Karakorum có nhiều tên gọi. Từng là quê hương của Đại Hãn nổi tiếng nhất thế giới - Thành Cát Tư Hãn, thành phố cổ này nhanh chóng trở thành một trong những điểm hội tụ quan trọng nhất và tiến bộ nhất trên Con đường tơ lụa.
Những mảnh ghép quá khứ
Karakorum thuộc tỉnh Ovorkhangai, là một trong những địa danh lý tưởng nhất để tới thăm của Mông Cổ ngày nay. Cách Ulaanbaatar, thủ đô hiện đại của Mông Cổ chỉ 350 km, đường đến Karakorum là một con đường thiết yếu trong bất kỳ hành trình du lịch Mông Cổ nào không chỉ vì vẻ đẹp mà còn vì lịch sử của nó, theo CNN.
Chính con đường Đông Tây gặp gỡ này từng được người Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Duy Ngô Nhĩ, người Sogdiana, Hungary, Hy Lạp, Armenia, Alan và Gruzia đi lại. Con đường này là nơi các nhà ngoại giao, thương nhân, nghệ nhân buôn bán tơ lụa, gia vị, trà, ngà voi, bông, len và kim loại quý, cũng như các ý tưởng.
Nhờ vậy, Karakorum nhanh chóng trở thành nơi các nền văn hóa giao thoa và học cách chung sống hòa thuận với nhau. Dù có nhiều ý nghĩa liên quan tới Thành Cát Tư Hãn và đế chế của ông nhưng Karakorum là một thành phố được xây dựng dựa trên sự hiểu biết và chấp nhận.
Đây là nơi chấp nhận các thực hành tôn giáo khác nhau, với ít nhất 12 ngôi đền ngoại giáo khác nhau, 2 nhà thờ Hồi giáo, 2 nhà thờ và ít nhất 1 ngôi chùa Phật giáo trong thành phố.
Tuy nhiên, vinh quang của Karakorum chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Hốt Tất Liệt cuối cùng đã chuyển thủ đô của đế chế đến Bắc Kinh chỉ 50 năm sau khi quá trình phát triển bắt đầu. Với nhiệt độ khắc nghiệt và dễ bị tấn công, cư dân đã không ở lại lâu và Karakorum nhanh chóng biến thành một đống đổ nát.
Karakorum ngày nay có thể không giống như thời của Đại Hãn nhưng tổng thống Mông Cổ gần đây đã cam kết hồi sinh thành phố có ý nghĩa văn hóa này trong những năm tới, dự báo một tương lai tươi sáng hơn ở phía trước.
Là quốc gia có nền văn hóa du mục, Mông Cổ không còn nhiều dấu vết của quá khứ. Thậm chí ngày nay, phần lớn lịch sử của Mông Cổ với tư cách là một trong những đế chế lớn nhất và hùng mạnh nhất trên thế giới vẫn là một bí ẩn vẫn đang được chắp nối lại với nhau.
Ngoài “Lịch sử bí mật của người Mông Cổ”, không còn nhiều tài liệu viết về Đế chế Mông Cổ, như lời kể của người Mông Cổ. Các địa điểm khảo cổ xung quanh Karakorum đang giúp lấp đầy những khoảng trống.
Các cuộc khai quật trong và xung quanh Karakorum đã phát hiện ra những con đường trải nhựa, tàn tích của các tòa nhà bằng gạch, hệ thống sưởi sàn, bếp lò, bằng chứng về quá trình xử lý đồng, vàng, bạc, sắt, thủy tinh, đồ trang sức, xương và vỏ cây bạch dương, cũng như tiền từ Trung Quốc và Trung Á, gốm sứ và 4 lò nung.
Nhiều khám phá trong số này và những câu chuyện xung quanh chúng có thể được tìm thấy trong Bảo tàng Karakorum - điểm tham quan đẹp và hiện đại ở trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, không có đồ tạo tác và triển lãm nào hấp dẫn bằng câu chuyện về Cây Bạc - đài phun nước từng được trang trí công phu từng là trung tâm của thủ đô Mông Cổ.
Theo truyền thuyết, cây được trang trí với những trái bằng bạc và chứa nhiều loại đồ uống có cồn khác nhau, bao gồm rượu vang, sữa ngựa lên men (airag), rượu gạo và rượu mật ong, tất cả đều dành cho các cháu trai của Thành Cát Tư Hãn và những vị khách được mời của ông.
Cây Bạc chưa được phát hiện và rất có thể đã bị tháo dỡ trong một trong những cuộc đột kích của thành phố, nhưng câu chuyện về nó vẫn luôn được lưu truyền.
Ngôi chùa hồi sinh từ đống đổ nát
Năm 1585 khi Karakorum bị bỏ hoang và rơi vào cảnh hoang tàn, sự cứu rỗi của thành phố đến nhờ một tu viện Phật giáo do hoàng tử Hãn Kha Mông Cổ khi đó uỷ thác.
Chính cuộc gặp gỡ của hoàng tử với Đạt Lai Lạt Ma thứ ba, và tuyên bố của ông về Phật giáo Tây Tạng là quốc giáo của Mông Cổ, đã biến tu viện Erdene Zuu trở thành tu viện Phật giáo đầu tiên ở Mông Cổ. Vào thời kỳ đỉnh cao, tu viện là nơi có hơn 100 ngôi đền, khoảng 300 lều yurt và 1.000 nhà sư cư trú.
Ngày nay, tu viện Erdene Zuu là một trong những ngôi chùa Phật giáo linh thiêng nhất của Mông Cổ. Những người Mông Cổ theo đạo Phật thề sẽ đến thăm khu phức hợp này ít nhất một lần trong đời.
Đền Laviran ở phía sau khu phức hợp là nơi các nhà sư tụng kinh, tập chơi nhạc cụ và có các bài giảng hàng ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét