Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Мишик Багш - Thầy Mishik

.
Nguyễn Ngọc Huân

Thầy của chúng tôi nếu còn sống thì cũng đã trăm tuổi.


Những ai từng học Mông Cổ những năm 60-80 thế kỷ trước chắc đều là học trò Thầy cả.


Nhưng con người mảnh dẻ như thế, sức khỏe yếu như thế, mang trên 2 vai tình yêu lớn như thế, tình cảm chân thành như thế có còn đến hôm nay, được ?


Chúng tôi có nhiều kỷ niệm với các thầy, cô dạy tiếng Mông, đặc biệt với Thầy Mishik thì kỷ niệm nhiều, và khó quên.


Nếu so chỉ số trung bình người Mông thì Thầy thuộc tầm vóc nhỏ. Bù lại, Thầy nhanh nhẹn, thoăn thoắt và thoăn thoắt.


Mỗi đầu giờ học, chúng tôi thường tụ tập ở hành lang trước cửa lớp nói chuyện tùm lum về mọi thứ, cũng là cách rèn món Mông ngữ cho nó nhuần nhuyễn thêm. Nhác thấy bóng Thầy ở góc cua hành lang, cả bọn hối hả vào lớp. Chưa kịp kéo ghế ngồi thì Thầy đã hiện ra ở khung cửa cùng với tiếng chào “ Сайн байцгаана уу!”


Giọng Thầy khàn. Có phải do nóng lạnh chợt đến chợt đi ở xứ lạnh cứng tai, tê mũi hay là bởi những tháng năm tận tình chỉ bảo, uốn sửa cho từng người, cho từng lỗi nhỏ phải sử dụng thanh quản quá mức bình thường, gây nên ? Hay là do Thầy hút thuốc nhiều quá ? do sống nơi khí hậu sa mạc nên phải uống rượu nhiều ?


Cái cách Thầy hút thuốc cũng là một hình ảnh khó quên. Chúng tôi vẫn nhớ. Thầy rút một điếu, cắn bẹp chiều trên dưới, dùng ngón cái và ngón trỏ tay trái bóp 2 bên ống điều thuốc, rồi bật diêm châm thuốc, kéo một hơi dài, nhả làn khói trắng đục vào không trung. Mùi thuốc lá Mông Cổ khét, đậm, khó chịu kiểu như thuốc rê của người lao động Nam Bộ. Chúng tôi thử một lần mới nghiệm ra vì sao Thầy thường bóp bẹp 2 lần cán thuốc: nhờ chặn bớt khói thuốc hít vào mà người hút không bị sặc. Khi nghiện món nặng đô rồi thì người ta không màng đến thứ nhẹ hơn cho dù thứ xịn. Có người mời Thầy điếu BT là thứ sang của Bungary hồi đó, nhưng Thầy lắc đầu: “Thứ này ngon hơn


Thầy là một nhà sư phạm tuyệt vời. Các anh trước chúng tôi vẫn kể về cách Thầy giải thích cái từ “trung tiện” tiếng Mông Cổ. Chẳng ai hiểu cả. Thầy vẫn nhẫn nại giảng giải. Xem chừng kết quả rất hạn chế. Bỗng nhiên Thầy làm động tác bốc cái gì ở sau mông rồi đưa lên mũi các anh. Đến nước ấy thì kết quả thật bất ngờ, ai cũng hiểu.


Làm sao quên được cách Thầy đeo kính. Qua cặp kính lão trễ ngang mũi, Thầy cúi nghiêng đầu, nhìn học sinh phía trên cặp kính. Ấy là cái cách nhìn của người có tuổi, khi thị lực đã kém đi, tròng mắt không còn điều tiết như khi trẻ. Chỉ sau này đến tuổi chúng tôi mới hiểu cái cảnh phải đeo kính lão khổ thế nào, nên càng thương Thầy phải vắt kiệt không chỉ sức lực mà cả sức nhìn cho học sinh thân yêu.


Thầy cười sảng khoái. Tiếng cười của người đôn hậu, tiếng cười của người Cha cho nên nó truyền cho người ta những cái vui tươi, thư thái, xua đi những buồn phiền, lo âu cuộc sống. Tiếng cười của Thầy cũng khàn khàn như giọng nói Thầy.


Những lúc gặp nhau, chúng tôi thường nhắc về các thầy, cô nhưng nói nhiều hơn về Thầy.  Trong  lúc hàn huyên, ai đó đọc câu thơ:


Эрдэмтэн мэргэдийн ухааныг
Энгийн шавьдаа заасан
Эрэлхэг зоригт баатар
Энэ бол миний багш


Vâng, là Thầy chúng tôi đó.


Cách yêu Thầy của chúng tôi ngày ấy là kiểu “Kính nhi viễn chi” tức là yêu quý, tôn kính nhưng là từ xa. Nó khác hẳn cách yêu thầy thời nay lấy quà cáp, phong bì làm phương tiện để đạt mục đích, rồi dần dần “gần chùa gọi Bụt bằng anh” vốn quá quen thuộc ở nước ta.


Có lần, anh Đặng Ngọc Dư bộc bạch: “Tôi vẫn nhớ đến Thầy, qua bao năm tháng, khi thành công hay thất bại, lúc hạnh phúc hay gặp quá nhiều khó khăn. Tôi nghĩ về Thầy như nghĩ về một người bạn lớn, người đã cho tôi những bài học quý giá nhất của cuộc đời và tôi biết, tôi vẫn còn nợ Thầy mãi, nợ một lời cảm ơn


Có thể các thầy, cô đã quên chúng tôi. Biết bao thế hệ học trò rồi, người lái đò tận tụy làm sao nhớ hết khách sang sông ! Nhưng chúng tôi vẫn nhớ đến các thầy, cô đặc biệt Thầy Mishik, người đã cho chúng tôi không chỉ kiến thức, mà còn cho chúng tôi cả một tấm lòng, để rồi trong dòng chảy tấp nập của cuộc sống, Thầy mãi mãi là một tấm gương sáng cho chúng tôi vững tin hướng về phía trước.


Cầu mong Thầy Mishik còn sống khỏe mạnh !


2011 оны 1 дугээр сар


.

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)