MẤY KỶ NIỆM VỀ TRẦN TIÊN SINH
Phần 2
LÃ VĂN LÝ
Câu chuyện thứ 2 tôi kể về khiếu thẩm mỹ thời trang là sự cầu kỳ của anh
Hòa. Nói chung anh em mình thời học bên đó ăn mặc đẹp, lịch sự, gọn gàng đúng
phong cách Âu và anh Hòa cũng không ngoại lệ. Ở đây tôi muốn nói đến vấn đề
khác: một số mốt thời thượng của thanh niên, sinh viên lúc đó. Chúng ta biết
rằng thập 70 và đầu những năm 80 thế kỷ trước quần Jeans mà chúng ta quen gọi
là quần bò, đặc biệt là quần bò xịn, khá hiếm và đắt. Mặc quần bò lúc đó là mốt
thời thượng. Nhìn anh chị nào mặc quần bò xịn biết ngay là dân ăn chơi thuộc
hàng " anh chị ". Lúc đó anh em sinh viên ta thường mặc quần bò nhái
mà cũng khó kiếm. Không hiểu thế nào anh Hòa tìm mua được chiếc quần bò xịn
đúng hiệu Levi's. Vì quý hiếm nên thỉnh thoảng anh mới mặc. Một lần anh mặc tôi
ngắm anh và xuýt xoa khen đẹp, hỏi anh kiếm đâu ra vậy. Anh ra vẻ bí mật và hào
hứng khoe: 600 tu- gơ - ríc đấy. Đây là số tiền khá lớn với sinh viên ta. Lúc
đó một bộ comple vào hàng xịn nhất mà chúng ta mua ở cửa hàng dành cho chuyên
gia Nga giá 500 tu - gơ - ríc, đúng bằng học bổng một tháng của sinh viên chúng
ta. Và cái chính là làm sao anh cầu kỳ tìm được cái quần rất đẹp và hợp với anh
vì thực sự lúc đó có tiền cũng khó tìm. Ngoài cái quần bò anh còn tìm được một
chiếc áo khoác Blu - dông Nhật, kiểu dáng đơn giản nhưng độc đáo và đẹp mắt.
Nhìn anh mặc chiếc quần bò và cái áo khoác đó cùng bạn gái đi chơi thấy vừa
bình dị mà sang trọng, hợp mốt và thời thượng pha chút lãng tử của một chàng
sinh viên du học. Mươi mười lăm năm sau, khi bước vào giai đoạn kinh tế thị
trường, ở nước ta sự giao lưu hàng hóa nhộn nhịp quá chừng. Quần bò cũng như
các mốt quần áo khác tràn ngập thị trường và không còn là mốt thời thượng nữa.
Nhưng giai đoạn đó nhìn anh Hòa mặc cũng nhiều người ao ước.
Sau khi về nước tôi có nhiều lần công tác ở Thanh Hóa và cố tìm gặp anh Hòa
nhưng không có tin tức gì cả. Mãi đến mấy năm trước đây, khi đang trong không
khí đầm ấm đón giao thừa cùng cả gia đình thì tôi nhận được cuộc gọi đến chúc
Tết từ số máy lạ. Hỏi ra mới biết là anh Hòa. Vâng, đúng là anh Trần Viết Hòa,
người bạn tri kỷ mà tôi cố công tìm. Mừng quá, anh em trò chuyện về thời kỳ
gian khó khi bắt đầu lập nghiệp. Thời kỳ đó ít thông tin, đi lại khó khăn nên
không chỉ tôi và anh Hòa mà tất cả chúng ta mỗi người cứ biền biệt phương trời
xa. Cũng không ngờ thời cuộc thay đổi nhanh như thế. Mới ngày nào tiêu chí ăn
ngon, mặc đẹp, nhà lầu, xe hơi còn là một viễn cảnh quá xa vời đối với mỗi
người con đất Việt, nay dù không phải tất cả, nhưng đã hiển hiện khắp nơi ở cả
những phố thị mini xa xôi vùng biên ải. Thời gian đâu quá xa, một vị trí thức
khả kính giữa thủ đô mừng rỡ báo tin cho bạn bè vì đã lắp được chiếc điện thoại
bàn để liên lạc với người thân và bè bạn. Thế mà nay khắp dải đất hình chữ S
này chúng ta có thể ngồi nhà, thậm chí nơi thâm sơn cùng cốc trò chuyện giao
lưu với bạn bè trên khắp quả đất này. Có tuổi rồi nên hay hoài niệm. Mỗi lần
nghĩ về những đổi thay nhanh chóng và kỳ diệu đó trong lòng tôi lại dâng lên
một cảm xúc bâng khuâng khó tả " Bàng hoàng như giữa chiêm bao "... (
3 )
Qua cuộc nói chuyện đó, tôi được biết anh là giám đốc chuỗi cửa hàng đồ chơi và công viên giải trí. Công việc làm ăn rất phát đạt. Tôi thành thật mừng cho anh. Kinh doanh đồ chơi và giải trí cần có năng khiếu và sự hiểu biết nhất định về tâm lý học. Tôi chợt nghĩ tính cẩn thận đặc trưng và khiếu thẩm mỹ thời trang sẵn có trong anh từ thời trẻ có thể đã một phần giúp anh thành công trong lập nghiệp sau này. Chúc anh sức khỏe và hạnh phúc. Hẹn gặp lại anh một ngày không xa.
Lạng Sơn một chiều hè
.............................
( 3 ) Thơ Tố Hữu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét