Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Dấu ấn Việt Nam tại hội chợ từ thiện ở Mông Cổ

 Ngày 31/10, tại thủ đô Ulan Bator, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ đã tham gia gian hàng tại hội chợ từ thiện nhằm quyên góp tiền để giúp đỡ trẻ em nghèo gặp khó khăn.

Dấu ấn Việt Nam tại hội chợ từ thiện ở Mông Cổ
Những hình ảnh về Hà Nội, vịnh Hạ Long, nem rán, nón lá, áo dài… và nụ cười thân thiện mang thương hiệu Việt Nam đã tạo nên dấu ấn không thể nào quên đối với bạn bè quốc tế tham quan hội chợ.
 
 
 
 

Hội chợ được tổ chức theo sáng kiến của Câu lạc bộ Phụ nữ Ngoại giao Quốc tế.

Bên cạnh việc bán các sản phẩm đặc trưng, nhân dịp này, các nước còn giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa ẩm thực. Những bài hát, điệu múa và trang phục truyền thống của nhiều nước đã mang đến hội chợ nét văn hóa đa dạng, như đóa hoa rực rỡ sắc màu.

Điểm nhấn gian hàng Việt Nam

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng các nước tham gia cũng như những mặt hàng mà các nước mang đến hội chợ ít hơn những năm trước, gian hàng của Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, vượt qua khó khăn đó, gian hàng Việt Nam vẫn để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng khách tham quan. Những bức tranh phong cảnh, đất nước, con người; đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo và tà áo dài duyên dáng… đã đưa khách tham quan đến với những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đặc biệt, nem rán, cà phê tỏa hương thơm phức đã níu chân thực khách.

Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Đoàn Thị Hương cho biết, điểm nhấn của gian hàng Việt Nam trong hội chợ lần này là bên cạnh việc giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, văn hóa ẩm thực của đất nước, Đại sứ quán tập trung chủ yếu vào việc quảng bá, giới thiệu đất nước, con người và danh lam, thắng cảnh Việt Nam.

"Cùng với việc tổ Đại sứ quán tổ chức gian hàng, Ban Tổ chức hội chợ còn chiếu bộ phim giới thiệu về danh lam, thắng cảnh, nét sinh hoạt văn hóa và ẩm thực của các vùng, các dân tộc trên mọi miền của đất nước Việt Nam (phim do Đại sứ quán cung cấp).

Qua đó, quảng bá Việt Nam không chỉ có phong cảnh đẹp, món ăn ngon mà còn là đất nước thanh bình, mến khách, là điểm du lịch hấp dẫn. Đồng thời, bạn bè quốc tế cũng thấy được một Việt Nam phát triển năng động, là địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư", Đại sứ Đoàn Thị Hương chia sẻ.

Đồ ăn Việt “cháy” hàng

Do dịch Covid-19 nên Đại sứ quán không thể chuyển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và nguyên liệu làm phở, nem từ Việt Nam sang Mông Cổ. Tuy nhiên, tại hội chợ, không thể không có nem rán và cà phê. Với quyết tâm đó, Đại sứ quán đã huy động mọi nguồn lực trong cộng đồng người Việt, cùng chung tay, góp sức tham gia.

Khó khăn nhất là việc làm món nem rán. Do không chủ động được nguyên liệu, nên việc làm nem rán khá vất vả. Gần chục người gồm cán bộ Đại sứ quán và các anh chị em cộng đồng người Việt tại Ulan Bator, người cuốn, người rán… làm việc "luôn chân, luôn tay" trong gần 1 ngày.

Và công lao cũng được đền đáp xứng đáng bới sự hài lòng của thực khách. Chỉ trong 2 tiếng sau khai mạc hội chợ, hơn 500 chiếc nem rán và 10 cân thịt nướng theo hương vị Việt Nam đã bán hết. Nhiều người nước ngoài đã trót một lần ăn nem rán nên bị “nghiện”, vì chậm chân, không được thưởng thức tỏ ra vô cùng tiếc nuối.

Dấu ấn Việt Nam tại hội chợ từ thiện ở Mông Cổ
Ẩm thực Việt "cháy" hàng tại hội chợ.

