Baoquocte.vn. Gắn bó công tác cộng đồng đã hơn 20 năm, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Huy Tuấn chia sẻ với TG&VN về sự phát triển của một mái nhà Việt dù nhỏ, ở địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và chung một tâm nguyện hướng về quê hương, đất nước…
Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Huy Tuấn (bên trái) thay mặt cộng đồng và người dân Mông Cổ tặng tranh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa. (Ảnh: Duy Quang) |
Sự ra đời của Hội người Việt Nam tại Mông Cổ hẳn là một dấu mốc rất quan trọng với bà con kiều bào sinh sống tại đây, phải không anh?
Người Việt định cư tại Mông Cổ chủ yếu hoạt động trong ngành nghề dịch vụ sửa chữa ô tô, kinh doanh một số dịch vụ khác như cung cấp các loại hàng hóa tiêu dùng (mang từ Việt Nam sang), ăn uống, chụp ảnh, cho thuê áo cưới…
Tuy nhiên, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, bà con gặp nhiều bất cập về thủ tục giao dịch, ngoại ngữ và luật pháp của nước sở tại. Nhận thấy nhu cầu cấp thiết cần phải thành lập ra một hội nhằm giúp đỡ, tư vấn và khuyến cáo bà con sống và làm việc theo luật pháp sở tại, chúng tôi đã làm đơn lên Bộ Tư pháp của Mông Cổ và được cấp giấy phép để thành lập với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận phục vụ cộng đồng.
Sau khi ra đời vào năm 2010, Hội nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ, cũng như sự chăm lo và quan tâm của Đại sứ Hoàng Tuấn Thịnh. Trong suốt nhiệm kỳ công tác, Đại sứ đã đồng hành và hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của cộng đồng. Các Đại sứ của những nhiệm kỳ sau cho đến nay cũng luôn nhiệt tình và đóng góp cho sự phát triển của Hội.
Là một cộng đồng với số lượng không đông đảo trên địa bàn rộng lớn như Mông Cổ, Hội đã làm gì để tập hợp sức mạnh, tình đoàn kết của bà con?
Có thể thấy, thời kỳ người Việt Nam ở Mông Cổ nhiều nhất là khoảng 750 người, thời kỳ suy thoái kinh tế thì số lượng giảm xuống chỉ còn 284 người. Hiện tại, số người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại đây là khoảng 500 người.
Với tôi, việc tập hợp sức mạnh và đoàn kết của cộng đồng là “hữu xạ tự nhiên hương”. Để có tiếng nói cũng như uy tín trong cộng đồng, bản thân tôi và những thành viên trong Ban chấp hành Hội phải là những người tiên phong, đi đầu trong việc giúp đỡ bà con, đặc biệt những khi gặp hoạn nạn với tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Bên cạnh hỗ trợ trong cuộc sống, chúng tôi tư vấn về luật, giấy tờ hợp pháp để giúp bà con thuận lợi làm ăn hơn. Ví dụ như nghề dịch vụ sửa chữa ô tô của người Việt ngày càng phát triển, hiện rất nổi tiếng và tạo được uy tín tại Mông Cổ.
Bản thân tôi cũng là một trong những người đầu tiên mở ra ngành dịch vụ sửa chữa ô tô ở đất nước này, đến nay lượng công nhân người Việt sang đây làm việc ngày càng nhiều hơn. Người dân sở tại rất cảm ơn cộng đồng người Việt đã giúp cải tạo những đồ hư, hỏng trở thành đồ lành lặn, hoàn thiện để tiếp tục sử dụng.
Ngoài vai trò là Chủ tịch Hội, anh còn là một doanh nhân chuyên đưa thực phẩm từ Việt Nam sang thị trường Mông Cổ tiêu thụ. Anh có thể chia sẻ tâm nguyện này của mình dành cho quê hương?
Hơn 20 năm qua, chúng tôi đã tìm cách đưa nông sản, thực phẩm Việt Nam sang tiêu thụ tại Mông Cổ, chủ yếu xuất khẩu dưa chuột, chuối, lạc, đường, cà phê, kẹo dừa… Khi về nước, tôi thấy một thực trạng rất khó khăn với bà con nông dân là khi mất mùa thì mới được giá, còn được mùa thì lại rớt giá, nên tôi mong họ có thu nhập ổn định hơn và mang lại ngoại hối cho đất nước.
Hàng năm, chúng tôi xuất khẩu hàng trăm container nông sản và thực phẩm sang Mông Cổ. Trong khó khăn của bối cảnh đại dịch Covid-19, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì thị trường để giúp bà con có điểm tựa xuất khẩu sang đây. Việc làm này cũng xuất phát từ sự hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ rằng mỗi người Việt Nam hãy làm một đại sứ ở nước ngoài.
Mới đây, anh đã đại diện kiều bào Việt Nam tại Mông Cổ có mặt trong chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 theo thư mời của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), anh có thể chia sẻ cảm xúc về chuyến đi này?
Đó là chuyến đi rất đặc biệt, có ý nghĩa lớn đối với cá nhân tôi và với cộng đồng người Việt tại Mông Cổ. Tại các điểm đến, tôi cảm nhận sâu sắc sự thiêng liêng, phần máu thịt của đất nước giữa trùng khơi, đồng thời cũng cảm nhận được sự vất vả, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào mình nơi đầu sóng ngọn gió vì chủ quyền biển đảo.
Qua chuyến đi, chúng tôi thấy mình cần có trách nhiệm lớn hơn trong việc đồng lòng gìn giữ biển đảo với cán bộ chiến sĩ và đồng bào nơi này. Đồng thời, bản thân chúng tôi cũng có trách nhiệm truyền tải đầy đủ thông tin đến với cộng đồng nơi mình sinh sống và làm việc để mỗi người Việt, dù sống ở đâu trên thế giới cũng hiểu về phần máu thịt thiêng liêng này của Tổ quốc, nơi nguồn cội của mỗi người mang dòng máu Việt Nam.
Bức tranh đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được trao tặng cho Trường Trung học số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ulan Bator. (Ảnh: NVCC) |
Được biết, chuyến đi này anh còn mang theo một bức tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về bức tranh đặc biệt này?
Đất nước Mông Cổ rộng lớn, người dân Mông Cổ rất thân thiện và hào phóng. Họ dành tình cảm tốt đẹp cho nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Trong những người bạn bè của tôi, có một nghệ nhân chuyên làm tranh và các đồ nghệ thuật bằng da ngựa. Ông rất yêu quý Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã gửi gắm tình cảm của mình và nhân dân nơi đây vào bức tranh 3D làm bằng da ngựa này.
Bức tranh được làm rất kỳ công trong một tháng và chúng tôi rất vinh dự được đại diện cho công đồng người Việt và người dân Mông Cổ kính tặng cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân Trường Sa. Bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng da ngựa cũng đã được chúng tôi trao tặng cho Chủ tịch Hội hữu nghị Mông Cổ-Việt Nam S.Dashtsevel, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ và Trường Trung học số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ulan Bator.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét