Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

NGƯỜI PHỤ NỮ MÔNG CỔ VƯỢT 12.000 KM TỪ ĐÔNG SANG TÂY BẰNG LẠC ĐÀ

Xuất phát từ suy nghĩ phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì, cô gái Mông C Baigalmaa Norjmaa thực hiện cuộc hành trình đầy táo bạo dài hơn 12.000km trên lưng lạc đà, vượt qua 14 quốc gia rộng lớn để đặt chân đến Vương quốc Anh.

Baigalmaa Norjmaa (30 tuổi) hiện đang sống ở Ulaanbaatar, Baigalmaa (Baikal). Được sinh ra và lớn lên ở vùng đất hoang dã, hẻo lánh nhất ở Mông Cổ, từ nhỏ cô đã có niềm đam mê leo núi. Baigalmaa đã leo gần hết tất cả các ngọn núi ở Mông Cổ và cả một số ngọn núi nước ngoài như núi Elbruys, Kilimanjaro.

Cô còn là thành viên của Hiệp hội leo núi Mông Cổ, tham gia nhiều câu lạc bộ leo núi như: CLB đạp xe leo núi Mông Cổ, CLB Sky-running,… Hơn 10 mười năm qua, cô cùng chồng đã giới thiệu, quảng bá văn hóa Mông Cổ đến nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài.

Tháng 9/2017, Baigalmaa Norjmaa (30 tuổi) bắt đầu hành trình kéo dài 3 năm từ thủ đô Ulaanbaatar (Mông Cổ) đến London (Anh) với những chú lạc đà Bactrian. Để đặt chân đến xứ sở sương mù, cô và những người bạn bốn chân của mình phải vượt hơn 12.000km, đi qua 14 quốc gia rộng lớn với điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt mà ít người có thể chịu đựng được. Thế nhưng, cô gái du mục không hề nản lòng, quyết tâm thực hiện tới cùng ước mơ đã ấp ủ từ lâu.

Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì, miễn là dám nghĩ, dám làm và tin vào bản thân 
– Điều gì khiến chị nảy ra ý tưởng thực hiện hành trình có vẻ như “bất khả thi” này?
Tám năm trước, tôi tình cờ nghe được câu chuyện của Tim Cope, một người Úc thực hiện chuyến đi từ Mông Cổ đến Hungary bằng ngựa. Tôi bất chợt nghĩ, mình cũng nên làm một cái gì đó cho đất nước khi mình còn trẻ và có sức khỏe. Cuối cùng, tôi quyết định sẽ thực hiện một hành trình tương tự, vượt 12.000km đến Anh nhưng là bằng lạc đà
– Vì sao lại là lạc đà?

