Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2009

Mongolia - Xứ sở của những thảo nguyên (Kỳ I)

 
Vinamon: Cùng đoàn với nhà văn Trần Nhương mà Vinamon giới thiệu trước đây, nhà văn Tô Đức Chiêu có bài viết theo góc nhìn riêng về đất nước, con người thảo nguyên rất tình nghĩa sau đây. Xin giới thiệu cùng các bạn.

 

Kỳ I: Đường chân trời

Con đường cũng có lúc ngược lên phía bắc nhưng chủ yếu vẫn là hướng tây. Hút tầm mắt! Chân trời và đường viền của thảo nguyên có những dải đồi thấp chạy dài cùng với quốc lộ nhìn xa nhỏ xíu như dải lụa vắt ngang qua, có cảm giác nắm bắt được mây, xòe bàn tay ra vơ được gió, nhưng chúng cứ nối tiếp nhau như thể cho tới vô cùng.
Với diện tích 1,5 triệu km2 và 2,6 triệu dân, Mongolia rộng gấp 5 lần diện tích nước ta nhưng dân số lại chỉ bằng một tỉnh trung bình.
Mongolia ngay tới cả con đường chạy xuyên quốc gia cũng không cần gọi tên và đặc biệt không có cột cây số. Giống như thảo nguyên hai bên đường, ngựa cứ phi mỏi gối, cừu cứ lượn hàng đàn, bò cứ nhởn nhơ đủng đỉnh và dê cứ gọi nhau be be, đường rải nhựa cho ôtô chạy thì cứ việc chạy, lúc nào mỏi bánh thì dừng, lúc nào còn sức thì cứ bon, đất dưới chân và trời trên đầu, để che chở cho những sinh linh tạo hóa. Amara cất tiếng hát.
Anh bật những bài dân ca Mongolia và hát theo. Anh hát mãi, hát say sưa. Rồi phía sau có tiếng hát theo. Hóa ra chị Hoa, người Mongolia đi cùng đoàn, tên khá dài khó nhớ khó đọc, chúng tôi gọi luôn như vậy và chị vui vẻ tán đồng.
Tôi ngồi ghế đầu bên tay lái. Amara liếc nhìn khuyến khích nhưng tôi khó bắt kịp để hát theo được. Và thật bất ngờ, Amara hát luôn bằng tiếng Việt cho dù phát âm không rõ lắm: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng...
Đoàn nhà văn Việt Nam 5 người: Dịch giả Hoàng Thúy Toàn, nhà thơ Trần Nhương, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nhà văn Hoàng Minh Tường và tôi hát theo. Các bạn Mongolia có S.Dashtsevel, nói tiếng Việt rất thạo nên được gọi luôn là Viên, thành viên Viện Hàn lâm Mongolia và Chủ tịch Hội hữu nghị Mongolia – Việt Nam, chị Hoa và cô sinh viên tiếng Việt được chúng tôi gọi là Hà, vừa vỗ tay vừa hát.
Mọi thành viên trong đoàn Việt Nam đều từ sáu mươi trở lên nhưng sự hồn nhiên và niềm hứng khởi đầu tiên được bay mình vào thảo nguyên xa xôi làm tất cả trẻ trung trở lại. Chuyện không lúc nào ngừng. Khi chỉ còn mình Amara vừa lái xe vừa hát thì mọi người nói chuyện. S. Dashtsevel giới thiệu nhiều thứ. Mọi người lắng nghe và mải miết nhìn. Đồng cỏ cứ tít tắp và không biết đâu là bến là bờ.
12 giờ, theo giờ Mongolia chậm hơn giờ Việt Nam chừng một tiếng, ôtô tới thị ttrấn Baygôl của huyện Bayagôl, tỉnh Sêlinh, cách Thủ đô chừng 200km.
Chúng tôi bước vào phòng khi Chủ tịch huyện đang mải miết ngồi trước máy vi tính đời mới mà nhà văn Nguyễn Khắc Phục, một người sành chơi liếc nhìn, tấm tắc khen giá phải vài chục triệu đồng Việt Nam. Câu hỏi đầu tiên của anh là:
- Cơ quan huyện có bao nhiêu máy vi tính loại này?
Ông Chủ tịch vui vẻ:
- Mười hai chiếc!
Sau khi bắt tay từng người để làm quen và chào hỏi, ông hăng hái giới thiệu:
- Huyện Bayagôl nằm trong tỉnh Sêlinh có diện tích 190.000 ha và dân số 5.200 người. Mongolia mỗi năm khai thác 14 tấn vàng thì huyện chúng tôi chiếm một nửa.
Huyện không nhận ngân sách Nhà nước và mỗi năm đóng góp cho Nhà nước tới 4 tỷ Tô rốc (tiền Mongolia). Trẻ em đi học không phải đóng tiền. Các cháu từ khi lọt lòng tới 16 tuổi được cấp mỗi tháng mỗi cháu 3.000 Tô rốc. Học sinh phổ thông trung học có kí túc xá cho 80 cháu ở xa.
Rồi giọng ông say sưa:
- Tháng 11-2006 tôi được sang thăm Việt Nam cùng với nhiều cán bộ Mongolia. Tôi thấy người Việt Nam vô cùng hăng say lao động và đang muốn làm giàu cho mình và cho đất nước. Công tác xóa đói giảm nghèo của các bạn thật nhiều ý nghĩa. Nhưng tôi thích thú nhiều hơn vẫn là xây dựng trang trại của một số gia đình ở Hà Tây trong điều kiện đất đai của các bạn quá eo hẹp.
Gặp một người anh hùng

