Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Bình Bạc


.
Nguyễn Ngọc Huân

Cùng khóa, Bình Bạc là thành viên cuối cùng tôi còn nợ. Nói theo Ngài Chu, cụu Thủ tướng Đại Hán, thì “Tháng ngày hối hả trôi qua, đời người ngắn ngủi,…” nên viết. Viết về bạn mình cho chút ep-phê, quả khó. Nhưng kỷ niệm chúng tôi với Bình Bạc thì rất nhiều nên tự nhiên thành lời.


Làm sao quên được cái hình ảnh trên sân ga Hàng Cỏ chiều ấy với bọc chanh xứ Lạng, cái vít cổ hôn vội vàng nên nó phát ra âm thanh “chút” một cái cảm giác như lướt qua gió thoảng trong cơn buồn chia tay da diết? Chắc độc giả còn nhớ. Nhìn cái dáng cục mịch của lão ai ngờ chứa đựng cái tình thơ mộng mà lãng mạn mãnh liệt vậy. Bây giờ, chuyện hôn nhau thành bình thường, chứ khi ấy, với chúng tôi, quả là động trời. Có chăng là dấm dúi, ai đủ can đảm mà phơi ra giữa bàn dân, thiên hạ.

Lúc mới sang Mông Cổ, tóc Bình cũng đen. Tự dưng thời gian sau bạc trắng, thành ra có húy: Bình Bạc. Có phải Bình nhớ em Tỉnh quá nhiều mà thành ra nông nỗi? Do nhớ quá mà bạc thì ối người, có khi cả bạn, cả tôi cũng nên, chứ đâu riêng mình lão. Chỉ Chúa Trời mới biết.

Bình nổi tiếng siêng năng. Siêng đánh răng, rửa mặt ngày 3-4 bữa sau mỗi lần ăn bất cứ gì đã đành, lão còn siêng dậy sớm, siêng tập thể dục buổi sáng, siêng đi chợ, nhất là siêng học bài. Lão có khả năng ngồi cả ngày cũng được. (Nhưng này ! siêng học nhiều có khi lại mụ cái đầu đi đấy.)

Bình có cái siêng nữa là viết thư cho em yêu. Lúc mới sang, cứ đều đặn mỗi tuần một lá thư gửi về cho người quê xứ “có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”. Kể ra nhiều người cũng chăm viết thư khi mới sang, nhưng chắc chỉ kéo dài vài tháng, nhiều lắm là năm đầu, rồi sau vui bạn, vui bè mà cái tình cảm nhớ nhớ nhung nhung kia cũng nhạt phai dần cùng năm tháng. Nhưng lão thì hết 7 năm luôn. Giả dụ thời gian còn kéo dài dăm năm nữa, tôi đoan chắc lão vẫn viết. 

Bình máu thể thao. Lão khoái nhất món túc cầu, chiều nào cũng là người đầu tiên xuống sân. Hầu như chưa bao giờ vắng mặt lão dù chỉ một trận. Người thấp, nhưng lão đá hậu vệ chắc chắn, ra vào hợp lý, cảm nhận bóng tốt. Có lần sinh viên ta đá với một đội Mông Cổ, ham đến cay cú, lão quét bóng, quét luôn cả tiền đạo to con của đội bạn đổ kềnh, hậu quả là thẻ đỏ. Hiền chứ đâu lành, các bạn?

Bình là tay điền kinh có tiếng. Có tiếng không phải vì lập kỷ lục 100m nước rút, hay vượt rào gì gì, mà vì siêng năng. Sáng thứ Bẩy, Chủ Nhật nào lão cũng làm một vòng quanh núi Zai-San có tượng đài chiến sỹ Hồng quân Xô Viết, miết thành có tiếng, đến mức, vào năm cuối lão được Hội Điền kinh nước bạn tặng cái bằng “Vận động viên điền kinh danh dự Mông Cổ”.

Chắc các bạn còn nhớ câu chuyện về người được giới thiệu làm cảm tình Đảng từ chối không nhận mà chúng tôi có dịp đề cập trước đây? Thì còn ai nữa. Chính lão! Có anh là Giám đốc Sở, bố mẹ tham gia cách mạng, đâu phải chuyện… Nhưng tính lão vậy: Chỗ nào thấy mùi bon chen là lão tránh.

Nhớ thời ấy nước mình khổ lắm, xin việc ngon vào chỗ này, chỗ khác hầu như đều phải chạy vạy. Lão chẳng cần. Có lần lão bảo chúng tôi:

-         Tớ đã sắm đủ bộ đồ nghề sửa xe đạp, xe máy rồi. Nếu không xin được việc, thì về sửa xe đạp, xe máy, chả sợ.

Mà thật, mấy đồ nghề ấy hắn đủ. Lỉnh kỉnh nào kìm chết, kìm sống, cờ-lê, mỏ-lết, tuyp vặn lớn, tuyp vặn nhỏ, tuốc-nơ-vít, bút thử điện…

Về tóc bạc thì có chuyện vui truyền khắp sinh viên thời đó. Chả là dịp hè 1981 lão về phép, mọi người tiễn chân và gửi lời thăm gia đình lão, đâu biết hắn về cưới vợ. Khi sang lão đùa rằng lúc ấy (người quê tôi quen dùng từ ấy để chỉ mọi thứ, tỷ như “ấy ơi, cho tớ ấy cái”, là vậy. Mong bạn đọc hiểu) lão bảo vợ “cái này là bác Công hỏi thăm, cái đây là chú Dư gửi. Rồi bác Triền, bác Tý, chú Đạt, bác Hùng Đen… đều có phần hết. Tức là ai hỏi thăm lão đều đã “chuyển hết cho tân nương” vào cái đêm tân hôn ấy.  Chẳng biết giáp ất gì chứ sau đó cỡ tháng, tóc lão đen trở lại, mà đen tuyệt đối mới lạ. Hóa ra khoa học vẫn còn nhiều khoảng trống mênh mông cần tìm hiểu thêm. Không biết chuyện ấy có thể xếp vào hiện tượng kỳ bí không nhỉ?

Bây giờ Bình đã là tỷ tỷ phú, có nhà Hà Nội cho con theo học phổ thông, đại học, tháng tháng đánh xe con rước quý tử về chơi quê Lạng , có nhà trong Sài Goòng để vào ra có nơi trú chân khỏi thuê hồ- theo cho tốn tiền.

Quả là cuộc đời !

Với ai, chứ với chúng tôi thì Bình Bạc – Vũ Văn Bình vẫn xù xì như xưa vậy.

Tp Hồ Chí Minh, tháng 4 năm 2010
.



1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chuyện tóc bạc không phải vậy. Lúc ấy Bình sướng quá mà quên béng đi, chẳng nhớ ai gửi gì. Chuyện kia là của ông Triền, Nam Định, chứ.

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)