Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2024

ĐÓN CÔ GIÁO SUVD VÀ SARAN TUYA NGÀY ÁP TẾT GIÁP THÌN

(Bài viết của TS Nguyễn Xuân Đoan, cựu SVVN tại MC khóa 1983-1990, NCS ĐH Nông nghiệp Mông Cổ)


Từ hơn một tháng trước, anh Nguyễn Ngọc Huân - quản trị Blog Một thời Mongolia để nhớ đã đăng thông tin trên Blog và Zalo “Cựu SVVN tại MC” về chuyến đi du lịch Việt Nam của hai cô giáo Suvd và Saran Tuya dạy ngôn ngữ tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mông Cổ cho sinh viên Việt Nam. Biết các cô đi theo tour du lịch của Công ty Тэнгэр Travel với hành trình Ulanbator - Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hội An, sau khi tham khảo một số ý kiến, chú Lại Hồng Thắng (sang Mông Cổ 1985), đã rất nhanh chóng lập nhóm Zalo mang tên “Cô Suvd Sara”  với 22 thành viên, chủ yếu gồm những lưu học sinh đã từng học hai cô giáo. Nhóm thảo luận rất chi là rôm rả: Thời gian, địa điểm, nội dung đón tiếp hai cô như thế nào? Có ý kiến cần thành lập các Tiểu ban để đón tiếp hai cô được chu đáo, trọng thị, ân tình. Điều đặc biệt là hai cô đến Việt Nam vào chiều 29 Tết và về nước Mùng 5, đúng dịp Tết cổ truyền của Việt Nam nên cần phải tính toán thời gian làm sao để đón tiếp các cô cho phù hợp nhất, thể hiện được tình cảm của lưu học sinh ta với các thày cô. Tiến sỹ Trần Văn Bình (sang Mông Cổ năm 1975) mặc dù không học hai cô giáo, nhưng rất hào hứng tham gia, đóng góp nhiều ý kiến bổ ích. Chú Ngô Ngọc Tân (sang Mông Cổ năm 1989) đăng ký chân “Phó nháy” cũng được nhóm nhanh chóng “chấp thuận”; em Hoàng Lệ Thúy (sang Mông Cổ 1987) chuyên gia ngôn ngữ được tín nhiệm thay mặt nhóm phát biểu chào mừng và tri ân thày cô. Rồi cả chuẩn bị tiết mục bài hát như thế nào để tổ chức đón tiếp được tốt nhất... Sau nhiều thảo luận, cả nhóm đi đến thống nhất đón tiếp hai cô vào chiều 29 Tết tại khách sạn nơi hai cô ở, ngay sau khi đoàn du lịch đáp xuống sân bay Nội Bài.

Khách sạn Thăng Long Opera nơi đoàn của hai cô nghỉ nằm trên phố Tông Đản, phường Lý Thái Tổ nằm cách không xa Hồ Hoàn Kiếm - rất thuận lợi cho du khách nước ngoài tham quan khám phá, trải nghiệm những thắng cảnh, di tích và thưởng thức các sản phẩm du lịch độc đáo của Thủ đô Hà Nội. Công ty du lịch Тэнгэр Travel của Mông Cổ quả là có con mắt tinh nghề khi chọn khách sạn này làm nơi nghỉ dừng chân của đoàn.




Nhớ ngày đầu tiên của tháng 9 năm 1983 đặt chân đến đất Mông Cổ xa xôi đầy bỡ ngỡ và lạ lẫm, khóa chúng tôi (Nguyễn Xuân Đoan, Phạm Sỹ Tiệp, Nguyễn Duy Thông và Vũ Anh Minh) trải qua chặng bay dài Hà Nội – Matxcơva, transit tại Calcutta (Ấn Độ), Karachi (Pakistan), Tashkent (Uzbekistan) khi xuống sân bay Sheremetyevo tại thủ đô Matxcơva, được đại diện Sứ quán ta đón, đưa về Nhà khách tại số 5 переулок Oбoлeнckий trên phố Maлaя Пиpaгoвckaя để nghỉ một hai hôm rồi bay tiếp đi Ulanbator. Ấn tượng lớn nhất lúc đó là khi dừng ở sân bay Tashkent thấy rất nhiều máy bay chở khách cỡ lớn do Liên Xô chế tạo được xếp thành những dãy dài. Ở góc sân bay có hàng chữ thật to với khẩu hiệu: CCCP – OПЛOT MИPA. Khi vào Nhà khách Sứ quán, cơm gạo thơm tuyệt ngon (ở nhà chưa được ăn bao giờ) mà cô phục vụ tuyên bố dõng dạc: ở đây chỉ chia thức ăn, còn cơm không phải chia, các cháu ăn bao nhiêu lấy tùy ý - lại nhớ những tháng ngày trong nước lúc nào cũng đói vàng mắt. Mấy anh em cười bảo nhau, “Liên Xô có khác, đúng là vĩ đại thật!”

Năm đầu tiên học tiếng Mông Cổ từ Phó Giáo sư Misic, từ thày Chavaral, thày Batholac và cô giáo Suvd tại Trường Đại học Tổng hợp, được ở ký túc xá ngay bên cạnh, đi bộ có mấy bước chân. Nhớ mãi thày Misic dạy ngữ pháp tiếng Mông với bầu nhiệt huyết đến “tử vì nghề” của Thày. Phòng học nhỏ xíu chỉ có bốn sinh viên mà Thày giảng bài to như đang nói trước hội nghị lớn không có micro vậy bằng cả tấm lòng yêu quý, mến thương vô bờ của người Thày rất đáng kính dành cho sinh viên Việt Nam.

Nhớ thày Chavaral đủng đỉnh, thủ thỉ; nhớ thày Batholac với hàng ria con kiến đẹp trai lãng tử như diễn viên điện ảnh. Và nhớ cô giáo Suvd trẻ trung, tận tâm, gần gũi học trò...

Đặc biệt ấn tượng lúc mùa xuân sắp qua. Vào một ngày đầu hè, khi tuyết bắt đầu tan, trời ấm dần, những hàng cây, bãi cỏ xung quanh Trường Đại học Tổng hợp, ở thủ đô Ulanbator bỗng nhiên tưng bừng đâm chồi, nảy lộc. Sự hồi sinh nhanh đến nỗi chỉ qua một ngày đã thấy cây cối bừng lên sự sống thần kỳ. Vâng, bao nhiêu sinh lực của vạn vật được dồn nén, ấp ủ trong cả mùa đông giá lạnh để sang đầu mùa hè ấm áp bung ra một cách mạnh mẽ đến không ngờ…

Chương trình chào mừng, đón tiếp hai cô sẽ bắt đầu từ 18h00 chiều ngày 29 Tết, nhưng trước đó từ rất sớm nhiều anh chị em trong nhóm đã có mặt. Đây cũng là dịp rất tốt để anh em gặp lại nhau. Trên các khuôn mặt hiện rõ sự náo nức được gặp lại cô giáo của mình sau  thời gian dài xa cách.

Và rồi khoảnh khắc đó đã đến. Cô trò gặp nhau tay bắt mặt mừng.  Những bó hoa tươi thắm từ tay các học trò cũ dành cho 2 cô. Nhiếp ảnh gia Ngô Ngọc Tân bận rộn tác nghiệp, bấm máy mỏi tay. Ai cũng tươi cười rạng rỡ và trổ tài nhớ lại vốn liếng tiếng Mông có khi đến 40 năm vẫn chưa có cơ hội dùng lại.

Tiệc tối chiêu đãi hai cô mang đậm truyền thống Việt Nam với nhiều hương vị ngày Tết cổ truyền: có gà luộc, giò chả, dưa hành tươi muối xổi, bánh chưng xanh… và thật vui khi thấy hai cô ăn ngon miệng cùng rất nhiều cảm xúc. Chú Thắng đã chu đáo khi đặt nhà hàng món bia “0 độ” có thể vui vẻ cụng ly thả ga “lượt đi lượt về, sân nhà sân khách” mà vẫn sẽ yên tâm tay lái sau tiệc tan, chấp hành đúng quy định an toàn giao thông và khỏi phiền hà đến các chú cảnh sát – nhất là trong những ngày Tết như thế này.

Bài hát chúng tôi đã từng hát ở Mongolia: “Chúc mừng sinh nhật” được cất lên tại buổi gặp mặt sao mà hợp với khung cảnh hôm nay đến vậy:


Өнөөдөр бидний баярын өдөр

Үнэнч нөхрийн минь мэндэлсэн өдөр

Өнөр жаргалтай өргөө гэрт чинь

Үеийн олон нөхөд чинь цугларлаа

Цэцэг алагласан баярын ширээнд

Цоморлиг болон бид суугаад

Төрсөн өдрийн халуун мэндийг

Төө зайгүй чамдаа хүргэе…

 

Bên ngoài, Thủ đô Hà Nội đã bắt đầu rực rỡ ánh đèn lung linh huyền ảo trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Phố phường tràn ngập sắc màu của quất, của hoa đào, hoa mai…, và mùi hương trầm thơm quyện với mùi xôi nóng, măng miến, bánh chưng, bánh dầy, giò chả, xen mùi thơm từ nồi nước mùi già đánh thức cả một trời thương nhớ. Một cảm giác ngất ngây trong không khí vui tươi, rộn ràng, thân ái trong đêm Tết cổ truyền đầy hương vị, dư âm. Bỗng nhiên thấy nao nao nhớ những thời khắc đón Tết nơi thảo nguyên giá lạnh ngày nào Ulanbator…

 

Tôi nhớ, thời gian học ở Mongolia của anh em lưu học sinh Việt Nam ta thường là bảy năm, trong đó có một năm dự bị tiếng Mông và một năm tiếng Nga mà chúng tôi thường hay nói đùa rằng học tiếng Mông là để đi tán, còn tiếng Nga để kiếm cái cần câu cơm, để làm việc. Chúng tôi còn được biết nhiều anh em lưu học sinh các khóa trước học cực giỏi, xuất sắc nhưng Nhà nước chưa có chủ trương chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Đến lứa của chúng tôi, kể từ khóa anh Phan Đăng Đương đến khóa các anh Nguyễn Xuân Đoan, Nguyễn Duy  Thông (anh Trần Bình thì từ trong nước sang), rồi sau đó Nguyễn Thanh Dương… nhờ ngọn gió đổi mới cho phép sau khi tốt nghiệp được ở lại chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh, thì thời gian sống và học tập tại Mông Cổ còn kéo dài tới mười năm và hơn thế nữa. Sau này, một số anh em sau khi tốt nghiệp ở lại hẳn Mông Cổ để hợp tác làm ăn, cũng gặt hái được nhiều thành công. Mới thấy, những năm tháng ở nơi đó là khoảng thời gian quý giá trong cuộc đời tuổi trẻ tươi đẹp của mỗi chúng ta. Và bỗng nhận ra, không biết tự khi nào chúng ta đã kết nối một cách tự nhiên, sâu sắc với miền đất yêu thương ấy.

 

Trong những hành trình xa xôi, Ulanbator, Mongolia là nơi dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, che chở và đem đến cho ta biết bao kỷ niệm không thể nào quên. Nơi ấy không chỉ là một phần của quá khứ. Nó đã là cấu thành không thể thiếu của hiện tại và của tương lai mỗi chúng tôi. Chợt nhớ và tâm đắc vô cùng câu thơ của nhà thơ nổi tiếng Chế Lan Viên trong bài thơ Tiếng hát con tàu:

 

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn…

 

Đối với chúng tôi, miền đất xa xôi ấy – Ulanbator, Mongolia - quê hương thứ hai – đã thực sự hóa tâm hồn một cách dung dị, tự nhiên từ khi nào chẳng rõ...

 

Ngày mai đã là Mùng Một Tết Giáp Thìn, một mùa xuân mới đang về trên khắp mọi miền đất nước thân yêu của chúng ta. Xin chúc các anh chị em lưu học sinh Việt Nam tại Mông Cổ bước sang năm mới thật dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc, an khang.

 

Theo lịch trình của đoàn du lịch, ngày mai hai cô Suvd và Sara đi Hạ Long, rồi sau đó bay đi Đà Nẵng, Hội An. Kính chúc hai cô giáo cùng đoàn có chuyến đi thật vui khỏe, vạn sự bình an, khám phá cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời và cảm nhận không khí Tết cổ truyền của Việt Nam - như chúng tôi lần đầu đặt chân lên đất thảo nguyên xa xôi vừa lạ lẫm và bỡ ngỡ, với biết bao niềm vui hạnh phúc năm nào.

 

Tạm biệt chia tay Cô giáo rồi, nhưng lòng chúng tôi còn ấm mãi./.

 

TP. Hải Dương, đêm 29 rạng ngày 30 Tết Giáp Thìn 2024

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Xin cảm ơn Ts Nguyễn Xuân Đoan đã mô tả lại hết tinh thần, tấm lòng cũng kết quả đón tiếp 2 cô của anh em cựu sinh viên tốt nghiệp tại Mông cổ đang sinh sống tại Hà Nội và các vùng phụ cận. Rất iếc một số anhvem vì nhiều lý do khác nhau không đến tham dự được. Hy vọng lần tới nếu có dịp thì anh chị em cố gắng tham dự đầy đủ.
Trước thềm tiễn cựu nghinh tân, tôi xin chúc các anh chị em và gia đình sức khỏe, hạnh phúc và an khang thịnh vượng.
Best and Regards
Dr. Trần Văn Bình

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)