Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

CHUYỆN QUÁN CHÁO LÒNG PHÚ AN (Phần 2)

CHUYỆN QUÁN CHÁO LÒNG PHÚ AN (Phần 2)
Tùng Lâm

Khu xóm mới lập của dân ngụ cư khắp nơi đến ở nằm trên con đường lầy lội, đầy ổ gà, ổ voi, mỗi lần khách qua đấy chẳng khác gì như bị tra tấn. Mặc dù chỉ một chặng đường ngắn là tới trung tâm thành phố, nhưng ít ai biết, cuộc sống của những người dân xóm Bà Hẻo lại im lìm vắng vẻ như vậy. Nó hoang sơ, quê kệch đến độ, lạc vào nơi đây, người ta tưởng quay về làng quê của ngày xưa xa lắc.
Tới được nơi này, khách phải qua những con đường ngoằn ngoèo hằn lốt bánh xe đạp. Hai bên đường lòa xòa các tàu dừa cạn, dừa nước như những bàn tay người làng quê vốn thường quý mến và níu kéo khách qua đường. Lẫn dưới tán dừa là các vạt cỏ Voi, cỏ Sả rậm rạp. Ban đêm, nhất là những ngày mưa, tiếng ễnh ương, tiếng cóc nhái lê thê, thảm thiết bản sầu ca không dứt.
Mấy chục năm sau ngày giải phóng, những ánh văn minh soi rọi mãi nơi nào chả biết, chỉ biết rằng, nơi này vẫn là chốn hoang sơ.
Người miền Trung, miền Bắc, người tứ xứ về đây mỗi năm mỗi đông. Có những chiều mưa, bọn trẻ con ở xó xỉnh nào ùa ra đường, trần trùng trục, té nước vào nhau, có đứa lăn long lóc bên các vũng nước ngầu đục.
Các nhà ở đây đều một kiểu. Mái lợp, và vách thưng đều bằng lá dừa; cột làm từ cây Đước. Vài nhà nằm bên mé đường bán mấy thứ tạp hóa lủng lẳng trước cửa những túi Snack, bịch Bỏng đung đưa theo các cơn gió lướt qua làm người ta liên tưởng về các miền quê xa xôi đâu ở tận Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh...
Hỏi thăm mãi cũng tới được khu đất chủ đang rao bán. Theo chỉ dẫn, từ đường cái qua một đoạn, rồi theo 2 quẹo trái, chúng tôi đến được cái nhà nằm bên con kênh đầy dừa nước. Cửa buộc một sợi dây dừa bện thành cái thừng chứng tỏ chủ nhà đi vắng. Cũng chẳng khó khăn gì nếu ta cởi dây thừng dừa kia để ngó vào trong. Một cái giường chỏng trơ, vài bộ quần áo treo sát vách, phía trên gian giữa nhà, chiếc bàn thờ tuyềnh toàng những nén nhang cháy dở...
Chú em đi cùng nhắc tôi, "Không có ai ở nhà, anh ạ", rồi ngó quanh xem vị trí khu đất. Rút điện thoại, tôi tính gọi cho chủ đất. Đang mải bấm số, bỗng tiếng phụ nữ cất lên sau lưng:
- Bác hỏi ai đấy ?
Giật mình vì có người lạ, tôi quay lại. Người này là chủ nhà ? Chị treo cái nón bên ngoài vách, cởi khăn trùm đầu, lấy tay quẹt những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt trắng bệch như người đói ăn lâu ngày. Cái giọng quen quen, cái dáng người ngờ ngợ hiện nhanh trong đầu tôi nhắc về một hình ảnh cũ nào đó.
Cả tôi và chị ấy cùng sững lại một chút. Nắng xiên qua kẽ lá dừa vạch lên khuôn mặt người phụ nữ những vệ sáng đong đưa.
- Bác...
Giọng chị ấy khẽ khàng, nhưng ngập ngừng trong cổ họng. Không để ý đến câu nói của chị, tôi đi ngay vào cái mục đích việc thăm viếng:
- Nghe nói nhà mình muốn bán mảnh đất này. Chị có phải là chủ không ? Vẫn phải dè dặt vì lần đầu tiếp xúc, nhưng sự ngờ ngợ như tăng dần trong tôi khi nhìn chị. Cái miệng cùng đôi mắt như đon đả chào mời khách hiện rõ dần trên khuôn mặt chị...
- Có phải ... chị Phú bán cháo lòng ở đường NTG, phường 11, quận Gò Vấp đấy hay không ? Không cầm được ngạc nhiên, và sau chút ngập ngừng, tôi buông câu liền mạch.
Chị ấy cũng đã nhận ra chúng tôi. Sự vui mừng xen chút lúng túng như người làm một công việc riêng tư, thầm kín bị phát giác. Nét tươi quen trên khóe miệng chị hiện ra. Đúng rồi, Phú đấy.
Phú vào nhà. Một lát, lấy ra 3 cái ghế nhựa, cái lành mời khách, cái cập kênh tự ngồi.
- Các bác mua đất à ? Rồi giải thích. Em không phải là chủ. Đất này là của bạn em đang cần vốn mở công ty nên rao bán. Có gì các bác cứ điện thoại hỏi trực tiếp. Em có số đây.
Sau khi trao đổi với chủ đất, tôi chủ động quay trở lại câu chuyện nãy giờ muốn hiểu rõ ngọn ngành.
- Ủa, sao đang bán hàng ngon lành lại về đây...
Tôi ngập ngừng. Vì thực ra cũng không biết tiếp tục câu hỏi ra sao nữa.
Như hiểu ý tôi, Phú nhìn ra hàng dừa đang đung đưa cành lá trước cửa, hít một hơi nhẹ, giọng khẽ khàng như hơi thở, kể về nguyên cớ phiêu bạt đến đây.
...
Anh ấy với em người làng, hơn em 9 tuổi, cùng học phổ thông với anh cả em. Đi nghĩa vụ 2 năm về, anh cưới vợ ở tỉnh H, rồi sống luôn quê vợ. Ở với nhau 5 năm mà không có con, đến năm thứ 6 thì chị có thai. Vợ chồng mừng lắm. Rủi thay, người vợ bị mất vì tai nạn giao thông, để anh một thân bơ vơ xứ người lạc lõng. Anh về quê.
Trong thời gian phổ thông em có yêu một anh cùng lớp. Chúng em hẹn ước sẽ yêu nhau trọn đời, ai phản bội sẽ bị quả báo. Tình yêu tuổi trẻ mãnh liệt như sắt như gang tưởng không gì phá vỡ đã gieo vào lòng em niềm tin về một tương lai tươi sáng. Năm ấy em thi trượt đại học, lòng buồn rười rượi. Bạn trai đậu Trường Kiến trúc lên Hà Nội học. Có phải cuộc sống phồn hoa nơi đô thị níu kéo hay không, chỉ biết 6 tháng sau, anh ấy nói coi em như người bạn đơn thuần, vì những lời hứa hẹn trước đây là của tuổi trẻ bồng bột, chưa chín chắn. Niềm hy vọng thoát khỏi lũy tre làng của bản thân và gia đình không đạt được, tình yêu tan vỡ làm em mất niềm tin cuộc sống. Em muốn đi đâu đó cho khuây khỏa, quên đi những buồn chán chứa chất trong lòng.
Rồi anh ấy đến. Anh cả và gia đình em đều đồng tình, sợ em lông bông dễ sa vào hư hỏng. Người ta cũng là đàng hoàng, số đứt quang gánh giữa đường bắt thì phải chịu, chứ nào ai muốn. Rồi đám cưới. Rồi hai thằng cu kế nhau ra đời.
Cuộc sống thôn quê khó khăn. Nhà bốn người chỉ tròng trọc trông vào vài sào lúa, không đói, nhưng mà làm cũng chỉ đủ đút vào miệng. Thế là chuyển vào Nam.
Mới vào, em chạy chợ. Mua Cầu Muối, bán chợ thôn. Anh ấy làm thuê cho quán cháo lòng của người bạn. Nhờ chăm chỉ, cần cù mà cuộc sống gia đình cũng đỡ hơn. Ơn giời phù hộ, và có bạn bè giúp, chúng em mở riêng quán. Và được như bác thấy đấy.
Phú chạy vào bếp đun thêm nước. Rồi quay ra châm vào ấm trà đã vơi quá nửa. Thứ trà ướp hoa Nhài át hết vị chè, toàn mùi hương nhè nhẹ chỉ hợp với khẩu vị của dân không nghiện chè. Rồi Phú tiếp:
- Nhưng chồng em anh ấy hay ghen lắm.
Phú bảo, em biết chồng em có tính ghen từ ngày mới cưới. Khi ấy, nghĩ là vì yêu em nên anh ấy hay ghen mà thôi, sau này, nó sẽ dần nguội đi. Những tưởng anh ấy đã quên chuyện cũ. Nhưng mà không. Những lúc buồn bực, sau khi uống một hai chén, anh ấy thường nhắc về chuyện cũ và bóng gió xa xôi về người yêu trước đây của em. Đến bây giờ dù 2 con đều lớn rồi mà chồng vẫn vậy. Anh thường tưởng tượng đủ thứ để nói em.
Một bữa nọ đang bán hàng, thì có một đoàn 3 người khách vào quán. Thật bất giờ, bạn trai cũ cũng đoàn ấy. Chúng em nhận ra nhau, và thực ra, cũng chỉ chào hỏi nhau theo phép xã giao thông thường. Vài câu hỏi thăm có tính đưa đẩy về quê xưa, trường cũ tưởng vô thưởng vô phạt cho qua chuyện.
Thế nhưng chồng em anh ấy đã để ý. Cuối giờ tối đóng của quán, chồng đem rượu ra uống, dù trước đó, đã làm một hai ly. Rồi tự dưng gây chuyện với em. Bao nhiêu dồn nén bấy lâu bục ra. Tự dưng, bị buộc tội đâu đâu vu vơ, em tức lên có nói qua nói lại. Không ngờ, sự ghen tuông vô cớ, và mùi men rượu ngất ngây làm người ta mụ mị, đưa họ vào tình trạng vô thức, bản năng. Anh ấy cầm dao đuổi em ra khỏi nhà. Anh nghĩ xem, người điên với con dao trong tay thì chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Thế là hai mẹ con lang thang từ hôm ấy. May là có người quen xây cái nhà để giữ đất chưa ai ở, thế là hai mẹ con có nơi tá túc.
Ngước lên, tôi thấy hai mắt Phú đã đỏ hoe từ bao giờ. Nắng xiên kẽ lá dừa quét từng vệt trên khuôn mặt trở nên nhàu nát từ khi nào của Phú. Đau khổ thay phận người phụ nữ rơi vào một hoàn cảnh buồn.
Tôi hỏi:
- Chuyện xẩy ra đã lâu chưa ?
- Dạ mới tháng trước, bác ạ.
Sắp trưa, chúng tôi đứng dậy chuẩn bị ra về.
Bỗng có đứa trẻ từ đâu sấp ngửa chạy Honda tới, hổn hển, ngắt quãng:
- Cô ơi, thằng Tiến bị tông xe ở ngoài lộ. Cô ra mau đi. Lên đây cháu chở, cô...
Quên cả chào khách, Phú tất tả ngồi lên xe đứa cháu. Tiếng xe nổ chát chúa, khói xăng bay mù mịt. Chiếc xe chở chị vụt khuất dạng sau những tàu lá dừa lòa xòa trên con đường mòn đầy lốt bánh xe đạp...
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)