Nhân dịp sinh nhật giữa tháng 9, Đoan Trường tự thưởng cho mình chuyến du lịch đến đất nước anh mơ ước từ lâu - Mông Cổ. Đây là quốc gia thứ 52 nam ca sĩ đặt chân đến.
Từ Việt Nam sang Mông Cổ, du khách phải quá cảnh ở Hàn Quốc hoặc Trung Quốc. Theo Đoan Trường, tổng thời gian bay hai chặng và đợi nối chuyến mất khoảng 12 tiếng.
'Quy trình xin visa và nhập cảnh vào Mông Cổ khá đơn giản, thuận tiện. Du khách cần có giấy chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19 và đeo khẩu trang nơi công cộng, trong không gian kín khi đến đây. Mùa du lịch bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Đẹp nhất là thời điểm mùa thu (tháng 9) khi các đồng cỏ bắt đầu chuyển từ màu xanh sang vàng úa, thời tiết mát mẻ, dễ chịu', Đoan Trường nói.
Nam ca sĩ phải đợi tới khoảng 8h tối mới có thể vừa uống cà phê vừa ngắm hoàng hôn ở Mông Cổ vì vào mùa thu, mặt trời lặn khá muộn.
Khi đi tham quan các công trình kiến trúc tiêu biểu, nam ca sĩ diện áo dài để giới thiệu hình ảnh Việt Nam với người dân và du khách ở Mông Cổ.
'Nhiều người nhận ra tôi mặc trang phục truyền thống Việt Nam và hỏi tôi có phải người Việt Nam không? Họ nói từng nhình thấy phụ nữ mặc áo dài nhưng đây là lần đầu thấy đàn ông Việt Nam diện trang phục này ở Mông Cổ. Tôi vui vì được khen áo dài cho nam giới Việt Nam đẹp. Tôi luôn muốn giới thiệu về văn hóa, hình ảnh quốc gia với bạn bè quốc nên trong các chuyến du lịch tôi thường mang theo áo dài, nón lá và quốc kỳ', Đoan Trường cho hay.
Đoan Trường cho biết đa số dân Mông Cổ không nói tiếng Anh nên việc giao tiếp với người bản xứ khá khó khăn. Chữ viết ở Mông Cổ nhìn giống tiếng Nga nhưng phát âm và ngữ điệu giống tiếng Hàn Quốc.
'Ai biết tiếng Nga có thể đọc, hiểu chữ Mông Cổ một chút vì phiên âm giống nhau. Các bảng hiệu trên đường hầu như được viết bằng chữ Mông Cổ', Đoan Trường nói.
Từ thủ đô Ulaanbaatar, Đoan Trường vượt hơn 1.500 km, qua 5 tỉnh thành để đến sa mạc Gobi, khám phá cuộc sống du mục của người dân nơi đây. Anh thích thú khi được trải nghiệm cảm giác cưỡi lạc đà - phương tiện vận chuyển chính của các gia đình sống kiểu du mục. 'Ở Mông Cổ, gia súc và căn lều là hai tài sản quý với các gia đình sống du mục', Đoan Trường nói.
'Sa mạc Gobi từng in dấu chân nhiều đoàn lữ hành vận chuyển trà, lụa, thương phẩm từ Á sang Âu. Hoàng hôn ở đây đẹp như tranh vẽ, khi nắng buông dần trên những đồi cát thì phong cảnh chuyển dần từ màu vàng sang nâu sẫm nhìn rất ấn tượng', Đoan Trường mô tả.
Nam ca sĩ được người dân địa phương chào đón, tiếp đãi ân cần khi tham quan một căn lều, tìm hiểu cuộc sống của người du mục ở Mông Cổ.
'Những ngôi nhà truyền thống được gọi là Ger, dựng lên từ những khung gỗ đan hình lưới, phủ mái bằng những tấm bạt chống thấm nước và các lớp da cừu chống lạnh. Để lắp lều người ta cần ba tiếng đồng hồ và tháo ra thì mất một tiếng. Trong lều có đầy đủ các vật dụng tiện nghi như giường, tivi, tủ lạnh, bàn ghế, nhà vệ sinh... Khi đến đây, tôi được người dân mời thưởng thức các đặc sản như phô mai, bánh kẹo, trà sữa, sữa chua, sữa ngựa', Đoan Trường cho biết.
Bàn ăn của người Mông Cổ thường có 4 món thịt là thịt heo, thịt dê, thịt cừu và thịt ngựa. 'Ở đây, người ta chủ yếu ăn thịt vì hải sản rất hiếm và đắt do Mông Cổ không có sông, biển. Thịt ngựa thơm ngon, không có mỡ. Đây là món ăn chính hàng ngày của nhiều gia đình Mông Cổ', Đoan Trường cho hay.
Ở đây, tôn giáo chính là Thiền phái Mật Tông Tây Tạng. Sau một ngày chu du trên thảo nguyên và sa mạc, Đoan Trường đi tham quan, ngồi thiền trong một thiền quán Mật Tông trang trí đầy màu sắc.
Tổng cộng Đoan Trường tốn 64 triệu đồng cho 9 ngày khám phá Mông Cổ. Nam ca sĩ vui vì có nhiều trải nghiệm thú vị, khó quên ở đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét