Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Chuyện về một người cha


 Nguyễn Quế Côi

Một lần tôi dạo chơi cùng bạn gái trong công viên Nadam ở thủ đô Ulanbator. Chúng tôi len lỏi giữa các bụi cây để tìm rau mã đề về cải thiện bữa ăn. Em hăng hái tìm vì tôi nói là để làm thuốc chữa nóng. Được một nắm to tôi cho vào cặp sách và chúng tôi ngồi nghỉ trên ghế đá. Bổng tôi nhìn thấy một cặp vợ chồng người Mông cổ đi dạo chơi cùng 5 đứa con. Điều kỳ lạ là 3 đứa tóc đen còn 2 đứa tóc vàng. Tuổi chúng sàn sàn nhau. Tôi thầm cảm phục người chồng và nảy ý định trêu bạn gái. Tôi nói với em:


-         Tuya, em xem 5 đứa trẻ kìa. Tại sao cùng bố mẹ mà chúng khác nhau thế?
Biết tôi trêu, em nhìn tôi tỏ vẻ không hiểu:
-         Khác gì cơ ? Chúng cũng có tay, chân, mắt, mũi như nhau mà. Em hỏi lại tôi.
Không đợi tôi trả lời em nói:
-         Các anh đàn ông hay suy luận lung tung lắm. Đấy là người quen của em. Để em giới thiệu anh với gia đình họ nhé.
Chẳng cần xem tôi có đồng ý không em kéo tay tôi chạy theo vợ chồng đó. Đến nơi em chào rõ to:
-         Em chào Anh chị ạ! Anh chị đưa các cháu đi dạo chơi đấy à?.
-         Oh, Tuya. Hôm nay em nghỉ học à? Bạn trai em đấy à?. Vợ chồng người đó hỏi thăm bạn tôi liên hồi.
-         Vâng. Giới thiệu với Anh chị đây là bạn em. Anh ấy là sinh viên Việt nam. Hôm nay em được nghỉ học cho nên chúng em cùng nhau đi xem phim. Bạn em ngạc nhiên không hiểu sao các con anh lại không giống nhau. Anh có thể giải thích cho bạn em được không?. Tuya hỏi.
-         Được thôi. Anh trả lời.
Tôi thực sự cảm thấy xấu hổ. Mặt tôi đỏ bừng. Anh hiểu ý và vỗ vai tôi nói:
-         Không có vấn đề gì. Anh cũng vài lần bị hỏi về việc này rồi. 
Tuya vượt lên đi với lũ trẻ và chị vợ. Tôi cùng anh chồng dạo bước theo con đường đầy hoa lá trong công viên. Anh đã kể cho tôi nghe chuyện về cuộc đời anh và những đứa trẻ con anh.
“...Tôi là kỹ sư mỏ địa chất tốt nghiệp tại Liên xô. Sau khi tốt nghiệp về nước tôi làm việc tại Bộ tài nguyên và Môi trường. Hàng năm chúng tôi thường tổ chức các chuyến khảo sát thăm dò khoáng sản. Mông cổ giàu tài nguyên lắm. Chúng tôi đã phát hiện nhiều mỏ than, sắt, đồng, vàng... kể cả mỏ uranium nữa. Tất cả để cho con cháu chúng tôi sau này. Điều đó là động lực để chúng tôi đi hàng tháng trời giữa đồi núi , sa mạc hoang vu không một bóng người tìm khoáng sản. Cách đây 8 năm chúng tôi tổ chức một cuộc thăm dò dầu khí tại tỉnh Gobi. Chúng tôi làm việc, ăn nghỉ tại chỗ. Sau một tuần lại về Trung tâm tỉnh mua hàng hóa, nhu yếu phẩm. Một lần trong chuyến về tỉnh mua hàng tôi nhìn thấy một chị đang co kéo hai đứa bé. Hai đứa bé không chịu đi cứ ngồi phệt xuống đường và khóc thảm thiết. Tôi dừng xe lại và hỏi chị nguồn cơn. Chị nói chị là bảo mẫu ở trường trẻ mồ côi. Hai cháu bé này mới vào trường được vài ngày. Tuy nhiên cứ chiều chiều chúng lại chạy ra đường nhìn về phía xa mạc gọi cha mẹ. Cha mẹ chúng bị vùi chết trong đợt bão cát tháng trước. Họ từ vùng Nội Mông di cư sang cho nên không có họ hàng thân thích nào cả. Nhìn hai đứa trẻ bé bỏng tội nghiệp tôi bỗng cảm thấy thương chúng vô cùng. Tôi nói với chị bảo mẫu:
-         Chị cứ về trước đi. Tôi sẽ thuyết phục và đưa chúng về sau.
-         Nín đi các cháu. Lên xe chú đưa đi tìm bố mẹ. Tôi nói với các cháu.
Chúng nhìn tôi đầy nghi ngờ. Nhưng cũng đồng ý để tôi bế lên xe. Tôi lái thẳng ra sa mạc đầy gió cát. Đi được khoảng 10 km tôi dừng xe và đỡ các cháu xuống xe. Chúng tôi đi bộ về phía các cồn cát nhấp nhô mênh mông đến tận chân trời. Tôi nhìn các cháu đứng bất động nhìn về phía chân trời xa thẳm mà lòng đầy thương xót. Trời về chiều, gió nổi và cát bắt đầu bay. Tôi kêu các cháu về mấy lần nhưng hình như chúng không nghe thấy tôi nói. Tôi biết lúc này mà làm căng thì coi như bao nhiêu công sức tôi bỏ ra từ chiều sẽ là công cốc. Tôi từ từ tiến đến quì xuống ôm hai đứa vào hai vai. Một lúc sau, tôi cảm thấy hai vai ướt đầm. Tôi biết chúng đã giải tỏa được tình cảm bị kìm nén bấy lâu. Tôi xoay mặt hai đứa lại, ôm chặt chúng và tôi đã khóc. Có lẽ tôi cũng là đứa trẻ mồ côi cha từ nhỏ cho nên tôi biết thế nào là thiếu thốn tình cảm và tôi đã dễ dàng đồng cảm với chúng. Chúng thấy tôi khóc chúng càng nép chặt vào người tôi như thể tìm kiếm sự chở che. Tôi nghẹn ngào nói với chúng là phải trở về vì trời đã tối và hứa ngày mai sẽ đưa các cháu trở lại. Các cháu líu díu theo tôi lên xe và chúng tôi trở về trong im lặng. 
Chiều hôm sau tôi xin phép trưởng đoàn về trung tâm tỉnh giải quyết việc riêng. Tuy nhiên Ông trưởng đoàn không đồng ý vì tôi mới về và công việc phải làm gấp cho kịp tiến độ. Loanh quanh mãi không được, cuối cùng tôi phải nói thật với Ông về chuyện hai đứa trẻ và lời hứa của tôi với chúng. Không ngờ Ông lại rất ủng hộ tôi và mắng tôi sao không nói trước. Tôi lái xe về ngay mặc dù đã muộn. Tôi cảm thấy ruột gan nóng bừng và lái xe với tốc độ tôi chưa bao giờ lái. Về đến Trung tâm trẻ mồ côi thì trời đã nhá nhem tối. Thật cảm động khi nhìn thấy hai cháu cùng cô bảo mẫu vẫn đứng bên cổng chờ tôi. Chị bảo mẫu nói là các cháu vẫn chưa ăn tối và cố gắng chờ tôi cho dù chị nói thế nào các cháu cũng không chịu vào nhà. Tôi xin lỗi hai cháu vì bận việc không kịp về đưa các cháu đi được. Tôi đưa các cháu vào nhà . Tôi cùng chị bảo mẫu hâm nóng lại cơm và thức ăn. Chúng tôi ăn cùng các cháu. Chị bảo mẫu rất sung sướng khi thấy các cháu ăn vui vẻ hết xuất cơm. Chị nói với tôi rằng kể từ hôm các cháu vào trại đến hôm nay mới thấy các cháu ăn được như vậy. Tôi về phòng ngồi chơi, đọc sách, kể chuyện cho các cháu nghe. Đến 10 giờ tối tôi chuẩn bị ra về thì thấy các cháu thẫn thờ, nước mắt lưng tròng. Cháu lớn sụt sùi nói với tôi:
-         Chú không ở lại với chúng cháu à? Chúng cháu sợ lắm. Các cháu run rẩy như lũ chim non mất tổ làm tôi thực sự thương cảm. Tôi nói với các cháu:
-         Được rồi, để chú đi xin phép các cô nhé.
Tôi gặp cô bảo mẫu trình bày ý muốn của tôi và các cháu. Chị Bảo mẫu đồng và đưa đến cho tôi thêm một chiếc chăn. Tôi đặt 2 chiếc đệm xuống sàn nhà và giải một chiếc làm ga. Chúng tôi 3 người ngủ chung. Tôi nằm giữa, hai cháu hai bên. Chúng ôm chặt tôi và nghe tôi kể chuyện cổ tích. Khi các cháu ngủ say, tôi nhẹ nhàng ngồi dạy đẩy hai đứa ngủ cùng nhau. Còn tôi ngồi nhìn các cháu ngủ mơ ú ớ gọi mẹ, mắt đầy nước mắt mà lòng đầy thương xót. Tôi ra ngoài ngắm bầu trời đầy sao và tự hỏi ngôi nào là tôi, ngôi nào là các cháu. Tôi mơ hồ cảm thấy bất an bởi không biết sau này các cháu sẽ sống ra sao.
Cứ như vậy trong suốt chuyến khảo sát tối tôi về ngủ với các cháu, sáng lại đến giàn khoan thăm dò làm việc. Thời gian thấm thoắt trôi đi. Chúng tôi gắn bó với nhau tự lúc nào không biết. Ngày trở về thủ đô cũng phải đến. Tôi rối bời không biết phải làm thế nào. Tôi thực sự không nỡ xa các cháu. Nhìn tôi cứ đi đi lại lại anh trưởng đoàn rất hiểu và thông cảm với tâm trạng của tôi lúc đó. Bỗng anh nói với tôi:
-         Này, sao cậu không nhận đỡ đầu và nuôi chúng nó?
Ôi, Thật tuyệt vời! Ý tưởng của anh như gáo nước mát lạnh dội vào lòng đang nóng như lửa đốt của tôi. Tôi nhảy cẫng lên, ôm chầm lấy anh và cảm ơn anh rối rít. Anh bảo tôi cứ về trại mồ côi trước chờ anh. Sáng hôm sau anh đến cùng tôi trình bày với Ban Giám đốc Trại về mong muốn của tôi. Họ cám ơn lòng tốt của tôi và cho tôi biết là tôi không được luật pháp chấp nhận vì tôi đang còn độc thân. Thật nan giải. Tôi mới quen bạn gái và chúng tôi chưa yêu nhau. Bạn gái tôi là giảng viên trường Đại học sư phạm. Cô ấy người thủ đô và anh trưởng đoàn cũng rất quen. Anh bảo tôi:
-         Sao cậu không gọi cho cô ấy và thử thảo luận xem?
-         Chúng em đã là gì của nhau đâu anh. Tôi trả lời anh.
Tuy nhiên tôi cũng điện ngay về và nói với em ý định của tôi. Tôi khẩn thiết đề nghị em cưới tôi. Em im lặng không trả lời tôi và bỏ máy. Tôi buồn bã nói với anh trưởng đoàn:
-         Hỏng rồi anh ạ. Cô ấy không đồng ý đâu.
-         Thế nó bảo sao? Anh hỏi tôi.
-         Cô ấy không nói gì và bỏ máy. Tôi trả lời.
-         Ôi cậu em ngốc nghếch của tôi!  Sự việc đột ngột như vậy mà cậu đòi người ta trả lời ngay được à. Tôi tin cô ấy sẽ sớm trả lời cậu thôi. Tớ sẽ xin phép ở lại cùng cậu đến khi xong việc. Anh vừa nói vừa cốc vào đầu tôi. 
 Chiều hôm sau khi tôi đang chơi cùng các cháu ngoài xa mạc thì thật bất ngờ anh trưởng đoàn đánh xe ra và gọi toáng lên:
- Misic ơi, đưa các cháu lại đây đón khách nào. 
Chúng tôi chạy đến và anh mở cửa xe. Ôi thật diệu kỳ... Bạn gái tôi đã bay đến trại trẻ mồ côi với tôi. Tôi thực sự xúc động vì biết rằng em đã đồng ý. Tôi ôm ghì lấy em, trao cho em nụ hôn dài thế kỷ. Tôi sung sướng trào nước mắt:
-         Cám ơn em, tình yêu của anh. Vì anh mà em hy sinh nhiều quá. Tôi thổn thức.
-         Ôi anh ngốc của em. Chả nhẽ em không đủ tư cách để xẻ chia cùng anh sao? Em sẵn sàng làm vợ anh vô điều kiện. Em cũng khóc vừa nói vừa hôn tôi. Tôi quay nhìn lũ trẻ đang ngơ ngác nhìn chúng tôi và gọi chúng:
-         Các con lại đây chào mẹ đi nào. 
