Tổng số lượt xem trang

Trang

Chào mừng các bạn đến với "Motthoimongolia"





Số người online -----


web trends

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

TRỞ LẠI MÁI TRƯỜNG XƯA

.
Nguyễn Quế  Côi


Thật không ngờ chuyến công tác trở lại Mông Cổ của tôi thành công đến như vậy. Thông qua E-mail, lớp chúng tôi đã hẹn gặp lại nhau tại quảng trường Sukhbataar vào dịp lễ Naadam sau 35 năm tốt nghiệp. Nếu không thông báo trước có lẽ chắng thể nào nhận ra nhau được. Đại đa số ăn mặc quần áo cổ truyền. Ở tuổi xấp xỉ 60 tuy chưa phải chống gậy nhưng nhìn ai cũng thấy thể hiện rõ là lớp người thừa của xã hội. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng. Không phải riêng tôi mà chính các bạn sống tại Mông cổ có người cả chục năm chưa hề gặp nhau. Cảm động nhất là Thày phụ trách bị tai biến liệt cả người mà vẫn bắt con đưa đến gặp lại học trò cũ. Thày khi ấy là thày giáo trẻ mới tốt nghiệp được phân công làm chủ nhiệm lớp do đó luôn bị sinh viên trêu chọc. Chúng tôi bồi hồi kể chuyện với nhau về gia đình và công việc. Người còn, người mất nay gặp lại sau 35 năm thật sự cảm động.

Lớp Chăn nuôi khóa 1974-79. Hàng thứ 3 trên xuống, từ trái qua: anh Nguyễn Văn Hùng (người thứ 4), anh Trần Văn Hồi (người thứ 5) và anh Nguyễn Quế Côi (người thứ 6)


Lớp tôi có 42 sinh viên trong đó 39 sinh viên Mông Cổ và 03 sinh viên Việt Nam. Đến nay 09 bạn đã về với tổ tiên. 11 bạn do nhiều lý do không thể về gặp mặt được. Cuộc hội ngộ của 22 người chất đầy kỷ niệm.

Anh C ôi và các bạn học cùng lớp trước Quảng trường Xukh ơ Baatar

Chụp ảnh kỷ niệm xong chúng tôi đã cùng nhau về thăm trường cũ. Đoạn đường từ quảng trường vào trường không xa lắm mà phải đi mất gần một giờ. Ulanbator bây giờ đông đúc lạ thường. Cả thủ đô là một công trường xây dựng. Nhà cửa đua nhau mọc lên. Toàn bộ khu Zaisan cạnh trường và toàn bộ khu đất trống từ sông Thol kéo dài đến đường đi sân bay và công viên thiếu nhi bây giờ đã được lấp đầy bằng các cao ốc và các khu căn hộ cao cấp. Sát trường phía đồi Zaisan là khu dân cư cao cấp với các nhà hàng san sát. Khu đất trống trước cổng trường và sân bóng đá bây giờ đã trở thành khu dân cư với các nhà cao tầng đồ sộ. Ký túc xá cũ vẫn còn nguyên. Trước cửa nhà ở của giáo viên cũ bây giờ là khu ký túc xá dành cho sinh viên quốc tế. Trường đang đại tân trang để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường cho nên chúng tôi phải vào bằng cửa sau.

Anh C ôi (hàng đứng, thứ 3 từ phải qua) và các bạn cùng tổ

Cống sau trước đây đi ra con đường nhỏ bây giờ là đường lớn nối liền với Viện Chăn nuôi. Phía trong Viện trước đây là bệnh viện thực hành của Khoa Thú y còn bây giờ được xây khang trang thành Trường Đại học Thú y.

Cổng chính của Trường vẫn như xưa. Vườn cây xanh hai bên sân trường vẫn còn đó. Cả lớp bồi hồi ngắm lại cảnh vật xưa và quây quần bên nhau chụp ảnh tại chính nơi đã cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm ngày ra trường. Ngày ấy đông vui là thế mà giờ đây chỉ còn thế này thôi. Những khuôn mặt nhàu nát vì sự tàn phá của thời gian nhưng tràn đầy tình người đang ngơ ngác giữa cảnh cũ người xưa.