Dấu ấn Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế

Gian hàng của Việt Nam đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn bè quốc tế. Nhiều khách quốc tế đã từng đến Việt Nam bày tỏ mong muốn được trở lạị.

Đại sứ Ấn độ tại Mông Cổ MP Singh bày tỏ, dù khó khăn bởi dịch Covid nhưng sản phẩm trong gian hàng của Việt Nam vẫn rất phong phú. "Nhìn những bức tranh Việt Nam và nụ cười của các bạn, tôi cảm nhận được Việt Nam là đất nước xinh đẹp, người Việt Nam hiền hòa, mến khách. Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài, tình cảm như anh em. Chúng tôi mong muốn tiếp tục phát huy mối quan hệ tốt đẹp này", Đại sứ MP Singh nhấn mạnh.

Là phu nhân của nguyên Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam, nhiều năm công tác, sinh sống tại Việt Nam, bà Ariungerel đã trở thành khách hàng quen thuộc của gian hàng Việt Nam mỗi khi có hội chợ.

Như trở về miền ký ức, bà Ariungerel thủ thỉ chia sẻ: "Việt Nam đã trở thành quê hương thứ 2 của tôi. Bởi vậy, nơi tôi tìm đến đầu tiên là gian hàng Việt Nam. Nhìn thấy các bạn là thấy hình ảnh đất nước Việt Nam, tôi như được sống lại những năm tháng đẹp đẽ tại đây. Tôi rất nhớ Hà Nội, vịnh Hạ Long, nhớ nem rán, phở và đồ ăn Việt Nam. Tôi rất mong được trở lại Việt Nam. Tôi rất yêu Việt Nam”.

Đối với các doanh nghiệp, việc tham gia hội chợ của Việt Nam đã mang lại hiện quả lớn. Bà P. Oyunchimeg, Giám đốc marketing, Công ty Du lịch INCRUICES, Ulan Bator bày tỏ, công ty đã đưa nhiều đoàn khách Mông Cổ đến Việt Nam tham quan, du lịch. Việc Đại sứ quán Việt Nam tham gia hội chợ đã giúp công ty quảng bá về du lịch Việt Nam, người Mông Cổ biết đến Việt Nam nhiều hơn, hiểu và yêu thích Việt Nam hơn.

"Qua gian hàng, người Mông Cổ được biết đến những danh lam thắng cảnh nối tiếng của Việt Nam như Hà Nội, vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né… Tôi cho rằng, gian hàng của Việt Nam có sức lan tỏa rất lớn", bà P. Oyunchimeg nói.

Trung Quốc cấm cửa than Australia, than Mông Cổ lập tức 'chiếm sóng'

Lệnh cấm nhập khẩu đối với than Australia của Trung Quốc đã làm gia tăng nhập khẩu than từ Mông Cổ.

Trung Quốc cấm cửa than Australia, than Mông Cổ lập tức 'chiếm sóng'
Xe tải chở than từ Mông Cổ trên tuyến đường tới biên giới với Trung Quốc ở sa mạc Gobi. (Nguồn: Reuters)

Các nhà máy thép và nhà máy điện của Trung Quốc đã bắt đầu chuyển sang mua than Mông Cổ từ sau khi Bắc Kinh gia tăng căng thẳng thương mại Trung Quốc-Australia, áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than từ châu Đại Dương này. Với tình hình hiện nay, Mông Cổ có thể sớm chiếm lại vị trí là nhà cung cấp than hàng đầu của Bắc Kinh. Tuy nhiên, người dùng Trung Quốc có thể phải chịu nhiều gánh nặng kinh tế từ lệnh cấm than Australia do chi phí thay thế cao và vận chuyển khó khăn.

Theo các nhà phân tích, mặc dù chính trị có thể đóng một vai trò nào đó trong quyết định “cấm cửa” than cốc và than nhiệt của Australia, nhưng về lâu dài, những khó khăn thực tế khi thực hiện có thể khiến Chính phủ Trung Quốc buộc phải suy nghĩ lại về lệnh cấm này.

Sự thay thế tức thời

Theo Công ty phân tích năng lượng Mỹ S&P Global Platts, than từ Mông Cổ, quốc gia láng giềng phía Bắc với Trung Quốc, là sự thay thế tức thời cho than Australia, trong khi các nhà cung cấp khác như Mỹ, Nga hay Canada ở quá xa, không có khả năng đáp ứng nhu cầu gia tăng trong ngắn hạn.

Nhưng trong khi người tiêu dùng ở miền Bắc Trung Quốc sớm có thể chuyển đổi nguồn cung, thì người tiêu dùng ở miền Nam sẽ gặp khó khăn hơn vì hậu cần và chi phí vận chuyển. Điều này có thể buộc nhiều người phải phụ thuộc vào than nội địa đắt tiền hơn nếu họ không tiếp cận được hàng nhập khẩu của Australia.

Cho đến nay, lệnh cấm nhập khẩu than Australia của Bắc Kinh đã tương đối thành công với việc các nhà nhập khẩu đã chuyển đối tác ở các nước khác Australia. Nếu có thêm các giải pháp hiệu quả về chi phí, các nhà phân tích kỳ vọng nhu cầu về than Mông Cổ sẽ tăng lên.

Nhà phân tích Jeffery Lu và Yile Weng của S&P Global Platts nhận định: “Điểm sáng hiện nay là Mông Cổ, nơi có chất lượng than cốc tốt có thể thay thế. Mông Cổ đang tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc và hiện mỗi ngày khoảng hơn 1000 xe tải chở than qua biên giới hai nước”.

Trung Quốc cấm cửa than Australia, than Mông Cổ lập tức 'chiếm sóng'
Một xe tải chở than bị đổ trên đường tới Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Giành lại vị trí nhà cung cấp hàng đầu

Việc bán được ngày càng nhiều than có thể khiến Mông Cổ lấy lại vị trí là nhà cung cấp than hàng đầu cho Trung Quốc, đặc biệt là than cốc được sử dụng để sản xuất thép. Mông Cổ đã bị tuột khỏi vị trí dẫn đầu hồi đầu năm nay sau các đợt phong tỏa và đóng cửa biên giới do đại dịch Covid-19 khiến tụt giảm sản lượng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Theo S&P Global Platts, các công ty than từ Australia đã chớp lấy thời cơ lấp đầy sự thiếu hụt và xuất khẩu nhiều than cốc sang Trung Quốc cho đến khi lệnh cấm xuất hiện.

Simon Wu, nhà phân tích thị trường hàng hóa của Tập đoàn tư vấn CRU, cho biết, mối quan hệ chính trị bền chặt giữa Trung Quốc và Mông Cổ cũng là yếu tố ủng hộ người tiêu dùng Trung Quốc sử dụng than Mông Cổ.

Trung Quốc và Mông Cổ đang tăng cường thương mại song phương sau khi Ulan Bator đồng ý cắt giảm thuế đối với 366 loại hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, bao gồm thủy sản, rau quả và các sản phẩm hóa học vào tuần trước khi nước này gia nhập Hiệp định Thương mại châu Á-Thái Bình Dương (APTA).

Đồng thời, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Mông Cổ sẽ được giảm thuế “có đi có lại” theo thỏa thuận và nói thêm rằng, việc Mông Cổ gia nhập APTA có thể mở ra nhiều cơ hội hơn cho các dự án Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Khó khăn với phía Nam Trung Quốc

Tuy nhiên, các nhà máy thép phụ thuộc nhiều vào than cốc Australia trước đây sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn khi hiện chỉ có than cốc Mông Cổ được cung cấp rộng rãi.

“Than cốc của Mông Cổ đã được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, đặc biệt là bởi các nhà máy thép Hà Bắc (ở miền Bắc Trung Quốc). Tuy nhiên, các nhà máy thép phụ thuộc nhiều vào than cốc Australia trước đây sẽ phải suy tính lại trong bối cảnh hiện nay”, ông Simon Wu đánh giá.