Vì chúng là loài vật gắn liền với cuộc sống của người dân Mông Cổ, chiếm đến hơn 35% số lượng gia súc. Đặc biệt, chúng chính là một phần của văn hóa đất nước chúng tôi.
– Còn cái tên của chuyến hành trình – “Những bước chân trên miền viễn du đến trời Tây”. Nó có ý nghĩa gì?
Khi đặt tên này, tôi hy vọng chuyến đi của mình sẽ góp phần lan tỏa văn hóa Mông Cổ đến khắp mọi nơi trên thế giới theo một cách độc đáo và hấp dẫn. Đồng thời bản thân tôi cũng muốn có cơ hội để được chia sẻ và học hỏi thêm kiến thức ​​từ những người tôi gặp dọc đường và, trên hết, là truyền cảm hứng, động lực cho những người phụ nữ khác cũng sẽ làm được những điều tương tự.
– Mọi người xung quanh nghĩ như thế nào về hành trình của chị?
Ai cũng chế giễu và cười nhạo cả. Họ đều cho rằng đây là chuyện điên rồ, viễn vông. Bởi lẽ, chưa từng có một người phụ nữ Mông Cổ nào thực hiện chuyến đi bằng lạc đà lâu đến thế!
– Cảm giác của chị lúc đó ra sao?
Tôi bị đả kích khá nhiều, thậm chí còn có ý định hủy chuyến đi. Nhưng bạn biết không, phiêu lưu mạo hiểm là một phần của con người tôi, và nó làm tôi thực sự hạnh phúc. Đối với tôi, những chuyến đi, những cuộc phiêu lưu mạo hiểm có thể làm tổn thương thể xác nhưng sự đơn điệu trong cuộc sống mới giết chết bản thân.
– Còn bây giờ, những ý kiến tiêu cực ấy có còn hay không?
Tôi không rõ nhưng ít ra đến thời điểm hiện tại tôi nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, từ quen biết cho đến xa lạ. Câu chuyện của tôi ít nhiều mang đến suy nghĩ tích cực hơn cho người dân Mông Cổ. Mọi người sử dụng lạc đà thường xuyên hơn, quan tâm nhiều hơn đến thế giới bên ngoài.
Tôi hy vọng trải nghiệm của mình sẽ phần nào truyền cảm hứng cho phụ nữ thôn quê ở đất nước tôi rằng: chúng ta có thể làm bất cứ điều gì, miễn các chị dám nghĩ, dám làm và tin vào bản thân mình.
Hành trình “không tưởng” với 12.000km
– Hành trình vượt 12.000km của chị diễn ra như thế nào?
Tôi quyết định đi theo “con đường tơ lụa” từ Mông Cổ xuống Trung Quốc rồi lần lượt qua các nước Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Hungary, Áo, Thụy Sĩ, Đức, Pháp và cuối cùng là Anh.
Tôi không đặt mục tiêu sẽ hoàn thành chuyến đi trong bao lâu mà chỉ mong cuộc phiêu lưu này sẽ gặp nhiều may mắn. Mỗi ngày, chúng tôi sẽ đi khoảng 30km. Vì cả người và lạc đà phải cần nghỉ ngơi.
Trung bình, chúng tôi mất 4 tháng để xin nhập cảnh vào các nước, thậm chí lâu hơn vì còn phải xin nhập cảnh cho đàn lạc đà.
– Khó khăn lớn nhất của chuyến đi này là gì?
Thời tiết. Khi bắt đầu chuyến đi, thời tiết ở Mông Cổ khá lạnh. Những người trong đoàn dần bỏ cuộc, cuối cùng chỉ còn lại tôi và sáu người. Một tháng sau, chúng tôi đến sa mạc Gobi. Thời tiết ở đây lại lạnh lẽo hơn nhiều. Nhiệt độ ban đêm có khi xuống tận -58 độ C.
Trời càng lạnh thì việc chăm lạc đà càng quan trọng. Chúng tôi vừa phải tìm nguồn cỏ tươi vừa phải cật lực dọn sạch tuyết và băng để giữ ấm cho chúng.
Chưa kể, bạn phải liên tục chú ý đến sức khỏe của chúng. Chẳng hạn như chúng có dấu hiệu bị bệnh không? Có khát nước chưa?… Đôi khi tôi phải đặt sức khỏe của đàn lạc đà lên trên hết. Ngay cả khi bản thân kiệt sức!
– Dù là một người dày dạn kinh nghiệm nhưng ắt hẳn chị cũng đã được học thêm những kĩ năng mới trong suốt hành trình?
Từ nhỏ, tôi đã học được rất nhiều kỹ năng của dân du mục, nhất là khả năng thích nghi với hoàn cảnh môi trường. Vì thế tôi mới tự tin đặt mục tiêu 12.000km.
Tuy nhiên, với số lượng 10 con lạc đà đồng hành cùng chúng tôi thì mọi thứ không đơn giản. Lúc này đây, điều cần thiết nhất là phải hết sức linh hoạt để xử lý bất kỳ vấn đề gì có thể xảy ra.
Tôi tin rằng, chúng ta chỉ là một đốm nhỏ nhoi trong vũ trụ bao la. Dù có giỏi giang đến mấy cũng không thể biết hết tất cả mọi thứ. Do đó, bí quyết của tôi để chuyến đi được an toàn và thuận lợi là luôn học hỏi người dân địa phương.
– Một kỉ niệm đáng nhớ trong hành trình của chị?
Ở Kazakhstan, lạc đà thường là một món ăn ngon hơn là một phương tiện vận chuyển. Vì thế, khi đến đây, tôi nhận được sự chú ý hơi đặc biệt. Nhiều người còn lại hỏi thăm và xin chụp hình nữa. Có người nói tôi giống như “nữ cao bồi” trên lưng lạc đà.
– Chị có thể cập nhật về hành trình của mình đến thời điểm hiện tại được không?
Đoàn chúng tôi đang ở biên giới Khorgos giữa Trung Quốc và Kazakhstan để chờ giấy phép nhập cảnh. Sau đó, đoàn sẽ tới Uzbekistan và Turkmenistan. Để an toàn qua được hai quốc này, chúng tôi phải chuẩn bị chu đáo mọi thứ từ lương thực, thuốc men… ngay cả kỹ năng phòng vệ. Cuối cùng, chúng tôi sẽ tiến vào Đông Âu.


Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)