Lên bậc cầu thang chính là hành lang rộng và hội trường lớn nơi trước đây chúng tôi thường hòa nhạc và khiêu vũ. Hành lang ngày chúng tôi học được đánh vecni bóng lộn. Lao công phải dùng mùn cưa ẩm để lau bụi hàng ngày. Nay do tàn phá của thời gian, sàn đã bị hỏng và được sơn toàn bộ. Sàn hành lang của các khoa bây giờ đã bị mục nát và đang được bật lên thay toàn bộ. Các phòng học, phòng thí nghiệm cũng đang được sơn lại tường và sửa lại sàn nhà. Toàn bộ công trình sửa chữa, tân trang đang được gấp rút hoàn thành trước ngày khai giảng năm học mới và ngày kỷ niệm 70 năm thành lập trường.

Cả lớp ngồi quanh bàn hàn huyên lại chuyện xưa. Lớp Trưởng thay mặt toàn thể học sinh cũ chúc sức khỏe Thày chủ nhiệm và gửi đến thày tình cảm và quà lưu niệm của lớp nhân 35 năm ngày ra trường. Một bạn là nhà văn tặng Thày và cả lớp vài tác phẩm đã in và một bạn là nhà thơ đã đọc một bài thơ mới sáng tác nhân dịp kỷ niệm 35 năm tốt nghiệp về thời sinh viên. Bài thơ thật cảm động đã làm thày trò cả lớp ngập tràn nước mắt. Sau một vài bài cảm tưởng đậm tình nghĩa thày trò, chúng tôi chia tay để Thày về nghỉ. Thày ngồi xe lăn hai má chảy dài nước mắt lúc chia tay làm cả lớp nghẹn ngào lưu luyến và thầm cầu mong còn có dịp được gặp lại Thày…

Sau đó cả lớp đến tượng đài Quán Thế Âm cạnh Trường để thắp nến cầu siêu cho 9 bạn đã đi trước về cõi vĩnh hằng. Xe tiếp tục đưa đoàn về khu nghỉ mát gần tượng đài Chingis-Khan. Tượng đài được xây dựng trên khu đồi không cao lắm. Quần thể tượng đài gồm vua , vợ vua và các công trình phụ trợ.

Bức tượng uy nghi nhìn về phía Nội Mông đầy suy tư. Người hành hương chắc cũng thấu hiểu tâm sự nung nấu tâm can của Người: Lãnh thổ. Vấn đề đó không chỉ của riêng Mông cổ mà còn của nhiều nước khác đang ngày đêm đấu tranh vì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Chúng tôi từng người tóm tắt cho cả lớp nghe về cuộc sống gia đình, công việc kể từ ngày ra trường. Kể xong mỗi người phải hát một bài. Không khí thật vui y hệt thời sinh viên. Kế hoạch là sẽ nghỉ đêm và đốt lửa trại tại khu nghỉ. Tuy nhiên do Hội đồng Trường thay đổi lịch hẹn tiếp đoàn Cựu sinh viên Việt nam vào 10:00 sáng hôm sau cho nên chúng tôi phải rút ngắn cuộc vui. Ăn, hát, nhảy... cứ như vậy kéo dài đến 11:00 tối. Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn. Chúng tôi trở về Ulanbator trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Bài hát kỷ niệm thời sinh viên cứ vang mãi không ngừng. Chúng tôi chia tay trong muôn vàn cảm xúc và hẹn ngày tái ngộ. Các bạn hẹn sẽ ra sân bay tiễn tôi. Tôi về đến khách sạn đúng 3:20 đêm.

Có lẽ trong cuộc đời không có nhiều người đạt được hết những ước muốn. Tôi thật may mắn là một trong những người đó. Chuyến công tác “Thăm lại mái trường xưa” đã giải tỏa được nhiều nỗi nhớ nhung , trăn trở trong tâm hồn tôi suốt 34 năm. Gặp lại những người xưa, trả được phần nào món nợ ân nghĩa của một thời gian khó đã làm vơi đi nỗi khắc khoải trong tôi. Giờ đây tôi đã hoàn toàn mãn nguyện về quãng đời 7 năm của một thời trai trẻ.

Xin trân trọng cám ơn Người.

Hà Nội, tháng 9/2012

Không có nhận xét nào:

Chào mừng các bạn đến với MỘT THỜI MONGOLIA ĐỂ NHỚ

Chụp ảnh kỷ niệm những người đang sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh nhân Quốc khánh Mongolia 1993 (từ trái qua: Bình, Hoàng, Hạnh, Đại, Tý, Việt, Đạt, Huân)