THĂM BẠN
Lúc đọc những bài viết của anh Hoàng tôi cũng hơi băn khoăn về tính xác thực của một số trang vì nhà thơ thường bay bổng. Nay mới có điều kiện kiểm chứng qua những người trong cuộc thì quả đúng như vậy. Bản thân gia đình anh Hoàng cũng chịu bi kịch lớn. Sau này anh có về Hà Nội, đêm đêm tản bộ trên những con phố cổ và làm thơ để lấy lại sự tĩnh lặng của tâm hồn. Trong thơ anh nghe có tiếng guốc gõ lách cách nơi phố nhỏ. Con người nhà thơ thì vẫn trần tục nhưng trong sâu thẳm tâm hồn hình như đã muốn nương nhờ bóng Phật để vơi bớt đi nỗi đau khổ chốn trần ai. "Giọt chuông chùa buông tận đáy không gian".
Chúng tôi nói chuyện say sưa không cảm nhận được thời gian đang trôi qua. Cái đồng hồ treo tường nhà anh Thịnh ở đâu đó trong góc khuất nên chúng tôi cũng không biết đã mấy giờ. Bất chợt bật điện thoại, ông giáo sửng sốt kêu lên: Sao, đã 3 giờ rưỡi rồi à? Vậy là chúng tôi đã hàn huyên tròn 7 giờ đồng hồ không phút nghỉ. Thực sự không có một khoảng trống nào cần phải chêm vào một vài chuyện không ăn nhập để lấy đà hoặc để chuyển đề tài. Tôi nói: anh cứ thoải mái đến 5 giờ rưỡi đi.
Chẳng hiểu sao tôi lại đưa ra cái giới hạn thời gian tùy tiện và ngẫu hứng vậy. Nhưng cũng đâu cần tôi nói, mọi người vẫn tiếp tục. Chị Hương tranh thủ xào thêm thịt bê và làm bát canh cá trắm giòn. Ngon tuyệt. Nếu được phép chấm thì dứt khoát tôi phải đặt điểm Mười. Về món ăn tôi chỉ nói thế thôi chứ không dám nói leo theo các nhà văn bậc thầy về món ăn Việt như Nguyễn Tuân và Vũ Bằng.
Mà tôi quên chưa nói đến cái khoản quan trọng: rượu. Anh Thịnh đãi chúng tôi rượu thượng hạng của Kazaxtan mà anh xách tay về trong chuyến công tác trước đây cùng anh Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Tôi không sành chỉ uống chút đỉnh cho phải phép nên không dám bình luận. Nhưng cứ nhìn cung cách ông giáo uống thì tôi đồ rằng rượu này không đạt điểm Mười thì cũng Chín Rưỡi.
Có một điều rất lạ mà tôi cũng không giải thích được. Trong cuộc vui của chúng tôi, trong một số chuyện có liên quan đến vài người bạn. Chúng tôi điện cho họ, có người tới 4 - 5 lần. Nhưng tuyệt nhiên không có ai bắt máy. Thấy thế chị Hương nói, đại ý: như thế ông Trời đã định rồi, cuộc gặp này dành riêng cho 3 anh. Sẽ không có ai làm phiền các anh nữa.
Đúng vậy, cho đến hết buổi không có ai gọi chúng tôi, cũng không có bất kỳ sự hồi âm lại nào của những người chúng tôi đã gọi. Mọi việc vẫn tiếp tục.
Vợ chồng anh Thịnh chăm chút cho khách hơn, liên tục gắp thức ăn cho anh em chúng tôi. Anh Tường vẫn nói say sưa, chỉ ánh mắt và bàn tay ra hiệu cho anh Thịnh, dường như để nói: cứ từ từ, ăn ít thôi, còn để thời gian nói chuyện. Nói thế thôi chứ anh em chúng tôi cũng lo cho anh Tường. "Bóng chiều đã ngả dặm về còn xa".
Chẳng là chúng tôi mời anh ở lại chơi với chúng tôi qua đêm nhưng anh quyết tâm sau cuộc vui sẽ về nhà ở tận Thái Nguyên, thủ phủ của chiến khu Việt Bắc xa vời. Chúng tôi lại bàn với anh hay sang chơi với con và cháu. Con trai cả anh ở cách nơi chúng tôi đang vui chỉ chừng dăm cây số. Anh cũng không nghe. Anh nói rằng cuộc vui này chỉ dành cho bạn bè, không liên quan gì tới con cháu, xong việc sẽ về luôn chuyến xe 6 giờ chiều. Chị Hương ý tứ đặt cho anh đi chiếc xe Limusine chất lượng cao và bố trí một người quen đưa anh ra bến. Chúng tôi vẫn tiếp tục. Không biết có phải tại rượu không hay còn nhiều chuyện cần nói, anh Tường nói nhanh hơn, sôi nổi hơn. Chị Hương lựa lời nói với anh là người lái xe đã chờ anh được một lúc rồi. Anh Tường như choàng tỉnh.
Chúng tôi dừng cuộc vui, bắt tay nhau lưu luyến. Anh Tường vẫn rất khỏe, thoăn thắt bước xuống cầu thang đi ra sân, nơi xe đang đợi. Chúng tôi lại bắt tay tạm biệt nhau. Lên xe anh Tường còn ngoái đầu nhìn lại với nét mặt lo âu vốn có của người thầy giáo dặn chúng tôi: chưa hết chuyện đâu nhé, hẹn gặp lại ở Thái Nguyên.
Vâng, cuộc vui nào thì cũng đến lúc phải chia tay. Nhưng hết cuộc vui này thì sẽ lại tiếp cuộc vui khác. Thôi thì chúng ta đành chờ vậy./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét