Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

NỬA THẾ KỶ TÌNH BẠN

 NỬA THẾ KỶ TÌNH BẠN

Lã Văn Lý

Anh Lý (đứng bên trái), anh Thắm (ngồi bên trái) cùng vợ chồng anh Tường tại nhà anh Tường, Phổ Yên, Thái Nguyên

      Chúng tôi gặp mặt và trở thành bạn thân của nhau đã tròn nửa thế kỷ! Ôi thời gian, tóc ngả màu sương. Vâng, chúng tôi đã già rồi, tuổi đã xấp xỉ 70.

      Lúc đó là mùa Thu năm 1973, năm lịch sử của dân tộc ta, Hiệp định Pa - ri được ký kết, hòa bình trở lại với miền Bắc yêu thương. Chúng tôi gồm các anh: Trần Văn Tường, quê Thái Nguyên, Phan Đình Thắm, quê Nghệ An, Nguyễn Văn Trường, quê Phú Thọ và tôi, quê Nam Định, cùng khoảng một nghìn học sinh học sinh nữa, được Nhà nước cử đi học ở nước ngoài.

      Trước khi đi học ở nước ngoài, chúng tôi học một năm dự bị tại Khoa Lưu học sinh, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Trường đóng ở Thanh Xuân, Mễ Trì, Hà Nội.

      Năm đó, ngoài học sinh miền Bắc có cả học sinh miền Nam, hồi đó gọi là học sinh Cục 1. Các bạn miền Nam chủ yếu là con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Cũng có cả các bạn lớn tuổi hơn, có thể đã trải qua tuổi thơ ở quê hương, sau đó mới ra Bắc học tập. Ngoài ra còn có các anh, các chị công tác ở các Bộ, Ban, ngành được cử đi đào tạo thêm. Trong số đó tôi chú ý nhất diễn viên điện ảnh Lâm Tới, quê Đồng Tháp, người của Bộ Văn hóa. Sở dĩ tôi chú ý nhiều anh Tới vì anh để lại ấn tượng quá sâu sắc với nhân vật Trần Sùng, một sĩ quan ngụy, trong bộ phim nổi tiếng "Vĩ tuyến 17 - Ngày và đêm". Bộ phim giành được giải của Hội đồng hòa bình thế giới trong Liên hoan phim quốc tế Matx - cơ - va năm 1973. Sau này, anh còn rất thành công với vai Ba Đô trong bộ phim thuộc hàng kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam: "Cánh đồng hoang".  Anh Tới hiền lắm, những khi trời nóng hay mắc võng nằm dưới tán của hàng cây xà cừ ở con đường chạy sát sân cỏ của trường, nơi hay diễn ra các trận đá bóng nội bộ trường và giao hữu với các trường bạn. Phần vì tò mò, phần muốn làm quen một diễn viên điện ảnh, tôi hay ra chơi và nói chuyện cùng anh. Anh có nụ cười hiền hậu, ít nói. Mặc dù là diễn viên điện ảnh nổi tiếng nhưng anh nói chuyện rất bình dị, cởi mở và gần gũi, đậm chất miền Nam, theo cách mà chúng ta sau này hay nói, là đúng chất anh Hai Lúa của miền quê Nam Bộ thân thương. Sau này tôi có dịp về thăm lại trường, hàng cây này đã bị phá bỏ, trường cũng đã xây dựng quy hoạch lại, tôi cũng không hình dung lại được quang cảnh trước đó nữa. Mặc dù quen anh không lâu và sau này cũng không gặp lại anh nữa, nhưng khi nghe tin NSND Lâm Tới qua đời năm 2000 sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, tôi rất hụt hẫng và thương tiếc một nghệ sỹ điện ảnh tài hoa. Mấy dòng ngắn ngủi này như lời an ủi, động viên anh thanh thản an nghỉ miền cực lạc.


       Một số bạn miền Nam lớn tuổi khác, những buổi tối chủ nhật, thi thoảng ca vọng cổ rất hay, nghe man mác lòng người. Chắc các bạn ấy đang nhớ quay, nhớ quắt quê hương như tâm trạng của nhà thơ Tế Hanh trong bài Nhớ con sông quê hương:

Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc

Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc

Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng miền Nam

      Sau này, khi học xong ở nước ngoài và về nước công tác, tôi có nhiều dịp qua các vùng sông nước, miệt vườn Nam Bộ, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, "Nắng quê hương rười rượi hàng dừa/ngọt tiếng hò xưa, những chuyến đò đưa" (Tố Hữu), tôi lại nhớ da diết những câu ca vọng cổ năm xưa mênh mang, man mác như sông nước miền Tây mà thẳm sâu nghĩa tình như lòng người Nam Bộ.

      Ngoài ra, năm đó có nhiều anh đã qua chiến đấu ở các chiến trường cũng về học tập. Một điều tôi rất ngạc nhiên là các anh đã chiến đấu 5 - 7 năm ở chiến trường, có anh còn mang thương tật trên người, kiến thức ít nhiều mai một, nhưng nhiều anh học rất giỏi, nhiều người phải ngưỡng mộ.

      Tại Khoa Lưu học sinh chúng tôi được phân theo các khối như thi đại học: A, B, C. Học sinh các khối đều phải học một trong các ngoại ngữ sau: tiếng Nga, tiếng Đức hoặc tiếng của một số nước Đông Âu khác, tùy nơi học theo sự phân công của Nhà nước. Khối A và B học thêm Toán, khối C học thêm Văn - Sử. Ngoài ra có khối D học tiếng Đức. Tất cả các khối đều phải học chính trị. Cả hai học kỳ I và II đều phải thi.

      Bốn anh em chúng tôi thi Đại học Y Hà Nội nên được xếp học khối B. Tôi và anh Thắm lớp B3, anh Trường B2, anh Tường B5.

      Trong quá trình học chúng tôi rất vinh dự và phấn khởi được đón Bác Tạ Quamg Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, thăm và nói chuyện tới tận 3 lần. Lúc đó Trường chưa có Hội trường lớn nên mỗi lần Bác nói chuyện phải nhờ Hội trường của Khoa Văn - Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ở cách trường chúng tôi một con đường. Mỗi lần gặp gỡ, Bác dành hẳn một buổi để nói chuyện rất dài. Lúc đó chúng tôi mới học xong phổ thông còn rất trẻ trung và hồn nhiên, nghe Bác nói chuyện cuốn hút lắm, cảm giác hào hứng và phấn khởi được nghe một nhà lãnh đạo cao cấp, một người thầy lớn.

 

     Bác nói về chủ trương của Đảng và Nhà nước cử học sinh đi đào tạo ở nước ngoài, chuyện học hành, chuyện thời sự và giao trách nhiệm học tập cho chúng tôi. Bác nói: "Bác sẽ còn gặp các cháu nữa. Nhưng Bác chỉ gặp khi các cháu qua hai kỳ thi nữa". Bác không quên dặn dò kỹ càng từng chi tiết nhỏ khi học ở nước ngoài. Lúc đó tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của bài nói chuyện và những lời dặn dò của Bác. Sau này nghĩ lại mới thấy hết tầm nhìn xa, trông rộng của một nhà lãnh đạo khoa học và giáo dục - một nhà bác học.

     Kết thúc năm học dự bị, chúng tôi lên đường sang nước bạn Mông Cổ, bắt đầu quá trình học tập. Lúc đó chúng tôi đi bằng tàu Liên vận Quốc tế qua Trung Quốc. Ngoài 4 anh em chúng tôi còn 2 bạn nữa thuộc diện học sinh Cục 1 miền Nam cũng sang Mông Cổ học. Anh Phạm Phú Hòa và anh Tô Như Tuấn. Hai anh học ngành Vật lý ở Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia nước CHND Mông Cổ. Bốn anh em chúng tôi học ngành Chăn nuôi và Thú y ở Trường Đại học Nông nghiệp.


      Chúng tôi học ở Mông Cổ cả thảy 7 năm, bao gồm thời gian dự bị học tiếng và chuyên môn. Theo cảm giác ban đầu của chúng tôi, Mông Cổ là một đất nước xa lạ và mới mẻ. Đất nước của thảo nguyên bao la với những đồng cỏ bát ngát tận chân trời, với những đàn gia súc khổng lồ. Khí hậu mùa hè mát mẻ dễ chịu nhưng mùa đông thì lạnh thấu xương. Con người Mông Cổ rất hiền lành, mến khách. Các thầy cô và bạn bè yêu quý chúng tôi, coi chúng tôi như những người thân yêu, ruột thịt, trở về học tập sau những năm dài xa cách. Kỷ niệm thời sinh viên ở đất nước thảo nguyên Mông Cổ thì nhiều, nếu viết thì phải là một cuốn hồi ký. Trong khuôn khổ của bài này tôi không thể viết hết ra đây được vì như vậy sẽ xa chủ đề của bài viết.

      Sau khi về nước anh Tuấn công tác ở Ban Cơ yếu, thuộc Văn phòng Chính phủ. Ngoài công việc chuyên môn, anh Tuấn có năng khiếu viết, thường viết những tiểu phẩm châm biếm và hài hước với một sắc thái rất riêng. Anh Hòa về Nam công tác, sau là Tổng Giám đốc một công ty xây dựng ở miền Nam. Tuy tuổi đã cao nhưng tràn đầy tâm huyết, gắn bó với nghề, ngày đêm vẫn miệt mài hăng say xây cho nhà cao, cao mãi, cho thêm xinh đẹp Tổ quốc Việt Nam.

      Anh Tường và anh Thắm giảng dạy ở Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên. Sau đó, các anh đi Liên Xô (cũ) làm Nghiên cứu sinh. Sau khi trở về nước công tác, các anh đều được phong hàm Phó Giáo sư. Các anh - những nhà giáo chân chính - đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Học trò của các anh nhiều người thành đạt, đảm nhiệm những trọng trách của Đảng và Nhà nước. Sau này anh Thắm chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và công tác. Anh Tường là Trưởng Phòng Đào tạo Đại học Thái Nguyên. Anh Trường và tôi về địa phương công tác. Anh Trường công tác ở Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ. Tôi công tác ở Nông trường Đồng Giao, Ninh Bình, sau đó ở Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn. Tôi có duyên với các dự án nông nghiệp liên kết với nước ngoài, nên có điều kiện rong ruổi khắp các vùng miền đất nước.

      Mùa Xuân năm nay, bốn anh em chúng tôi thống nhất tổ chức kỷ niệm 50 mươi năm gặp nhau, trở thành bạn bè và ôn lại những kỷ niệm đầy ắp của nửa thế kỷ qua. Cuộc gặp mặt được tổ chức ở nhà anh Tường ở thành phố Thái Nguyên. Tôi từ thành phố Lạng Sơn tới. Anh Thắm từ miền Nam bay ra. Rất tiếc, khi đến ngày gặp mặt, vì lý do đặc biệt, anh Trường không đến được. Sáng hôm đó trên chuyến xe từ Lạng Sơn về Thái Nguyên tôi có một kỷ niệm khá vui. Cậu lái xe còn trẻ, vui tính và hay chuyện. Mọi người trên xe cũng cuốn theo câu chuyện của cậu ấy. Lúc đầu là chuyện đường sá tốt, xe tốt. Đúng như vậy. Ngày xưa mỗi chuyến hành trình thì thật là khổ ải. Nay đường sá, xe cộ giao thông ở nước ta không thua gì những nước trong khu vực và thế giới. Câu chuyện chuyển sang sự phát triển nhanh chóng của kinh tế nước nhà. Mọi người bàn luận sôi nổi, nhiều ý kiến đa chiều. Để cho không khí nói chuyện hài hòa, đến đất Bắc Giang, tôi đề nghị mọi người trên xe vừa nói chuyện vừa nhìn xa vào làng xóm hai bên đường xe đi qua từ Bắc Giang tới Thái Nguyên và quan sát giúp tôi có bao nhiêu căn nhà cấp 4. Mọi người có vẻ ngạc nhiên với đề nghị của tôi, vẫn chuyện trò vui vẻ nhưng cũng chú ý nhìn sang hai bên đường. Qua huyện Hiệp Hòa đất Bắc Giang rồi hết huyện Phú Bình của Thái Nguyên mọi người thốt lên rằng đúng là nông thôn đổi mới, làng xóm hai bên đường toàn nhà tầng rất đẹp, hầu như không còn nhà cấp 4.

      Thực ra thì vẫn còn, dù không nhiều, chủ yếu là những nhà cổ gia chủ muốn giữ lại hoặc nhà tạm, hàng quán và nhà xưởng sản xuất của các gia đình. Điều này tôi đã nhận ra từ trước. Mấy năm trước đây, trên một chuyến tầu khách từ Lạng Sơn về Hà Nội, khi qua đồi núi Lạng Sơn vào đất Bắc Giang, do đường tầu khá cao so với đồng ruộng hai bên, tôi có cơ hội phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn làng xóm hai bên đường tầu. Tôi vô cùng ngạc nhiên thấy qua suốt hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, làng xóm xa xa xưa kia lam lũ, nhà cửa thấp bé, nay nhà tầng san sát, hầu như không có một căn nhà cấp 4. Một sự thay đổi quá lớn lao đối với nông thôn nước ta, điều mà mấy chục năm về trước có nằm mơ chúng ta cũng không dám nghĩ tới. Tôi chợt nhớ, gần hai chục năm trước, trong một đợt tu nghiệp về Phát triển nông thôn ở Nhật Bản, một vị Giáo sư đã nói với chúng tôi: "Muốn biết một đất nước phát triển như thế nào, hãy nhìn vào đời sống của người nông dân nước đó".

      Câu chuyện sôi nổi vui quá, xe đến thành phố Thái Nguyên lúc nào không hay. Một cuộc hành trình không dài lắm nhưng đầy thú vị. Chúng tôi chuẩn bị chia tay nhau. Không biết trong các câu chuyện tôi nói trên xe có điều gì hấp dẫn mà một vị khách đồng hành đứng tuổi, quê ở Võ Nhai, cứ nằng nặc đòi xin địa chỉ và số điện thoại của tôi để kết bạn và trò chuyện.

       Ôi đẹp quá! Cuộc sống ơi - Ta mến yêu Người! Còn có gì đẹp hơn trong cuộc đời này, cứ mỗi ngày qua đi, trên mỗi chặng đường xa, mỗi miền quê ta đến, trong trái tim ta lại khắc thêm tên một người bạn yêu thương!

      Xe vào bến. Anh Tường đã đỗ xe ở cửa đón tôi. Chúng tôi mừng rỡ bắt tay nhau rồi lên xe đi về nhà anh, vừa đi vừa nói chuyện. Xe đi chầm chậm qua mấy con phố rồi dừng trước nhà anh. Anh Thắm đã đứng sẵn trước cửa chờ chúng tôi. Anh Thắm bữa nay hơi yếu. Anh ra tham dự cuộc gặp mặt với chúng tôi cũng là một cố gắng lớn.

Gặp nhau đồng chí đây rồi

Xôn xao hết đứng lại ngồi bên nhau

Chuyện nhà Nam Bắc trước sau

Mừng ra nước mắt, nén đau lại cười. ( Tố Hữu )

      Chúng tôi vui với nhau 3 ngày. Ngoài việc ôn lại những kỷ niệm xưa, kể cho nhau nghe về những biến cố thăng trầm trong cuộc đời của mỗi người, chúng tôi lên chương trình tham quan thành phố Thái Nguyên. Thành phố mở rộng, đô thị hóa rất nhanh, xứng đáng là thủ phủ của chiến khu Việt Bắc năm xưa. Hồ Núi Cốc, một danh thắng nên thơ của thành phố, huyền ảo trong sương mù làm nao lòng bao du khách. Tiếp đến, chúng tôi thăm Bảo tàng các dân tộc Việt Nam. Bước chân vào Bảo tàng con người như trầm tĩnh hơn, không gian và thời gian tưởng như ngưng đọng lại. Những hiện vật văn hóa đặc trưng của các dân tộc Việt Nam từ Bắc đến Nam được trưng bày, tái hiện nền văn hóa của mỗi dân tộc thật sinh động. Đặc biệt, khi xem các hiện vật về văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên ta như nghe thấy tiếng vọng của cồng chiêng, tiếng chày trên sóc Bom Bo của đồng bào trong những năm đánh Mỹ xưa kia. Mỗi dân tộc một cách sống với một sắc thái riêng, tất cả cùng hòa quyện, tạo nên bản sắc của dân tộc Việt Nam thống nhất mà đa dạng. Rất tiếc anh Thắm mệt nên chương trình thăm An toàn khu phải hủy bỏ. Cuối cùng chúng tôi thăm Phổ Yên, quê anh Tường. Phổ Yên nay đã trở thành thành phố với những khu công nghiệp và phố xá mới nhưng vẫn giữ được những vùng đất phát triển đô thị sinh thái, vườn cây, những biệt thự hiện đại mà mang dáng dấp cổ kính trên những ngọn đồi nhấp nhô, thấp thoáng trong những rừng cây thật tuyệt vời.

      Các buổi tối chúng tôi trò chuyện, đàm đạo với nhau về nhân tình và thế sự tới tận đêm khuya. Anh Tường nói chuyện rất hào hứng, giọng trầm bổng, lúc mạnh mẽ, lúc khoan thai với phong cách rất riêng của một nhà sư phạm lớn. Tuổi cao, nhưng sức khỏe anh rất tốt, các chỉ số máu vẫn ở mức an toàn tuyệt đối. Nhìn anh phong độ đường bệ và đĩnh đạc,  kiên cường và vững chãi "như cây lim đứng chẳng lay giữa ngàn". Đặc biệt, tâm hồn anh vẫn rất trẻ trung, bay bổng, trong giấc ngủ êm đềm của những canh thâu, đôi khi vẫn còn chập chờn giấc mơ về những miền đất hứa.

     Vâng. Giấc mơ thì vẫn là một giấc mơ. Nhưng giấc mơ cũng thật quan trọng và thi vị trong cuộc sống đời người. Nó làm cho tâm hồn ta bay bổng. Nó tiếp sức cho chúng ta vượt qua biết bao lo toan, vất vả của cuộc sống đời thường, vượt qua những thách thức của đói nghèo, chiến tranh và dịch bệnh... Nó chắp thêm cho ta đôi cánh để mơ ước tới một ngày mai sẽ bay tới những vì sao xa xôi của những Thiên hà trong Vũ trụ bao la....

      Chúc anh và mọi người luôn có những giấc mơ đẹp cho cuộc sống thêm sắc màu và lãng mạn!

          Lạng Sơn, Xuân 2023

                  

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)