Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

NHỮNG KỶ NIỆM VỚI HOÀNG VĂN LỘC

Từ trái qua: Ngô Giản Luyện (cùng lớp với Hoàng Văn Lộc), Tô Như Tuấn (Tuấn Lý), Phạm Phú Hòa (Hòa Lý), Nguyễn Văn Hùng (Hùng Đông Ky Sốt, đã mất), và Hoàng Văn Lộc


Hoàng Văn Lộc ở 106 Cửu Việt 2, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội, cạnh Đại học Nông nghiệp 1. Tới cổng ĐH Nông nghiệp 1 hỏi nhà anh Lộc con trai ông Bùi, thôn Cửu Việt là được chỉ tới nơi. Vùng ấy là làng cổ vẫn còn nhiều đường gạch, mái đình xưa, ngôi chùa cũ. Người Trâu Quỳ thanh lịch, tốt bụng, giầu lòng nhân ái.


Học xong lớp 10, năm 1972 Lộc qua Mông Cổ, có 2 năm dự bị, rồi vào Trường ĐH Nông nghiệp học Chăn nuôi.


Sang cùng khóa có các anh Hoàng Thế Luyện, Nguyễn Duy Thân, Nguyễn Văn Toán, và Ngô Giản Luyện. Vậy là, trong số họ, 2 người đã đi xa: Hoàng Thế Luyện (mất 2013) và Anh. Riêng anh Toán thì sau khi đi Nga không có tin tức gì.


Nghe kể lại nhiều chuyện. Vui nhất là Anh được giao trưởng lớp dự bị tiếng Mông được lĩnh trách nhiệm lau bảng hằng ngày với quyền lợi là sẽ có phụ cấp trách nhiệm. Có phải do có phụ cấp, hay bản tính quán xuyến, mà dù nóng lạnh, hay tuyết rơi, mưa đổ, Lộc chăm lau bảng lắm. Anh em đùa, "hôm nào lĩnh tiền nhớ khao nha". Lộc bảo, "thôi, để tớ mua cây đàn chơi chung". Nhiều tháng lần nữa, một bận Lộc hỏi Sứ quán thì được trả lời không có khoản đó đâu, đùa đấy.


Lộc chơi thể thao giỏi. Là tay đập bóng chuyền búa bổ, cây vợt bóng bàn trái tay có hạng trong sinh viên và ở Viện Chăn nuôi. Năm 1986, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Viện, chúng tôi và Lộc được tham gia đội tuyển bóng chuyền Viện Chăn nuôi thi đấu với nhiều đơn vị.


Chuyên môn Lộc vững. Lộc tham gia và chủ trì  rất nhiều đề tài khoa học về gia cầm. Nhiều người sử dụng các số liệu từ đề tài Lộc để làm Nghiên cứu sinh, nhưng Lộc chỉ làm Thạc sĩ, kiên quyết không làm tiếp Tiến sĩ. Đâu thì khó, chứ dân Viện hầu hết đều TS. Lộc có điều kiện, có khả năng, nhưng do không màng danh nên bỏ. Ra trường về công tác chỉ 1 nơi, cả đời cống hiến cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


Từ Trâu Quỳ đến Chèm hơn 30 cây số, Lộc đi về hằng ngày. Thời mới về Viện, anh đi xe Cuốc, sau Java, sau này là Dream Việt Nam, dù nắng hay mưa, sớm tối 2 buổi đi về, kể cũng đáng nể.


Hồi 1988, Lộc cùng chúng tôi biệt phái vào Nam nuôi vịt theo chương trình phát triển chăn nuôi tại các tỉnh phía Nam. Chúng tôi 2 anh em có 5 tháng 14 ngày ở cùng nhà một người dân Kh'mer tên là Hai Song tại ấp Trường Lộc, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng. Dù là người Hà Nội GỐC, nhưng dân Nam rất khó nghe khi Lộc cứ nheo mắt, lắp bắp mãi mới xong câu. Kỷ niệm này, chúng tôi có chép lại trong bài HAI SONG(*) đăng đâu đó.


Ngày 28/5/2017, nhân chuyến công tác tại Hưng Yên, Hà Nội, nghe tin sức khỏe anh giảm, có ghé thăm nhà anh ở Trâu Quỳ, gặp bố mẹ anh, vợ anh (cựu giáo viên cấp 3) thấy tình cảm nồng hậu của một gia đình nền nếp, giàu truyền thống. 

Hình chụp hôm chúng tôi thăm nhà anh Lộc, 28/5/2017

Cách nay mấy tuần, Thao - em trai Lộc - thông tin gia đình vừa làm 100 ngày cho thân phụ, mà nay chịu thêm tổn thất nữa. Thật là "Phúc bất trùng lai..."


Quanh đi quẩn lại, mới nghỉ chế độ 7 năm, chưa kịp hưởng nhiều thú an nhàn, bỗng đà lìa cõi tạm. Ôi, đời người thật quá vô thường!


Lộc đi trước nhé...


-------------------

(*) Xin xem tại https://motthoimongolia.blogspot.com/2016/06/hai-song.html

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)