Lũ trẻ chạy đến và hai chúng tôi ôm chặt chúng như sợ ai lấy đi mất. Anh trưởng đoàn nhìn cảnh đó cũng trào nước mắt. 
Ngay sáng hôm sau chúng tôi lên Ủy ban làm thủ tục đăng ký kết hôn. Chẳng biết anh trưởng đoàn trình bày thế nào mà chúng tôi được phá lệ cấp ngay giấy chứng nhận kết hôn. Thủ tục nhận đỡ đầu hai cháu cũng được làm ngay hôm đó. Thật diệu kỳ. Có lẽ trên thế gian này chỉ có hai vợ chồng tôi mới cưới nhau chưa đầy một ngày mà đã có hai đứa con. Chúng tôi trở về Ulanbator với sự đón chào rất đầm ấm của bạn bè, đồng nghiệp. Ban bảo trợ xã hội cấp ngay cho chúng tôi một căn hộ 3 phòng. Chúng tôi bắt đầu xây dựng cuộc sống mới...” 
Tôi nhìn anh đầy ngưỡng mộ và hỏi tiếp:
-         Thế anh chị nhận nuôi hai đứa trẻ tóc vàng thế nào ạ.
-         Đây là trường hợp hi hữu. Chúng tôi được nuôi chúng theo ủy quyền của Bố mẹ chúng. Anh trả lời. Tôi lại hỏi tiếp:
-         Thế Bố mẹ chúng đi đâu mà nhờ anh chị nuôi? . Anh nhìn ra xa phía sông Thon và nói như thì thầm với tôi:
-         Anh chị ấy mất rồi. 
Tôi thật sự choáng váng và ngồi im lặng không dám hỏi gì thêm nữa. Anh bắt đầu kể cho tôi nghe tiếp câu chuyện về hai đứa trẻ tóc vàng...
“... Như cậu đã biết do hai đứa trẻ chúng tôi nhận đỡ đầu ở tỉnh Gobi còn rất nhỏ cho nên vợ chồng tôi đã thống nhất với nhau chưa có con vội mà chờ khi chúng đi học mới sinh cháu. Ba năm sau khi cháu bé bắt đầu vào lớp một, chúng tôi mới quyết định sinh cháu. Ngày tôi đưa vợ đến nhà hộ sinh thì cũng là lúc tôi nhận được điện từ ban Giám đốc mỏ đồng Edennet. Bức điện yêu cầu tôi đến ngay Bệnh viện quốc tế để gặp bạn cũ của tôi là anh Volodia kỹ sư trưởng đang bị thương nặng. Anh Volodia vừa là thày vừa là bạn tôi. Anh đã dạy tôi rất nhiều khi tôi mới ra trường làm việc dưới quyền anh. Anh rất quí tôi và tôi cũng coi anh như anh trai của mình. Anh đang phải “gà trống nuôi con” vì vợ anh là người Mông cổ và là trợ lý của anh mới mất cách đây hai năm do bệnh ung thư dạ dày. Nghe tin anh gặp nạn mà ruột gan tôi như lửa đốt. Tôi lo cho anh và cho hai cháu. Tôi vội đến phòng chờ thông báo tình hình với vợ. Bà xã tôi mặc dù đang đau đẻ cũng bắt tôi phải đi ngay và gọi điện cho mẹ đến giúp. Tôi nói với vợ xin lỗi mẹ giúp vì công việc khẩn cấp. 
Khi tôi đến nơi thì anh đang phải cấp cứu. Tôi hỏi các anh trong Ban Giám đốc thì được biết anh bị thương nặng khi cứu người bị sập hầm. Một tảng đá lớn đã rơi hất anh bay ra khỏi xe ủi. Anh bị chùn và vỡ cột sống. Theo tiên lượng của bác sĩ thì cơ hội sống rất nhỏ. Sáng nay khi anh tỉnh lại anh có nhờ Ban Giám đốc gọi tôi đến để gặp có việc gấp. Không may vừa rồi anh lại bị cơn choáng mới và bị ngất đi. Một giờ...hai giờ....ba giờ chậm chạp trôi qua. Tôi cứ đi đi lại lại không sao ngồi một chỗ được. Bỗng cửa phòng cấp cứu mở. Bác sĩ trưởng đi ra thông báo là anh đã tỉnh và muốn gặp Ông giám đốc và anh Misic. Bác sĩ yêu cầu chúng tôi nói ít tránh sốc cho bệnh nhân. Tôi và anh Giám đốc vào. Anh nằm bất động trên xe giường. Mắt anh tươi lên khi nhìn thấy chúng tôi. Anh nói nhỏ nhưng nghe rõ:
-         Chào em. Anh đang muốn gặp em để nhờ em giúp. Anh biết là anh không sống được và Bố mẹ anh ở Nga cũng đã mất do đó anh muốn nhờ vợ chồng em nuôi giúp các con anh cho đến lúc trưởng thành. Tôi nghẹn ngào khóc nức lên và nói với anh trong nước mắt:
-         Không! Anh sẽ sống và anh phải sống vì các cháu.
