Lã Văn Lý
Giữa "cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh" tôi và Phó Giáo sư Trần Tường có chuyến thăm gia đình Đại sứ Hoàng Tuấn Thịnh và chị Hồ Thị Thanh Hương tại Hà Nội. Chuyến thăm được dự kiến từ lâu nhưng vì nhiều lý do nay mới được thực hiện.
Đúng 8h 30' ngày 29/11/20 chúng tôi có mặt tại nhà anh Thịnh. Bỏ qua mọi thủ tục xã giao khách khí, chúng tôi choàng lấy nhau bắt đầu trò chuyện như thời sinh viên hơn 40 năm về trước. Chị Hương pha cho anh em chúng tôi mỗi người một cốc chè sữa Mông Cổ nóng hổi, thơm ngon, mằn mặn tạo cảm giác ngậy bùi nơi đầu lưỡi khiến những ký ức về đất nước thảo nguyên bao la bỗng ùa về trong chúng tôi.
Đương nhiên câu chuyện bắt đầu bằng những kỷ niệm thời sinh viên sôi nổi. Nhưng vì có quá nhiều sự kiện nên các câu chuyện cứ đan xen. Lúc thì về công việc dạy học của ông Phó Giáo sư trên khắp các vùng miền đất nước, lúc thì những câu chuyện ngoại giao đầy thi vị của ngài Đại sứ. Loáng một cái mấy tiếng đồng trôi qua, chị Hương dọn cơm để mọi người vừa ăn vừa nói chuyện.
Tự nhiên câu chuyện chuyển sang thời kỳ loạn lạc khi Liên Xô sụp đổ mà các anh Phan Đình Thắm, anh Trần Văn Tường, vợ chồng anh Hoàng Tuấn Thịnh đều là nhân chứng.
Anh Thịnh lúc đó cũng đang học Ngoại thương ở Nga.
Một thời kỳ tang tóc của nước Nga đau thương nhưng vĩ đại. Người Việt ta bên đó biết bao số phận cũng đầy những thăng trầm. Nạn đánh người Việt cướp tiền xảy ra như cơm bữa. Anh Thắm bị gãy một xương sườn, anh Tường bị trận nhừ đòn tử nhưng may còn không mất tiền (vì thực ra trong người tiền ít quá nên bọn cướp không tìm thấy). Lần khác chúng đánh anh Tường rất hiểm ác. Rất may, cảnh sát kịp thời túm được bọn cướp và đưa anh Tường vào đồn yêu cầu anh làm thủ tục kiện chúng ra tòa nhưng anh Tường đã xin tha cho chúng. Tôi bỗng nhớ một nhà báo phương Tây nói người Việt Nam có lòng vị tha cao cả. Còn anh Thịnh tuy lúc nào cũng đạo mạo, chỉn chu tay luôn cắp ca táp nhưng vẫn gom được lô hàng chuyển mấy nghìn cây số thì phải bán phá giá...
Lúc đó đất nước mình cũng rất khổ, và đói. Do tính mê văn nên tôi vẫn theo dõi sát tình hình bên Nga qua loạt bài viết của nhà văn, nhà thơ, tiến sỹ văn học Nguyễn Huy Hoàng, giảng viên cao cấp của Trường Đại học tổng hợp Lô mô lô xốp. Tôi kinh hoàng không hiểu Liên Xô vĩ đại như vậy, đi khắp đất nước bao la trải dài cả chục nghìn cây số từ đông sang tây cảnh tượng thanh bình như vậy, con người sống chan hòa trong tình nhân ái "người yêu người sống để yêu nhau" nay mới chỉ "qua một cuộc bể dâu" mà sao đến nông nỗi thế.
(Còn nữa).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét