Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2009

Mongolia - Xứ sở của những thảo nguyên (Kỳ III)

 
Vinamon: Cùng đoàn với nhà văn Trần Nhương mà Vinamon giới thiệu trước đây, nhà văn Tô Đức Chiêu có bài viết theo góc nhìn riêng về đất nước, con người thảo nguyên rất tình nghĩa sau đây. Xin giới thiệu cùng các bạn.


Mỏ đồng lộ thiên

Gọi vậy vì thành phố ra đời cùng với mỏ đồng Ardenet. ấy là vào những năm đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước khi các chuyên gia Mongolia và Liên Xô phát hiện ra trữ lượng đồng lớn và bắt tay vào công việc khai thác. Quặng đồng hoàn toàn lộ thiên. Chỉ cần bóc lớp đất đá phía trên là đã tới mỏ.
Người ta nói rằng một ông già Mongolia đi chăn cừu chăn dê gì đó lần đầu tiên thấy những khối đá phát sáng đã gọi đây là ngọc chứ không phải đá. Quả núi ấy được đặt tên ngay là núi Ngọc. Điểm khai thác ấy giờ đây cũng có tên là mỏ Ngọc.
Đoàn nhà văn Việt Nam được bố trí tới thăm mỏ Ngọc vào một buổi sáng. Sau khi công an bảo vệ kiểm tra rất kỹ giấy tờ và lời giới thiệu của Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Arkhon, xe vào khu mỏ. Một kỹ sư làm việc lâu năm ở đây mang ra năm chiếc mũ thợ mỏ, xin phép chụp lên đầu từng người, rồi lên xe dẫn đường đưa đi tham quan luôn.
Tôi đã tới mỏ than Cọc Sáu ở Quảng Ninh, đã thăm các công trường khai thác của Công ty than Đông Bắc, giờ đây tới mỏ đồng Ardenet của Mongolia, tôi thấy quy trình lấy quặng dường như không khác nhau lắm. Những xe tải hun hút dưới lòng moong chở nặng lao lên và những cần cẩu thả gầu xúc làm việc nhịp nhàng. Trong phòng điều hành, kỹ sư D.Suoo tốt nghiệp đại học ở Ulanbato và 21 năm trong nghề theo dõi qua màn hình điện tử hoạt động của từng xe tải, xe xúc.
Xe nào chở quá quy định đều được cảnh báo. Xe nào chạy chậm tiến độ đều được nhắc nhở. Xe nào vượt chỉ tiêu thời gian không cần thiết đều được lệnh dừng lại. Toàn bộ vùng khai thác mỏ Ngọc được thu lại trên màn hình và sự điều chỉnh tiến độ cũng diễn ra qua làn sóng điện.
Nhà văn Hoàng Minh Tường vốn nhanh nhạy phát hiện ra hai khối đá tựa như hai cót thóc lớn của nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ ngày xưa ở ngay đầu chóp núi. Anh vừa gọi vừa nhanh nhanh bước tới: Đồng đây rồi! Đồng đây rồi! Mọi người bám theo và đúng là hai khối quặng nguyên vẹn đã được người ta đưa lên đây coi như một biểu tượng giới thiệu với các vị khách tham quan.
Đá vẫn là đá nhưng mà thớ quặng dày chi chít tạo thành đường vân ngoằn ngoèo bắt sáng óng ánh. Khối đá bên cạnh xanh lét vì đồng bị oxi hóa qua tháng ngày mưa nắng. Ông già chăn cừu năm xưa phát hiện ra mỏ Ngọc chắc chắn cũng là lần đầu tiên trong đời nhìn thấy tảng đá óng ánh phát sáng thế này. Kỹ sư hướng dẫn giới thiệu đây là một trong mười mỏ đồng lớn nhất thế giới, lập tức một thành viên trong đoàn hỏi:
- So với Chile thì thế nào?
Vị kỹ sư được đào tạo ở Liên Xô trả lời bằng tiếng Nga:
- Mỏ đồng Ardenet thuộc loại “đàn em” của Chile. Nhưng Mongolia còn có mỏ đồng ở phía nam sa mạc Gôbi trữ lượng lớn gấp năm lần mỏ đồng này cùng với một số mỏ ở nơi khác. Mỏ đồng Ardenet được tiếp tục khai thác trong vòng ba mươi năm nữa với sản lượng hàng năm là 27 triệu tấn quặng.
Tiền bán quặng ở đây chiếm ba mươi phần trăm ngân sách toàn Mongolia. Đầu tiên nó là liên doanh với Liên Xô. Mongolia có tỉ trọng đầu tư năm mươi mốt phần trăm và Liên Xô có tỉ trọng đầu tư bốn chín phần trăm. Giờ đây liên doanh được mở rộng hơn nhiều.
Thành phố Ardenet

Sự ra đời của mỏ đồng dẫn đến sự ra đời của thành phố Ardenet và nhanh chóng trở thành một trong ba thành phố lớn nhất Mongolia. Cả tỉnh Arkhon có 84.000 dân thì 56.000 người sống tại các chung cư và nhà riêng trong thành phố Ardenet còn lại sống rải rác lều trại trên thảo nguyên mênh mông. Đường sắt sang Siberia của Nga cũng đi qua nơi đây.
Nhiều doanh nghiệp mọc lên và đáng kể là nhà máy thảm len, nhà máy sợi, nhà máy dệt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp đoàn thân mật và biết rằng tiếng Nga khá gần gũi với khách nên thỉnh thoảng ông lại nói tiếng Nga.
- Tôi học kinh tế ở Iếcut và tốt nghiệp năm 1982. Tôi cũng đã sang Việt Nam nghiên cứu về các khu chế xuất và khu công nghiệp. Tối hôm qua, theo dõi trên Đài Truyền hình Mongolia tôi đã thấy các anh và giờ đây rất vui mừng được gặp trực tiếp! – Rồi ông chìa tay ra và nói vui – Chúng ta là bạn cũ mà!
Ông say sưa giới thiệu:
- Tỉnh Arkhon nói chung và thành phố Ardenet nói riêng có hai biểu tượng về kinh tế là đồng và dệt. Mời các nhà văn Việt Nam tham quan cả hai nơi đó dù tôi biết thời gian đối với các anh là quá khắt khe.
Trở lại mỏ đồng, sau khi thăm xí nghiệp tuyển quặng cùng vài ba phân xưởng khác, đoàn nhà văn Việt Nam được đưa tới Erdmin Co, liên doanh giữa Mongolia, Nga và Mỹ. Phương pháp khai thác tiên tiến cùng với kỹ thuật mới được áp dụng nơi đây. Tạp chất bỏ đi ở xí nghiệp bên kia chất thành núi song rất có thứ tự chứ không phải là chở đâu đổ đấy. Mọi thứ đều thành hàng, thành lối, có lớp, có vỉa rõ ràng. Lẽ ra những thứ này vứt đi hoặc lát đường, lấp hố... nhưng ở đây một lần nữa nó được tận dụng.
Người ta phát hiện còn sót tỉ lệ đồng trong đó mà bỏ đi là phí phạm không thể tha thứ. Dòng nước nhân tạo hay cơn mưa axít pha loãng được tưới lên. Thành phần đồng gặp nước axít liền bị hòa tan và chảy vào lòng máng trôi xuống. Nước ấy được dẫn tới hệ thống máy móc của xí nghiệp liên doanh với Mỹ Erdmin Co. Qua một hệ thống sàng lọc, chế biến và nó cho ra một tấm đồng lá đỏ rực, rộng chừng một mét, dài hơn một mét, nguyên chất, hoặc những sợi dây to như dây thừng cuộn lại từng vòng. Thị trường nhiều nước đòi hỏi loại đồng này mà đâu có đủ bán!
Hai mươi giờ, mặt trời chưa lặn và hai mươi hai giờ, bóng đêm chưa chịu bao trùm. Kiến trúc Nga thời Xô-viết đậm nét trên mỗi phố phường. Cửa hàng Nga đâu đây và chúng tôi tìm đến mong được thưởng thức cốc kvat nhưng lại chỉ có dăm bông và xúc xích. Nhà nhiều tầng, lối vào ngay phía trước hay đầu hồi, cửa hai tầng thành khung cách nhau giữ nhiệt. Chỉ ít ngày nữa sẽ tới mùa đông. Rét như ở Siberia bên Nga.
Những cây bạch dương, cây phong còn xanh lá, nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ được khoác lên mình lớp tuyết trắng phau. Đi trên đường phố về đêm những ngày đầu tháng tám đã phải mặc áo len và quấn khăn quàng cổ. Ở khách sạn Elen, người ta đón chúng tôi bằng những câu nói líu ríu và S.Dashtsevel dịch lại:
- Thì ra tất cả đều là người quen. Chúng tôi nhận ra các vị hôm qua trên Đài Truyền hình quốc gia Mongolia.
Còn gì vinh dự hơn. Chúng tôi cảm ơn anh S. Dashtsevel và dịch giả Thúy Toàn đã tốn nhiều công sức tạo dựng thành công chuyến đi này. Người ta cẩn trọng yêu cầu khách trước khi lên tầng hai hãy cho giày vào những túi nilon để giữ gìn sạch sẽ các tấm thảm. Người ta mở phòng vệ sinh và phòng tắm, tôi hiểu đây chính là một chung cư thời xưa được cải tạo lại. Đúng là một Kva của Op thuộc Liên bang Xô-viết xưa. Người Mongolia đang khai thác những thành tựu hôm qua cho dù tới nay đã thành lạc hậu.
Tối hôm ấy, trưởng đoàn Thúy Toàn nằm dài trên giường và ngủ. Anh mệt. Thì ra ngựa phi trên thảo nguyên dù có như vũ bão vẫn tới lúc mệt. Nguyễn Khắc Phục và Trần Nhương phóng đi tìm cơ sở nối mạng Internet với em Hà hướng dẫn và phiên dịch. Anh S. Dashtsevel và chị Hoa chắc cũng mệt lắm rồi. Hoàng Minh Tường rủ tôi dạo bước trên đường phố và lại vào cửa hàng Nga khác.
Tường reo lên khi thấy những sản phẩm phục vụ làm sạch thân thể với hàng chữ Việt: Clear - mát lạnh bạc hà - trị gầu – ngăn rụng tóc, với Omo - đánh sạch vết bẩn. Người Mongolia dùng hàng ngoại nhiều. ở chùa Thiêng dưới chân núi Thiêng, anh em ta gọi là chùa Trình, Nguyễn Khắc Phục phát hiện thấy người ta dùng trầm Nepal, hương Ấn Độ, chè Trung Quốc và diêm Nga.
Còn tôi, dù đang bước trên công viên trung tâm thành phố Ardenet, nhìn bầu trời đầy sao, lại thấy những chấm sáng ấy bay bay như đàn cừu bị lùa về bãi hay đàn ngựa đang phi nước kiệu trên thảo nguyên.
Tô Đức Chiêu

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)