Tôi là một trong những SV MC đã học ở VN từ 2000 đến 2007. Tôi học 1 năm ở Khoa Tiếng Việt tại Trường ĐH Quốc gia Hà Nội và 5 năm ở Học viện Quan hệ QT (Nay là Học viện Ngoại giao). Sau đó tôi sống và làm việc tại Hà Nội 2007 - 2008. Những trải nghiệm và kỷ niệm tươi sáng trong những năm tháng đó đã mang lại cho tôi nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống - là bước đi đầu tiên trên đường đời vạn dặm mà tôi sẽ đi qua.
Kỷ niệm đầu tiên khi đến VN là cái nóng ngột ngạt và những con đường chật cứng xe máy. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào ký túc xá là chiếc cửa sổ chỉ có 1 lớp kính và lưới thép mà trước đây tôi chưa từng thấy bao giờ. Sàn nhà lát bằng gạch, không có ban công, và hành lang được sử dụng như ban công. Chính trên hành lang này tôi và bạn bè quốc tế đã trải qua những tháng ngày đầy ắp tiếng cười.
Ký túc xá chúng tôi ở nghe nói đã có từ thời chiến tranh và cuối năm 1988 nó đã được tu sửa lại và được đặt tên là "Cầu vồng Văn hóa". Bởi vì trong ký túc xá có các SV đến từ MC, Nga, Ucraina, Trung Quốc, Laos, Cu Ba và I Rắc. Do có văn hóa tương đối tương đồng chúng tôi được xếp ở chung phòng với các SN Nga và Ucraina, điều này giúp chúng tôi có cơ hội hiểu biết về ngôn ngữ của nhau. Nhưng vẫn có một vài khác biệt làm nẩy sinh những vấn đề khá buồn cười. Chẳng hạn, một SV Ucraina đã than phiền là người bạn MC cùng phòng với mình đã nấu cơm với thịt thối trong khi bạn ấy nấu cơm với thịt kho truyền thống của MC. Khi tôi đốt trầm hương, bạn gái người Nga đã sợ xanh mặt vì tưởng phòng tôi bị cháy. Ký túc xá chúng tôi ở có tên là B7 Bis. Bây giờ mỗi khi nhớ lại cuộc sống SV ngày đó tại KTX B7 Bis màu vàng vẫn mồn một hiện ra trong mắt tôi.
Đất nước VN lần đầu tôi đến còn phát triển chưa cao lắm so với MC, nhưng là đất nước ngập tràn màu xanh. Quận nào ở Hà Nội cũng có công viên với hồ nhân tạo nơi mọi người tập thể dục 5 giờ sáng hằng ngày. Với tôi, những cây xanh trên đường phố HN trông thật thích mắt. Dù ấn tượng ban đầu không lớn lắm, nhưng 6 năm ở VN tôi đã tận mắt chính kiến nơi đây phát triển nhanh hơn MC rất nhiều. Người dân có cuộc sống rất năng động: người ta dậy từ rất sớm, tập thể dục buổi sáng và khi tan giờ làm buổi tối họ lại nỗ lực chơi thể thao như bóng đá, cầu lông...
Giờ học của tôi bắt đầu từ 6:45. Tôi thực sự kinh ngạc vì chưa thấy lớp học nào bắt đầu sớm như thế trong cuộc đời mình. Vì giờ học và giờ làm bắt đầu sớm như thế nên người dân VN thường bán đồ ăn dọc đường. Tôi thường mua xôi gói trong lá chuối trên đường đi học. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi lại thấy nhớ những gói xôi đó.
Do bắt đầu học sớm như thế, nên khoảng thời gian từ 12 giờ trưa đến 2 giờ chiều là cơ hội để SV học thêm các môn khác hoặc ôn tập nâng cao những bài đã học. SV VN hay giúp đỡ, giảng lại cho tôi những gì tôi chưa hiểu, và cho tôi mượn vở để tôi chép bài. Họ cũng rất giản dị. Ví dụ đơn giản nhất là trong khi SV MC tốn rất nhiều tiền bạc để tổ chức Lễ tốt nghiệp thì SVVN tổ chức Lễ Tốt nghiệp hết sức đơn giản. SVVN không tốn nhiều tiền mua quần áo để mặc trong Lễ Tốt nghiệp mà dùng áo Tốt nghiệp của nhà trường. Sau Lễ Tốt nghiệp, họ chỉ dùng cơm liên hoan thân mật cùng nhau chứ không uống rượu và đi chơi nông thôn như SVMC. Còn một chuyện buồn cười nữa là các bạn SVVN vỗ tay giữa giờ học ngay trong ngày học đầu tiên của tôi. Tôi đã rất ngạc nhiên và hỏi bạn ngồi cùng xem đã xẩy ra chuyện gì. Thì ra là SVVN vỗ tay khi giáo viên dạy hay hoặc họ thích điều mà giáo viên dạy. Đây là một truyền thống lạ rất đáng yêu.
Vào năm 2002, có khoảng 20 SVMC học ở VN. Vào thời đó, SVMC không thể mua xe máy khi mới sang VN. Chúng tôi đi xe đạp năm đầu tiên, thuê xe máy vào năm thứ 2, mua xe máy vào năm thứ 3, hoặc năm thứ 4. Tôi chưa thấy có SV MC nào đi máy bay sang VN vào mùa thu. Họ thường đi tàu hỏa và ô tô tới Hà Nội sau 4 ngày xuất phát từ MC. Vào thời đó, không phải SV nào cũng có máy tính, chúng tôi thường phải mượn máy tính của bạn. Cũng không phải chỗ nào cũng có máy tính và có mạng như bây giờ, nên chúng tôi thường đến quán cà phê internet để học, liên hệ với người nhà, tải tài liệu vào các đĩa mềm và sau đó photo thành sách để dùng. Điều mà thích nhất ở các quán photocopy là người ta làm luôn bìa cho mỗi quyển sách đưa họ photo. Ở VN lần đầu tiên tôi vào một siêu thị sách. Chưa bao giờ tôi vào một siêu thị sách lớn như thế. Cho nên sau đó, việc vào siêu thị sách đó và các cửa hàng sách dọc con phố đó đã trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của tôi.
Các SVMC cũng tổ chức đi du lịch bằng xe máy tới các khu danh lam thắng cảnh của VN. Năm 2004, lần đầu tiên số SV vượt con số 30, do đó chúng tôi tổ chức ngày thể thao mùa thu, cùng nhau thi đấu các môn thể thao. ĐSQ MC tại VN cũng đã trao giải thưởng để ủng hộ chúng tôi trong ngày này. SVMC cũng tích cực tham gia giải chạy Hà Nội vì Hòa bình được tổ chức vào mùa thu hằng năm và thường giành một trong 3 giải cao nhất.
Từ năm 2004, Hội SVMC tại VN được thành lập, bản thân tôi là người học ở VN lâu nhất nên hợp tác với chị Gantuya biên tập một tờ tạp chí bằng tiếng Việt lấy tên là "Oyutan VN" dành cho các SVMC tại VN.
B. Batsaikhan, cựu SVMC tại VN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét