Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Khóa XV thăm làm việc tại Mông Cổ

 Thực hiện Chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2024, Đoàn Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Khóa XV do Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Khóa XV Trịnh Xuân An làm Trưởng đoàn đã thăm làm việc tại Mông Cổ từ ngày 12 - 15.9.

Trong hai ngày 13 - 14.9, tại thành phố Ulan Bator, Đoàn đã chào xã giao Phó Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Bukhchuluun Purevdorj; làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách Xã hội L.Enkhnasan, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam tại Quốc hội J.Bayarmaa; làm việc với Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Mông Cổ.

uv2.jpg
Đoàn đã chào xã giao Phó Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Bukhchuluun Purevdorj

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ đã nhấn mạnh truyền thống hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước và khẳng định Việt Nam và Mông Cổ luôn ủng hộ lập trường của nhau trên các diễn đàn quốc tế. Hai bên nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và giao lưu trong các lĩnh vực như văn hóa và giáo dục. Mông Cổ đang tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài và đã sửa đổi hệ thống pháp lý, cho phép thành lập liên minh trong Quốc hội, điều này góp phần giám sát lẫn nhau và nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp.

uv3.jpg
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Khóa XV Trịnh Xuân An tặng quà lưu niệm Phó Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Bukhchuluun Purevdorj

Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Khóa XV Trịnh Xuân An gửi lời chúc mừng tới Quốc hội Mông Cổ về thành công của cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6.2024 với số lượng đại biểu nhiều nhất từ trước đến nay là 126 đại biểu Quốc hội; nhấn mạnh quan hệ giữa hai nước hiện đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất. Chuyến thăm của Đoàn diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời nêu rõ vai trò quan trọng của các nghị sĩ trong việc làm cầu nối và thúc đẩy hợp tác; bày tỏ mong muốn hai nước sẽ nghiên cứu ký kết thỏa thuận hợp tác mới và tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.

uv1.jpg
Đoàn chào xã giao với Phó Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Bukhchuluun Purevdorj

Tại cuộc làm việc với Ủy ban Xã hội, đại biểu Quốc hội hai nước chia sẻ các thông tin về việc xây dựng các chính sách xã hội liên quan đến lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bình đẳng giới. Chủ nhiệm Ủy ban chính sách Xã hội Quốc hội Mông Cổ Lkhagvasuren Enkhnasan bày tỏ mong muốn học hỏi từ Việt Nam trong việc thành lập Nhóm nghị sĩ trẻ và cải cách hệ thống pháp lý, đồng thời tăng cường hợp tác trong văn hóa và kinh tế. Đồng thời, bà đánh giá cao mối quan hệ truyền thống với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Nam Á. Hai nước đang hợp tác chặt chẽ trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng an ninh, và du lịch, đồng thời hỗ trợ nhau tại các diễn đàn đa phương

uv4.jpg
Đoàn làm việc với Ủy ban Chính sách Xã hội của Quốc hội Mông Cổ
uv6.jpg
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Khóa XV Trịnh Xuân An và Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách Xã hội của Quốc hội Mông Cổ Lkhagvasuren Enkhnasan

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam Jambalbat Bayarmaa nhấn mạnh năm 2024 đánh dấu 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Quốc hội Mông Cổ vừa thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam vào ngày 12.9 trước ngày Đoàn đến làm việc một ngày, trong đó đa phần các thành viên nhóm cũng là các nghị sĩ trẻ.

uv7.jpg
Đoàn làm việc với Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam tại Quốc hội Jambalbat Bayarmaa

Hai bên mong muốn chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nhóm, duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống và nâng tầm quan hệ qua chuyến thăm lãnh đạo Việt Nam sắp tới. Cả hai quốc gia đều có tiềm năng lớn trong lĩnh vực du lịch, nhờ thỏa thuận miễn thị thực và phong trào "Visit Mongolia" của Mông Cổ. Hai nước hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và dự kiến sẽ phát triển quan hệ thương mại, thiết lập đường bay thẳng, cùng hợp tác trong nông sản và quốc phòng an ninh. Nhóm nghị sĩ hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam cũng được kỳ vọng hỗ trợ người Việt tại Mông Cổ.

uv8.jpg
Đoàn làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ

Đoàn đã thăm Đại sứ quán Việt Nam và nghe Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ về những khó khăn mà cộng đồng người Việt Nam tại Mông Cổ, bao gồm vấn đề về sinh sống, làm việc và thích nghi với môi trường mới. Các bên cũng thảo luận về những biện pháp hỗ trợ nhằm cải thiện điều kiện sống và làm việc của người Việt tại Mông Cổ. Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt thông qua việc cải cách chính sách và tăng cường giao lưu văn hóa. Các đề xuất cũng bao gồm việc hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề nhằm giúp người Việt hòa nhập và phát triển tại Mông Cổ. Bên cạnh đó, đoàn đã gặp gỡ, giao lưu và tìm hiểu đời sống kinh tế - xã hội của cộng động người Việt tại Mông Cổ.


Thông qua chuyến công tác, Đoàn đã làm việc với các cơ quan và tổ chức tại Mông Cổ để thảo luận về các chính sách xã hội, về mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Hai bên cùng thống nhất sẽ tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong các hoạt động kinh tế, lao động, việc làm và giao lưu văn hoá giữa hai nước. Những kết quả và kinh nghiệm thu được sẽ hỗ trợ việc củng cố và nâng cao quan hệ Việt Nam - Mông Cổ, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, thương mại, và quốc phòng an ninh, đồng thời góp phần xây dựng các chính sách và chương trình hợp tác hiệu quả hơn trong tương lai.

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

ĐSQ và cộng đồng người Việt tại Mông Cổ quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lũ số 3

 


Ngày 17 tháng 9 năm 2024, tại ĐSQ Việt Nam ở Ulan Bato, ĐSQ và cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc, và học tập tại Mông Cổ đã tổ chức Lễ Quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão Yagi và lũ lụt gây ra.

Tham dự quyên góp có ông Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh, các CBNV ĐSQ, ông Nguyễn Huy Tuấn, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt, Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại MC, cùng đông đảo bà con ta đang sinh sống, làm việc, và học tập trên nước bạn.

Tổng số tiền quyên góp đợt này là 232,8 triệu VND.

Đây là nghĩa tình "Lá lành đùm lá rách" của người Việt Nam sống nơi Thảo nguyên xa xôi nhưng nồng ấm tình cảm. 

Dưới đây là một số hình ảnh buổi Quyên góp./.

Ảnh do TS Nguyễn Huy Tuấn gửi.


Ngài ĐS Nguyễn Tuấn Thanh tham gia quyên  góp
Ông Nguyễn Huy Tuấn tham gia quyên góp.



Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2024

Việt Nam và Mông Cổ sẽ nâng cấp quan hệ song phương

 VOV.VN - Chính phủ và nhân dân Mông Cổ đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Hiện hai nước đang hướng tới tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp quan hệ song phương lên một tầm cao mới.

Việt Nam và Mông Cổ đang hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954 - 17/11/2024). Hai nước sẽ nâng cấp quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV thường trú tại Trung Quốc kiêm nhiệm Mông Cổ với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Tuấn Thanh. 

P/v: Xin Đại sứ cho biết sau 70 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam và Mông Cổ đã gặt hái được những thành tựu đáng chú ý nào?

Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh: Việt Nam và Mông Cổ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 17/11/1954. Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 70 năm qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã không ngừng phát triển và đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực.

Một là, quan hệ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng phát triển tích cực, hai nước đã đạt được sự hiểu biết, tin cậy cao về chính trị và đặt ưu tiên trong phát triển quan hệ. Hai bên đã thúc đẩy đều đặn các chuyến thăm cấp cao và các cấp, nổi bật nhất là chuyến thăm Mông Cổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (9/1955) và chuyến thăm Việt Nam của Bí thư thứ nhất Đảng Nhân dân Cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Mông Cổ (9/1959) đã đặt nền móng vững chắc cho việc phát triển quan hệ hai nước. Hai bên đã 3 lần ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (1961, 1979, 2000) và giành cho nhau sự giúp đỡ vô tư, trong sáng. Đặc biệt Chính phủ và nhân dân Mông Cổ đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Hiện hai nước đang hướng tới tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp quan hệ song phương lên một tầm cao mới.

Về an ninh, quốc phòng: Hai bên xác định đây là trụ cột quan trọng hàng đầu trong quan hệ hai nước. Hai bên đã thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, ký kết nhiều văn bản quy định khuôn khổ hợp tác giữa hai bên như dẫn độ tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, cử lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, quân y, kỹ thuật quân sự, công nghiệp quốc phòng… Mông Cổ giúp Việt Nam xây dựng Trung Đoàn cảnh sát kỵ binh cơ động.

Hai là, hai bên đã thiết lập được các cơ chế hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác, cụ thể:

- Hai nước đã thiết lập được cơ chế Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Mông Cổ và đã tổ chức được 18 kỳ họp từ năm 1979 đến nay (Kỳ họp thứ 19 sẽ diễn ra cuối năm nay, tại Việt Nam), đề ra nhiều phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật…. Theo đó hai bên đã ký kết hàng loạt các hiệp định, bản ghi nhớ tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác. Gần đây nhất có Bản ghi nhớ hợp tác về kinh tế, thương mại năm 2021, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022, bản ghi nhớ về hợp tác về thương mại gạo bền vững năm 2023… Đặc biệt trong chuyến thăm của Tổng thống Mông Cổ đến Việt Nam năm 2023, hai nước đã ký Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương giữa nhân dân hai nước.

- Hai nước có cơ chế tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao và đã tổ chức được 10 vòng họp (vòng họp thứ 11 sẽ diễn ra ở Mông Cổ trong năm 2024). Qua đó hai bên đã chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường, củng cố lòng tin, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ quan điểm, lập trường trên các diễn đàn khu vực, quốc tế trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm, chia sẻ lợi ích.

Ba là, quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo được một số dấu ấn nhất định. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau, tạo điều kiện để các Doanh nghiệp hai bên mở rộng quan hệ, tìm kiếm các cơ hội hợp tác và đầu tư.

Kim ngạch thương mại song phương đã được tăng gấp 2,3 lần trong thời gian qua từ 41,4 triệu USD năm 2017 lên 85 triệu USD năm 2022 và đạt 132 triệu USD năm 2023. Năm 2023, hai nước đã chính thức mở đường bay thẳng giữa Hà Nội và Ulaanbaatar. Hiện đang triển khai đến thành phố Hồ Chí Minh và sắp tới là Nha Trang, Phú Quốc. Hai nước đã thống nhất mẫu kiểm dịch động vật và cho phép nhập khẩu thịt cừu, thịt dê từ Mông Cổ vào Việt Nam và các sản phẩm thịt, trứng gia cầm từ Việt Nam vào Mông Cổ. Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán trong suốt thời gian dài giữa hai bên.

Bốn là, quan hệ hợp tác về văn hóa, giáo dục phát triển mạnh mẽ, tích cực, Đặc biệt, từ năm 1980 Mông Cổ đã quyết định đặt tên trường số 14 tại Thủ đô Ulaanbaatar mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trường là biểu tượng hợp tác giữa hai nước, thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa vào những ngày lễ lớn của Việt Nam như: thi vẽ tranh về Việt Nam và Chủ tích Hồ Chí Minh, biểu diễn văn nghệ, nhất là các bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt.

Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm về đất nước, con người Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch ra tiếng Mông Cổ như: “Nhật ký trong tù”, “Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Truyện Kiều”, “Hòn Đất”…Hai bên cũng thường xuyên triển khai các hoạt động như tuần hoặc ngày văn hóa tại mỗi nước, đưa các đoàn nghệ thuật sang biểu diễn nhằm giới thiệu, quảng bá về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam và Mông Cổ.

Về giáo dục, đào tạo: Hai bên thực hiện trao đổi sinh viên từ những năm 1960. Hàng năm Việt Nam dành cho Mông Cổ 15 suất học bổng, Mông cổ dành cho Việt Nam 5 suất học bổng theo diện Hiệp định Chính phủ hợp tác về Giáo dục. Hiện hai bên đang xem xét mở rộng học bổng Chính phủ phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng hai nước.

Năm là, hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương không ngừng được phát triển: Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ, Mông Cổ - Việt Nam hoạt động rất tích cực, truyền nhiệt huyết cho các thế hệ tương lai hai nước; hợp tác giữa các địa phương được thúc đẩy với Hà Nội và Thủ đô Ulaanbaatar, tỉnh Hòa Bình với tỉnh Tuv, tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Orkhon và một số quan hệ cấp quận khác.

P/v: Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai bên?

Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh: Trong thời gian tới, hai bên cần tập trung đẩy mạnh thực hiện tốt các khuôn khổ hợp tác đã có, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

Thế mạnh kinh tế của Việt Nam và Mông Cổ không mang tính cạnh tranh mà mang tính bổ trợ cho nhau. Trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mông Cổ đã có những bước phát triển tích cực, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với bề dày lịch sử quan hệ và tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp đôi gấp ba trong những năm qua tuy nhiên còn hết sức khiêm tốn.

Mông Cổ có thế mạnh là trữ lượng khoáng sản phong phú, sẽ là lĩnh vực tiềm năng cho hợp tác mạnh mẽ hơn giữa hai nước, đặc biệt là việc trong lĩnh vực khai thác mỏ, đất hiếm, những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin xe điện, kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, với gần 70 triệu đầu gia súc lĩnh vực chế biến các sản phẩm thịt, sữa, chế biến thức ăn gia súc cũng là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên. Việt Nam với thị trường hơn 100 triệu dân, đang trong thời kỳ dân số vàng và tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh chóng. Từ Việt Nam, các doanh nghiệp Mông Cổ sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường ASEAN cũng như thị trường rộng lớn trên thế giới vì Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do với các nước và các khu vực.

Du lịch là một lĩnh vực rất nhiều tiềm năng phát triển, do sự khác biệt về khí hậu, địa lý hai nước có các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách của nhau; hai nước đã miễn visa cho du khách và mở các đường bay thẳng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển du lịch trong thời gian tới.

Ngoài ra, hai nước có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, viễn thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thăm dò khai thác dầu khí cũng như các lĩnh vực năng lượng sạch điện gió, điện mặt trời.

P/v: Vậy trong thời gian tới, trọng tâm hợp tác giữa hai nước là gì?

Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh: Thứ nhất, về chính trị, hai bên cần tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp để tăng cường sự tin cậy chính trị, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp chặt và tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai bên cần tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2024, sớm nâng cấp quan hệ hai nước, tạo xung lực mới cho quan hệ hợp tác và phát triển của hai bên.

Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và xem đây là trọng tâm trong quan hệ hợp tác hai nước thời gian tới.

Về hợp tác thương mại, cơ cấu hàng xuất nhập khẩu hai nước không cạnh tranh, xung đột mà có tính bổ sung đối với thị trường của nhau. Hai bên cần tiếp tục thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa song phương, mở cửa cho hàng hóa của nhau trên cơ sở có đi có lại, đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu của mỗi bên; tạo điều kiện cho các mặt hàng nông, thủy, hải sản, dược phẩm thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Mông Cổ; các mặt hàng khoáng sản, than đá, len, dạ vào thị trường Việt Nam, thúc đẩy mục tiêu nâng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới.

Về hợp tác đầu tư, hai bên cần tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh hợp tác trong đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguyên liệu, nhất là trong các ngành mà hai bên có thế mạnh; hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, triển khai hoạt động đầu tư tại mỗi nước. Doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét việc đầu tư tại Mông Cổ trong các lĩnh vực bạn có thế mạnh như khai khoáng, sản xuất chế biến thức ăn gia súc, sản xuất chế biến các sản phẩm thịt, sữa, da… để bán tại thị trường Mông Cổ và xuất khẩu sang các nước xung quanh.

Về giao thông vận tải, việc mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mông Cổ thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân hai nước. Hai bên cần tiếp tục tìm giải pháp cơ bản, lâu dài tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực vận tải đường sắt, đường biển và hàng không để giảm thiểu chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa giữa hai nước.

Về lao động, với đặc điểm đất rộng người thưa, Mông Cổ hiện rất thiếu nguồn nhân lực như lao động lành nghề, kỹ thuật và cả lao động phổ thông để làm việc trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, chế biến thực phẩm và đặc biệt là trong lĩnh vực khai mỏ. Do vậy, hai bên cần tiếp tục xem xét tạo điều kiện để đưa lao động của Việt Nam vào thị trường tiềm năng này.   

Về du lịch cần tiếp tục thúc đẩy quảng bá du lịch tại mỗi nước, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ du lịch để thu hút số lượng du khách, giảm giá thành.

P/v: Được biết, cộng đồng người Việt Nam tại Mông Cổ tuy không đông, nhưng đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế tại địa phương và luôn hướng về Tổ quốc. Đại sứ đánh giá như thế nào về điều này.

Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh: Cộng đồng người Việt Nam ở Mông Cổ (NVNOMC) chủ yếu là lao động tự do sang làm việc tại các xưởng sửa chữa xe ô tô do chủ Việt Nam đầu tư. Với ưu điểm khéo léo và được đào tạo tay nghề, lao động Việt Nam đang rất được tín nhiệm tại Mông Cổ. Nguồn tiền ngoại hối do doanh nghiệp và lao động Việt Nam tại Mông Cổ chuyển về nước tuy không lớn nhưng tương đối ổn định.

Cộng đồng NVNOMC luôn có thái độ chính trị tốt, tin tưởng cao vào các chủ trương, đường lối của Đảng, tuân thủ pháp luật của sở tại; luôn quan tâm, hướng về quê hương, đất nước và có tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Hiện nay, tại Mông Cổ có 02 tổ chức hội đoàn là Hội Người Việt Nam ở Mông Cổ (thành lập ngày 29/8/2010) và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mông Cổ (thành lập ngày 01/03/2023). Trong thời gian qua, các tổ chức hội đoàn tại Mông Cổ đã tích cực tham gia các hoạt động do Đại sứ quán tổ chức; tiến hành nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hướng về quê hương, đất nước như tích cực quyên góp, ủng hộ các chương trình, đợt vận động do các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong nước tổ chức.

Với sự đoàn kết và không ngừng nỗ lực, phấn đấu, tuân thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Mông Cổ sẽ tiếp tục là một trong những nguồn lực đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

P/v: Xin cảm ơn ông!

70 năm quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: Thành tựu và Triển vọng

VOV.VN - Sáng nay (12/9), tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam diễn ra Hội thảo "70 năm quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: Thành tựu và Triển vọng". Đây là sự kiện đánh dấu 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời cũng là diễn đàn giao lưu giữa các nhà khoa học Việt Nam - Mông Cổ nhằm chia sẻ các giải pháp nâng cao mối quan hệ song phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Jigjee Sereejav - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mông Cổ tại Việt Nam - nói: "Ngày 17/05/1954, Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Qua chặng đường 70 năm với những biến động phức tạp của bối cảnh quốc tế và khu vực, quan hệ Việt Nam – Mông Cổ vẫn không ngừng được củng cố và phát triển, mang đặc trưng hữu nghị truyền thống, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong những năm tháng khó khăn, đạt được nhiều thành tựu góp phần phát triển kinh tế-xã hội của hai nước".

Cũng theo ông Sereejav, hội thảo này là dịp để các nhà khoa học và chuyên gia hai nước cùng xem xét toàn diện 70 năm quan hệ Việt Nam – Mông Cổ trên các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, kinh tế (thương mại và đầu tư), văn hóa-xã hội... Từ đó gợi mở các giải pháp chính sách nhằm khắc phục các hạn chế còn tồn tại và phát huy giá trị mối quan hệ hữu nghị truyền thống quý báu vì hòa bình, ổn định và phồn vinh của cả hai nước".

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đề xuất nhiều giải pháp chính sách nhằm phát huy giá trị mối quan hệ hữu nghị truyền thống quý báu vì hòa bình, ổn định và phồn vinh của cả hai nước, đồng thời khắc phục các hạn chế còn tồn tại. 

Học giả hai nước đã trình bày các tham luận về mối quan hệ hai nước, nêu bật thành tựu hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học, giáo dục trong 70 năm qua; phân tích những thuận lợi và khó khăn trong quan hệ hai nước. Hội thảo khẳng định, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay đã được thúc đẩy tích cực, không chỉ trên lĩnh vực chính trị, kinh tế mà còn được mở rộng sang các lĩnh vực khác với nhiều tiềm năng và triển vọng hợp tác trên nền tảng của mối quan hệ hữu nghị được xây dựng trong suốt 70 năm qua với quyết tâm chính trị của Lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước.

Đặc biệt, tham luận của PGS. TS. Tserendorj Tsegmeg, Phó Chủ tịch, Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ - người có hơn 30 năm học tập và làm việc tại Việt Nam chỉ ra triển vọng hợp tác Việt Nam – Mông Cổ còn rất nhiều dư địa cần được khai phá. 

Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mông Cổ đã trải qua chặng đường 70 trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động. Với nỗ lực của chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ song phương không ngừng được củng cố, vun đắp. Các đại biểu tham gia hội thảo nhất trí tiếp tục phát triển quan hệ Việt Nam – Mông Cổ, và điều đó đòi hỏi cả hai nước cần nỗ lực hơn trong những giải pháp tăng cường hợp tác sâu rộng và hiệu quả.

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

THƯ KÊU GỌI CỦA ĐSQ VIỆT NAM TẠI MÔNG CỔ

 


THƯ KÊU GỌI ỦNG HỘ ĐỒNG BÀO BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI CƠN BÃO SỐ 3

-      Kính gửi: Các Hội, đoàn, và bà con người Việt Nam tại Mông Cổ

Cơn bão số 3 (Bão Yagi) có cường độ gió giật rất mạnh và mưa lớn kéo dài vừa qua đã gây thiệt hại to lớn về tính mạng và tài sản của đồng bào ta tại các tỉnh miền Bắc. Tính đến chiều ngày 11/9/2024 đã có 296 người chết và mất tích, hàng chục nghìn công trình giao thông, cột điện, trụ sở, nhà ở bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng nặng, cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ nằm la liệt trên các tuyến đường tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; hàng trăm nghìn héc ta lúa, hoa mầu bị hư hỏng, ngập úng; nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng xẩy ra, đặc biệt cả thôn Làng Nủ, huyện Bảo Yên, tỉnh Lao Cai bị vùi lấp…Con số thiệt hại sẽ tiếp tục tăng lên do mưa lớn vẫn tiếp diễn và nhiều khu vực của các tỉnh thành phía Bắc vẫn đang chìm trong biển nước, nhiều nơi bị ngập sâu, cô lập hoàn toàn.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của UBTW mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đã được đăng tải trên trang Website Đại sứ quán), phát huy truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, với tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam ở trong và ngoài nước, Đại sứ quán Nước CHXHCN Việt Nam tại Mông Cổ kêu gọi các Hội, đoàn, cùng bà con người Việt Nam tại Mông Cổ tích cực tham gia kêu gọi, vận động quyên góp, ủng hộ đồng bào trong nước bị ảnh hưởng bởi cơn bão, sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Bà con có thể hỗ trợ thông qua nhiều hình thức như trực tiếp, thông qua các Hội, đoàn hoặc qua Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ (Đại sứ quán xin gửi kèm theo thông tin quyên góp ủng hộ).

Đầu mối liên hệ tại Đại sứ quán: Ông Nguyễn Tư Nghĩa  Đức, Bí thư thứ Nhất phụ trách công tác cộng đồng, điện thoại 94128926.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Đại sứ

Nguyễn Tuấn Thanh

TỔNG THỐNG MÔNG CỔ ĐIỆN THĂM HỎI VỀ BÃO LŨ YAGI

 


Kính gửi:

       Ngài Tô Lâm,

-      Tổng Bí thư BCH TW Đảng CSVN,

-      Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam,

 

 

Hà Nội,

Được tin siêu bão Yagi gây tổn thất rất nặng nề về người và tài sản tại nhiều địa phương miền Bắc của Việt Nam, thay mặt Nhà nước, nhân dân Mông Cổ, và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi tới Ngài TBT, Chủ tịch nước và gia đình những người bị nạn lời thăm hỏi chân thành và chia buồn sâu sắc nhất.

Nhân dân Mông Cổ chúng tôi luôn đồng hành, bên cạnh các đồng chí, nhân dân Việt Nam trong thời khắc khó khăn, thử thách này. Tôi hoàn toàn tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Ngài, nhân dân Việt Nam anh em sẽ nhanh chóng vượt qua mất mát, đau thương để khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định và trở lại cuộc sống bình thường.

 

TỔNG THỐNG MÔNG CỔ

UKHNAAGIIN KHURELSUCH

 UlaanBaatar, ngày 11 tháng 9 năm 2024

 

 

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2024

ĐS Nguyễn Tuấn Thanh trình quốc thư lên Tổng thống Mông Cổ

 ​Ngày 28/8/2024, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Mông Cổ đã trình Quốc thư lên Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh. Buổi Lễ được tổ chức trang trọng theo nghi lễ quốc gia tại Cung Nhà nước.



Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh bày tỏ vinh dự khi được đảm nhiệm trọng trách Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam tại Mông Cổ trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp và sớm được nâng cấp lên một tầm cao mới. Đại sứ trân trọng chuyển lời thăm hỏi và chúc sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh.


Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh chúc mừng các thành tựu Chính phủ và nhân dân Mông Cổ đã đạt được trong thời gian qua, khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với Mông Cổ. Đại sứ bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước và nhấn mạnh trên cương vị của mình sẽ kế tục và phát huy những thành tựu to lớn hai nước đã đạt được, nỗ lực hết mình để thực hiện những thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước nhằm đóng góp vào việc tăng cường quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, tương xứng với mức độ quan hệ mới; tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác đã có nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch.



​Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh chúc mừng Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Mông Cổ; chuyển lời thăm hỏi và chúc mừng tốt đẹp nhất tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; bày tỏ vui mừng trước những phát triển tích cực của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là trong thời điểm hai nước đang tích cực kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; tin tưởng mối quan hệ hữu nghị giữa Mông Cổ và Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố vì lợi ích của nhân dân hai nước; nhấn mạnh việc thúc đẩy và duy trì đường bay thẳng Mông Cổ - Việt Nam sẽ giúp tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác giữa hai nước; cam kết sẽ cùng các cơ quan hữu quan của Mông Cổ tạo điều kiện thuận lợi để Đại sứ hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị của mình./.

ĐSQ Việt Nam tại Mông Cổ tổ chức Lễ Quốc khánh

 Ngày 26/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2024).


Tham dự Lễ kỷ niệm có Vụ trưởng Vụ Châu Á Bộ Ngoại giao Mông Cổ Khulan Ganbaatar, Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam, nguyên Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam D.Enkhbat, nguyên Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam D.Bilegdorj, đại diện Đại sứ quán Lào tại Mông Cổ, toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cùng bà con, cộng đồng, đại diện các hội đoàn người Việt Nam tại Mông Cổ.


Phát biểu tại buổi Lễ, Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh đã điểm lại ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9; ôn lại chặng đường 79 năm đầy vẻ vang của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; nhấn mạnh rằng thời khắc trọng đại ngày 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên của độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Đại sứ cũng nêu bật những thành tựu có ý nghĩa lịch sử Việt Nam đã đạt được sau 38 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia năng động, giàu tiềm năng phát triển, có quan hệ đối ngoại rộng mở và là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã vươn lên, trở thành một nền kinh tế năng động hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương, một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế, hiệp định thương mại tự do, chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu; là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện, giàu lòng mến khách được bạn bè quốc tế yêu mến.

Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh, 70 năm qua mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam - Mông Cổ được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã không ngừng phát triển, đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực và trở thành tài sản quý giá của hai dân tộc. Hiện hai Bên đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và chuẩn bị nâng cấp quan hệ song phương lên một tầm cao mới nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh mỗi bên và tương xứng với bề dày lịch sử quan hệ hai nước.


Thay mặt Bộ Ngoại giao Mông Cổ, phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Cục trưởng Cục Châu Á Bộ Ngoại giao Mông Cổ Khulan Ganbaatar đã nhiệt liệt chúc mừng Quốc khánh Việt Nam; chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong quá trình xây dựng đất nước, đưa đất nước Việt Nam tươi đẹp ngày càng phát triển thịnh vượng; nhấn mạnh cùng bề dày lịch sử, quan hệ và hợp tác song phương ngày càng được tăng cường, đi vào chiều sâu trên mọi lĩnh vực; tin tưởng rằng, quan hệ song phương Mông Cổ - Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng và phát triển trong thời gian tới.


Trong bầu không khí trang trọng, thân tình, Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh và toàn thể các vị khách quý đã cùng nhau nâng cốc chúc mừng nhân ngày kỷ niệm quan trọng của dân tộc Việt Nam, chúc quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Mông Cổ ngày càng phát triển tốt đẹp vì hòa bình, hạnh phúc và phồn vinh của mỗi nước và nhân dân hai nước./.

Vì sao giao thương nhiều nhất với Trung Quốc và Nga, nhưng Mông Cổ vẫn thích đô la Mỹ hơn rúp, nhân dân tệ

 Theo chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, Mông Cổ cần đô la Mỹ để duy trì chủ quyền kinh tế trong khi vẫn tận dụng cơ hội thương mại với Nga và Trung Quốc.


Một số thông tin gần đây cho biết Mông Cổ và Nga hiện đang giao thương bằng đồng rúp và nhân dân tệ Trung Quốc nhằm giảm phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Antonio Graceffo, chuyên gia phân tích kinh tế Trung Quốc, đô la Mỹ vẫn là đồng tiền thương mại quốc tế chính đối với hầu hết các quốc gia, kể cả Mông Cổ.

Mông Cổ – quốc gia nội lục nhỏ hoàn toàn bị kẹp giữa Trung Quốc và Nga, không chịu lệnh trừng phạt như Nga. Do đó, nước này vẫn sẽ ưa chuộng giao dịch bằng đô la Mỹ dù cả Nga và Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Mông Cổ.

Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mông Cổ là than đá và kim loại – vốn thường được định giá và giao dịch bằng đồng đô la. Vì vậy, xuất khẩu là một cách thức để mang đồng bạc xanh về. Ngân hàng Trung ương Mông Cổ cần đô la Mỹ để thực hiện các hoạt động thị trường mở và hỗ trợ đồng nội tệ là tughrik (MNT). Quốc gia này dự trữ đô la Mỹ và cũng cần đô la Mỹ để trả nợ nước ngoài.

Ngoài ra, đô la Mỹ cũng cần thiết để chuyển lợi nhuận về nước cho các nhà đầu tư, mua thiết bị mới phục vụ các mỏ khai thác và trả lương cho chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực khai khoáng và các lĩnh vực quan trọng khác.

Ngoài xuất khẩu khoáng sản, len cashmere, thịt, sữa và da, Mông Cổ sản xuất được rất ít thành phẩm và buộc phải nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như dầu gội đầu, thực phẩm đóng gói, rau và trái cây từ nước ngoài. Những hàng nhập khẩu này phải được thanh toán bằng đô la Mỹ.

Đồng tughrik không có tính chuyển đổi cao và liên tục mất giá trong 4 năm qua. Vì vậy, các bên xuất khẩu không chấp nhận tughrik để thanh toán cho hàng nhập khẩu của Mông Cổ.

Trong khi giao dịch với Nga bằng đồng rúp sẽ khiến đồng tiền tughrik trở nên vô giá trị đối với các hoạt động thương mại quốc tế khác, việc Mông Cổ chấp nhận một số lượng ít đồng nhân dân tệ để xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc có thể hiệu quả nếu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng được thanh toán bằng nhân dân tệ. Tuy nhiên, nắm giữ nhiều đồng nhân dân tệ là không thực tế do tính chất bán chuyển đổi của đồng tiền Trung Quốc.

Thực tế cho thấy thương mại giữa Mông Cổ với Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục chủ yếu bằng đô la Mỹ. Việc sử dụng đồng nhân dân tệ có thể tăng lên phần nào, nhưng phần lớn Mông Cổ cần tiếp tục giao dịch bằng đô la. Vị trí chiến lược của Mông Cổ khi nằm giữa Nga và Trung Quốc mang lại cả cơ hội và thách thức cho nước này. Trong khi phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong thương mại mang lại sự ổn định và khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, Mông Cổ cũng phải cân bằng ảnh hưởng kinh tế từ các nước láng giềng.

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ (CMEC) và Đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2 kết nối Nga và Trung Quốc thông qua Mông Cổ, đã thúc đẩy đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng ở Mông Cổ cũng như mối quan hệ giữa 3 nền kinh tế. Mối quan hệ này khuyến khích một số giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, đặc biệt đối với các giao dịch liên quan trực tiếp với đầu tư của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Mông Cổ vẫn thận trọng về việc phụ thuộc quá nhiều vào đồng nhân dân tệ do khả năng bán chuyển đổi của nó và đòn bẩy kinh tế đối với Trung Quốc.

Đồng thời, mối quan hệ lịch sử và kinh tế của Mông Cổ với Nga cũng đòi hỏi cân nhắc kỹ lưỡng các giao dịch bằng đồng rúp, đặc biệt là khi đồng rúp không được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu.

Do đó, các chính sách kinh tế của Mông Cổ phản ánh hành động cân bằng giữa việc tận dụng các cơ hội trong khu vực và duy trì chủ quyền kinh tế thông qua thương mại dựa trên đồng đô la Mỹ.

-----------------------

Bài viết thể hiện quan điểm của Tiến sĩ Antonio Graceffo – nhà kinh tế và chuyên gia phân tích về Trung Quốc. Ông đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ về thương mại quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Thượng Hải, Trung Quốc. Antonio là tác giả của 7 cuốn sách về châu Á, chủ yếu tập trung vào kinh tế Trung Quốc.

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)