Anh nói với anh Giám đốc:
- Dorch, Anh hãy viết hộ và làm chứng cho tôi vì tôi không thể viết được. 
Anh giám đốc lấy quyển sổ con trong túi ra và viết theo lời anh đọc: Tôi là V.Volodia cha của hai cháu V. Misa 12 tuổi và V. Ivan 10 tuổi ủy quyền cho anh P. Misic công tác tại Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo trợ và nuôi các cháu đến lúc trưởng thành. Anh Misic có toàn quyền sử dụng số tiền tiết kiệm của tôi là 150.000 tucric để nuôi dạy các cháu... Giọng anh cứ nhỏ dần. Anh liếc mắt sang bên và anh Giám đốc hiểu ý cầm ngón tay cái của anh, bôi mực và điểm chỉ vào tờ giấy. Sau đó anh Giám đốc ký tên người làm chứng và xé tờ giấy trao cho tôi. Lúc đó chúng tôi thấy hai mắt anh ứ đầy nước mắt. Tôi tiến đến lấy khăn tay thấm nước mắt cho anh và bỗng... anh nấc một cái, mắt anh trợn lên và bất động. Tôi biết anh đã ra đi. Tôi khóc òa thảm thiết. Hai tay vuốt mắt cho anh và tôi hôn vĩnh biệt anh. Tôi gào lên trong nước mắt:
- Anh ơi! Anh cứ an tâm ra đi. Vợ chồng em sẽ làm tất cả vì các cháu.
Nghe tiếng tôi khóc các bác sĩ chạy vào. Họ khám và thông báo là anh đã ra đi...
Ngày vợ tôi sinh cháu cũng là ngày tôi được thêm hai cháu nữa. Tôi thầm cám ơn số phận và không hiểu kiếp trước Ông bà tôi sống tu nhân tích đức ra sao mà đến đời tôi được hưởng nhiều đến như vậy. Dân tộc tôi có câu ngạn ngữ đại ý là đông con, đông của. Tôi thực sự giàu có vì tôi mới ngoài ba mươi mà đã có đến 5 con...”
Nghe đến đây tôi nói với anh:
-         Việt nam chúng em cũng có câu ngạn ngữ đó. Nhà đông con tuy vất vả nhưng sướng lắm anh ạ. Tôi hỏi tiếp anh:
-         Thế mấy đứa lớn chúng có hòa thuận với nhau không anh?.
-         Chúng thương yêu nhau lắm. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng chúng đã biết phân công nhau làm hết mọi việc. Từ ngày mẹ chúng sinh em bé chúng giành hết phần việc của mẹ để mẹ chăm em. Chắc hương hồn các anh chị ấy luôn theo dõi và giúp đỡ chúng tôi. Anh hãnh diện trả lời. 
Lúc đó Tuya, chị vợ cùng lũ trẻ đã quay trở về. Nhìn chúng nô đùa như trong một gia đình hạnh phúc tôi thầm cám ơn hai vợ chồng đó đã hy sinh ham muốn cá nhân, đã dùng tình thương và trách nhiệm của một con người để làm giảm đi những nỗi đau và tăng thêm niềm hạnh phúc trong cuộc đời.  
Tạm biệt vợ chồng anh và lũ trẻ, tôi cùng Tuya quay về bến xe cạnh vườn hoa trước nhà Quốc hội . Khi chia tay tôi nói với em:
- Cám ơn em. Hôm nay em đã giúp anh anh học được một bài học lớn về tình người

1 nhận xét:

Pham Hong Son nói...

Hay. Anh Quế Côi có cuộc sống phong phú lắm. Chúc anh và mọi người luôn mạnh khỏe và cuộc sống tốt đẹp. Phạm Hồng Sơn.

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)