Theo ông Deepak Kannan - chuyên gia về than nhiệt của S&P Global Platts, với một số công ty ở miền Nam Trung Quốc, nhập khẩu than nhiệt từ các quốc gia khác sẽ là lựa chọn tốt hơn là dựa vào Mông Cổ hoặc các nguồn trong nước, đặc biệt bởi giá thành thấp và hậu cần dễ dàng hơn. Hàng hóa đi bằng đường biển có thể được chuyển thẳng đến các cảng phía Nam Trung Quốc trong khi than vận chuyển bằng đường sắt từ Mông Cổ và các khu vực khác của Trung Quốc có thể bị chậm trễ do tai nạn và giao thông đông đúc trên các tuyến đường vận tải chính.

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Người Việt tại Mông Cổ chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung bị lũ lụt

 Với tinh thần thương người như thể thương thân, ngày 24/10, tại thủ đô Ulan Bator, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ đã tổ chức phát động quyên góp, ủng hộ để chia sẻ với đồng bào miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt trong thời gian qua.

ra mat ban lanh dao hoi huu nghi venezuela viet nam
Đại sứ Đoàn Thị Hương kêu gọi cộng đồng người Việt, các chủ doanh nghiệp cùng chung tay, góp sức chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung ruột thịt đang chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt.

Tham gia buổi phát động quyên góp có toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đại diện Cộng đồng người Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, các chủ doanh nghiệp Việt Nam và nhiều người Việt Nam đang làm ăn sinh sống, học tập tại Mông Cổ.

Tại lễ phát động quyên góp, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Đoàn Thị Hương đã thông báo nhanh những thiệt hại về người và tài sản của đồng bào do mưa lũ đã và đang diễn ra tại một số tỉnh miền Trung; nêu bật những cố gắng, nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả; những tấm gương hy sinh dũng cảm, những nghĩa cử cao đẹp của các nhà hảo tâm… giúp nhân dân miền Trung vượt qua khó khăn.

Đại sứ nhấn mạnh, hậu quả thiệt hại do mưa lũ của đồng bào ta tại miền Trung hết sức nặng nề. Nhiều ngôi nhà bị ngập nước, sập đổ; giao thông bị chia cắt, nhiều ngôi làng bị cô lập. Người dân trong vùng mưa lũ gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về lương thực, nước sạch, thuốc men, quần áo; các cháu học sinh thiếu sách vở, đồ dùng học tập… Đặc biệt, nhiều gia đình mất đi người thân - đó là nỗi đau không gì bù đắp được.

Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống đạo lý đoàn kết, thương yêu đùm bọc nhau những lúc hoạn nạn, khó khăn, “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Trên tinh thần đó, Đại sứ đề nghị mỗi cán bộ nhân viên Đại sứ quán ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương; kêu gọi các doanh nghiệp, cộng đồng người Việt tại Mông Cổ cùng chung tay, góp sức chia sẻ với thiệt hại của bà con miền Trung bị thiệt hại...

Nhân dịp này, Đại sứ Đoàn Thị Hương gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ và những gia đình có thân nhân bị chết, mất tích trong đợt mưa lũ vừa qua.

ra mat ban lanh dao hoi huu nghi venezuela viet nam
Đại diện BCH Hội người Việt, các chủ doanh nghiệp Việt Nam tại Mông Cổ đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung

Phát biểu tại buổi lễ phát động quyên góp, ủng hộ, ông Nguyễn Huy Tuấn – Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Mông Cổ khẳng định, mặc dù số lượng người Việt tại Mông Cổ chỉ có hơn 300 người, nhưng luôn đoàn kết, hướng về quê hương, đất nước; Ban chấp hành Hội sẽ thông tin sâu rộng về tổn thất do thiên tai của đồng bào miền Trung để vận động mọi người ủng hộ chia sẻ với thiệt hại, khó khăn của đồng bào ta.

“Ngay sau lễ phát động, cộng đồng người Việt tại Mông Cổ đã ủng hộ số tiền xấp xỉ 110 triệu đồng Việt Nam. Tất cả cán bộ, nhân viên Đại sứ quán ngoài việc ủng hộ 1 ngày lương theo phát động, mỗi người còn ủng hộ từ 100 USD đến 300 USD. Đại sứ quán đã cử bộ phận thường trực, tiếp tục tiếp nhận sự đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm để gửi đến đồng bào miền Trung. Và danh sách ủng hộ sẽ được niêm yết, thông báo công khai”, Đại sứ Đoàn Thị Hương cho biết.