Sau đó ông lên xe, dẫn chúng tôi tới thăm một gia đình Mongolia vừa được thưởng Huy chương vì chăn nuôi giỏi và có ngựa thắng trong cuộc thi. Cứ tưởng đường gần hóa ra tít tắp mù xa.
Hết đồi này tới đồi khác, cánh đồng cỏ này tới cánh đồng cỏ khác, mãi mới tới bờ sông nhỏ được giới thiệu là sông Khara, xe rẽ trái, cứ trên đồng cỏ mà chạy, rồi phía trước mới hiện ra hai căn lều, có một xe tải và một xe du lịch bốn chỗ đỗ ở bên và phía chân núi kia là đàn cừu như những chấm hoa đen trắng trang điểm cho cánh đồng.
Xe chạy vòng để lượn ngang đàn cừu. Chúng quen hay mải vui với cỏ chẳng quan tâm lắm tới sự xuất hiện của chiếc ôtô màu đen. Một ông già oai linh ngồi trên mình ngựa và một cháu bé nắm chặt dây cương đang lùa cừu về phía lều. Xe ôtô vượt lên. Rồi dừng lại.
Chủ tịch huyện mời mọi người bước vào. Đoàn nhà văn Việt Nam lúng túng vì tất cả đều lần đầu tiên vào chỗ như thế này: Sàn lều bằng gỗ đường kính chừng 5 mét. Phía tường đối mặt với cửa ra vào là tấm ảnh Thành Cát Tư Hãn to lớn, oai vệ. Phía dưới là giường cá nhân. Hai bên có hai giường cá nhân. Giữa lều có bàn thấp và hai ghế băng nho nhỏ. Mấy phụ nữ mang đồ ăn thức uống lên tiếp khách.
Bánh mì, pho mát khô, rượu, chén bạc và đặc biệt là âu sữa dê khá lớn được múc ra từng bát. Mọi người quây quần. Vị chủ nhà lúc này mới lững thững bước vào. Chủ tịch huyện giới thiệu.
Chúng tôi bắt tay nhau và chào theo tiếng Mongolia vừa học được. Vị chủ nhà có tên là A.Ozigiakhan vừa ngồi một lát, thì cô gái, chẳng hiểu là con hay cháu ông bê lên một mâm lớn, đầy vượt mặt thịt cừu hấp chín và lòng dê nghi ngút khói. Mọi người ồ lên vui vẻ.
Chủ nhà tỏ rõ thịnh tình đối với khách. Nhưng không phải người Việt Nam nào cũng quen với thịt cừu. Nguyễn Khắc Phục và tôi ăn qua loa rồi tìm cách ra ngoài. Chúng tôi qua một tàu ngựa có 4 con đang buộc để đến bên đàn cừu.
Chụp ảnh cừu xong quay lại thấy một cháu trai chừng mười hai, mười ba tuổi, cưỡi ngựa, dắt theo một con nữa đi tới. Cháu nhìn khách cười.
Chúng tôi đoán ra cháu và ông già vừa vào lều tiếp khách khi nãy cùng lùa cừu về. Cháu giơ dây cương của con ngựa cất theo chúng tôi. Chúng tôi hiểu ý cháu. Nguyễn Khắc Phục được đỡ lên yên trước. Cháu bé cưỡi ngựa sóng bên. Tôi bấm máy.
Rồi tôi nhảy lên yên cho Phục bấm máy. Trong lều, cánh Trần Nhương, Hoàng Minh Tường và Thúy Toàn, thay mặt cả đoàn cùng bạn bè Mongolia và gia chủ cáng đáng mâm thịt. Chụp ảnh xong bước tới cửa lều thì chủ nhà ra đón. Ông nhận ra chúng tôi chưa ăn gì. Món canh, hay súp, hay gọi là gì theo tiếng Mongolia được mang lên.
Tôi nhìn thấy mì ống và thịt cừu. Chúng tôi ăn chiếu lệ. Người Mongolia quý khách nhưng vẫn sẵn sàng tha thứ. Rất lo xúc phạm tới chủ nhà nhưng chắc chắn có Dashtsevel đỡ cho nên ông không giận. Gần tới phút chia tay ông mở tủ kề bên lấy ra bộ quần áo dân tộc mà anh em chúng tôi gọi là trang phục của Khan mặc lên người.
Thế là vội vàng kéo nhau ra ngoài lều chụp ảnh. Chủ tịch huyện tặng mỗi thành viên trong đoàn quyển sổ tay để ghi chép và một quyển sách in khá đẹp, vừa mới xuất bản, giới thiệu về thị trấn Bayagôl.
Chúng tôi mở ra thấy vị chủ nhà có ảnh được in rất trang trọng trong số những con người được kính trọng của huyện. Ông đội mũ lông cừu có chỏm và vành tròn trắng ở phía trước. áo như trang phục đại triều và thắt lưng bằng bạc. Chủ tịch huyện nhắc lại ông Olzigiakhan hai lần được Huy chương và địa phương coi như một vị anh hùng.
Chia tay lều trại và đàn cừu 600 con của Olzigiakhan xe chúng tôi lại bon bon về phía chân trời.
Tô Đức Chiêu

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)