Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2010

Vũ Văn Triền

.

Nguyễn Ngọc Huân


Cái bác Triền gốc Giao Thủy, Nam Định, người nhỏ thó, mất tay phải, còn tay trái, là một trường hợp đặc biệt, nổi tiếng trong sinh viên ta thời những năm bẩy mấy tám mươi thế kỷ trước.

 

Lúc mới sang, tưởng bác là thương binh chống Mỹ, thế nhưng không: cánh tay phải cụt đến khuỷu do bom Mỹ khi bác còn đang đi học trường làng.

 

Khuyết cái tay chủ lực, nhưng bác là dân bóng bàn có hạng về “cò cưa”, hàng mươi phút bóng qua lại mà không rơi. Quả tài. Đối thủ nào mà nóng mặt, thiếu kiềm chế hãy coi chừng, dễ mắc vào cái mưu bác cài sẵn, thua là cái chắc. Nói ai, chứ cánh tôi khi mới tập đánh đã có cái bài học ấy. Tưởng ngon, ỷ thế mạnh, cứ “tiu” đại là “toi” ngay.

 

Bác Triền hay nghĩ lắm trò đúng như cái cách tiểu dân Việt.

 

Tỷ như cái trò tung mươi lần tờ giấy vo viên mà đoán y chóc người ta viết gì bên trong nó.

 

Chẳng là hồi bác ở cùng phòng với lão Dư đồng hương, rồi nghĩ ra cái mẹo. Hòa “bệu” cả tin nên thách đố. Bác cứ thong thả tung miếng giấy vo viên lên rồi xuống. Thỉnh thoảng nó rơi xuống đất. Đã có lão Dư nhặt lên. Rồi tung tiếp. Sau độ vài mươi lần, thì bác dõng dạc đọc cái dòng mà Hòa Bệu viết. Không sai một chữ. Tài thật ! Tay Hòa Bệu  mặt tái xanh. Thế là mất toi mấy chai bia độ. " Làm sao mà "chúng" đoán ra được ?". Viết xong, vo tròn kỹ, thế mà "chúng" vẫn đọc được ! Hòa Bệu nghi ngờ, nhưng chẳng thể lật cược. Hóa ra là lừa, các bạn ạ. Trong lúc lão Dư lượm cái tờ giấy kia, tráo cái khác, rồi bí mật chuồn cho lão Đạt đem ra ngoài hành lang ung dung đọc cái nội dung viết ra giấy ấy, thì trong phòng mấy chục con mắt vẫn chăm chắm, không chút nghi ngờ.

 

Và nhiều trò na ná vậy. Nếu ông Nam Cao mà còn sống, không chừng sẽ viết thêm một chương về cái láu cá của dân ta cho tác phẩm “Chí Phèo” thêm sinh động cũng nên.

 

Nhưng vui nhất là trò đoán bạn ngồi bên mặc quần màu gì.

- Quần màu gì mà nhìn không ra, hở? Sẽ có người hỏi lại vậy.

 

Thưa rằng: Xin hãy bình tĩnh ! Cái quần mà bác và chúng ta nhìn thấy thì hỏi làm chi. Nói nhỏ nhé: cái underwear ấy.

 

Vì sức khỏe, Sứ quán đồng ý cho bác học ngoài Tổng hợp. Trong lớp Nga Văn, bác ngồi cạnh con bé Thôi-a cực xinh. Một lần, bác nghiêm mặt mà bảo: ”Hôm nay mày mặc quần màu hồng, phải không?”. Nó ngạc nhiên “Sao mày biết?”. Hôm sau bác lại vở cũ: ”Bữa nay màu đen?”. Nó cự: Sai bét, màu đỏ”. Bác không chịu, bắt nó vén váy cho xem, thì quả nó đúng.

 

Ai cũng cười. Cứ cho là có tý muối mắm, nhưng câu chuyện, nói theo ngôn ngữ các nhà nghiên cứu khoa học, có độ tin cậy ít nhất cũng 90%. Dân Mông đâu láu cá như mình, dễ tin lắm.

 

Bây giờ thì bác đã thành cựu giáo viên Nga hay Anh Văn của Giao Thủy, nghỉ hưu đâu năm kia, vợ con đề huề rồi.

 

Từ năm 1981 đến nay, kể như 30 năm không gặp lại. Cũng có đôi lần tôi Alo cho bác. Dù không gặp, nhưng tôi vẫn mồn một cái dáng nhỏ bé, trắng trẻo, khuôn mặt để hàng ria con kiến lưa thưa, nhưng thường xuyên được chăm chút tỉa tót và cặp kính cận sáng bóng của bác Vũ  Văn Triền ngày nào trên thảo nguyên giá lạnh nhưng ấm áp tình người...

 

TP Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2010


P/S: Ai có ảnh bác Triền gửi cho tôi 1 tấm.

 

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)