Thay mặt những người dân bị thiệt hại, Đại sứ Đoàn Thị Hương gửi lời cảm ơn đến cộng đồng người Việt Nam, các doanh nghiệp tại Mông Cổ và hứa sẽ chuyển số tiền ủng hộ trên đến người dân bị thiệt hại sớm nhất. Đại sứ mong rằng, cùng với sự chung tay góp sức của đồng bào trong, ngoài nước, bà con ta sẽ sớm vượt qua khó khăn để sớm ổn định cuộc sống.

ra mat ban lanh dao hoi huu nghi venezuela viet nam
Ngay sau lễ phát động quyên góp, ủng hộ để chia sẻ với đồng bào miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt, cộng đồng người Việt tại Mông Cổ đã ủng hộ số tiền xấp xỉ 110 triệu đồng Việt Nam.

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI MÔNG CỔ ỦNG HỘ ĐỒNG BÀO MIỀN TRUNG BỊ LŨ LỤT

 Ngày 22/10/2020, ĐSQ Việt Nam tại Ulan Bato đã kêu gọi ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt miền Trung.


Theo đó, BCH Cộng đồng người Việt tại MC phát động phong trào quyên góp từ các tổ chức, cá nhân cộng đồng để giúp đỡ đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Sau đó, ĐSQ sẽ tổ chức tiếp nhận các khoản quyên góp để gửi về nước theo quy định của Chính phủ.

Thời gian tiếp nhận quyên góp : Thứ Bẩy, ngày 24/10/2020




Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Mông Cổ trong vòng xoáy 'tam quốc'

 Với dân số hơn 3,2 triệu người, Mông Cổ chật vật giữa cuộc đua tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc, Nga và Mỹ.

Thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 /// AFP
Thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19
Các động thái của Trung Quốc, Nga và Mỹ ở lục địa Á - Âu đặt chính phủ Mông Cổ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nhưng vẫn cố giữ lập trường trung lập với chiến lược “nước láng giềng thứ 3”, theo tờ South China Morning Post.

Dè dặt trước Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

Hình ảnh Mông Cổ trong cuộc đua tranh giành sức ảnh hưởng của các nước lớn được thể hiện rõ qua vai trò “quan sát viên” trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vốn là một liên minh chính trị, kinh tế và an ninh lục địa Á - Âu.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov hồi tháng 7 kêu gọi Mông Cổ làm thành viên chính thức của SCO, tuy nhiên ông khẳng định Nga không có ý định gây ảnh hưởng đến sự lựa chọn của Mông Cổ.
Các nhà phân tích nhận định Mông Cổ lo ngại việc gia nhập SCO sẽ bị chỉ trích là chống phương Tây, đe dọa mối quan hệ của nước này với Mỹ lẫn phương Tây. Chuyên gia Mendee Jargalsaikhan thuộc Quỹ châu Á - Thái Bình Dương (Canada) cho rằng với danh tiếng “chống lại phương Tây” của SCO, Mông Cổ khó có thể sớm hành động theo lời kêu gọi từ Nga.

“Tam quốc” tranh giành sức ảnh hưởng

Đang giữ ghế Chủ tịch SCO năm nay, Nga muốn chào đón Mông Cổ làm thành viên chính thức SCO vì quân đội Mông Cổ nhận vũ khí, tập trận chung thường niên với Nga kể từ năm 2008, theo chuyên gia Dmitry Stefanovich tại Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế (Nga).
Nga đồng thời thúc đẩy việc mở rộng SCO, bao gồm tái cân nhắc nỗ lực xin làm thành viên của Iran. “Những động thái này cho thấy Nga muốn giữ vị thế dẫn đầu trong SCO, cùng lúc làm giảm sức ảnh hưởng và quyền lực mềm của Trung Quốc trong tổ chức này”, chuyên gia Raffaello Pantucci tại Viện Nghiên cứu RUSI (Anh) nhận định.
Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác và kêu gọi Mông Cổ gia nhập SCO kể từ khi ông Khaltmaagiin Battulga nhậm chức tổng thống hồi năm 2017, theo AFP. Chuyên gia Pantucci cho rằng Trung Quốc cũng muốn Mông Cổ là thành viên SCO nhằm loại trừ “khuynh hướng nghiêng về phương Tây”. Bên cạnh đó, Bắc Kinh lo ngại Mông Cổ có thể trở thành cơ sở để phương Tây “can thiệp hoặc thúc đẩy nền dân chủ ở sân sau của Trung Quốc”, theo ông Pantucci.
Tuy Mỹ không quan tâm nhiều đến SCO, nhưng Washington muốn Mông Cổ duy trì thể chế dân chủ và tăng cường mối quan hệ với các quốc gia khác, nhất là tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo chuyên gia Alicia Campi thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Chuyên san Nikkei Asian Review đánh giá SCO chưa đủ sức hấp dẫn để Mông Cổ phải quyết định gia nhập. Theo ông Campi, sức ảnh hưởng của SCO đã bị suy giảm do không có quy tắc rõ ràng nhằm bảo vệ thành viên về mặt chính trị lẫn quân sự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Do đó, Mông Cổ vẫn giữ vai trò “quan sát viên” của SCO suốt 16 năm qua, tiếp tục duy trì chính sách “nước láng giềng thứ 3” và nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác với các nước phương Tây. Bên cạnh Nga, Trung Quốc, các quốc gia được Mông Cổ xem là “láng giềng thứ 3” bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU) và Hàn Quốc.
Được thành lập năm 2001, SCO ban đầu bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, sau đó Ấn Độ và Pakistan gia nhập năm 2017. SCO có 4 quốc gia tham gia với vai trò “quan sát viên” là Afghanistan, Belarus, Iran, Mông Cổ và 6 đối tác đối thoại gồm Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Nepal, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài những cuộc tập trận chung chống khủng bố và mối đe dọa an ninh khác, các quốc gia thành viên SCO còn hợp tác để giải quyết nạn buôn bán ma túy và đảm bảo an ninh mạng.

5 trải nghiệm tuyệt vời bạn nên thử khi đi du lịch Mông Cổ


VOV.VN - Mông Cổ - đất nước của vó ngựa thảo nguyên là điểm du lịch lý tưởng cho những ai đam mê khám phá điều mới lạ. Thời điểm đẹp nhất trong năm để đến Mông Cổ là từ tháng 6 đến tháng 8. Còn các khoảng thời gian khác trong năm thì thời tiết rất lạnh về mùa đông và rất nóng nực vào mùa hè. 

Ngủ và ngắm sao trên sa mạc Gobi

Nếu bạn cảm thấy mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày lặp đi lặp lại thật bí bách và gấp gáp thì hãy thử ngắm những vì sao trên sa mạc Gobi của Mông Cổ để tìm lại cảm giác thư thái cho tâm hồn.

Sa mạc Gobi là sa mạc lớn nhất ở châu Á và nằm ở phía Nam của Mông Cổ, giáp với Trung Quốc. Mặc dù mất hơn 10 tiếng đi ô tô từ thủ đô Ulaanbaatar để đi tới sa mạc Gobi và bạn sẽ thấy khá mệt nhưng rất đáng để bạn thử nghiệm hành trình này.

Bạn có thể chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và huyền bí của sa mạc Gobi chẳng hạn như chẳng hạn như vách đá đỏ Baryangjak, hẻm núi Yolingam và sa mạc cát Honggorin Els. Hãy chụp những bức ảnh để đời với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp vào ban ngày và chìm vào giấc ngủ khi ngắm những ngôi sao như sa xuống trên bầu trời trong vắt vào ban đêm.

Tắm suối nước nóng ở Chengher

Chengher nằm ở trung tâm của lãnh thổ Mông Cổ, bạn có thể kết hợp tham quan Chengher cùng với sa mạc Gobi hoặc hồ Hobbsgul. Chengher là khu vực có bồn tắm suối nước nóng ở giữa đồng cỏ và bạn có thể vừa tắm vừa hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn. Nơi đây cũng nổi tiếng là khu vực chữa bệnh, trị liệu của người dân địa phương Mông Cổ.

Đến Chengher, bạn có thể ở trong khu nghỉ dưỡng, tắm suối nước nóng thoải mái để giải tỏa những mệt mỏi tích tụ trong chuyến đi dài. Ngoài ra, bạn có thể lên kế hoạch cho một lịch trình nhàn tản khi dành thời gian nằm trên ghế tắm nắng, ngắm nhìn đồng cỏ vào ban ngày và  chiêm ngưỡng những vì sao vào ban đêm.

Bơi ở hồ Hobbsgul

Hồ Hobbsgul nằm ở phía Tây Bắc của Mông Cổ và tiếp giáp với biên giới Nga nên được gọi là “hồ chị em” cùng với hồ Baikal ở Nga. Hobbsgul là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất châu Á với tổng chiều dài 136km, trải dài với những khu rừng và khung cảnh thiên nhiên đồng cỏ tuyệt đẹp.

Nếu bạn đến hồ Hobbsgul, hãy bơi lội và cưỡi ngựa vào ban ngày. Đêm xuống, bạn dành thời gian yên tĩnh ngắm những vì sao khi ngủ trong những ngôi nhà bằng gỗ thông hoặc lều Yurt truyền thống của người Mông Cổ. Vào sáng sớm, bạn thức dậy và đón bầu không khí trong lành với những cây thông bao quanh hồ với cảm giác thật sảng khoái, thư giãn.

Mua sắm và ăn uống ở thủ đô Ulaanbaatar

Ulaanbaatar là thủ đô của Mông Cổ và có sân bay quốc tế Thành Cát Tư Hãn. Đây là điểm đến không thể bỏ qua nếu bạn đi du lịch Mông Cổ. Không giống như lãnh thổ Mông Cổ rộng lớn, trung tâm thành phố Ulaanbaatar nhỏ và dễ đi bộ; có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như đền thờ, bảo tàng lịch sử tự nhiên tập trung xung quanh quảng trường Sukhbatar.

Còn có rất nhiều nhà hàng Mông Cổ ở khu vực xung quanh quảng trường, để bạn thưởng thức các món đặc sản của nơi đây. Ví dụ như món thịt hầm đá Horhog – món ăn đặc trưng của người Mông Cổ với nguyên liệu chính là thịt cừu và rau; món bánh bao Buuz làm từ nhân thịt bò và thịt cừu. Bạn cũng nên thưởng thức Suutai tsai - một loại trà truyền thống của người Mông Cổ.

Quà lưu niệm phổ biến nhất ở Mông Cổ là các sản phẩm từ vải cashmere nổi tiếng mềm mượt, bền đẹp. Bạn có thể mua quần áo làm từ 100% cashmere với giá rẻ, nhưng hãy nhớ là đảm bảo đủ chỗ cho hành lý của mình đấy.

Cưỡi ngựa ở Công viên quốc gia Terelj

Công viên quốc gia Terelji là một điểm du lịch tiêu biểu ở ngoại ô Ulaanbaatar, nơi bạn có thể thực hiện chuyến đi trong ngày từ Ulaanbaatar đến đây. Vườn quốc gia Terelji đã được chọn là di sản thiên nhiên thế giới, nơi đây có đồng cỏ rộng lớn với những ngọn núi đá tuyệt đẹp và cánh rừng rậm xanh rì.

Đến đây, bạn vừa có thể trải nghiệm cưỡi ngựa, vừa có những trải nghiệm tuyệt vời khi đắm mình vào khung cảnh thiên nhiên hoang sơ chưa có bàn tay con người chạm đến. Vào buổi chiều, bạn có thể leo lên núi Turtle Rock -  một thắng cảnh của Vườn Quốc gia Terelji để ngắm toàn cảnh nơi đây. Nếu bạn xuống vào lúc chiều muộn và thong thả cưỡi ngựa thì có thể chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn cực kỳ lãng mạn buông xuống./.

 

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)