Sáng sớm ngày 14 tháng 9 năm 1971, Đại sứ quán Trung Quốc tại U-lan-ba-to nhận được điện thoại của Bộ Ngoại giao Mông Cổ nói Thứ trưởng Ngoại giao Mông Cổ có việc khẩn cấp cần gặp Đại sứ Trung Quốc.
Tám giờ rưỡi sáng, Đại sứ Hứa Văn Ích đến Bộ Ngoại giao Mông Cổ. Tại đây, ông được Thứ trưởng Ô-rơ-đôn-pi-côp tiếp và nói: “Hôm nay, được Chính phủ Mông Cổ uỷ quyền, tôi xin thông báo một việc như sau: khoảng 2 giờ 30 sáng ngày 13, tại tỉnh Ken xảy ra một vụ máy bay rơi, chúng tôi đã cho người đến nơi tìm hiểu tình hình, được biết đây là máy bay của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, 9 người trên máy bay đều tử nạn, trong đó có 1 phụ nữ. Việc này xảy ra vào ban đêm, chúng tôi phải cử người đi tìm hiểu, cho nên bây giờ mới thông báo Sứ quán được … Máy bay quân sự Trung Quốc vào sâu lãnh thổ nước chúng tôi, tôi thay mặt Chính phủ Mông Cổ đưa ra kháng nghị miệng. Mong Chính phủ Trung Quốc có giải thích chính thức về nguyên nhân vụ việc này, phía Mông Cổ bảo lưu quyền đề xuất giao thiệp.”
Đại sứ Hứa Văn Ích đáp: “Xin cảm ơn Ngài Thứ trưởng báo cho biết việc này. Trong lúc quan hệ hai nước chúng ta bắt đầu bình thường hoá, việc máy bay Trung Quốc vì nguyên nhân nào đó bị rơi trên đất Mông Cổ, dĩ nhiên là việc rất đáng tiếc… Đề nghị phía Mông Cổ giúp đỡ chúng tôi tìm hiểu xem tại sao máy bay Trung Quốc lại bay nhầm vào Mông Cổ? Trước khi nắm rõ tình hình thực sự của vụ việc này, tôi không thể tiếp thu lời kháng nghị miệng của ngài Thứ trưởng. Tuy vậy, tôi có thể báo cáo việc này cho Chính phủ chúng tôi.”
Sau khi về Đại sứ Hứa họp ngay ban lãnh đạo Sứ quán, yêu cầu giữ bí mật tin này và khẩn cấp báo cáo Bắc Kinh biết. Vì đường điện báo của Mông Cổ hỏng nên ông quyết định dùng đường dây điện thoại quốc tế của Mông Cổ gọi về Bộ Ngoại giao Trung Quốc, xin phép sử dụng “đường dây nóng” bị niêm phong nhiều năm nay. Vì thủ tục này khá lâu nên đến giữa trưa Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai ở Bắc Kinh mới nhận được tin máy bay Trung Quốc rơi trên đất Mông Cổ. Sáu giờ chiều, Đại sứ Hứa nhận được chỉ thị từ Bắc Kinh là phải đến hiện trường tìm hiểu tình hình. Lúc này, dù đã hết giờ làm việc, ông vẫn phá lệ đến gặp Thứ trưởng Ô-rơ-đôn-pi-côp thông báo: “Chính phủ Trung Quốc tỏ ý lấy làm tiếc về vụ máy bay Trung Quốc có thể vì mất phương hướng mà bay vào đất Mông Cổ rồi bị rơi. Đề nghị phía Mông Cổ giúp tôi dẫn cán bộ liên quan đến hiện trường xem xét, và giúp hoả táng xác những người tử nạn.” Ô-rơ-đôn-pi-côp đồng ý ngày mai sẽ cho máy bay chở mọi người đến hiện trường, nhưng nói Mông Cổ không có tập quán hoả táng.
Đại sứ Hứa lập tức báo cáo về nước và nhận được chỉ thị: Cố gắng tranh thủ hoả táng các nạn nhân và đưa tro hài cốt về nước; nếu không được thì chụp ảnh thi hài rồi chôn tại chỗ, sau này chở về Trung Quốc.
Chiều 15 tháng 9, Đại sứ Hứa Văn Ích và 3 cán bộ Sứ quán Trung Quốc cùng Vụ trưởng Vụ Lãnh sự Bộ Ngoại giao Mông Cổ đáp máy bay đến sân bay dã chiến ở thị trấn Ôn-đu-khan. Cùng đi còn có một nhóm cán bộ ngoại giao và đoàn quay phim chụp ảnh của Mông Cổ. Chỗ máy bay rơi cách thị trấn khoảng 70 km. Trước khi bốc cháy, chiếc máy bay lết khoảng 30 m trên đồng cỏ, để lại một vệt đen. Xác máy bay tan vụn từng mảnh tung toé hai phía khắp chiều dài khoảng 200m. Trên một mẩu cánh máy bay còn thấy rõ 2 chữ “Trung Quốc”, một mẩu khác thấy rõ 2 chữ “Dân Hàng” (Hàng không dân dụng). Đuôi máy bay và 2 động cơ nằm lăn lóc trên đồng cỏ. Trên đuôi máy bay thấy hình quốc kỳ Trung Quốc và con số 256. Rõ ràng đây là chiếc máy bay dân dụng Trung Quốc số hiệu 256.
Phía bắc đầu máy bay có 9 xác người, bên cạnh là các di vật đã được thu gom xếp đống lại. Xác nào cũng ngửa mặt lên trời, chân tay giang ra, đầu cháy xém, mặt mũi nhìn không rõ. Đại sứ Trung Quốc cho xếp 9 xác thành 1 hàng từ bắc xuống nam, đánh số thứ tự từ 1 đến 9, cho người chụp ảnh từng xác chết từ nhiều góc độ. Sau này mới biết, xác số 5 là Lâm Bưu, người gày, trán hói, đầu nứt vỡ lộ cả xương trắng, hai mắt chỉ còn hai hố đen, mũi cháy, răng rụng hết ra ngoài. Xác số 8 là Diệp Quần (vợ Lâm Bưu), cháy nhẹ hơn, tóc gần như còn nguyên. Xác số 2 là Lâm Lập Quả (con trai Lâm Bưu), người cao lớn, mặt cháy đen tỏ vẻ đau khổ, trong người còn một di vật là thẻ ra vào Bộ Tư lệnh Không quân số 002. Xác số 1 là người lái xe của Lâm Bưu. Xác số 3 là Lưu Bội Phong, cán bộ cấp dưới của Lâm Bưu. Xác số 4 là kỹ sư cơ khí máy bay, mặc áo da, là người duy nhất áo quần chưa cháy hết. Xác số 6, 7 và 9 là hai kỹ sư cơ khí khác và người lái máy bay. Đặc điểm của 9 xác chết này là thân hình còn gần nguyên vẹn, chỉ bị cháy mặt, gãy xương, vỡ đầu. Đáng chú ý là không thấy xác nào còn lại đồng hồ đeo tay và giày, có lẽ là trước khi hạ cánh khẩn cấp, họ đều đã tháo ra để chuẩn bị đề phòng tai nạn.
Sau khi khảo sát, chụp ảnh xong, theo đề nghị của phía Mông Cổ, 9 nạn nhân sẽ được chôn trên một gò cao cách chỗ xảy tai nạn hơn 1 km. Lúc này đã là 8 giờ tối, trời lạnh 2 độ C, gió thảo nguyên thổi mạnh. Dưới ánh sáng đèn pha ô tô, một tiểu đội lính Mông Cổ khẩn trương đào hố chuẩn bị cho lễ mai táng vào ngày mai.
Sau khi về Ôn-đu-khan, hai bên Trung Quốc -Mông Cổ hội đàm đến 3 giờ sáng về biên bản chính thức, sau đó trở lại hiện trường.
Phía Mông Cổ đưa đến 9 cỗ quan tài. Sau khi chụp ảnh lần cuối, binh sĩ Mông Cổ xếp các xác chết vào áo quan theo thứ tự số hiệu. Riêng xác số 9, người to cao mà 2 tay lại giơ lên đầu nên không thể xếp lọt, Đại sứ Trung Quốc đành phải đồng ý chặt 2 tay cho ngắn. Huyệt mộ dài 10m, rộng 3m, sâu 1,5m. Trong khi lính Mông Cổ lấp và đắp mộ, hai bên hội đàm trên xe ô tô về Biên bản an táng, do phía Mông Cổ dự thảo.
Tối hôm ấy, sau khi về đến Ôn-đu-khan, hai bên tiếp tục thảo luận suốt đêm về “Biên bản Điều tra hiện trường” cũng do phía Mông Cổ dự thảo. Tuy không còn khăng khăng gọi vụ này là “xâm phạm” lãnh thổ Mông Cổ nữa, nhưng phía Mông Cổ vẫn kiên trì nhấn mạnh máy bay này “phục vụ mục đích quân sự”, có “quân nhân đi trên máy bay”, thậm chí nói là “phục vụ mục đích quân sự”, rõ ràng có ý đồ muốn đưa Trung Quốc vào thế bất lợi về chính trị. Đại sứ Trung Quốc kiên trì nói đây là máy bay dân dụng Trung Quốc bay nhầm vào đất Mông Cổ. Hai bên tranh cãi rất găng. Khi trời sáng, phía Mông Cổ đề nghị hoãn họp rồi bỏ về không quay lại.
Đại sứ Trung Quốc mở ra-đi-ô, nghe đài nước ngoài đưa tin Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa tất cả các sân bay, cấm máy bay cất cánh trong cả nước. Đoán rằng việc ấy có liên quan đến chiếc máy bay rơi ở Mông Cổ, như vậy vụ này rất nghiêm trọng và phức tạp, nhất thiết phải thỉnh thị ý kiến trong nước, Đại sứ Hứa Văn Ích yêu cầu phía Mông Cổ cho đoàn về ngay U-lan-ba-to, với lý do để chuẩn bị tổ chức hoạt động mừng ngày Quốc khánh Trung Quốc (1 tháng 10), cuộc hội đàm sẽ tiếp tục ở U-lan-ba-to. Phía Mông Cổ không đồng ý, cứ đòi tiếp tục hội đàm suốt chiều và tối hôm ấy, nhưng hai bên không thoả thuận được với nhau. Cuối cùng, mặc cho phía Trung Quốc phản đối, phía Mông Cổ đơn phương ký “Biên bản Điều tra hiện trường” và “Biên bản an táng”.
Cuộc hội đàm kết thúc trong không khí căng thẳng. Lúc ấy, Sứ quán Trung Quốc gọi điện thoại từ U-lan-ba-to đến, đề nghị Đại sứ Hứa về ngay Sứ quán có việc khẩn. 6 giờ chiều ngày 17 tháng 9, hai đoàn mặt nặng như chì cùng lên máy bay trở về U-lan-ba-to.
Sau này, Đại sứ Hứa Văn Ích nhớ lại, phía Mông Cổ nhấn mạnh 2 chữ “quân dụng” trong Biên bản là có lý do của họ. Lâm Bưu là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Lâm Lập Quả là Trưởng ban Tác chiến của Bộ Tư lệnh Không quân Trung Quốc. Trong thời gian Cách mạng Văn hoá, ngành Hàng không dân dụng Trung Quốc do Không quân quản lý. Có điều lúc ấy trong nước không cho Đại sứ biết tính chất của máy bay mà chỉ nói là máy bay mất phương hướng bay lạc vào Mông Cổ mà thôi.
Phía Trung Quốc cũng không yêu cầu phía Mông Cổ cho xin lại chiếc hộp đen trên máy bay. Đây là việc đáng tiếc nhất, vì thời ấy cán bộ Sứ quán chưa biết gì về hộp đen, trong nước cũng không nêu yêu cầu này. Về sau, các chuyên gia hàng không cho biết, trên chiếc máy bay Trident Lâm Bưu sử dụng (mua của Anh Quốc, là loại máy bay hiện đại nhất Trung Quốc hồi ấy) đã có trang bị hộp đen, trong đó chứa nhiều thông tin quý giá về vụ máy bay rơi, rất cần cho công tác điều tra.
Về sau mới biết, thực ra trước khi Đại sứ Trung Quốc đến chỗ chiếc Trident rơi, chiếc hộp đen ấy cùng một động cơ máy bay [?] đã bị người Liên Xô đến lấy mang đi mất. Ngay sau khi đoàn Trung Quốc rời hiện trường, Uỷ ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) lại cho người đến chỗ đó. Họ đào huyệt, cắt đầu Lâm Bưu và Diệp Quần, cho vào nồi nước luộc cho bong hết da, sau đó mang về Moskva nghiên cứu, đối chiếu với hồ sơ bệnh án của Lâm Bưu lưu trữ được trong thời gian Lâm Bưu chữa bệnh ở Liên Xô năm 1938-1941 để xác minh xem có đúng là Lâm Bưu (như Chính phủ Trung Quốc mãi sau này mới ra tuyên bố xác nhận đó là Lâm Bưu) hay không.
Sau khi về đến U-lan-ba-to, Đại sứ Hứa Văn Ích lập tức báo cáo về nước và nhận được chỉ thị phải tiếp tục giao thiệp ngay với phía Mông Cổ, xin lại xác các nạn nhân và di vật. Thái độ bức xúc của phía Trung Quốc khiến phía Mông Cổ nghi hoặc, họ yêu cầu Trung Quốc cung cấp danh sách và chức vụ của nạn nhân. Thấy vậy, phía Trung Quốc bèn đình chỉ giao thiệp, vì sợ phía Mông Cổ ép phải trả giá cao. Lại một dại dột nữa của phía Trung Quốc.
Ghi chú:
Hiện có 5 giả thuyết về vụ máy bay chở Lâm Bưu rơi tại Mông Cổ: 1- Máy bay hết nhiên liệu phải hạ cánh khẩn cấp xuống đồng cỏ; 2- Bị tên lửa Trung Quốc (hoặc Liên Xô) bắn bị thương, phải hạ cánh gấp; 3- Nội bộ nhóm người trên máy bay bắn nhau làm máy bay phải hạ cánh; 4- Phi công chủ động lái máy bay đâm xuống tự sát để tỏ lòng trung thành với Mao Trạch Đông (phỏng đoán của Đặng Tiểu Bình); 5- Trên máy bay rơi ở Mông Cổ chỉ có Lâm Lập Quả và đồng bọn, còn vợ chồng Lâm Bưu đã bị ám sát ngay sau bữa dạ tiệc Mao chiêu đãi Lâm Bưu trước đó.
Theo ghi chép tại trang 1603-1604 trong “Truyện Mao Trạch Đông” do Phòng Nghiên cứu tư liệu Trung ương Đảng CSTQ biên soạn, khi chiếc máy bay số 256 chở Lâm Bưu và đồng bọn sắp sửa bay tới biên giới Trung Quốc-Mông Cổ, có người thỉnh thị Mao Trạch Đông xem có nên cho máy bay đuổi theo chặn lại hay không. Vì khi ấy còn chưa rõ ý đồ của Lâm Bưu và đồng bọn nên Chủ tịch Mao không đồng ý với đề nghị này. Lúc 1h50 sáng ngày 14/9, máy bay 256 bay vào không phận nước CHND Mông Cổ. 2h30, máy bay này rơi xuống vùng Ôn-đu-khan và bốc cháy, toàn bộ người trên máy bay thiệt mạng. Sau này dựa vào báo cáo khảo sát thực địa và phân tích của các chuyên gia, Trung ương ĐCSTQ đã tiết lộ bí ẩn của vụ tai nạn này: do hết nhiên liệu, máy bay 256 buộc phải hạ cánh trên đồng cỏ, thân máy bay cọ sát với mặt đất khiến máy bay phát nổ và cháy.
Nguyễn Hải Hoành tổng hợp từ các nguồn tư liệu của Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét