nước đồng văn đương thời, là để hạn chế cái tôi và tính gia đình của người dân mà hướng người ta đến tập thể hơn.
Ngoài Tết Tsagaan Sar, chính phủ thời đó còn hạn chế hình ảnh Thành Cát Tư Hãn, không truyền bá chữ viết cổ, chỉ dùng ký tự cyrillic của Nga... Tuy nhiên từ những năm 1990, Tết Tsagaan Sar và các giá trị truyền thống khác lại phục hồi mạnh mẽ. Ngày Tết này như cái hồn của dân tộc Mông Cổ, dù bị vùi dập mấy chục năm trời, vẫn luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong tâm thức mỗi người dân xứ thảo nguyên.
Tsagaan Sar không chỉ là dịp để trẻ con ăn buuz, người già nhận lời chúc phúc, đây là dịp để anh em, họ hàng, bè bạn gặp gỡ, hỏi han nhau về công việc, gia đình, học hành, cuộc sống. Nhất là trong thời đại mà ai ai cũng bận rộn như hiện nay, đây càng là khoảng thời gian quý báu để những mối quan hệ đó thêm khắng khít.
Tuy nhiên, khi giờ đây không có ai cấm đoán thì có vẻ ngày lễ này ngày càng mai một. Người trẻ đã có nhiều dịp để vui chơi hơn, nào là Giáng Sinh, nào là Tết Tây. Người ta cũng bắt đầu có điều kiện kinh tế để đi du lịch ngày một nhiều hơn, mà thường rơi vào dịp Tsagaan Sar, khi trẻ con vẫn còn trong thời gian một tháng nghỉ đông, còn người lớn cũng có mấy ngày nghỉ Tết.
Người Mông Cổ đi du lịch nước ngoài thường sẽ chọn đi vào mùa đông để tránh cái lạnh khắc nghiệt có khi xuống đến -30, -40 độ ở đất nước họ. Ngược lại, người nước ngoài đến Mông Cổ du lịch, lại chọn mùa hè, khi nắng vàng rực rỡ trải dài trên các thảo nguyên xanh ngát, và cũng vì một lý do thật đơn giản: Chẳng ai muốn đến đây vào mùa đông khi ngay cả người bản xứ cũng tìm cách trốn chạy khỏi cái lạnh vào mùa đó.
Có lẽ bởi thế mà ít người nước ngoài được trải nghiệm Tết Tsagaan Sar. Song mình vẫn muốn nói là nếu có điều kiện hãy cứ đến đây vào ngày lễ này. Mình chắc chắn đó sẽ là một kỷ niệm độc đáo khó quên đối với mỗi người.
Lan man những câu chuyện dông dài, cũng đến lúc chúng tôi phải xin phép gia chủ để ra về. Ngoài trời rét tái tê. Đường sá hàng ngày tắc cứng, chật hẹp nhưng nay thoáng đãng vô cùng. Chắc mọi người ai cũng đang sum vầy bên gia đình và bè bạn.
Tôi tưởng tượng đến những gương mặt đang nói cười ha hả, mời nhau từng ly rượu, miếng thịt cừu. Đâu đó thỉnh thoảng lại vang lên tiếng pháo đùng đoàng.
Tôi bỗng nao nao nhớ đến những cái Tết khi còn ở nhà…
*Chiếc khăn xanh được gọi là khaadag. Người Mông Cổ hay tặng nhau khaadag vào các dịp lễ tết, nhất là dịp Tsagaan Sar.

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)