Không mạnh về tài chính nhưng Mông Cổ vẫn bảo đảm nguồn cung vắc-xin Covid-19 nhờ tận dụng quan hệ với các nước láng giềng và cường quốc
Đông Nam Á đang đối mặt làn sóng lây nhiễm mới, được cho là xuất phát từ các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 có khả năng lây nhiễm mạnh hơn, như B117 và B.1.617. Nỗ lực tiêm vắc-xin Covid-19 đã được triển khai trên khắp Đông Nam Á nhưng với tỉ lệ không đồng đều.
Tìm đủ các nguồn
Theo Trường ĐH Oxford (Anh), tính đến ngày 22-5, Singapore là nước có tỉ lệ tiêm phòng cao nhất khu vực, với hơn 30% dân số được tiêm ít nhất 1 liều và gần 25% được tiêm đầy đủ - cao hơn rất nhiều so với những quốc gia khác, như Philippines và Thái Lan, nơi tỉ lệ được tiêm ít nhất 1 liều lần lượt chỉ là 1% và chưa đến 2%.
Các quốc gia đang phát triển đã và đang tích cực tìm kiếm nguồn cung vắc-xin, chẳng hạn thông qua COVAX (cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu) và GAVI (Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng). Tuy nhiên, khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ - nhà cung cấp vắc-xin hàng đầu cho các quốc gia đang phát triển - khiến tình trạng khan hiếm thêm nghiêm trọng, qua đó nêu bật sự bất bình đẳng gia tăng giữa các quốc gia giàu và nghèo. Vào đầu tháng này, Viện Serum Ấn Độ (SII) thông báo sẽ không khởi động lại quá trình bàn giao vắc-xin cho COVAX đến cuối năm nay để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Người dân được theo dõi sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca tại TP Taguig - Philippines ngày 24-5 Ảnh: REUTERS
Theo đài CNN, quyết định của SII khiến nhiều quốc gia như ngồi trên lửa. Người phát ngôn Bộ Y tế và Dân số Nepal Jageshwor Gautam khi đó cho biết quốc gia của ông chỉ còn khoảng 50.000-60.000 liều Covishield của SII để tiêm mũi thứ 2 cho nhóm dân số 65 tuổi trở lên. Với mong muốn bù đắp thiếu hụt, Bộ trưởng Y tế Nepal Hridayesh Tripathi cho biết ông đã đàm phán với giới chức Mỹ, Anh và những quốc gia khác về vắc-xin AstraZeneca, cũng như gửi thư cho những người đồng cấp Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nga.
Tương tự, Bangladesh hiện đã hết vắc-xin, theo Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC). Theo kế hoạch phân bổ của GAVI, Bangladesh dự kiến được bàn giao 10 triệu liều Covishield vào cuối tháng 5 nhưng chưa rõ đã đến nơi hay chưa. Nước này chỉ mới tiêm phòng đầy đủ cho 2,4% trong tổng 164 triệu dân và các ca nhiễm dường như đang tăng trở lại. Sau đề nghị của Bangladesh, Trung Quốc đã tặng thêm 600.000 liều - Đại sứ quán Trung Quốc tại Dhaka thông báo vào tuần rồi.
Nhằm bảo đảm nguồn cung, giới chức Đài Loan (Trung Quốc) đặt mua tổng cộng 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 được phát triển bởi 2 hãng dược nội địa Medigen Vaccine Biologics và United Biomedical, bất chấp chúng còn đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Trước làn sóng chỉ trích gia tăng, ông Kung Hsiang-chi, một quan chức y tế cấp cao của Đài Loan, ngày 31-5 khẳng định động thái này nhằm ngăn chặn rủi ro thiếu nguyên liệu và chậm trễ trong khâu sản xuất.
Chiến lược của Mông Cổ
Israel chấp nhận mua vắc-xin Covid-19 của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) với giá cao ngất ngưởng, đồng thời chấp nhận chia sẻ dữ liệu về mức độ hiệu quả của sản phẩm này. Canh bạc đắt đỏ của Israel dường như đã thành công. "Chúng tôi không ngần ngại về giá cả" - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định trước báo chí hồi tháng 1, khi được hỏi vì sao quốc gia của ông đồng ý trả gấp đôi số tiền mà Mỹ và Anh chi trả cho mỗi liều vắc-xin Pfizer-BioNTech.
Thủ tướng Netanyahu cũng thừa nhận một trong những thỏa thuận hấp dẫn dành cho Pfizer là Israel "đóng vai trò một phòng thí nghiệm của thế giới về khả năng miễn dịch cộng đồng hoặc tiếp cận khả năng miễn dịch cộng đồng rất nhanh", nghĩa là Israel "có thể trở thành một trường hợp thử nghiệm toàn cầu" về mức độ hiệu quả của vắc-xin cũng như về kế hoạch tái mở cửa kinh tế.
Du khách đứng chờ bên ngoài sân bay quốc tế Ben Gurion sau khi bay đến Israel vào ngày 27-5 giữa lúc lệnh phong tỏa được nới lỏng. Ảnh: REUTERS
Hai tháng kể từ khi khởi động tiêm chủng, Thủ tướng Netanyahu cho phép tái mở cửa một số doanh nghiệp, đồng thời tuyên bố Israel sẽ "là quốc gia đầu tiên trên thế giới thoát khỏi Covid-19". Đến ngày 23-5, Bộ trưởng Y tế Israel Yuli Edelstein thông báo kế hoạch chấm dứt phong tỏa cùng các biện pháp hạn chế từ đầu tháng 6. Quốc gia này hôm 30-5 thông báo 12 ca nhiễm mới, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 10.000 ca sau 24 giờ khi đại dịch đạt đỉnh hồi tháng 1, trong khi tỉ lệ được tiêm vắc-xin Pfizer-BioNTech ở nhóm trên 50 tuổi đạt 92%.
Không đủ năng lực tài chính để chi mạnh tay như Israel nhưng Mông Cổ vẫn bảo đảm được nguồn cung thông qua việc tận dụng mối quan hệ với các nước láng giềng và cường quốc. Theo báo The Telegraph, gần 90% dân số Mông Cổ đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin và 40% tiêm đầy đủ.
Riêng tại thủ đô Ulaanbaatar, tỉ lệ được tiêm ít nhất 1 liều ở nhóm dân số trưởng thành là 99% và không có dấu hiệu cho thấy nguồn cung vắc-xin của Mông Cổ sẽ sớm cạn.
Quốc gia này được Ấn Độ và COVAX cung cấp lần lượt gần 150.000 liều và gần 100.000 liều AstraZeneca hồi cuối tháng 2. Tuy nhiên, phần lớn trong tổng số 4,3 triệu liều vắc-xin mà Mông Cổ sở hữu chủ yếu đến từ Trung Quốc và Nga.
"Chúng tôi rất ý thức về mối quan hệ với các nước láng giềng và chúng tôi muốn tận dụng điều đó. Tuy nhiên, đây là điều không hề dễ dàng. Để được đưa vào danh sách chờ vắc-xin là điều khá khó khăn" - cố vấn của Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai, bà Bolormaa Enkhbat, chia sẻ. Dù vậy, với "tinh thần chiến binh" cùng sự kiên trì, bà Enkhbat cho biết họ đã ký kết được thỏa thuận mua hàng triệu liều Sputnik (Nga) và Sinopharm (Trung Quốc).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét